Marketing trong hoạt động Thông tin - Thư viện tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Marketing hiện nay đã tác động đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, là yếu tố sống còn không chỉ của các tổ chức kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ để các tổ chức phi lợi nhuận, trong đó có lĩnh vực hoạt động thông tin - thư viện (TTTV). Vậy tại sao hoạt động TTTV lại cần đến marketing? Bài viết khái quát vai trò, thực trạng marketing trong thư viện, các hình thức marketing, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động marketing tại Thư viện trường Đại học Y Dược, Đại học Huế.

Trong xã hội thông tin ngày nay, thư viện không còn là nơi lưu trữ và phổ biến thông tin duy nhất, họ đang ở trong một cuộc cạnh tranh gay gắt để giành lại khách hàng. Nếu không tiếp tục duy trì được tần suất bạn đọc và phát triển nó, thư viện sẽ mất đi lý do để tồn tại. Các thư viện cần sớm nhận ra điều này và có những đối sách hợp lý trước khi hình ảnh thư viện trong mắt bạn đọc chỉ còn là một nhà kho lưu trữ những cuốn sách cũ kỹ và phải rất khó khăn mới có thể mượn đọc.

Marketing sẽ giúp thư viện hiểu được bạn đọc đang muốn gì, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của họ và làm thế nào để cải thiện mối quan hệ bạn đọc - thủ thư. Marketing giúp thư viện định vị hình ảnh của mình với người dùng tin (NDT), lãnh đạo các cấp và các nhà tài trợ. Hơn thế nữa, một trong những nhiệm vụ của marketing trong hoạt động TTTV là nghiên cứu về sự vận động, thay đổi nhu cầu thông tin cũng như sự phân bố, phát triển lượng NDT. Mục đích cuối cùng của marketing thư viện là kích thích có hướng đích tới nhu cầu thông tin, giúp cho thư viện thích nghi với sự thay đổi các nhu cầu của NDT để tạo lập, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ thông tin đầy đủ, chất lượng phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của NDT. Vì vậy, marketing được xem như là công cụ để nâng cao chất lượng của hoạt động TTTV.

1. Vai trò của Marketing trong hoạt động TTTV

Marketing trong hoạt động TTTV là một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của NDT, từ đó thiết kế các ấn phẩm phù hợp, cách tiếp cận phù hợp, đồng thời là biện pháp tuyên tuyền, quảng bá tài nguyên thông tin phù hợp với NDT. Marketing giúp nâng cao khả năng thấu hiểu và tiếp cận NDT của thư viện. Mục tiêu quan trọng nhất của marketing thư viện là nâng cao hiệu quả hoạt động, thông qua đó, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của NDT, mang lại giá trị lớn hơn cho xã hội.

Ở nước ta hiện nay, thư viện được xem như cơ quan văn hóa giáo dục thực hiện nhiệm vụ phổ biến thông tin, tri thức, giúp NDT tự nâng cao trình độ; tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giáo dục đạo đức và thẩm mỹ cho NDT thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật; đồng thời cung cấp các tài liệu giúp cho NDT giải trí một cách tích cực. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, thư viện không những cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt mà còn cần marketing các dịch vụ và sản phẩm của mình với một số vai trò sau:

Thứ nhất, marketing sẽ làm thỏa mãn nhu cầu tin cho NDT một cách tốt nhất, từ đó xây dựng các dịch vụ và tạo ra các sản phẩm thông tin phù hợp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tin của họ. Với lý do này, marketing có mối quan hệ hai chiều, một mặt giúp người làm thư viện nắm được nhu cầu tin của NDT, mặt khác giúp NDT nhận biết các dịch vụ và sản phẩm thông tin có giá trị trong thư viện.

