Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới văn hóa đọc

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, đặc biệt là việc sử dụng internet, là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối internet (Internet of Things - IoT) và các hệ thống kết nối internet (Internet of System - IoS). Cuộc cách mạng này đã và đang tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và văn hóa đọc cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Bài viết làm rõ thêm khái niệm văn hóa đọc, giới thiệu khái quát về CMCN 4.0 và sự tác động của nó tới văn hóa đọc.

Lênin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Đọc cung cấp con đường tiếp cận các nền văn hóa và di sản văn hóa. Đọc làm cho các công dân trong xã hội trở thành những người có sức mạnh tinh thần. Tầm quan trọng của văn hóa đọc trong quá trình hội nhập xã hội hiện đại đã được nhiều quốc gia đề cao và xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đọc quốc gia nhằm nâng cao việc đọc trong cộng đồng, đồng thời giải phóng khỏi những hạn chế về mặt xã hội, về mặt pháp lý, về mặt tâm lý cá nhân và việc đọc mang con người đến gần nhau. Nhiều quốc gia đã có Ngày toàn dân đọc sách như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Thậm chí ở Thái Lan - một quốc gia rất gần gũi chúng ta cũng đã có chương trình quốc gia để phát động toàn dân quan tâm đến việc đọc sách. Hơn nữa, UNESCO đã quyết định lấy ngày 23-4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách, thói quen đọc sách trên toàn thế giới. Quyết định và lời kêu gọi này của Liên hiệp quốc đã được nhiều quốc gia, vùng và lãnh thổ hưởng ứng nhiệt liệt. Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong đời sống xã hội, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam.

“Giao lưu tác giả, tác phẩm” trong khuôn khổ Ngày hội Sách 2021 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Hồng Vân

Văn hóa đọc là một trong các biểu hiện trình độ văn hóa của con người trong xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là dưới tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, văn hóa đọc đang đứng những thách thức và cơ hội. Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của internet nói chung và công nghệ nghe nhìn nói riêng sẽ “nhấn chìm” văn hóa đọc. Song, cũng có không ít ý kiến khẳng định văn hóa đọc không “xuống cấp” mà chỉ là sự thay đổi hình thức đọc mà thôi. Liệu văn hóa đọc có bị “mai một” trong kỷ nguyên số luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

1. Những quan niệm về văn hóa đọc

Khái niệm văn hóa đọc là một khái niệm phức tạp, đa nghĩa. Khi đề cập đến văn hóa đọc, nhiều định nghĩa đã được đưa ra tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của mỗi tác giả.

Theo PGS, TS Trần Thị Minh Nguyệt: “…văn hóa đọc của mỗi cá nhân là sự biểu hiện rõ nét xu hướng tinh thần và năng lực nhận thức của chính họ trong mối tương quan với các điều kiện văn hóa của xã hội đương thời” (1).

Theo tác giả Nguyễn Hữu Viêm: “Văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước… Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị, và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân” (2).

Dưới một góc nhìn khác về văn hóa đọc, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng: “Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin và tri thức. Đó là sự tích hợp của các yếu tố như nhu cầu đọc, thói quen đọc và được biểu hiện qua hành vi, tập quán đọc của cá nhân và cộng đồng” (3).

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, phụ thuộc vào những khía cạnh mà họ quan tâm khi nói đến văn hóa đọc, nhưng nổi bật lên có hai khuynh hướng cơ bản: cách tiếp cận văn hóa đọc theo đối tượng đọc mà độc giả hướng tới; xem xét vấn đề văn hóa đọc một cách bao quát hơn với tư cách là một bộ phận văn hóa hành vi của con người. Trong đó, khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng phổ biến, xem xét việc đọc dưới các khía cạnh đa dạng và tổng hợp hơn, văn hóa đọc bao gồm các khía cạnh: đọc cái gì (nhu cầu đọc, hứng thú đọc, sở thích đọc, cách lựa chọn tác phẩm để đọc…), đọc như thế nào (phương pháp đọc, kỹ năng đọc, khả năng cảm thụ nội dung đọc) và thái độ ứng xử với tài liệu của chủ thể đọc.

