Khắc phục những bất cập trong công tác xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 có nhiều quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), về quyền và trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện NSDLĐ; cơ quan BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH.

Bên cạnh những quy định quyền lợi và nghĩa vụ được hưởng thì Luật này cũng liệt kê các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực BHXH. Điều 17 Luật BHXH liệt kê 8 nhóm hành vi bị cấm: trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; sử dụng quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là cơ sở cho việc xử lý vi phạm ở phạm vi hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực BHXH

Trên thực tế, những vi phạm phổ biến trong lĩnh vực BHXH rất phong phú về thể loại và đa dạng về chủ thể, phải kể đến đó là: vi phạm về đóng BHXH; vi phạm trong cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH; vi phạm trong thụ hưởng chính sách BHXH; vi phạm trong việc sử dụng quỹ BHXH và vi phạm trong quản lý dữ liệu, thông tin báo cáo. Với những vi phạm như vậy, chủ thể vi phạm bao gồm cả những người tham gia trực tiếp vào quan hệ BHXH (NLĐ, NSDLĐ) và cả những cá nhân được trao thẩm quyền trong lĩnh vực BHXH.

Đối với vi phạm về đóng BHXH, chủ thể vi phạm gồm NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, chủ yếu là NSDLĐ, phổ biến ở các dạng hành vi sau: đóng BHXH không đúng người thuộc quy định tại Điều 2 Luật BHXH, không đóng BHXH cho người thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH hoặc có đóng nhưng đóng không đủ thời gian phải tham gia; đóng BHXH không đúng mức quy định bao gồm đóng cao hơn hoặc đóng thấp hơn mức quy định; đến thời gian quy định phải nộp tiền đóng BHXH theo phương thức đóng đã lựa chọn nhưng không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng nộp chưa đủ số tiền phải đóng BHXH; một số hành vi khác như: trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chậm đóng tiền BHXH, BHTN; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN; thỏa thuận đóng không đúng đối tượng, mức đóng; hay cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, NSDLĐ,...

Đối với vi phạm trong cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH, chủ thể vi phạm chủ yếu là người có sổ BHXH, NSDLĐ, cá nhân, tổ chức, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ cấp sổ BHXH... Ở nhóm vi phạm này, các chủ thể đa dạng hơn và thường là các chủ thể có thẩm quyền nhất định. Các hành vi phổ biến thường gặp bao gồm: không thực hiện cấp sổ cho NLĐ tham gia BHXH; không thực hiện chốt và trả sổ BHXH cho NLĐ; sửa, xóa làm sai lệch thông tin trên sổ BHXH; hủy hoại sổ BHXH còn giá trị sử dụng; làm giả sổ BHXH; mua, bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH.

Đối với vi phạm trong thụ hưởng chính sách BHXH, hành vi phổ biến ở dạng: người hưởng (người tham gia BHXH hoặc thân nhân) gian lận để hưởng sai chế độ BHXH; cá nhân, tổ chức mua, bán, giả mạo hồ sơ để thanh toán khống, thanh toán không đúng quyền lợi nhằm trục lợi chế độ BHXH; công chức, viên chức cơ quan có chức năng thẩm định, giải quyết chế độ gây cản trở việc hưởng hoặc làm thiệt hại đến quyền lợi của người hưởng...

Đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng quỹ BHXH, chủ thể vi phạm chủ yếu là công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng quỹ BHXH hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan với các hành vi phổ biến là: sử dụng quỹ BHXH không đúng mục đích, không đúng quy định của pháp luật; đầu tư quỹ không đúng quy định của pháp luật.

Đối với vi phạm trong quản lý dữ liệu, thông tin báo cáo, các hành vi phổ biến thường gặp là: hành vi của cá nhân, tổ chức truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu trái pháp luật; hành vi của công chức, viên chức được giao nhiệm vụ quản lý dữ liệu thực hiện sai quy trình gây hậu quả làm sai lệch, mất, lộ lọt thông tin về dữ liệu; hành vi của công chức, viên chức, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật, không chính xác, không đúng thực tế cho cơ quan quản lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Ngoài ra, còn một số dạng hành vi như: truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN; sử dụng các ứng dụng hoặc các phương thức để truy cập vào Cơ sở dữ liệu ngành BHXH Việt Nam mà chưa được phép của BHXH Việt Nam; tiết lộ, cung cấp tài khoản của cá nhân, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan BHXH Việt Nam hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ cho người không có trách nhiệm, thẩm quyền; tự ý sao chép, cung cấp, tiết lộ thông tin, dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam; Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, BHTN.

2. Những bất cập trong việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH

Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam bao gồm: Luật BHXH, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hình sự đã quy định đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, nhưng trên thực tế, còn có nhiều vướng mắc khiến cho việc giải quyết chưa đạt hiệu quả.

Một là, một số đơn vị được thanh tra không chấp hành kết luận thanh tra hoặc chỉ chấp hành một phần của kết luận thanh tra và chậm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; cá biệt có trường hợp chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành kết luận thanh tra.

Hai là, nhiều đơn vị cố tình vi phạm pháp luật, trốn đóng kéo dài, mức độ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều người lao động nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Ba là, việc xử lý các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn, mất tích còn có gặp nhiều vướng mắc do việc xử lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản theo Luật doanh nghiệp, Luật phá sản còn chậm và kéo dài.

Bốn là, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng còn vướng mắc về vấn để ủy quyền của từng NLĐ đối với tổ chức Công đoàn.

Năm là, tình trạng NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ không đóng BHXH để lạm dụng hưởng BHTN, BHXH 1 lần, vẫn đang diễn ra hết sức phổ biến, tuy nhiên hiện nay chưa có biện pháp phát hiện một cách hiệu quả.

Sáu là, trong thực tế, đối với những đơn vị lớn, nhiều lao động, cơ quan Bưu điện thường bàn giao sổ qua đơn vị, không thực hiện bàn giao tận tay NLĐ, do đó, vẫn tạo điều kiện cho NSDLĐ lợi dụng sổ BHXH của NLĐ để thực hiện những hành vi vi phạm.

Bảy là, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH chưa đạt hiệu quả do cách thức tuyên truyền và nội dung truyên truyền chưa đủ hấp dẫn, chưa có đội ngũ tuyên truyền có tâm, có trình độ chuyên môn, cũng như chưa có hình thức thưởng, phạt cho các chủ thể được giao nhiệm vụ này khiến cho công tác này còn mang nặng hình thức.

Để những bất cập trong thực tiễn phân tích ở trên được tháo gỡ, chúng tôi đề xuất nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, rà soát lại các quy định của pháp luật về BHXH, cụ thể về các hành vi vi phạm (Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hình sự) để có sự thống nhất trong cách xử lý.

Thứ hai, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng quy định cụ thể và trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, đặc biệt quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của các tổ chức công đoàn. Thêm vào đó, pháp luật về BHXH thời gian tới cần thiết kế những quy định nêu rõ chế tài trong vi phạm các nguyên tắc để các nguyên tắc này trở nên thực chất, không còn hình thức. Đồng thời, cần có sửa đổi nhằm nhận định lại vị trí, vai trò và chức năng của cơ quan BHXH, đặc biệt là chức năng thanh tra và chức năng quản lý về BHXH. Làm rõ hơn nữa vị trí của cơ quan BHXH trong Luật BHXH, từ đó, có những điều chỉnh hợp lý đối với các điều luật về thẩm quyền giải quyết và cơ chế phối hợp.

HƯƠNG CHI

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Luật BHXH (Luật số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

2. Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 15/2012/QH13 ngày 20-6-2012), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.

3. Bộ luật Hình sự năm 2015.

;