Tăng cường các giải pháp thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới

Đây là những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, đồng thời là những giải pháp chủ yếu cần đẩy mạnh để bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, sau khi nêu rõ tình hình và nguyên nhân của việc xây dựng và tổ chức thực hiện, quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, nội dung cải cách, đã nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp để cải cách chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Đây là những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, đồng thời là những giải pháp chủ yếu cần đẩy mạnh để BHXH, BHYT thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Toàn cảnh Hội thảo "Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân" - Nguồn ảnh: internet 

Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc thực hiện mục tiêu phát triển BHXH, BHYT toàn dân. Cũng như các ngành khác, ngành BHXH Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu mở rộng số người tham gia chính sách BHXH, BHYT. “Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020; hơn 340.000 người mới hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng hơn 41.000 người... Tỷ lệ thuận với số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tăng là số doanh nghiệp không đủ khả năng đóng BHXH cho người lao động cũng tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, gồm 192.503 lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 786 tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn thu bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng. Tổng nguồn thu đạt khoảng 195.100 tỷ đồng, bằng 45,23% kế hoạch được giao. Còn số nợ đóng BHXH chiếm tỷ lệ cao, bằng 5% so với kế hoạch phải thu...” (1). Đây thực sự là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với ngành BHXH Việt Nam.

Đối mặt với những khó khăn đó, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, BHXH Việt Nam đã chủ động đề ra những mục tiêu phù hợp, giải pháp linh hoạt để đứng vững và phát triển ngành. BHXH Việt Nam đã xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặt ra mục tiêu chung “thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân. Cùng với đó, phát triển ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân” (2).

Để thực hiện mục tiêu tổng quát ấy, BHXH Việt Nam cũng đề ra nhiều mục tiêu cụ thể như: chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; đổi mới toàn diện nội dung hình thức, phương pháp truyền thông; đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; mở rộng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ BHXH, BHYT; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các quỹ bảo hiểm theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp... Trong Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của ngành BHXH ban hành kèm theo Quyết định 1320/QĐ-BHXH ngày 23-10-2020, BHXH Việt Nam đã khẳng định mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2025, số người tham gia BHXH đạt tỷ lệ 45% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN đạt tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ 95% dân số” (3).

Đi đôi với việc đề ra mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, BHXH Việt Nam chú trọng đề xuất và tăng cường các giải pháp để thực hiện các mục tiêu BHXH, BHYT trong những giai đoạn khác nhau. Cùng với việc quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 28-NQ/TW: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. BHXH Việt Nam đã và đang quyết liệt đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công mục tiêu BHXH, BHYT trong tình hình mới.

Trong hệ thống nhiệm vụ, giải pháp đó, BHXH Việt Nam nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp sau: tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung thanh tra, kiểm tra giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng quỹ BHXH, BHYT; tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHYT, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp, mở rộng cung cấp các dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên các lĩnh vực; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý và sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (4).

Bên cạnh đó, “BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào các nhóm đối tượng phát triển BHXH tự nguyện” (5), người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia BHXH, BHYT. Ngành BHXH Việt Nam cũng tập trung triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm đúng đối tượng. Đây là giải pháp cần thiết, kịp thời giúp người lao động ổn định việc làm, không phải rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. “Về lâu dài, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia BHXH cho các tỉnh, thành phố; mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm người chưa tham gia để tập trung khai thác, tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH. Toàn ngành tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch liên quan đến BHXH...” (6). Cùng với việc gia tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH, số thu BHXH, BHYT và số người được hưởng các chế độ BHXH, BHYT cũng tăng theo. “Năm 2021, toàn ngành dự kiến giải quyết cho 154.054 người hưởng BHXH hàng tháng, tăng 1,89% so với năm 2020. Trong đó gồm: 129.032 người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 1.103.794 người được giải quyết hưởng các chế độ BHXH một lần” (7). Hy vọng những dự báo này sẽ trở thành hiện thực.

Có thể nói, việc BHXH Việt Nam tăng cường các giải pháp thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT trong thời gian qua là một nỗ lực vượt khó và đã đạt được những kết quả tốt. Thực tiễn phát triển ngành BHXH Việt Nam trong bối cảnh khó khăn và kết quả ấy cho phép khẳng định: chính sách BHXH, BHYT đã thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là chính sách an sinh không thể thiếu trong đời sống của người dân ở nước ta. Và sự chủ động quyết liệt đẩy mạnh những giải pháp thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam là nỗ lực lớn đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự phối hợp, chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện, cải cách chính sách BHXH, BHYT thời gian tới.

THÙY LINH

______________________________

1, 6. Minh Vũ, Tăng tốc thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, hanoimoi.com.vn, ngày 14-7-2021.

2. Thu Cúc, Tham vấn quốc tế về chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2030, baochinhphu.vn, ngày 28-10-2021.

3, 4. P.V, BHXH Việt Nam: Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025), baohiemxahoi.gov.vn, ngày 27-10-2020.

5. Anh Thu, Mười giải pháp, một mục tiêu, nhandan.com.vn, ngày 2-11-2020.

7. P.V, BHXH Việt Nam tích cực chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, baohiemxahoi.gov.vn, ngày 22-3-2021.

;