Tăng cường hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng trong sự nghiệp phát triển văn hoá

     ​​​​​​​Hệ thống thông tin đại chúng phát triển không chỉ thúc đẩy dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội, mà còn góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ ban hành năm 2009 đã khẳng định: “Hệ thống thông tin đại chúng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền văn hóa của đất nước. Thông tin đại chúng là phương tiện chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng, đồng thời, bản thân thông tin cũng là một dạng thức văn hóa đặc thù, có tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với công chúng”.

 

     1. Vai trò của thông tin đại chúng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa

     Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, quan tâm phát triển và quản lý báo chí cũng như các loại hình thông tin đại chúng. Báo chí được xác định là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

     Trong thời gian qua, hệ thống báo chí, thông tin đại chúng nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như năm 2008, cả nước có 702 cơ quan báo chí, trong đó: 634 cơ quan báo chí với 174 báo in, 459 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình, 1 đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng nghìn trang web có nội dung cung cấp thông tin, và gần 15 nghìn nhà báo được cấp thẻ (1) thì tính đến tháng 12-2018, theo thống kê của Bộ TTTT, cả nước có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in; 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cơ quan chức năng đã cấp 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Ngoài 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, còn có 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 278 kênh, 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Gần 18 nghìn nhà báo được Bộ TTTT cấp thẻ đang ngày đêm chuyển tải thông tin nóng hổi đến bạn đọc cả nước (2).

     Bên cạnh việc yêu cầu báo chí không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, khoa học công nghệ và nghề nghiệp, Đảng ta cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước. Tại Nghị quyết số 03-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng khóa VIII, Đảng ta đã xác định: “...phối hợp hoạt động của các loại hình thông tin, báo chí, giữa thông tin, báo chí với các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật... Tận dụng thành tựu của mạng internet để giới thiệu công cuộc đổi mới và văn hóa Việt Nam với thế giới, đồng thời có biện pháp hiệu quả ngăn chặn, hạn chế tác dụng tiêu cực qua mạng internet cũng như qua các phương tiện thông tin khác”.

     Đến Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI, Đảng đề ra yêu cầu: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên... Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu; nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.

     Có thể nói, báo chí, các loại hình thông tin đại chúng được xác định có một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước, điều này đặt ra trách nhiệm lớn lao cho những người làm báo, người làm công tác truyền thông không ngừng hoàn thiện bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng trọng trách được giao.

     2. Vài nét về thực trạng hoạt động của hệ thống thông tin đại chúng trong sự nghiệp phát triển văn hóa

     Báo chí nước ta trong thời gian qua, bên cạnh việc thông tin, phản ánh kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước còn là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp nhân dân, phản biện kịp thời các chính sách xã hội. Đồng thời, báo chí cũng đóng góp tích cực trong việc chuyển tải các giá trị văn hóa, góp phần hình thành đạo đức, lối sống, nhân cách con người. Nói cách khác, báo chí đã đẩy mạnh truyền thông văn hóa, phản ánh phong phú, đa dạng và sinh động những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, những ứng xử, việc làm tốt đẹp của con người trong xã hội hôm nay. Ngoài ba Bộ: VHTTDL, Quốc phòng và Công an có tạp chí văn nghệ, văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành, nhiều cơ quan báo chí của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các báo điện tử…đã mở các chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ phục vụ đông đảo bạn đọc. Không chỉ hội văn nghệ chuyên ngành T.Ư, hầu hết các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương đều có cơ quan báo chí công bố nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhất là các sáng tác mới, bám sát hơi thở cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là các đài phát thanh, truyền hình như VOV, VTV, HTV… đã dành nhiều thời gian và dung lượng cho văn hóa như: chương trình sân khấu, ca nhạc, chương trình phim Việt Nam, thi tiếng hát cải lương, thi hát dân ca..., góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều đài phát thanh, truyền hình địa phương cũng đã phát thêm các chương trình văn hóa bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình tọa đàm văn hóa; truyền hình trực tiếp các ngày hội văn hóa đặc sắc ở các vùng miền, cũng như quảng bá các di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh gắn liền với phát triển du lịch… đã góp phần khơi dậy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta tới bạn bè quốc tế.

