Sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong gia đình ven đô hiện nay

Trong hầu hết các gia đình người Việt hiện nay, đều tồn tại ba đến bốn thế hệ sống qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, tạo nên những khác biệt về lối sống. Tại các vùng ven đô, nơi văn hóa đô thị chưa lấn át, văn hóa truyền thống vẫn còn chi phối, sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ diễn ra với tính chất, mức độ đậm nhạt khác nhau so với các gia đình đô thị và gia đình nông thôn. Trên thực tế, gia tăng sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay là xu hướng cần được lưu tâm.

     Những nhân tố tác động đến sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong gia đình ven đô

    Lối sống của con người được hình thành, phát triển và chịu sự chi phối bởi các yếu tố chủ quan và khách quan của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ, mỗi cộng đồng. Các thế hệ người trong gia đình có thể được phân chia thành ba nhóm: thế hệ người già, thế hệ trung tuổi và thế hệ trẻ. Sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong gia đình xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, song về cơ bản đó là do sự khác nhau về thời gian sống, không gian sống, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hoạt động nghề nghiệp của các thế hệ.

    Mỗi thế hệ với những khoảng thời gian sống khác nhau với mức độ chi phối khác nhau đã mang đến những lối sống khác nhau, ngay cả khi họ cùng chung sống trong một gia đình. Lý thuyết biến đổi giá trị giữa các thế hệ của Ronald Inglehart chỉ ra rằng, những lớp người được sinh ra trong cùng một thế hệ tiếp thu các giá trị văn hóa đặc trưng cho thời đại họ và những giá trị văn hóa này sẽ gắn bó, ít biến đổi trong suốt cuộc đời mỗi người, ngay cả khi cuộc sống của họ đã có nhiều thay đổi (1). Ở Việt Nam, do độ tuổi kết hôn sớm nên sự phân định khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình thường là 20 đến 25 năm. Với một xã hội có nhiều biến đổi như Việt Nam, khoảng cách 20 đến 25 năm cũng đủ để cho thấy những chứng kiến, trải nghiệm của các thế hệ trước những đổi thay của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị ở các giai đoạn trước và đến khi họ trưởng thành. Thế hệ người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên, do tuổi thọ ngày càng cao, nên số người có độ tuổi từ 75 trở lên, thậm chí trên 80 tuổi, chiếm số lượng ngày càng nhiều. Yếu tố thời gian sống tác động mạnh mẽ nhất đến thế hệ người cao tuổi vẫn chủ yếu là tư tưởng Nho giáo, tư tưởng làng xã, tư tưởng bao cấp và kinh tế thị trường. Những người thuộc thế hệ trung niên được tính tương đương những người trong độ tuổi từ 36 đến dưới 60 tuổi. Dấu ấn của thời kỳ bao cấp, quá độ và kinh tế thị trường là những yếu tố chủ yếu chi phối đến sự hình thành lối sống của những người thuộc thế hệ này. Thế hệ trẻ trong các gia đình được tính tương đương những người trong nhóm từ 15 đến 30 tuổi, bao gồm những người sinh trong thập niên 80, 90 và những năm đầu TK XXI, còn được gọi là thế hệ 8X, 9X, 10X (2). Đây là thế hệ sinh ra, lớn lên, gắn bó và chịu sự chi phối mạnh mẽ nhất của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đặc biệt là internet. Họ thậm chí còn được gọi tên là “những công dân thực thụ của thế giới ảo”, “thích dành thời gian online, cả khi gặp gỡ bạn bè lẫn khi ở nhà” và “sẽ không làm được gì nếu không cầm điện thoại trên tay” (3).

    Sự thay đổi về không gian sinh sống, cụ thể là sự chuyển đổi từ làng quê dần sang đô thị, đã mang đến một không gian sống có sự đan xen giữa nông thôn và thành thị. Cùng sinh ra và lớn lên trong một cái nền chung là văn hóa, nề nếp gia phong của gia đình, nhưng khi thời gian sống và không gian sống thay đổi, mỗi thế hệ sẽ tiếp nhận, thẩm thấu và biểu hiện thành những lối sống khác nhau. Sự thay đổi về không gian sống mang tính chất giao thoa giữa nông thôn và đô thị tại các vùng ven đô được biểu hiện rõ nét qua quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa đã làm biến đổi cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của các cư dân. Bên cạnh những ngôi nhà với kiến trúc truyền thống, những mái đình, chùa, miếu… là những ngôi nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại, những khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, doanh nghiệp tư nhân… mọc lên ngày càng nhiều. Bên cạnh thành phần dân chính cư, nay có thêm sự đan xen đa dạng các thành phần dân cư, từ những không gian khác nhau. Những thay đổi về cơ sở vật chất còn kéo theo những thay đổi về đời sống tinh thần, thay đổi về phong tục tập quán, nếp sống của các gia đình ven đô. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng mang đến những mặt trái, dẫn đến những xáo trộn tâm lý nhất định cho cư dân, nhất là thế hệ những người già. Vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội cũng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Việc đề cao quá mức giá trị vật chất cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ tới lối sống gia đình. Có thể nói, đô thị hóa chính là dấu hiệu nổi bật, cũng là tác nhân quan trọng của sự chuyển đổi xã hội, chi phối tới việc thay đổi và khác biệt lối sống giữa các thế hệ.