Thứ hai, marketing sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các cơ quan TTTV. Thư viện cần tìm ra cách để NDT nhận biết được các sản phẩm và dịch vụ của mình có những yếu tố nào ưu việt hơn để tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các nơi khác (có thể là ưu việt hơn so với việc tìm đến một cơ quan TTTV khác hoặc tìm kiếm trên internet). Điều này giúp cho NDT dễ dàng hơn trong việc xác định và tìm kiếm một sản phẩm tại thư viện. Nó tăng cường sự liên kết giữa một sản phẩm với một hoặc một số đặc tính của sản phẩm đó. Và nó cũng giúp NDT nhận biết được sự khác biệt giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của họ. Ví dụ: dịch vụ dịch thuật giúp NDT có thể đọc tài liệu bằng tiếng mẹ đẻ, dịch vụ tra cứu trợ giúp có thể trả lời các yêu cầu tin, dịch vụ mượn, trả sách giúp NDT có thể mang sách về nhà.

Thứ ba, thúc đẩy NDT khai thác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông tin. Marketing giúp cho NDT nhận biết về các sản phẩm và dịch vụ thông tin mà thư viện có và chất lượng của chúng, từ đó giúp NDT nắm bắt từng sản phẩm và dịch vụ thư viện, hướng dẫn NDT sử dụng, khai thác sao cho đạt hiệu quả cao nhằm thu hút ngày càng đông NDT tới sử dụng thư viện.

Thứ tư, cơ quan TTTV nắm bắt tốt nhu cầu tin để từ đó tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin phù hợp với từng nhóm NDT.

Như chúng ta đã biết, trọng tâm chính của mỗi thư viện là dịch vụ bạn đọc và marketing là cần thiết cho sự thành công, sự tiếp tục tồn tại của một thư viện. Người làm thư viện cần chủ động marketing các nguồn tin và dịch vụ của mình để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ TTTV phù hợp, đáp ứng nhu cầu tin cho từng nhóm NDT của thư viện. Với lý do này, marketing có mối quan hệ hai chiều, một mặt giúp người làm thư viện nắm được nhu cầu tin của NDT, mặt khác giúp NDT nhận biết các sản phẩm và dịch vụ thông tin có giá trị trong thư viện.

Chính vì vậy, việc hiểu được khái niệm, vai trò marketing sẽ giúp người làm thư viện nhận ra thực tế rằng marketing không những thúc đẩy phát triển các dịch vụ, thu hút ngày càng đông NDT đến thư viện mà còn là một triết lý quản lý.

2. Thực trạng hoạt động marketing tại Trung tâm TTTV Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) là trường đại học chuyên ngành, thuộc lĩnh vực Y Dược, trong đó Trung tâm TTTV là đơn vị cấu thành giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên, học viên trong toàn trường. Trong những năm qua, Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp tài liệu, thông tin khoa học phục vụ các nhiệm vụ và mục tiêu mà nhà trường đề ra. Hiện, Trung tâm đã bước đầu triển khai một số hoạt động marketing hợp lý nhằm quảng bá hệ thống các sản phẩm và dịch vụ tương đối phong phú và đa dạng để đáp ứng một cách tốt nhất cho NDT. Tuy nhiên, mức độ phổ biến các sản phẩm và dịch vụ này của trung tâm còn chưa thật sự tương xứng với quy mô của trường và nhu cầu của đông đảo NDT.

Truyền thông marketing qua tờ rơi

Thiết kế tờ rơi với nội dung giới thiệu và cách thức sử dụng sản phẩm của Trung tâm. Đặt tờ rơi tại bàn phục vụ, phát tờ rơi tại các khoa, phòng, bệnh viện của Trường để NDT hiểu về các sản phẩm dịch vụ của Trung tâm.

Truyền thông marketing qua trang web của Trung tâm

Khi thiết kế trang web, Trung tâm tạo mục “Trợ giúp” để luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi liên quan đến việc sử dụng Trung tâm. Mục này giúp cho NDT yên tâm và cảm thấy lúc nào cũng được hỗ trợ khi họ sử dụng các sản phẩm của Trung tâm trên Internet. Sự hướng dẫn kịp thời cho NDT không chỉ làm tăng hiệu quả hướng dẫn sử dụng Trung tâm qua trang web mà còn giúp cho NDT mong muốn sử dụng sản phẩm TTTV lâu dài.