     Bên cạnh đó, báo chí cũng đã có có nhiều tin, bài về gương người tốt việc tốt, biểu dương những nét đẹp nhân ái trong cuộc sống hằng ngày: các chương trình thiện nguyện, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Nhiều cơ quan báo chí còn lập quỹ, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, các trường hợp khó khăn, thể hiện trách nhiệm với xã hội…

     Đồng thời, báo chí cũng đã vào cuộc, cảnh báo, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa như di tích bị xuống cấp, xâm hại; nạn chảy máu cổ vật, thương mại hóa trong lễ hội... Báo chí cũng đã phê phán các hiện tượng tiêu cực tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và quần chúng như gần đây là vụ AVG (Báo Thanh Niên), vụ thỉnh vong ở chùa Ba Vàng (Báo Lao Động)... Một số cơ quan báo chí đã đăng tải kịp thời bài viết, ý kiến của các nhà văn hóa phân tích, phê phán các hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn trong một bộ phận giới trẻ, người mẫu.

     Bên cạnh những ưu điểm kể trên, hoạt động báo chí, thông tin đại chúng cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là: “Chất lượng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được công bố chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội… Chuyên mục văn hóa - văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu tính định hướng trong việc hình thành nhân cách, thẩm mỹ, thói quen, lối sống của thế hệ trẻ, chủ yếu đi sâu moi móc chuyện đời tư của diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng, đặc biệt đăng quá nhiều hình ảnh ăn mặc hở hang, phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam”(3). Không ít báo có nhiều bài viết mô tả vụ án rùng rợn, ly kỳ, quá tỉ mỉ, gây ngột ngạt, tâm lý bi quan về xã hội cho người đọc. Chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ của một số tờ báo Bộ, ngành chưa sâu sắc, chưa chú ý gây dựng những phóng viên, biên tập viên có trình độ tay nghề cao; vẫn còn có tình trạng cử phóng viên mới vào nghề đi viết văn hóa, thậm chí có những tờ báo chỉ có 1 phóng viên viết về tất cả các lĩnh vực chuyên ngành của văn hóa. Sức lan tỏa của nhiều tờ báo, tạp chí chuyên ngành văn hóa, văn nghệ cả ở trung ương và địa phương còn hạn chế do số lượng in, số kỳ xuất bản còn khiêm tốn trước sự bùng nổ của thông tin trên internet…

     3. Một số giải pháp để hệ thống thông tin đại chúng phát huy hữu hiệu

     Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta lại sống trong thời đại mà công nghệ thông tin đặc biệt là internet, kỹ thuật số bùng nổ như hiện nay. Theo thống kê năm 2018, “với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, xếp thứ 15 thế giới; trong đó tỉ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người dùng”(4). Không chỉ tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình, mà công chúng giờ đây đã có thói quen nắm bắt thông tin qua internet với sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, mạng xã hội…Chỉ với một chiếc điện thoại mà ai cũng có thể thành người đưa tin: vừa là người viết, chụp, quay clip (như vai trò của một phóng viên), đăng tải thông tin, livestream (như vai trò của “tổng biên tập”). Những thay đổi mau lẹ đó đã tác động sâu sắc đến hoạt động báo chí. Không chỉ với báo chí nước ta, mà với nhiều quốc gia khác trên thế giới, lượng phát hành báo in và doanh thu quảng cáo, kể cả với truyền hình - phát thanh đã sụt giảm rõ rệt, các cơ quan báo chí phải thay đổi công nghệ làm báo nếu không muốn bị tụt hậu. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội đã bộc lộ những mặt trái: tin giả, tin không kiểm chứng tràn lan, thông tin độc hại, phản văn hóa, thậm chí phản động bùng phát… Gần đây, dư luận xã hội bức xúc trước những hiện tượng phản cảm trên YouTube như các kênh có nội dung bạo lực, giang hồ…

     Chính trong bối cảnh như vậy, báo chí càng phải thể hiện sứ mệnh và vai trò quan trọng của mình trong việc định hướng thông tin, thể hiện sự tin cậy, nhân văn, sâu sắc, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đã nhấn mạnh: “... chúng ta cổ vũ nhà báo, phóng viên bám sát cuộc sống sinh động, tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những điển hình tiêu biểu, phản ánh những điểm sáng tích cực, kể những câu chuyện hay về công dân, nông dân, tri thức, doanh nghiệp, sự hy sinh của người lính… hướng con người ta đến những điều tốt đẹp; đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiệp vụ, đồng thời, phải gắn liền phê phán mạnh mẽ, quyết liệt về sự yếu kém, dễ dãi trong nghiệp vụ của những người viết báo, những cơ quan báo chí” (5).