2. Khái quát về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Năm 2013, thuật ngữ Industry 4.0 (Công nghiệp 4.0) xuất hiện nhiều, bắt nguồn từ cuộc thảo luận Industry 4.0 được tổ chức ở Hội chợ Hanover, Đức (năm 2011). Thuật ngữ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần đầu tiên được đề cập đến trong một báo cáo của chính phủ Đức để nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT-Internet of Things); trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence); Thực tế ảo (VR - Virtual Reality); Tương tác thực tại ảo (AR - Augmented Reality); mạng xã hội, di động, Phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây (SMAC - Social, Mobile, Analytics, Cloud)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Klaus Schwab - Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nói về CMCN 4.0 như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học” (4). Cuộc CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng, đang rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo.

3. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với văn hóa đọc

Trong bài viết Hiểu và đi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác giả Hồ Tú Bảo đã chỉ ra cối lõi của CMCN 4.0: “đó chính là sự đột phá của công nghệ số”, “Công nghệ số là công nghệ về các tài nguyên số, khởi đầu từ giữa thế kỷ trước, đã và đang thay đổi nhiều lĩnh vực. Có hai khía cạnh của công nghệ số, một là việc số hóa và hai là việc quản trị và xử lý các dữ liệu được số hóa” (5). Vậy cuộc CMCN 4.0 với cốt lõi là công nghệ số có tác động như thế nào tới văn hóa đọc?

Đa dạng hóa hình thức xuất bản

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản. Việc áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ vào hoạt động xuất bản đã làm đa dạng hóa hình thức xuất bản. Nó không chỉ dừng lại ở các dạng truyền thống như trước đây mà thêm vào đó là những hình thức xuất bản mới theo hướng hiện đại - xuất bản điện tử. Nhiều xuất bản phẩm như sách, báo, tạp chí… điện tử và các phần mềm, thiết bị thông minh hỗ trợ đọc đã ra đời và phát triển sôi động. Theo dự báo, trong tương lai gần, xuất bản điện tử sẽ là một hình thức cơ bản của hoạt động xuất bản ở Việt Nam. Sự tác động của khoa học công nghệ đã làm cho các xuất bản phẩm đa dạng hơn về hình thức, rút ngắn hơn về thời gian xuất bản, lượng xuất bản phẩm gia tăng nhanh chóng, thị trường xuất bản phẩm phát triển mạnh và dễ dàng tiếp cận đến độc giả hơn. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến e ngại về sự phát triển của internet và công nghệ nghe nhìn hiện nay sẽ lấn át việc đọc sách và văn hóa nghe nhìn sẽ lấn át văn hóa đọc. Thực tế cho thấy, trẻ em ngày nay dễ bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội hơn là sách, báo. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng: “Những ảnh hưởng của văn hóa nghe nhìn đến văn hóa đọc là có thật và đó không phải là câu chuyện riêng ở Việt Nam. Trên thế giới, câu chuyện này có tính phổ quát. Mỹ là một trong những quốc gia có nền xuất bản phát triển, cũng là quốc gia có nền văn hóa đọc. Tuy nhiên, từ năm 1980, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ đã có những cảnh báo với Chính phủ về vấn đề những tác động tiêu cực lên văn hóa đọc. Qua đó cho thấy, ngay cả một quốc gia có nền xuất bản mạnh như vậy nếu không có chính sách khuyến đọc phù hợp thì văn hóa đọc sẽ bị ảnh hưởng” (6). Sự phát triển của công nghệ nghe nhìn đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với ngành Xuất bản. Để biến thách thức thành cơ hội, ngành Xuất bản cần có sự thay đổi phù hợp, bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại, tạo ra nhiều xuất bản phẩm có chất lượng, đa dạng về hình thức lẫn nội dung, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Làm thay đổi thói quen đọc