Trang web của Trung tâm giới thiệu thông tin cũng như sản phẩm và dịch vụ tại Trung tâm thông qua các module chính: Trang chủ, Giới thiệu, Tra cứu tài liệu, Dịch vụ, Tài liệu online, Tin tức…

Tổ chức các lớp học về kiến thức thông tin

Đó là thông qua lớp tập huấn như “Kỹ năng tìm kiếm tài liệu Y học trực tuyến”, “Kỹ năng trích dẫn tài liệu tham khảo bằng phần mềm Mendeley”, các lớp kỹ năng sống, giáo dục Y đức… Trung tâm lồng ghép giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ TTTV đang cung cấp. Điều này giúp người làm thư viện có điều kiện gặp gỡ NDT để thảo luận và thu thập thông tin về nhu cầu tin của họ.

3. Một số kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động marketing tại Trung tâm TTTV Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Thư viện trường đại học, cao đẳng có vai trò to lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, là môi trường lý tưởng để sinh viên, học viên tự học, tự tìm tòi nghiên cứu, tích lũy vốn tri thức về các lĩnh vực khoa học và đời sống xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới giáo dục và đào tạo như hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới, nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, Trung tâm cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động marketing.

Thứ nhất là giải pháp về nguồn nhân lực, Trung tâm cần tổ chức bộ phận marketing chuyên trách nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động marketing. Bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm từ việc lên kế hoạch, tổ chức quảng bá hình ảnh, nguồn lực thông tin của Trung tâm kết hợp với nghiên cứu nhu cầu tin của NDT để đưa ra kế hoạch phát triển các sản phẩm và dịch vụ TTTV. Trước tình hình này, việc đào tạo nguồn nhân lực thư viện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn trong hoạt động marketing là rất cần thiết.

Đối với người làm thư viện khi tham gia vào công tác marketing cần được nâng cao những kiến thức, các kỹ năng làm việc nhóm, tính cộng tác, phối hợp… và tìm được sự tích cực hơn về giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ thông tin mới, thực hiện đánh giá để xác định tính hữu dụng của chính bản thân họ hơn là đặt gánh nặng thêm công việc trên vai họ khi tạo ra sản phẩm mới.

Thái độ ứng xử đối với NDT của người làm thư viện cần được quan tâm. Thư viện nên mở những buổi học giúp người làm thư viện tiếp xúc trực tiếp với NDT về kỹ năng giao tiếp. Sự nhiệt tình, chuyên nghiệp từ phía người làm thư viện góp phần không nhỏ làm tăng lượng NDT với thư viện.

Thứ hai là các giải pháp về xúc tiến hỗn hợp. Trung tâm cần tổ chức các lớp huấn luyện NDT nhằm giúp họ hiểu và nắm được cơ chế tổ chức, cách khai thác và sử dụng thông tin ở thư viện, nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu thông tin. Trung tâm tổ chức các lớp huấn luyện theo các hình thức sau: Hướng dẫn sử dụng thư viện cho sinh viên năm thứ nhất; Huấn luyện kiến thức thông tin nâng cao…

 Trung tâm cần lập kế hoạch marketing cho các sản phẩm và dịch vụ của mình. Kế hoạch marketing đề ra các phương án cụ thể để thực hiện các mục tiêu marketing của Trung tâm, là kim chỉ nam định hướng các hoạt động marketing thông qua việc xác định thị trường, vạch ra phương hướng, cách thức hoạt động và các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu marketing trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Trong kế hoạch marketing, mọi yếu tố về thời gian, địa điểm, nguồn ngân sách, nhân lực cần được cụ thể hóa. Kế hoạch marketing cần nêu được sách lược để cải thiện các sản phẩm dịch vụ đáp ứng đòi hỏi của NDT, đồng thời đưa ra sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với mong đợi của họ. Việc thực hiện kế hoạch marketing cần được kiểm tra, đánh giá thường xuyên để điều chỉnh kịp thời với tình hình mới.