     Đặt trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị tổng kết Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, càng nhận thức sâu sắc về một kế sách có tầm vóc hết sức quan trọng, định hình và xác lập “sức mạnh mềm” của dân tộc trong 10 năm, một lĩnh vực mà như Bác Hồ đã nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

     Ở góc độ người làm công tác truyền thông, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp về tăng cường hiệu quả công tác thông tin đại chúng trong sự nghiệp phát triển văn hóa như như sau:

     Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, cũng như những định hướng của các cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước về báo chí. Tăng cường dung lượng, thời lượng thỏa đáng cho các chương trình văn hóa, nghệ thuật, chú trọng tuyên truyền những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, những bộ môn nghệ thuật truyền thống, phong tục, tập quán, lối sống, ứng xử tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền các di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch đặc biệt là ra nước ngoài, qua đó nâng cao hình ảnh, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Bên cạnh đó, báo chí cần tích cực tuyên truyền những nhân tố mới trong lao động, sản xuất, những tấm gương người tốt, những mô hình gia đình/ làng bản/ khu dân cư văn hóa tiêu biểu; có những chương trình, bài viết định hướng kịp thời thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Đồng thời, đấu tranh với các biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa; những tiêu cực lãng phí, tham nhũng, quan liêu, suy thoái đạo lối sống trong xã hội.

     Thứ hai, các tòa soạn cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, bản lĩnh chính trị cũng như nâng cao nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên nói chung và các phóng viên, biên tập viên chuyên ngành văn hóa, văn nghệ nói riêng. Bản thân trong khâu tuyển dụng các phóng viên chuyên ngành văn hóa, các tòa soạn cần cân nhắc lựa chọn nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, các tòa soạn, nhất là các cơ quan báo chí chuyên ngành văn hóa, văn nghệ cần có kế hoạch bài bản, dài hơi trong việc tổ chức mời gọi các chuyên gia văn hóa, lãnh đạo các cơ quan quản lý văn hóa tham gia viết bài, phát biểu ý kiến kịp thời trước những vấn đề nóng về văn hóa mà dư luận bức xúc, quan tâm. Tổ chức xây dựng các chuyên đề sâu về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, qua đó không chỉ định hướng dư luận mà còn có những đề xuất, kiến nghị thiết thực về cơ chế, chính sách văn hóa với cơ quan quản lý nhà nước.

     Thứ ba, các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới quy trình, công nghệ làm báo để thích ứng với thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả hôm nay, chú ý phát triển đa phương tiện, đa nền tảng trên môi trường kỹ thuật số, góp phần lan tỏa nội dung thông tin. Hiện nay, cả nước đang triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, nhằm sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; “khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích” (6). Đây là dịp các cơ quan báo chí bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, nhân sự theo quy hoạch còn là dịp nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và công nghệ.

     Thứ tư, Bộ VHTTDL, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tọa đàm, trao đổi chuyên đề cho các phóng viên chuyên ngành văn hóa, văn nghệ không ngừng nâng cao kiến thức, phục vụ tốt cho công tác nghiệp vụ. Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý, thông tin và truyền thông và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, các trường Đại học đào tạo chuyên ngành báo chí cần tiếp tục tăng cường các khóa học bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là với các loại hình truyền thông mới.

     Thứ năm, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm có chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chuyên ngành về văn hóa, văn nghệ, về cơ chế tài chính, nhất là về thuế; có chính sách đặt hàng với một số loại hình báo chí đặc thù (phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa) để các cơ quan báo chí yên tâm làm tốt công tác chuyên môn được giao.

______________

     1, 3. Đỗ Quý Doãn, Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2015, tr.21; tr.200, 203.

     2. Tài liệu Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2018.

     4. anninhthudo.vn.

     5. vietnamnet.vn.

     6. Quyết định 362/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

 

Tác giả: Hoàng Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;