Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay

     ​​​​​​​Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 (1) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) của Việt Nam. Thực trạng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực VHNT bên cạnh một số chuyển biến mới vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế. Một số giải pháp chính đào tạo nguồn nhân lực VHNT thuật đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 là đổi mới nội dung, đẩy mạnh phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo theo khung chuẩn quốc gia và khu vực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu giỏi.

 

     1. Thực trạng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực VHNT ở Việt Nam hiện nay

     Về lĩnh vực VHNT, việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực này thuộc nhiệm vụ của khối các đơn vị đào tạo thuộc Bộ VHTTDL. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp có chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực VHNT cơ bản tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Những cơ sở đào tạo đầu ngành về VHNT ở Việt Nam hiện nay phải kể đến: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội...

     Quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật giá trị. Sản phẩm sáng tạo VHNT cũng được coi là một sản phẩm hàng hóa ở dạng đặc thù, người sản xuất ra nó đương nhiên cũng là những thành phần lao động đặc thù. Điều quan trọng quyết định đến giá trị sản phẩm chính là chất lượng, để đạt điều đó, rất cần có tài năng, năng lực sáng tạo thực sự. Và đây chính là thách thức đối với tất cả các cơ sở đào tạo VHNT chuyên nghiệp trên cả nước nhằm cung cấp cho xã hội đội ngũ những cán bộ văn hóa, những nghệ sĩ tài giỏi hoạt động trên các lĩnh vực, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai lâu dài.

     Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu VHNT với các nước trên thế giới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà đã và đang đạt được những thành tích đáng khích lệ, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực VHNT. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

     Bên cạnh một số thành tựu, thực trạng đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo về VHNT cũng bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Điều này sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, không thể đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

     Thứ nhất, đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng của đất nước ngày một khan hiếm; học sinh, sinh viên có năng khiếu trong các trường VHNT thiếu vắng ngày càng nhiều. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực VHNT chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu xã hội và thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

     Thứ hai, hầu hết cơ sở đào tạo VHNT của nước ta còn lạc hậu cả về nội dung kiến thức lẫn cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên còn yếu ngoại ngữ, thiếu tính chủ động hội nhập. Số lượng sinh viên các ngành VHNT ra trường thất nghiệp không ít. Nhiều người không phát huy được khả năng sáng tạo, giữ gìn bản sắc ngay ở trong nước. Việc đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao để thi, hợp tác với nước ngoài về VHNT thực sự không đáng kể.

     2. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực VHNT đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

     Trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ sở đào tạo VHNT từ trung cấp đến cao đẳng, đại học hiện nay là cần phải nhanh chóng tập trung trí lực, tài lực và vật lực sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục được tình trạng khó khăn, tụt hậu. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần nâng cao ý thức trách nhiệm, làm tròn trọng trách được Đảng và Nhà nước giao về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội, cho lĩnh vực VHNT, tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước cộng đồng kinh tế khối ASEAN.

     Để có thể hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, các cơ sở đào tạo VHNT, trước hết, phải nhận thức rõ cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực then chốt như sản xuất công nghiệp, kinh tế, kỹ thuật công nghệ, thông tin truyền thông... mà tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có VHNT.

     Do đặc thù chuyên ngành đào tạo riêng, mỗi cơ sở đào tạo về lĩnh vực VHNT nên đề ra những chiến lược và mục tiêu cụ thể để phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một số giải pháp chính mà các cơ sở đào tạo này nên lưu ý trong quá trình đào tạo để phù hợp với bối cảnh kịnh tế - xã hội hiện nay bao gồm các nội dung dưới đây:

     Một là, đổi mới đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo nhằm thích ứng với CMCN 4.0

     Việc đổi mới quan trọng đầu tiên là đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó có cuộc CMCN 4.0 phải chuyển từ biệt lập, tự phát nặng về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức.

     Để làm được điều này, các trường cần đổi mới phương pháp dạy - học, đánh giá kết quả theo hướng khơi gợi tính tích cực, chủ động của sinh viên. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học trong toàn bộ các hình thức đào tạo, các bậc học; vận động giảng viên tích cực sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại. Các cơ sở đào tạo nên cập nhật và ứng dụng rộng rãi thành tựu của CMCN 4.0 như: mạng internet kết nối vạn vật, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập.