    Bên cạnh sự thay đổi về thời gian sống, không gian sống, hoạt động kinh tế cũng giữ vai trò quan trọng đến việc hình thành và tạo nên sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ. “Khi phương thức sản xuất có sự thay đổi, các mối quan hệ xã hội cũng thay đổi, dẫn theo sự thay đổi về lối sống của các thành viên cấu thành xã hội” (4). Tại các vùng ven đô, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hoạt động nghề nghiệp ở thời điểm trước và sau quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã chi phối đến sự hình thành lối sống khác nhau của mỗi thế hệ. Từ hoạt động nông nghiệp là chủ đạo, vùng ven đô có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang hoạt động công nghiệp và dịch vụ. Như một tất yếu, việc chuyển đổi đất nông nghiệp, việc xuất hiện nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, mang đến những thay đổi về loại hình nghề nghiệp của các thế hệ trong gia đình. Đa số người già đều làm nông nghiệp, gắn bó với ruộng đất, họ dần chấp nhận ly nông bất ly hương. Trong khi đó, những người thuộc thế hệ trung tuổi, đặc biệt là thế hệ trẻ trong các gia đình ít có sự gắn bó với nghề nông mà đa dạng các nghề nghiệp khác nhau, và dễ dàng thay đổi công việc khi thấy không hiệu quả, khi gặp khó khăn hay đơn giản chỉ vì không còn thấy thích. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, biến đổi phương thức mưu sinh vừa là biểu hiện, cũng vừa là tác nhân dẫn đến sự khác biệt lối sống trên nhiều chiều cạnh khác nhau của các thế hệ trong gia đình.

    Nhận diện sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong gia đình ven đô

    Khác biệt lối sống giữa các thế hệ có mối quan hệ gắn bó với bối cảnh xã hội mà mỗi thế hệ sống, gắn bó trong giai đoạn trưởng thành và xét đến cùng, khác biệt lối sống chính là hệ quả của sự chuyển đổi văn hóa, chuyển đổi xã hội. Tại các gia đình ven đô, khác biệt về lối sống giữa các thế hệ biểu hiện ngày càng rõ nét khi có sự xuất hiện của đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển công nghệ thông tin. Những khác biệt, biến đổi về lối sống, về hệ giá trị văn hóa trong gia đình ven đô diễn ra theo những xu hướng khác nhau. Có những khác biệt được hóa giải một cách hài hòa, các thế hệ hiểu và tôn trọng cách sống của nhau, hỗ trợ nhau để gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa gia đình. Có những khác biệt được hóa giải, nhưng chỉ về mặt hình thức, ẩn sâu bên trong vẫn là những sóng ngầm trong lối sống của các thế hệ. Cũng có những khác biệt không thể hóa giải, khoảng cách thế hệ ngày càng xa, trở thành những mâu thuẫn, đổ vỡ trong gia đình.

    Khác biệt thế hệ luôn mang tính đặc thù và phổ biến trong cuộc sống gia đình, dù ở bất kỳ loại hình và trình độ phát triển nào của xã hội. Nhìn nhận sự khác biệt lối sống của các thế hệ, trước hết cần có cái bình tĩnh, khách quan, tránh cái nhìn áp đặt chủ quan đánh giá đúng - sai, tốt - xấu hoặc so sánh hơn kém. Một thực tế khá phổ biến là khi đánh giá về thế hệ trẻ, trong cuộc sống gia đình và ngay cả trong một số nghiên cứu hay các cuộc cuộc hội thảo (5), thường xem xét thế hệ này trong một cái khung chung, trong đó có phần nghiêng về yếu tố tiêu cực trong lối sống với những đặc điểm như: lười làm, ham chơi, thích hưởng thụ, đặt giá trị vật chất lên trên hết, coi trọng đồng tiền, theo đuổi vật chất, địa vị, tình yêu, tình dục mà quên nuôi nấng tâm hồn, quá phụ thuộc vào công nghệ thông tin, quay lưng lại các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó dẫn đến xu hướng coi trọng và bảo lưu lối sống của thế hệ đi trước, đề xuất lấy giá trị văn hóa, lối sống, cách sống của thế hệ già để nhìn nhận, soi chiếu, làm chuẩn mực cho thế hệ trẻ. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại cũng có sự nhìn nhận, đánh giá thế hệ già theo những tiêu chí, quan điểm của riêng họ. Thế hệ trẻ kính trọng thế hệ già, người già vẫn có tiếng nói quan trọng trong gia đình, trong làng xã. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng thế hệ già là bảo thủ, lạc hậu, là trình độ công nghệ thông tin kém, là tiết kiệm quá mức, là khó tính và hoài cổ... Nhiều người trẻ muốn bứt phá, muốn vượt ra ngoài những điều được coi là quy chuẩn, chuẩn mực của gia đình, của xã hội truyền thống…, tạo ra những va chạm giữa già và trẻ, giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại trong đời sống gia đình. Khác biệt, ở một góc độ nào đó, tạo nên sự đa dạng cho văn hóa gia đình; các thế hệ nên tôn trọng sự khác biệt và hiểu biết lẫn nhau, tránh lấy lối sống của thế hệ này áp đặt lên thế hệ khác.

