Dấu ấn "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2022

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022” tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), được tổ chức từ ngày 16 -19/4, là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Các ngày diễn ra sự kiện với không khí tưng bừng, náo nức , đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình của đồng bào các dân tộc và đông đảo du khách.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham quan triển lãm Sen - Ảnh: Tuấn Minh

Đây thực sự là động lực to lớn, khích lệ tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, trong bối cảnh đất nước ta đã bước vào giai đoạn kiểm soát được đại dịch COVID-19, đưa mọi mặt hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường mới.

Tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc

Tham gia các hoạt động chào mừng Ngày hội năm nay có 17 cộng đồng dân tộc đến từ 13 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Trong đó: 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Khơ Mú (Nghệ An); Mông (Hà Giang); Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (TP. Hà Nội); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Đồng bào được huy động tham gia sự kiện: 30 người dân tộc Dao (Vĩnh Phúc); 30 người dân tộc Gia Rai (Đắk Lắk); 30 người dân tộc Thái (Thanh Hóa); 15 người dân tộc Khmer (Sóc Trăng).

Tái hiện lễ cầu an, cầu phúc của đồng bào Tày, tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào Dao và triển lãm trưng bày không gian “Sen trong đời sống người Việt” là những hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2022. 

Lễ cầu an, cầu phúc của đồng bào người Tày ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là một nghi lễ hết sức quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi thì sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy… Lễ được tổ chức vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm… Lễ cầu an, cầu phúc là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, một sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của đồng bào Tày vùng cao phía Bắc.

Trình diễn áo dài trong Không gian Sen - Ảnh: Tuấn Minh

Cũng trong ngày đầu tiên trong chuỗi sự kiện, “lễ cấp sắc” một phong tục đẹp, nét văn hóa đặc trưng riêng có của người Dao huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cũng được tái hiện. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, cấp sắc là nghi lễ bắt buộc nhằm công nhận sự trưởng thành. Nếu người đàn ông nào chưa thực hiện nghi lễ này, thì dù lớn tuổi đến đâu vẫn chỉ được coi là một đứa trẻ. Đây là nghi lễ độc đáo của người Dao quần chẹt ở bản Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô hiện còn được giữ gìn, bảo tồn cho đến ngày nay. Lễ cấp sắc thường được người Dao tổ chức vào mùa Xuân hoặc những tháng cuối năm và đến nay vẫn được thực hiện ở hầu hết các gia đình đồng bào Dao. Đây cũng là một cách hữu hiệu để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của văn hóa truyền thống.

Đa sắc, khoe sắc…

Phát biểu tại Lễ khai mạc “Không gian Sen trong đời sống văn hóa Việt”, một hoạt động điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ VHTTDL tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tôn vinh, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Trong đó Không gian Sen trong đời sống văn hóa Việt là một trong những hoạt động chính của sự kiện, góp phần tôn vinh hình ảnh hoa sen gắn với sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và hoa sen trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung. Đây cũng là dịp để đồng bào và du khách tham quan thưởng lãm, lưu giữ lại những hình ảnh đẹp tại không gian này”.

Không gian “Sen trong đời sống văn hóa Việt” do Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thực hiện là một điểm nhấn ấn tượng trong dịp này.100 bức ảnh sen của các nhiếp ảnh gia trong nước đã được giới thiệu. Đây là những bức ảnh được lựa chọn trong hơn 500 bức ảnh sen của nhà sưu tập - Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, không gian sen với hàng ngàn bông sen tươi của Đồng Tháp và Huế cùng hoa sen làm bằng các chất liệu thiên nhiên gắn với môi trường tạo nên sự đa dạng của sen, được giới thiệu trong Không gian “Sen trong đời sống văn hóa Việt” tạo nên khung cảnh đẹp, lý tưởng để phái nữ và đồng bào về tham dự “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” chụp ảnh, check-in lưu giữ lại những hình ảnh, kỷ niệm đẹp. Tại đây cũng đã diễn ra các hoạt động đặc sắc: trình diễn áo dài sen của các nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy và Hàn Phượng; trình diễn pha trà sen của các nghệ nhân; trưng bày 5 cặp xe Peugeot cổ trong bộ sưu tập của kỷ lục gia thế giới Đào Xuân Tình.