     Song song với việc mở các mã ngành mới mà xã hội có nhu cầu cao, các cơ sở đào tạo này cũng cần đa dạng hóa và triển khai hình thức đào tạo trực tuyến để nâng cao trình độ và có sức thu hút người học. Để tận dụng lợi thế của mạng IoT, các cơ sở đào tạo về VHNT phải kết hợp song song 2 phương thức đào tạo trực tuyến và truyền thống. Mô hình “lớp học đảo ngược” rất nên cần áp dụng và hoàn thiện. Giảng viên có thể hướng dẫn trước bài giảng tại nhà thông qua video, sách, trang web... Sinh viên chủ động tiếp thu, truy cập tra cứu thông tin liên quan đến những khái niệm, nội dung bài học. Sinh viên cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ cá nhân khi cần thiết. Trên cơ sở nắm vững lý thuyết, thời gian học trên lớp của sinh viên chủ yếu dành cho việc thảo luận và thực hành kỹ năng với sự hướng dẫn cụ thể của giảng viên.

     Sinh viên lĩnh vực VHNT cần tính sáng tạo, cảm xúc và linh hoạt trong hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật. Phương thức giáo dục mới ứng dụng công nghệ số này không gò bó theo khuôn mẫu truyền thống về thời gian, địa điểm học nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung và nâng cao tính tích cực của sinh viên, chắc chắn sẽ phù hợp phát triển đào tạo hiện nay tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực VHNT. Tuy nhiên, để áp dụng phương thức học trực tuyến cần có sự đồng bộ hóa nhiều yếu tố từ mặt bằng cơ sở vật chất, kiến thức cập nhật về công nghệ thông tin và nhất là thái độ tích cực của cả giảng viên và sinh viên.

     Các trường cũng nên chú trọng giao lưu quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về VHNT của châu Á như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản; các nước ở Đông Âu như Nga, Ba Lan... Để hội nhập văn hóa thế giới, việc chú trọng đến ngoại ngữ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, do đặc thù của giảng viên VHNT thường giỏi về chuyên môn nhưng hạn chế về ngoại ngữ đã khiến cho giảng viên ít có điều kiện cập nhật và mở rộng kiến thức chuyên môn hoặc trao đổi, đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác nước ngoài. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nên chú trọng thúc đẩy trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên.

     Hai là, các cơ sở đào tạo nên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo VHNT theo khung chuẩn quốc gia và khu vực

     Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, tư duy đào tạo của các cở sở đào tạo phải khác trước. Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Các trường cần tìm cách thay đổi giáo dục để lớp công dân mới có tri thức và kỹ năng thích ứng được với thay đổi do cuộc CMCN mang lại, để nâng cao những phẩm chất và tính nhân văn của con người mà máy móc không bao giờ có được. Nguồn nhân lực cho VHNT phải sẵn sàng thích ứng và tận dụng cơ hội mà CMCN 4.0 mang đến. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực phải được cải thiện, nâng tầm mà trước tiên phải đảm bảo người tốt nghiệp chuẩn theo Khung trình độ quốc gia. Đa số các quốc gia trong khối ASEAN đã xây dựng và ban hành Khung trình độ quốc gia dựa trên khung trình độ tham chiếu ASEAN (AQRF). AQRF có thể xem là thước đo chung để các nước trong khối có thể tuyển dụng lao động qua đào tạo và giúp tạo nên thị trường lao động thống nhất, hiệu quả khi AEC thành lập. Do đó, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia là một nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Việt Nam.

     Ba là, vấn đề hiện đại hóa cơ sở vật chất và tạo môi trường học thuận lợi để ươm mầm tài năng cho lĩnh vực VHNT

     Các giảng viên, sinh viên, học viên cần được cung cấp trang thiết bị hiện đại để tạo điều kiện tốt cho việc nghiên cứu và học tập. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cung cấp cho xã hội đội ngũ những cán bộ văn hóa, những nghệ sĩ tài giỏi hoạt động trên các lĩnh vực. Các vườn ươm này sẽ gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với xã hội, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là khởi đầu của các ý tưởng, sáng tạo, đưa sản phẩm VHNT tới công chúng.

     Bốn là, các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị biểu diễn và thậm chí cả các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo và sử dụng nguồn lực chất lượng cao về VHNT

     Cần xác định rõ yêu cầu trọng tâm trong đào tạo VHNT là đào tạo đạt chuẩn và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Sự liên kết này sẽ giúp các sinh viên của các cơ sở đào tạo VHNT có nơi thực hành nghề. Bên cạnh đó, các trường cũng nắm được nhu cầu sử dụng và phát triển đào tạo, trở thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa có chất lượng cao.

 

Tác giả: Lê Hồng Khanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;