Tác động của truyền thông đại chúng đối với phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay

Trong quá trình đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế ngày càng sôi động hiện nay, truyền thông đại chúng đang đảm nhiệm những vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

1. Truyền thông đại chúng

Loài người sẽ không thể tồn tại với tư cách là một cộng đồng xã hội, nếu không có hoạt động giao tiếp trao đổi thông tin. Thông tin (information), trước hết chính là sự phản ánh nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan và các hoạt động của con người. Nhân loại luôn có nhu cầu tiếp nhận các thông tin bằng nhiều cách khác nhau thông qua giao tiếp, truyền thông. Thuật ngữ truyền thông (communication), được giải thích có cội nguồn “từ nguyên gốc La tinh: communico = thông báo, liên kết, tiếp xúc” (1). Về bản chất, truyền thông chính là quá trình trao đổi thông tin giữa người với người, tạo ra sự giao tiếp nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, liên kết lại thành cộng đồng xã hội, vì sự tồn tại và phát triển.

Truyền thông đại chúng (mass communication) được hiểu là “hoạt động truyền phát và tiếp nhận thông tin có quy mô tác động xã hội rộng rãi, đồng loạt và hiệu quả giao tiếp lớn…, có lượng địa chỉ tiếp nhận lớn và công nghệ truyền phát hiện đại” (2). Hoạt động truyền thông đại chúng bao gồm nhiều yếu tố tham dự, tạo nên hai mô hình truyền thông đại chúng chủ yếu:

Thứ nhất là mô hình truyền thông một chiều (có tính áp đặt): đây là mô hình mà thông tin truyền đi theo một tuyến từ nguồn phát đến người nhận, phục vụ cho mục đích của chủ thể thông tin, còn chủ thể tiếp nhận thông tin không thể hồi đáp hoặc yêu cầu trở lại ngay lập tức với nguồn phát. Mô hình này xuất hiện trong điều kiện phương tiện truyền thông đại chúng đang ở mức sơ khai, chưa phát triển.

Thứ hai là mô hình truyền thông hai chiều (tương tác liên tục): đây là mô hình có tính mềm dẻo, linh hoạt giữa truyền tin và tiếp nhận thông tin. Đối tượng tiếp nhận có thể lựa chọn, bày tỏ mong muốn, thậm chí tham gia sáng tạo, trao đổi thông tin. Mô hình này xuất hiện khi xã hội có trình độ dân trí cao và sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin. Quá trình truyền thông đại chúng diễn ra với các yếu tố tham gia như sau: nguồn thông tin (nguồn phát); Nội dung thông tin; Kênh truyền thông; Đối tượng tiếp nhận, nơi tiếp nhận; Thông tin phản hồi; Hiệu quả (sự nhận thức và thái độ).

Thực chất của truyền thông đại chúng là phương thức biểu hiện mới của hoạt động truyền thông, gắn với các phương tiện kỹ thuật hiện đại thay đổi cực kỳ nhanh chóng và liên tục. Có thể nhận ra đặc điểm cơ bản của truyền thông đại chúng như: Thông tin được lan truyền trong thời gian nhanh nhất trên phạm vi rộng lớn vô tận về không gian; Công chúng tiếp nhận thông tin, thông điệp là số đông (hàng triệu người hoặc hàng trăm triệu người), có thể là một bộ phận hay cả cộng đồng xã hội của một địa phương, một quốc gia, thậm chí là nhiều quốc gia; Nội dung các thông tin mang tính phổ biến, phổ quát, phổ cập, có tính cập nhật thời sự với các ý nghĩa xã hội rộng rãi; Hiệu quả của truyền thông đại chúng được xem xét từ các hiệu ứng và hành vi xã hội của cộng đồng; Các phương tiện kỹ thuật của truyền thông đại chúng bao gồm: phương tiện in ấn, kỹ thuật truyền phát sóng tín hiệu, máy thu thanh, thu hình, phát thanh, video, phim nhựa, băng hình, máy tính điện tử, cáp quang, vệ tinh nhân tạo, mạng máy tính toàn cầu trao đổi thông tin qua internet, với các loại hình như trang web, báo điện tử, các mạng xã hội tiêu biểu như zalo, facebook,...

Sự phát triển đột biến về nhu cầu thông tin của các cộng đồng xã hội và những bước nhảy vọt của cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ sở ra đời của các loại hình, các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại ngày nay.

