Trang phục dân tộc Lự - Ảnh: Tuấn Minh
Năm 2019, Bộ VHTTDL xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với các hoạt động khảo sát đánh giá, tập huấn về phương pháp, kỹ năng truyền dạy và xây dựng mô hình khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
Triển khai Đề án, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các địa phương khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể nghề thêu, dệt thổ cẩm, in vẽ sáp ong... cho các dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 10 nghìn người); tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc khu vực phía Bắc lần thứ I tại Hà Nội; định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc theo khu vực và toàn quốc; Ngày hội các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu. Đồng thời, triển khai thực hiện 19 nhiệm vụ trọng tâm của Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Người Lự là một trong 20 dân tộc sinh sống ở tỉnh Lai Châu (tập trung ở huyện Tam Đường, Sìn Hồ). Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, cộng đồng người Lự đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa riêng phong phú, trong đó trang phục truyền thống phụ nữ không chỉ có giá trị trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ về mặt văn hóa, lịch sử tộc người. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách tại các bản người Lự.
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Lự ở Lai Châu đã tạo ra được những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bước đầu đạt được kết quả tích cực. Lai Châu đã trở thành địa phương đạt được mục đích kép vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Mặc dù cư trú xen kẽ với các dân tộc khác nhưng trang phục truyền thống của người Lự vẫn giữ được những đặc trưng riêng như một dấu hiệu nhận biết tộc người. Trang phục của người Lự vẫn mang nét riêng so với các tộc người và trở thành điểm nhấn để địa phương xây dựng các bản du lịch cộng đồng ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
1. Vai trò của cộng đồng dân tộc Lự trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Vai trò trong sáng tạo và sử dụng trang phục
Với truyền thống lao động, sản xuất tự cung tự cấp của người Lự như: lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày, trong đó có trang phục, cộng đồng người Lự ở Lai Châu đã sớm biết trồng bông lấy sợi dệt vải, nuôi tằm lấy tơ làm chỉ thêu để tạo ra trang phục riêng cho dân tộc mình.
Người Lự có trang phục mặc ngày thường và dịp Tết, lễ hội. Ngày thường, phụ nữ Lự mặc áo cánh ngắn được may bằng vải bông nhuộm chàm, dài chùm đến mông. Vạt áo từ eo trở xuống được may ghép bởi 6 miếng vải theo hình rẻ quạt từ eo trở xuống, vạt áo xòe rộng tôn vẻ đẹp vòng eo của người phụ nữ, tạo sự thoải mái cho người mặc. Cổ áo may liền với nẹp ngực, khi mặc, tà áo bên trái đè lên tà bên phải, hai tà được cố định bằng dây vải buộc. Đường gấu áo ở thân sau được cắt vát đều hai bên theo hình chữ V, khi mặc, góc nhọn buông vừa hết hông. Áo được trang trí nhiều họa tiết hoa văn với kỹ thuật dệt, thêu, đáp vải, đính cườm, đính những đồng xu bạc ở quanh cổ áo, vạt áo, thân áo trước và sau, tay áo và gấu áo. Phụ nữ Lự mặc váy, kiểu váy ống, không chiết li, dài chấm mắt cá chân. Váy chỉ có màu chàm, ít thêu đính hoa văn.
Trong dịp Tết, lễ hội, phụ nữ Lự mặc loại váy với nhiều hoa văn trang trí được tạo ngay từ khâu dệt vải. Chiếc váy gồm 3 phần: cạp váy, thân và chân váy. Thắt lưng là một miếng vải dệt màu trắng trang trí các dải họa tiết hoa văn theo chiều ngang ở hai đầu, phần đuôi thắt lưng để nhiều tua sợi. Ngoài tác dụng giữ váy còn tôn vẻ đẹp vòng eo của người phụ nữ làm tăng tính thẩm mĩ cho bộ trang phục. Trang phục của phụ nữ Lự không thể thiếu khăn đội đầu. Khăn được làm bằng vải bông nhuộm chàm dài khoảng 4m, rộng khoảng 30cm được trang trí bởi những đường sợi dọc chủ đạo màu trắng, hai đầu khăn được đính cườm, đính chùm quả bông nhiều màu sắc. Phụ nữ Lự thường để tóc dài, vấn lên đầu rồi mới cuốn khăn ra ngoài.
