Đầu tư cho văn hóa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (viết tắt là CMCN 4.0). Theo Gartner, CMCN 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư) xuất phát từ khái niệm Industrie 4.0 trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Industrie 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Định nghĩa từ Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Nối tiếp từ định nghĩa của Klaus Schwab, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (big data). CMCN 4.0 sẽ tác động toàn bộ đến mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Ví dụ: trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Du khách tham quan Đại Nội - Huế. Ảnh Thanh Hà

Vậy ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến sự phát triển của văn hóa xã hội Việt Nam như thế nào? Nhờ công nghệ thông tin, kết nối, mở rộng tầm giao lưu, giao tiếp giữa con người với con người qua mạng internet có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa dân tộc về văn hóa. Văn hóa có tính bản địa, tính dân tộc rất sâu sắc thì hiện nay có nguy cơ bị phai nhạt rất lớn. Cùng với nó là các nước lớn muốn thể hiện vai trò, thực hiện tham vọng về lợi ích, mục đích chính trị cũng như ảnh hưởng về văn hóa ngày càng tăng. Các nước lớn sử dụng thành tựu CMCN 4.0 như một công cụ hữu hiệu quảng bá văn hóa của mình phục vụ cho mục đích chính trị. Việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của một quốc gia phải đối mặt với những xu hướng ấy một cách toàn diện, trực tiếp và gay cấn nhất từ trước đến nay. CMCN 4.0 khiến bất cứ quốc gia, dân tộc và một cá nhân con người không thể thờ ơ, đứng ngoài “vòng xoáy” của nó. Tuy nhiên, tác động của CMCN 4.0 không chỉ tạo ra thách thức, mà còn có cả cơ hội, thời cơ lớn. Sự kết nối nhờ thành tựu công nghệ thông tin, kỹ thuật số cũng tạo ra những cơ hội cho tiếp xúc, học hỏi được nhiều ở các nước không chỉ về thành tựu văn minh, mà còn về giá trị văn hóa một cách nhanh chóng, cập nhật.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, trái chiều nhau giữa tích cực và tiêu cực từ CMCN 4.0 một cách nghiệt ngã nhất. Vấn đề đặt ra là phải biết tận dụng cơ hội; vượt qua nguy cơ, thách thức ngay từ lựa chọn cách thức, con đường phát triển đến thực tiễn nền văn hóa Việt Nam. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0 phải có tính chủ động cao, định hướng sớm và khoa học thì mới có những bước đi vững chắc trong thực tiễn. Quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XII của Đảng về: “Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước là cực kỳ quan trọng, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người” và củng cố, phát triển tính chủ động cho mỗi con người, tổ chức, đơn vị, từ trung ương đến từng địa phương... một cách tích cực, sát thực. Trong khuôn khổ của bài viết này chỉ đề cập đến nội dung đầu tư cho văn hóa như thế nào trong CMCN 4.0.

Nghị quyết 33/NQ-TW ngày 6-9-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời đúng lúc cuộc CMCN 4.0 bắt đầu được 1 năm (năm 2013) như đã nêu trên. Trong nội dung Nghị quyết có nêu 5 quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Năm quan điểm này hướng đến mục tiêu chung: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó các mục tiêu cụ thể như sau:

Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam.

Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Về các giải pháp cụ thể, Nghị quyết 33 nêu rõ 4 giải pháp (trong đó giải pháp 4 - tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa):

Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.

Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản...

Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Các địa phương, cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...).

Tăng cường đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Theo khuyến cáo của UNESCO tại Hội nghị về Văn hóa năm 1989 tại Ulanbato, Mông Cổ, ngưỡng đầu tư cho văn hóa tối thiểu là 2% GDP/năm. Thực tế cho thấy những năm gần đây và hiện tại chưa bao giờ Việt Nam đạt ngưỡng tối thiểu này, con số này ở Việt Nam dao động từ 1,3 - 1,6 GDP/năm, có nghĩa là Việt Nam vẫn đầu tư dưới ngưỡng mà UNESCO khuyến cáo hơn 30 năm nay. Số liệu đầu tư cho sự nghiệp văn hóa qua các năm từ 2013 - 2018:

Đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2013 - 2018

                   Đơn vị tính: triệu đồng

Như vậy, nhìn vào bảng trên cho thấy mức đầu tư năm sau so với năm trước tăng không đến 1%, trong khi mức tăng trưởng kinh tế GDP hàng năm gần đây ở Việt Nam khoảng 6,2 - 6,8% (điều này chưa thực hiện đúng Nghị quyết 33: mức tăng đầu tư cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế hằng năm).

