Tạo cơ chế, môi trường cho văn hóa phát triển

Văn hóa từ bao đời nay vẫn luôn là yếu tố định hình lên bản sắc, nét riêng biệt cho mỗi vùng đất, mỗi dân tộc. Không chỉ song hành với người dân trong bảo vệ, xây dựng và phát triển, văn hóa cũng góp phần định hướng, đào tạo Nên con người mới trong những giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Để văn hóa có thể thực thi tốt vai trò của mình bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân thì cần phải có những chính sách, luật định... tạo cơ chế, môi trường để văn hóa phát triển.

Bức ảnh Xe đạp và hoa của tác giả Nguyễn Phúc Thành đoạt giải ảnh quốc gia cuộc thi ảnh quốc tế Sony 2022

Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25/11/1946 từng trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có đoạn: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. 

Cũng tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã nhấn mạnh: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Để thực hiện lời dạy của Bác, nhiều chính sách hướng tới văn nghệ sĩ đã được thực thi như tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ đi thực tế, tham gia ba cùng với nhân dân. Những chuyến đi ấy đã giúp các văn nghệ sĩ thâm nhập, hiểu thêm về cuộc sống lao động, chiến đấu của quân và dân Việt Nam ở những vùng miền khác nhau. Chính những cuộc đi ấy đã góp phần xây dựng nhân sinh quan, lý tưởng của mỗi cá nhân nhà văn hòa vào lý tưởng thời đại, Tổ quốc để làm nên những tác phẩm phản ánh, soi đường cho công chúng. 

Nhiều nghệ sĩ đã có những thay đổi khi thâm nhập thực tế. Nhà văn Nguyễn Minh Châu - một tác giả có nhiều truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết viết về chiến tranh như Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành, Dấu chân người lính… đã từng viết: “Nhà văn là một người rất nặng nợ với đời, tôi đặt cho mình một nhiệm vụ phải có trách nhiệm với con người”. Ông cũng quan niệm rằng: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra! (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009).

Hàng loạt tác phẩm đã ra đời sau những chuyến “thâm nhập thực tế” như Vợ chồng A Phủ nằm trong Truyện Tây Bắc gồm 3 truyện (Cứu đất cứu mường, Mường Giơn và Vợ chồng A Phủ) viết năm 1953, ngay sau chuyến thâm nhập thực tế Tây Bắc của tác giả. Tập truyện này được tặng Giải Nhất, Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 -1955.

Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá” và “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Vợ chồng A Phủ đã trở thành truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập Truyện Tây Bắc, cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn xuôi Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Với những chuyến thâm nhập thực tế ấy, nhà văn không còn dừng ở sự quan sát từ bên ngoài mà đã hoà nhập vào số phận, cuộc đời các nhân vật. Nhà văn Anh Đức (tên thật là Bùi Đức Ái) từ những gắn bó với thực tiễn đã có hai tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), Hòn đất (1965) mô tả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thành công của ông là xây dựng được hai biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam là chị Tư Hậu và chị Sứ đại diện cho rất nhiều phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh từ hai nguyên mẫu là Nguyễn Thị Huỳnh và Phan Thị Ràng mà ông tiếp xúc, gặp gỡ ngoài cuộc sống. 

Với chính sách đưa văn nghệ sĩ xuống thâm nhập thực tế, ba cùng ấy hàng loạt bộ môn nghệ thuật đã có những tác phẩm khắc họa sâu sắc tinh thần thời đại. Thâm nhập thực tế đã trở thành chìa khóa để có nhiều tác phẩm hay ra đời động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ chung một lý tưởng, một mục đích là giải phóng đất nước. Những bộ phim đầu tiên như Chung một dòng sông, Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Vợ chồng A Phủ… không chỉ có các thành phần sáng tác chính như biên kịch, đạo diễn, họa sĩ… mà các diễn viên cũng phải đi thực tế để hiểu, để ngấm với bối cảnh, nhân vật mà mình sẽ hóa thân. 

Với các ví dụ cụ thể, có thể thấy cơ chế, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với văn hóa đã cho ra đời những tác phẩm gắn với thực tế trong từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau.

Cần cơ chế, môi trường cho văn hóa phát triển 

Khi đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng, cơ chế thị trường đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa. Ở một số thời điểm, góc nhìn thị trường đã khiến văn hóa có lúc, có nơi bị xem nhẹ, chưa tương xứng với sự phát triển của kinh tế, xã hội. 