Ngoài ra, trong ngày đầu còn diễn ra nhiều tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ hết sức đặc sắc đến từ đồng bào các dân tộc anh em. Trong đó có tiết mục hát then của đồng bào dân tộc Tày. Cô Nguyễn Thị Xuyến, nghệ nhân hát then đến từ Thái Nguyên chia sẻ: “Đặc trưng văn hóa văn nghệ của dân tộc Tày là môn đàn tính hát then. Người hát then phải biết đánh đàn và ngược lại. Hát then có hai loại then. Thứ nhất là then cổ, thường được hát trong các nghi lễ cầu an, cầu phúc, giải hạn. Còn then mới thì được dùng trong các lễ hội, bất cứ khi nào mọi người có chuyện vui hoặc giải trí sau ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng hiện nay giới trẻ người Tày biết chơi đàn tính cũng dần ít đi, chính vì vậy rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của những nhà quan lý văn hóa để các điệu hát cổ được giữ gìn và lưu truyên cho các thế hệ mai sau”.

Trong ngày đầu tiên diễn ra Ngày hội, có thể thấy được sự hào hứng của các du khách khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ai nấy đều hòa mình vào các trò chơi dân gian như: ném còn, bập bênh, đi cà kheo, đánh đu…

Chị Nguyễn Thị Tân đến từ Hòa Bình hồ hởi cho biết: “Nhà tôi đến đây cũng khá gần, lại vào cuối tuần nên quyết định cho con đến trải nghiệm các trò chơi dân gian. Nghỉ học online ở nhà nên lâu rồi con mới có một không gian rộng lớn để vừa thư gian vừa có dịp chơi các trò chơi mà hiện nay các cháu ít được nhìn thấy”.

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn tái hiện Lễ Kin chiêng boọc mạy, là một lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái xứ Thanh; tái hiện Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai; tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; chương trình giao lưu “Ngày hội vùng miền các dân tộc phía Bắc”; trình diễn giai điệu Tây Nguyên “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”... 

Trình diễn của đồng bào Tây Nguyên tại Ngày hội - Ảnh: Tuấn Minh

Tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, đoàn nghệ nhân, diễn viên của huyện Trần Đề, Sóc Trăng đã thu hút khá đông du khách tới không gian của làng dân tộc Khmer bởi những tiết mục trình diễn dân ca, dân vũ sôi động. Nghệ sĩ Thạch Chăm Rơn, Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng cho biết, năm nay, đoàn chọn 13 nghệ nhân, diễn viên tham gia ngày hội, chủ yếu là lực lượng trẻ. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Sóc Trăng, nhiều câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer nơi đây như: dân ca, múa rom vong, dù kê, rô băm... thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Hội tụ về làng, những ngày qua, bên cạnh trình diễn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng, các nghệ nhân, diễn viên còn tham gia trình diễn, giao lưu với các làng khác, khoe các điệu múa rom vong, trình diễn nhạc ngũ âm - là những loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp vào “vườn hoa” đậm sắc màu của ngày hội văn hóa.

Cùng với đó là các hoạt động như: giới thiệu không gian trưng bày, chế tác giới thiệu nghề truyền thống, diễn xướng, hòa tấu biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực…

Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình là chủ trương trong các hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, sự tham gia của đồng bào các dân tộc vào các hoạt động thường ngày đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thu hút khách du lịch. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban quản lý luôn quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc, vì vậy, Ban quản lý đã phối hợp với các địa phương đưa các nhóm cộng đồng về tham gia hoạt động. Họ đã rất tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hóa của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.

Đặc biệt, ngày 18/4, Diễn đà văn hóa “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” đã diễn ra trong không khí sôi nổi , là dịp để cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như những bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở... Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã đóng góp ý kiến, tập trung vào một số nội dung như: phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay…

Có thể nói, các hoạt động của “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022” tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;