2. Khả năng tác động của truyền thông đại chúng đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

2.1. Chức năng định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống

Truyền thông đại chúng là phương tiện, công cụ đặc biệt, có khả năng tác động, hướng dẫn, thuyết phục to lớn, góp phần định hướng tư tưởng, đạo đức lối sống đến với từng con người, cũng như trên phạm vi toàn xã hội. Chức năng định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống của truyền thông đại chúng được thể hiện:

Truyền thông đại chúng tác động để hình thành dư luận xã hội lành mạnh, tích cực về những vấn đề có tính thời sự: Với đặc trưng thông tin nhanh chóng, kịp thời, hệ thống truyền thông đại chúng truyền dẫn các sự kiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Dư luận xã hội được tạo ra từ thái độ, phản ứng của xã hội đối với các sự kiện, các vấn đề có tính thời sự do truyền thông đại chúng đưa lại. Dư luận xã hội sẽ tạo ra điều kiện, hình thành hành lang vận động cho các tiến trình xã hội. Trong những thời điểm phức tạp, gay cấn, dư luận xã hội sẽ trở thành yếu tố hàng đầu, chi phối các hiệu ứng xã hội, hướng tới xây dựng và phát triển một chế độ xã hội tốt đẹp. Truyền thông đại chúng chân chính sẽ tạo nên sức mạnh hướng dẫn và hình thành dư luận xã hội tốt đẹp mà không phương tiện nào khác có thể sánh kịp.

Truyền thông đại chúng tác động để hình thành tư tưởng chính trị cho công chúng: Hoạt động của truyền thông đại chúng góp phần chỉ ra tính chất của các vấn đề, các sự kiện, vạch ra tính quy luật và khuynh hướng vận động của nó. Điều này giúp cho công chúng xác định lập trường, quan điểm trong nhận thức và hành động một cách đúng đắn. Nội dung giáo dục tư tưởng chính trị của truyền thông đại chúng thường là trang bị tri thức nền tảng làm cơ sở khoa học cho việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cho công chúng. Phân tích bản chất quy luật của các sự kiện, hiện tượng, chỉ ra cách nhận thức, đánh giá, ứng xử một cách hợp lý với các sự kiện, vấn đề có ý nghĩa lịch sử. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm rõ cơ sở khoa học, cũng như các điều kiện, phương pháp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách đó. Đấu tranh, vạch trần âm mưu xấu xa của các thế lực thù địch và các quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của các học thuyết cách mạng.

Hội báo Xuân luôn thu hút sự quan tâm của độc giả
Ảnh: Hà Hữu Nết

 

Truyền thông đại chúng góp phần nâng cao trình độ hiểu biết cho nhân dân, hình thành lối sống tích cực, khẳng định những giá trị, chuẩn mực văn hóa. Truyền thông đại chúng góp phần xã hội hóa những hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm sống từ cái riêng, đơn nhất, thành cái chung, cái phổ biến của toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Hiện nay, việc xã hội hóa các tri thức mang tính quốc tế, là cơ hội vàng cho những quốc gia đi sau phát triển vươn lên hội nhập toàn cầu. Truyền thông đại chúng là chiếc cầu nối về tri thức, kinh nghiệm phù hợp cho mọi đối tượng tiếp nhận thông tin (theo những đặc điểm riêng về giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền…. ), thiết thực nâng cao dân trí cho cộng đồng.

Có thể nói, truyền thông đại chúng đang thực sự đóng vai trò một trường đại học tổng hợp khổng lồ trong việc tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ tri thức, dân trí cho mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, truyền thông đại chúng đóng vai trò là phương tiện giáo dục đạo đức lối sống đang được thực hiện âm thầm và hiệu quả đối với từng cá nhân con người và đối với hàng triệu người trong xã hội.

Ở một phương diện khác, truyền thông đại chúng còn phổ biến, khẳng định các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy quá trình giao lưu tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp với quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.