Khi đàm phán gia nhập WTO, trong bối cảnh sản xuất phim trong nước lúc đó còn hạn chế, Việt Nam không cam kết hạn ngạch phim nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện cho các công ty điện ảnh liên doanh với nước ngoài nhập phim vào Việt Nam. Nhưng cũng chính việc không có hạn ngạch trong nhập khẩu phim đã trở thành thách thức với điện ảnh trong nước khi thị trường Việt Nam thành nơi phổ biến các phim của thế giới khi có đến hơn 200 bộ phim nước ngoài được nhập về chiếu mỗi năm (trước khi có dịch COVID-19 bùng phát ). Một con số áp đảo khi phim trong nước ở thời điểm bùng nổ nhất cũng chỉ là 40 - 50 phim được sản xuất mỗi năm. Thực tế đó đã đặt điện ảnh Việt Nam trong một cuộc cạnh tranh không cân sức. 

Nếu điện ảnh phải đối mặt với áp lực cạnh tranh quốc tế thì một số ngành nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... lại chưa có được những cơ chế, môi trường, chiến lược bảo hộ hữu hiệu giữa cơn lốc thị trường. Đã có lúc, có nơi văn hóa bị thả nổi, tự do phát triển trong cơ chế thị trường và đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật xa rời những vấn đề thực tiễn lớn lao của đất nước, làm lung lay lý tưởng, nhận thức và các giá trị, thước đo xã hội của công chúng. 

Một ảnh trong bộ "Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19" của tác giả Huỳnh Văn Truyền đoạt giải Nhất cuộc thi "Tự hào một dải biên cương"

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã quyết tâm đưa văn hóa lên một tầm cao mới khi tiếp tục khẳng định đặt văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị và xã hội. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến luận bàn đến việc cần thiết phải xây dựng những cơ chế, chính sách thúc đẩy văn hóa phát triển. Trong đó, hệ thống đào tạo nghệ thuật (Nhà nước và xã hội hóa) cũng cần có những thay đổi cho phù hợp để vừa đảm bảo yếu tố phát huy văn hóa dân tộc vừa khuyến khích các tài năng phát triển. Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa. Trong công tác bảo tồn, cần thống kê, sưu tầm, biên soạn những bản nhạc, truyện cổ, bản vẽ, bản khắc, tăng cường bảo vệ các bản phối cổ cũng như quan tâm truyền bá cho các thế hệ tiếp theo di sản của các tộc người hay những di sản phi vật thể đang có nguy cơ mất đi. Cũng cần có những chính sách đối với những nghệ nhân, đặc biệt những người có đóng góp to lớn cho văn hóa. Những quy định về danh hiệu ngoài định lượng là bao nhiêu giải thưởng cũng phải tính đến đặc thù của những bộ môn, những thời kỳ chưa có các kỳ thi để xét thưởng, tranh giải. Đối với những nghệ nhân có tầm ảnh hưởng với nghề nghiệp và công chúng, cần một chính sách ưu đãi và có kế hoạch sưu tầm, ghi âm, ghi hình khi thời gian của họ không còn nhiều và vốn cổ, vốn văn hóa họ sở hữu có thể mất đi cùng họ bất cứ lúc nào…

Những năm gần đây, một số hội nghề nghiệp như sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh… cũng có những hình thức tài trợ như đi thực tế, tài trợ sáng tác, tài trợ chuyên sâu, đi trại hay các cuộc thi nhưng dường như chưa đủ rộng, đủ sâu để thực sự khuyến khích, động viên, thu hút các nghệ sĩ. Những hoạt động đó chưa đủ sức thúc đẩy nghệ thuật phát triển.

Nên chăng, Nhà nước cần giữ vai trò định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và cả kinh phí để có những đường hướng, đầu tư bài bản, chuyên sâu và cần có những tổng kết, đánh giá, thậm chí là rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ, mỗi kế hoạch 3 - 5 năm cho mỗi đợt vận động, tài trợ, sáng tác hay liên hoan, chấm thi, trao giải. Chỉ khi có một chiến lược đủ dài, đủ rộng và sự sát sao với các mục tiêu đã đề ra mới hy vọng văn hóa có được một môi trường thuận lợi để phát triển.

Ngoài các chính sách, các hoạt động về chấn hưng văn hóa, cần những nghiên cứu chuyên sâu về bảo tồn, lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Đây cũng là một sức mạnh, một sự khác biệt trong thế giới ngày càng hội nhập. Làm sao để mỗi khi một bản nhạc cất lên, một thước phim chiếu ra, một tà áo phấp phới, một bức ảnh xuất hiện… công chúng nhận ra đó là đất nước, là văn hóa, là bản sắc của Việt Nam. Muốn như vậy thì phải lên kế hoạch, có những hoạt động, tuần lễ, chương trình giới thiệu một cách bài bản văn hóa, bản sắc của Việt Nam ra thế giới qua các chương trình ngoại giao văn hóa qua âm nhạc truyền thống, ẩm thực truyền thống, du lịch văn hóa hay áo dài…

Muốn văn hóa phản ánh hết tinh thần, hồn cốt của thời đại thì bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cá nhân, sự hỗ trợ, ủng hộ, định hướng của nhà nước rất quan trọng trong việc tạo cơ chế, chính sách, môi trường, kinh tế... để văn hóa duy trì và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;