CMCN 4.0 đã tác động mạnh đến văn hóa, vấn đề là mỗi ngành, lĩnh vực trong văn hóa nhận thức đầy đủ về CMCN 4.0 tác động đến mình như thế nào, từ đó xây dựng chiến lược, lộ trình, chương trình, đề án, kế hoạch chi ngân sách cho phù hợp, ví dụ ngành di sản văn hóa lưu ý đến công nghệ mới trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; ngành thư viện lưu ý đến số hóa các tài liệu; ngành văn hóa cơ sở lưu ý đến phương tiện truyền thông công nghệ số, mạng xã hội, ngành điện ảnh lưu ý đến trang thiết bị công nghệ số… Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, vấn đề đầu tư cho văn hóa cần có cách tiếp cận mới, đầu tư có trọng tâm, trong điểm. Ngành văn hóa phải xây dựng các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở từng lãnh vực của ngành. Kết hợp các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (huy động từ dân, doanh nghiệp, nguồn lực quốc tế, vốn vay...) để thực hiện. Ví dụ, theo thống kê, trong lĩnh vực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản văn hóa ở Việt Nam thì mức đầu tư của Nhà nước chiếm khoảng 30%, còn 70% được huy động từ nguồn xã hội hóa. Ở mỗi lĩnh vực của ngành văn hóa đều có đặc thù riêng, ví dụ lĩnh vực di sản văn hóa ngoài các giá trị về khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… Di sản văn hóa được coi là “nguồn tài nguyên đặc biệt” của một quốc gia, nguồn tài nguyên này khác với nguồn tài nguyên khác ở chỗ nó được khai thác lâu dài, không bị “cạn kiệt” như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và càng có giá trị qua thời gian trừ khi bị thiên tai, chiến tranh phá hủy hoàn toàn, ví dụ: Di sản vịnh Hạ Long, riêng tiền bán vé đã thu 1.100 tỷ đồng năm 2017, trong khi ngân sách nhà nước đầu tư có 47 tỷ đồng. Di tích Cố đô Huế thu 320 tỷ đồng tiền vé và ngân sách nhà nước đầu tư có 47 tỷ đồng. Vì thế cần phải ưu tiên đầu tư thích đáng, toàn diện những lĩnh vực văn hóa có tiềm năng là nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước như di sản văn hóa, đầu tư để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn thu bằng cơ chế đầu tư đặc biệt theo chương trình, dự án; không đầu tư manh mún, dàn trải, nửa vời như trước đây. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình đầu tư cũng như đưa vào khai thác, vận hành di sản văn hóa đó. Tương tự như một số sản phẩm văn hóa khác như tác phẩm âm nhạc, phim điện ảnh... đầu tư một lần nhưng khai thác nhiều lần qua công nghệ số (in sao hoặc chiếu tại rạp). Đây là sự khác biệt giữa sản phẩm văn hóa với sản phẩm thông thường khác.

Ngoài vấn đề tăng mức đầu tư cho văn hóa cần quan tâm đến một vấn đề vô cùng quan trọng đó là xây dựng, sửa đổi để ban hành các cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư, đất đai, thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực văn hóa cả ở khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Có như vậy mới tháo gỡ được khó khăn, giải quyết được bài toán khó đầu tư cho văn hóa trong CMCN 4.0.

 Về phía cơ quan có thẩm quyền cân đối, phân bổ ngân sách cho văn hóa cũng phải có cách tiếp cận mới về đầu tư để tạo ra nguồn thu lớn hơn, nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 33 cũng như tác động của CMCN 4.0 đến ngành văn hóa để đổi mới cách cân đối, phân bổ ngân sách Nhà nước cho hợp lý, khắc phục tình trạng “bốc thuốc” quá thấp như hiện nay cho ngành văn hóa.

 Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì đầu tư của Nhà nước cho văn hóa trong CMCN 4.0 cần được quan tâm đúng mức hơn nữa và coi văn hóa thực sự ngang với kinh tế - chính trị - xã hội như Nghị quyết 33 đã nêu ở trên.

 

Tác giả: Nguyễn Danh Ngà – Quách Ngọc Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

;