Cùng với trang phục, phụ nữ Lự thích đeo nhiều đồ trang sức như vòng tay, khuyên tai, xà tích, nhẫn… Theo truyền thống, phụ nữ Lự có tục nhuộm răng đen, thiếu nữ từ 13-14 tuổi trở lên đều nhuộm răng đen như là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người con gái đến tuổi trưởng thành. Cách để vấn tóc, mặc y phục, nhuộm răng đen cũng là dấu hiệu để phân biệt từng giai đoạn trưởng thành của người phụ nữ.
Trong quá trình sáng tạo trang phục, người Lự tạo nên các kiểu loại trang phục theo giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội để mặc thường ngày, trong những dịp lễ Tết. Theo quan niệm của người Lự, việc canh cửi, thêu thùa là tiêu chuẩn quan trọng để cộng đồng đánh giá giá trị của một người phụ nữ, bởi người vợ, người mẹ sẽ là người phụ trách việc làm ra đồ mặc và các đồ vải cần thiết cho cả gia đình. Vì thế, trước kia tất cả phụ nữ Lự đều thành thạo trong việc trồng bông, se sợi, dệt vải, may thêu ngay từ khi còn là một thiếu nữ. Cô gái nào chăm chỉ dệt vải và khéo léo sẽ được nhiều chàng trai để ý và muốn lấy về làm vợ.
Có thể thấy, phụ nữ Lự đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo ra bộ trang phục truyền thống kết hợp với trình độ tư duy, thẩm mỹ, tri thức dân gian. Mỗi một bộ trang phục là một sáng tạo thủ công không trùng lặp, in đậm nét cần cù, khéo léo, độc đáo và duy nhất của phụ nữ Lự.
Việc tạo ra bộ trang phục truyền thống luôn đồng hành trong đời sống của cộng đồng, nó được truyền từ đời này sang đời khác và là một thành tố văn hóa quan trọng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, là sợi dây gắn kết cộng đồng người Lự.
Vai trò trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị của trang phục truyền thống
Dưới tác động của giao lưu hội nhập kinh tế, văn hóa ngày nay dẫn đến thực trạng biến đổi văn hóa truyền thống ở hầu hết các tộc người trên cả nước, trong đó có cộng đồng người Lự ở Lai Châu. Nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Lự đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một bản sắc. Nhiều người Lự, phổ biến là lớp trẻ, đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục may kiểu Âu phục hiện đại bày bán phổ biến ở các chợ trong vùng. Trong các dịp Tết, lễ hội trang phục truyền thống họ mặc bị lược bỏ nhiều thành tố hoặc phối trộn với trang phục hiện đại, đặc biệt là nam giới. Nhiều người không có trang phục truyền thống cho riêng mình, nên họ mặc trang phục giống người Kinh, hoặc có nhiều chị em phụ nữ Lự thích mặc trang phục của người Thái, mặc áo phông kết hợp với váy của người Lự. Nghề dệt thổ cẩm, thêu hoa văn cũng mai một dần. Nhiều chị em phụ nữ tuổi từ 30 trở xuống không còn biết dệt, thêu, may, thậm chí là mặc trang phục truyền thống. Tâm lý ngại mặc trang phục truyền thống, ngại học dệt, thêu ngày càng phổ biến ở lớp trẻ dân tộc Lự.
Đối với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị của bộ trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm, cộng đồng dân tộc Lự đóng vai trò là chủ thể trong công tác bảo tồn, đặc biệt là vai trò nòng cốt của các nghệ nhân nắm giữ tri thức quý báu của nghề, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng là già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ của người Lự; vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong cộng đồng người Lự hiện nay như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.