Cuộc CMCN 4.0 đã làm ảnh hưởng tới thói quen đọc của con người. Dưới sự tác động của công nghệ cùng với việc gia tăng các xuất bản phẩm điện tử đã khiến độc giả thay vì đọc sách truyền thống như trước đây đã phải dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc trên các thiết bị điện tử. Sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các thiết bị di động thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị đọc điện tử… đã khiến cho tốc độ đọc, cách thức đọc của con người cũng bị thay đổi theo. Với nhiều tính năng tiện ích khác nhau của các thiết bị điện tử, độc giả không chỉ được đọc mà còn có thể đánh dấu tài liệu, ghi chú và tổ chức tài liệu thông minh hơn, khoa học hơn, thậm chí có thể tương tác với tác giả và những độc giả khác. Sự đa dạng về hình thức, dễ dàng trong cách tiếp cận và với vẻ đẹp của các con chữ kèm theo cả hình ảnh, âm thanh, các xuất bản phẩm điện tử đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều độc giả. Xu hướng đọc sách điện tử đang trở thành một trào lưu văn hóa đọc mới trên toàn thế giới.

 Nhiều người lo ngại rằng, trong thời đại internet, văn hóa đọc sẽ bị “mai một” và thay thế bởi văn hóa nghe nhìn. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, văn hóa đọc đã được phát triển theo nhiều cách khác nhau. Nhiều diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review sách trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Blog) như: docsachonline.vn, bookhunterclup.com, sachvui.com, tramdoc.vn… hay các nhóm đọc, chia sẻ việc đọc như: Cùng bạn đọc sách, Trạm Review sách, Xóm mọt sách, Nghệ thuật và sách… đã thu hút hàng triệu người tham gia cho thấy bức tranh văn hóa đọc không hề u ám. Hơn thế, nhìn vào đời sống đọc và chia sẻ việc đọc trên internet có thể thấy hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, hoạt động xã hội, giáo dục đều có tài khoản trên mạng xã hội. Họ tham gia vào đời sống văn hóa đọc bằng việc giới thiệu kinh nghiệm, trải nghiệm việc đọc của mình, qua đó truyền cảm hứng, lan tỏa đến công chúng. Sự hoạt động chuyên nghiệp và thường xuyên của các tờ báo, tạp chí, hội văn học nghệ thuật trong nước với việc liên kết giữa xuất bản báo, tạp chí giấy với phát hành điện tử đã đưa sách đến với độc giả bằng nhiều hình thức. Các trường đại học, nhất là khối các trường văn hóa nghệ thuật, sư phạm, khoa học xã hội nhân văn cũng đều có trang web liên quan đến sách vở, đọc và chia sẻ sách.

Có thể thấy, việc ứng dụng thành tựu tiên tiến của công nghệ cùng với sự tích cực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sáng tác - xuất bản - in ấn - phát hành - phân phối - tiêu thụ - quảng bá sách đã đưa văn hóa đọc lên những nấc thang phát triển mới.

Mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn thông tin, tri thức mở

Trong thời đại công nghệ 4.0, độc giả đã có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn khác nhau như: các nhà xuất bản, trang thông tin điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trực tuyến… Tại nhiều thư viện, tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho độc giả tiếp cận đã vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện với sự hỗ trợ của internet. Thói quen đọc và tiếp cận của người sử dụng đã có sự thay đổi. Thay vì trực tiếp đến thư viện, người sử dụng có thể đọc mọi nơi, mọi lúc thông qua máy tính và các thiết bị thông minh. Một thiết bị điện tử chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay nhưng cho phép lưu trữ được hàng ngàn cuốn sách hay có thể truy cập tới bất cứ nguồn thông tin trực tuyến nào, ở bất kỳ đâu. Không còn sự gò bó về không gian, thời gian, số lượng tài nguyên thông tin hay số lượng người sử dụng trong cùng một thời điểm như đối với nguồn tài liệu truyền thống. Chính internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn đã tạo ra một môi trường thông tin, tri thức mở giúp cho độc giả tiếp cận và sử dụng không giới hạn.