    Ở mỗi thời kỳ khác nhau, khác biệt lối sống giữa các thế hệ sẽ có tần suất nhiều ít và những biểu hiện đậm nhạt khác nhau. Nếu khác biệt thái quá sẽ đẩy khoảng cách quá xa giữa các thế hệ, thậm chí gây mâu thuẫn, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Trong gia đình, dù ở thời nào thì cũng cần có nề nếp, gia phong. Các thế hệ có thể phát triển tự do, tuy nhiên vẫn cần tuân thủ nhất định theo nề nếp gia phong trong gia đình nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Nếu phó mặc sự khác biệt lối sống giữa các thế hệ như một quy luật phát triển tự nhiên, tự phát mà không có sự quan tâm định hướng để điều chỉnh và xử lý kịp thời, sẽ dễ gây ra những hậu họa khôn lường đối với văn hóa gia đình. Đã có không ít những vụ việc đau lòng được nhắc đến trên các báo, đài như: vì mâu thuẫn thế hệ mà nhiều người già cô đơn, bỏ nhà ra đi; con cái đánh đập, thậm chí giết ông bà, cha mẹ; vợ chồng ly hôn… Bởi vậy cần có sự phân tích, nhìn nhận, đánh giá những khác biệt về lối sống giữa các thế hệ trong gia đình để làm rõ hơn các mối quan hệ, lường trước những hậu họa và định hướng các giá trị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    Vấn đề gia đình, văn hóa gia đình và thế hệ trong gia đình là mối quan tâm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, được nhắc đến thường xuyên trong các văn kiện trong nước và quốc tế... Năm quốc tế Gia đình được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố trong năm 1994 với các chủ đề khác nhau qua mỗi năm, trong đó, đoàn kết thế hệ, vai trò, trách nhiệm và vấn đề đặt ra cho mỗi thế hệ sống trong gia đình… là những chủ đề được bàn đến khá nhiều. Vì vậy khi xây dựng cơ chế, chính sách về gia đình, cần quan tâm, chú ý nhiều hơn đến vấn đề thế hệ, khoảng cách lối sống giữa các thế hệ trong gia đình. Trước những khác biệt quá lớn đang diễn ra ngày càng phổ biến và có tính chất ngày càng gay gắt, việc quan tâm xây dựng chính sách hợp lý để hạn chế những tác động tiêu cực, phát huy những tác động tích cực của hiện trạng khác biệt lối sống giữa các thế hệ trong gia đình là một việc làm cần thiết.

_____________

1. Ronald Inglehart, Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

2. Chọn mốc 15 tuổi trở lên (thế hệ dưới 15 tuổi chưa nghiên cứu) vì tuổi 15 là độ tuổi đang bắt đầu trưởng thành, hình thành các quan niệm sống, lý tưởng, ước mơ và đã có ý thức, biết chịu trách nhiệm với hành động, việc làm của mình.

3. Lê Phát, Thế hệ Z - những công dân thực thụ của thế giới ảo, 2016, news.zing.vn.

4. Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Hoạt động văn hóa thể thao, du lịch và lối sống của con người Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.89.

5. Tác giả Phạm Côn Sơn, trong Gia lễ xưa và nay (Nxb Thanh niên, TP.HCM, 2011), đưa ra một số biểu hiện và kết luận đời sống của lớp trẻ ngày nay là “phóng túng, khác hẳn nếp ăn ở có khuôn phép của những người thuộc các thế hệ bốn năm mươi năm về trước” (tr.13). Theo tác giả Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, trong Gia đình học (Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007), tại một số hội thảo, không ít nhà quản lý đề xuất duy trì loại hình gia đình truyền thống, giảm bớt xu hướng gia đình hạt nhân, đưa phụ nữ trở lại nhiều hơn với gia đình (tr.106, 107).

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;