Trung tâm có những chính sách cụ thể để thu hút NDT như tổ chức buổi giới thiệu, chương trình khuyến mãi, chương trình tặng sách cho NDT sử dụng các dịch vụ thư viện nhiều nhất, hoặc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm tài liệu tham khảo (miễn phí)…

Trung tâm cần đánh giá nhu cầu thông tin. Mỗi nhóm đối tượng cần thông tin khác nhau, hoặc các thông tin tương tự nhưng được trình bày theo nhiều cách khác nhau, điều này sẽ ảnh hưởng đến các loại hình thu thập thông tin. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ và sản phẩm phát triển từ thông tin đó cũng như cách mà chúng được phổ biến cho các nhóm mục tiêu. Bởi vậy, Trung tâm cần xác định NDT khác nhau và đối tượng tiềm năng để đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể cho từng nhóm NDT.

Trung tâm nên tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp như: quy định mặc đồng phục, đeo bảng tên vào các ngày đặc biệt như Ngày Sách Việt Nam… NDT khi tiếp xúc với cán bộ mặc đồng phục, đeo bảng tên sẽ có thiện cảm hơn, họ biết được tên chức danh của từng cán bộ. Điều này giúp họ dễ dàng đưa ra nhận xét từng cán bộ. Trong trường hợp NDT cần góp ý về phong cách làm việc của người làm thư viện, họ biết mình đang góp ý cho ai. Ngoài ra, việc mặc đồng phục giúp nêu cao tinh thần trách nhiệm của người làm thư viện trong quá trình phục vụ NDT.

Thứ ba là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trung tâm và ngân sách cho hoạt động marketing. Trung tâm cần có kế hoạch cụ thể hoặc dự trù cho hoạt động này mang tính thuyết phục mới có thể thu hút được đầu tư cơ sở vật chất.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm đã và đang sử dụng nhiều công cụ truyền thông marketing hướng tới cộng đồng NDT của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các dịch vụ này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm TTTV trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cần thực hiện đa dạng hóa các hình thức marketing khác như: video, email, blog, pano, bảng hiệu, áp phích, băng rôn… cũng như phát huy tốt hơn nữa hiệu quả các hoạt động đang tiến hành.

4. Kết luận

TK XXI là thế kỷ của số hóa, những tác động của công nghệ thông tin và kỹ thuật số ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực TTTV. TTTV phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh hữu hình như các trung tâm dữ liệu, hay vô hình như các công cụ tìm kiếm, các cơ sở dữ liệu trực tuyến. Vì vậy, người làm thư viện cần được đào tạo để áp dụng hiệu quả những chiến thuật marketing trong việc dành lại khách hàng - NDT cho thư viện. Hơn thế nữa, marketing không chỉ là một công cụ mà còn là triết lý hoạt động của tổ chức, nó nâng cao trình độ, kỹ năng của thư viện viên và làm thay đổi tất cả các hoạt động của thư viện theo hướng quan tâm tới thị trường.

Trung tâm TTTV Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã sử dụng các hoạt động quảng bá sản phẩm dịch vụ và hình ảnh của Trung tâm góp phần tăng tần suất tiếp cận với NDT. Cán bộ của Trung tâm cũng đã nắm được những kỹ năng cốt yếu trong giao tiếp và nghệ thuật quảng cáo. Nhờ có hoạt động này mà đến nay, có nhiều NDT biết đến Trung tâm, biết đến cách sử dụng cũng như khai thác các sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm hiệu quả hơn rất nhiều so với trước kia.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Trương Thùy Dung, Nguyễn Thị Hương, Ngô Thu Hà, Ứng dụng tri thức marketing trong hoạt động thông tin thư viện tại Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, Sách chuyên khảo, 2019, tr.475-486.

2. Trần Minh Đạo. Marketing căn bản: giáo trình, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2006.

3. Đinh Tiên Minh, Giáo trình Marketing căn bản, Nxb Lao động, Hà Nội, 2012.

4. Nguyễn Hữu Nghĩa, Hoạt động marketing trong thư viện công cộng Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2017.

5. Nguyễn Thị Lan Thanh, Xây dựng chiến lược marketing trong thư viện và cơ quan thông tin, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 1, 2013, tr.16-20.

TRƯƠNG THỊ CÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;