Tăng cường khả năng đánh giá và chọn lọc thông tin của độc giả

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động xuất bản đã làm cho thị trường sách, báo trở nên sôi động. Các xuất bản phẩm đa dạng về hình thức và phong phú về mặt nội dung đã tạo cơ hội cho độc giả tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng tới các nguồn thông tin và tri thức. Nhiều thông tin có giá trị cao, đáp ứng được các nhu cầu sống, học tập, làm việc, giúp hoàn thiện nhân cách con người được xuất bản. Tuy nhiên, trong số đó, cũng tồn tại không ít sản phẩm văn hóa chạy theo lợi nhuận hay thị hiếu tầm thường, tiềm ẩn những thông tin nguy hại cho quá trình phát triển nói chung, làm phương hại đến các quan hệ cùng tồn tại và phát triển, đến thuần phong mỹ tục, đến các giá trị đạo đức và giá trị xã hội của cộng đồng. Hiện tượng bùng nổ thông tin, dư thừa thông tin khiến cho lượng thông tin con người có thể tiếp cận ngày càng lớn và hiện tượng nhiễu tin hay tin “rác” lại xuất hiện thường xuyên hơn. Sự trà trộn của nhiều thông tin về hình thức dường như đáp ứng yêu cầu, song trên thực tế lại không phù hợp. Điều đó cho thấy, sự phát triển của khoa học và công nghệ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho sự phát triển văn hóa đọc. Mỗi độc giả phải tự trang bị cho mình bản lĩnh, trình độ và hiểu biết về kiến thức thông tin để đủ khả năng lựa chọn, đánh giá thông tin chính xác.

4. Kết luận

Ngày nay với sự bùng nổ công nghệ thông tin, con người ngày càng tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại. Điều này làm cho một bộ phận người dân lo ngại rằng văn hóa nghe nhìn sẽ ngày càng lấn lướt văn hóa đọc. Thậm chí, nhiều người đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ đã khiến cho văn hóa đọc ngày càng bị lãng quên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, dưới tác động của CMCN 4.0, văn hóa học không hề bị mất đi mà thậm chí việc ứng dụng thành tựu tiên tiến của công nghệ còn làm cho độc giả sách tăng lên. Chúng ta không nên gạt bỏ công nghệ hiện đại khi nó hoàn toàn có khả năng thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc. Bởi lẽ các loại hình văn hóa khác như văn hóa nghe nhìn, không thể lấn át văn hóa đọc mà chúng chỉ bổ sung cho nhau, mỗi loại hình có một thế mạnh riêng. Văn hóa đọc bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu kiến thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe nhìn không thể làm được như vậy. Trong khi văn hóa nghe nhìn lấy đi sự sáng tạo, trí tưởng tượng thì văn hóa đọc lại làm giàu thêm những thứ đó. Vì thế trong kỷ nguyên số, văn hóa đọc sẽ không mất đi mà ngược lại sẽ ngày càng phát triển nếu chúng ta có định hướng phù hợp.

________________

1. Trần Thị Minh Nguyệt, Văn hóa đọc trong xã hội thông tin, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2009, số 297, tr.29-31.

2. Nguyễn Hữu Viêm, Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, nlv.gov.vn.

3. Vũ Dương Thúy Ngà, Biện pháp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2010, số 4, tr.17-25.

4. Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution (Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4), Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2016.

5. Hồ Tú Bảo, Hiểu và đi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiasang.com.vn, 10-5-2017.

6. Lại Tấn, Thời đại kỷ nguyên số: Văn hóa đọc xuống cấp?, kinhtedothi.vn, 9-5-2020.

PHẠM THỊ THÚY NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;