2.2. Chức năng giám sát và quản lý xã hội

Giám sát và quản lý xã hội là hai hoạt động được thực hiện thống nhất, vì cùng chung mục đích thúc đẩy xã hội vận động, phát triển theo hướng tích cực. Để thực hiện được mục đích đó, hoạt động truyền thông đại chúng là phương tiện quản lý và giám sát có sức mạnh đặc thù. Nội dung chức năng giám sát và quản lý xã hội của truyền thông đại chúng được thể hiện:

Truyền thông đại chúng góp phần giám sát, cảnh báo đối với các cơ quan quyền lực, các cá nhân có trách nhiệm, các cộng đồng, đơn vị, địa phương về những khó khăn, phức tạp, những hạn chế, nguy cơ có thể xảy ra. Truyền thông đại chúng là công cụ, tai mắt của nhân dân, tạo thành công luận với một sức mạnh to lớn trong việc răn đe, đề phòng những tiêu cực có thể phát sinh trong các cơ quan quyền lực nhà nước.

Truyền thông đại chúng tác động một cách chủ động vào các tiến trình xã hội, làm cho xã hội vận hành theo mục tiêu đã định. Để đảm bảo quản lý xã hội một cách có hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế thông tin hai chiều: thông tin từ chủ thể quản lý đến đối tượng chịu sự quản lý và ngược lại. Truyền thông đại chúng vừa cung cấp thông tin, vừa là công cụ truyền dẫn tối ưu, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, thuyết phục, chỉ dẫn cách thực hiện đối với mọi tầng lớp, mọi tổ chức của xã hội.

Truyền thông đại chúng là diễn đàn rộng mở để nhân dân tham gia quản lý xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, các tệ nạn tiêu cực xã hội. Thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của nhà nước (đóng góp vào các dự luật, dự thảo chính sách trước khi ban hành). Truyền thông đại chúng (mà chủ yếu là truyền hình, phát thanh) còn có khả năng phản ánh, phân tích bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội, phát hiện những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn, dự báo khuynh hướng vận động của xã hội, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách; phát hiện và biểu dương các nhân tố tích cực; đấu tranh phòng và chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

2.3. Chức năng giải trí và dịch vụ xã hội

Truyền thông đại chúng có thể tạo ra nhiều nội dung, chương trình giải trí (truyền hình, điện ảnh, thể thao, âm nhạc....) có sức hấp dẫn, thu hút hàng chục triệu người trong xã hội. Truyền thông đại chúng có thể tham gia giải quyết các dịch vụ như: thông tin, du lịch, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, quảng cáo, tư vấn, kinh doanh văn hóa phẩm, giao dịch tài chính, các dịch vụ giao lưu và đây chính là hàng hóa thông tin, một thứ hàng hóa tiêu dùng đặc biệt (tích hợp hàm lượng giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị).

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, truyền thông đại chúng cũng có những hiệu ứng nghịch (tác dụng phụ trái chiều). Do truyền thông đại chúng phát triển rầm rộ với tốc độ nhanh chóng nên đã cuốn hút mạnh mẽ con người và xã hội vào các dòng thác thông tin. Con người đang có xu hướng tiêu phí quá nhiều thời gian hằng ngày vào truyền thông. Thậm chí, những trận bão truyền thông đang gây ra sự bội thực thông tin, lẫn lộn thật giả, con người có thể bối rối, thiếu chủ động khi sống trong những không gian tin đồn. Lớp trẻ ngày nay dễ bị lệch lạc nhân cách, trở thành nạn nhân của các trò chơi vô bổ lan tràn trên internet. Do đắm chìm vào internet, con người ngày nay sống xa rời thiên nhiên, ít vận động, khó phát triển thể chất.

3. Kết luận

Sự phát triển vũ bão với khả năng kỳ diệu của truyền thông đại chúng hiện nay đã đem đến cho nhân loại mỗi ngày một lượng thông tin khổng lồ, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời cũng làm thay đổi cả cảm thức về không gian và thời gian truyền thống.

Trong thời đại ngày nay, xu thế tất yếu là phải mở cửa giao lưu hội nhập quốc tế, đồng thời với việc xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, khoa học làm màng lọc tinh vi, để có thể tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại. Vấn đề nâng cao dân trí, xây dựng các chuẩn mực văn hóa, hoàn thiện nhân cách văn hóa cho con người nhằm mục đích để nhân dân có thể biết lựa chọn những giá trị phù hợp, biết đào thải những gì lỗi thời, xa lạ.

Với mục tiêu phát huy vai trò tích cực của truyền thông đại chúng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cần phải nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo được Đảng ta đã nêu ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nguồn sức mạnh nội sinh đặc biệt của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

_______________

1, 2. Phạm Thành Hưng, Thuật ngữ báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr.224.

Tác giả: Nguyễn Minh Thông

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;