Trước tiên, phải nói đến vai trò của các nghệ nhân trong việc nắm giữ tri thức, kỹ năng quý báu liên quan đến quy trình tạo tác nên bộ trang phục truyền thống. Trong xã hội truyền thống, mọi cô gái người Lự đến tuổi trưởng thành đều thành thạo việc dệt thêu như một tiêu chuẩn tất yếu trước khi lấy chồng. Do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự giao lưu hội nhập diễn ra nhanh chóng làm cho trang phục truyền thống dần bị mai một, ngày càng nhiều phụ nữ không biết trồng bông, se sợi, ngại học dệt thêu. Vì thế số người biết dệt, làm ra trang phục ngày càng ít dần, chỉ còn rất ít người già còn nắm vững kỹ thuật se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu ghép hoa văn và am hiểu ý nghĩa của những họa tiết hoa văn cùng giá trị sử dụng trang phục trong những dịp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Họ chính là “báu vật sống” của cộng đồng người Lự, có vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn, trao truyền, sáng tạo di sản để những tri thức, kỹ năng về nghề dệt, may thêu trang phục truyền thống cho các thế hệ kế tiếp, giúp cho di sản văn hóa tộc người được tái tạo dựa trên vốn văn hóa truyền thống, nhằm thích ứng với môi trường sống hiện đại. Vì vậy, đội ngũ nghệ nhân người Lự, những phụ nữ am hiểu và có tay nghề cao sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản liên quan đến trang phục truyền thống. Nếu không có họ thì các kỹ năng, kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm liên quan đến trang phục truyền thống của dân tộc Lự sẽ không còn nữa.
Trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa của trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm, các nghệ nhân của dân tộc Lự góp phần quan trọng cùng với các nhà nghiên cứu, các cấp chính quyền phục chế lại những tri thức bản địa của nghề dệt trang phục truyền thống. Họ có vai trò xác định các nội dung, giải pháp hiệu quả bảo tồn bộ trang phục truyền thống, giá trị nào đang có nguy cơ mai một cần phải khôi phục, yếu tố nào cần phát huy, cải biến để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh vai trò của các nghệ nhân thì người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có trang phục. Họ là những người có vốn sống, kinh nghiệm trong sản xuất, am hiểu về văn hóa, các phong tục tập quán, được mọi người trong cộng đồng kính trọng và là người định hướng cho cộng đồng với phương châm “già làng nói dân làng nghe, già làng làm dân làng làm theo” bằng những kinh nghiệm quý báu tích lũy được.
Vai trò của cộng đồng dân tộc Lự trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của bộ trang phục truyền thống còn được thể hiện ở tế bào nhỏ nhất của xã hội đó là các gia đình, dòng họ. Giáo dục thế hệ trẻ hình thành ý thức và niềm tự hào về bộ trang phục truyền thống ngay từ môi trường gia đình, dòng họ của người Lự vừa dễ thực hiện lại mang lại hiệu quả cao, vì đây là môi trường đầu tiên giúp một đứa trẻ nhập thân văn hóa. Ông bà, cha mẹ cần giáo dục cho lớp trẻ người Lự hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc mình, trong đó có bộ trang phục truyền thống ngay từ trong gia đình. Cần khuyến khích, tạo điều kiện để các bà, các mẹ, các chị tích cực truyền dạy kỹ thuật dệt, thêu cho con cháu mình.
Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ người Lự trong việc giáo dục con em giữ gìn bộ trang phục truyền thống và nghề dệt thổ cẩm là những công việc UBND xã Bản Hon, huyện Tam Đường chú trọng thực hiện, cùng với đó là vận động, khuyến khích các bà các mẹ dạy cách dệt thêu cho con em mình từ khi còn nhỏ; khuyến khích các gia đình khôi phục, duy trì khung dệt; đồng thời các trường học cũng vận động phụ huynh may sắm trang phục truyền thống cho con em mình khi đến trường để mặc vào một số ngày nhất định trong tuần và các dịp nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa.
Trong cộng đồng người Lự tại các xã trên địa bàn huyện Tam Đường, Sìn Hồ còn có các đoàn thể chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức xã hội, tổ chức tự nguyện khác. Các tổ chức đoàn thể này có vai trò trong việc động viên, giúp đỡ các hội viên trong cuộc sống, nâng cao trình độ nhận thức về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; vận động đoàn viên, hội viên của mình thực hiện việc mặc trang phục truyền thống thường xuyên vào các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các hội viên các đoàn thể trong việc gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống, trao truyền nghề dệt, thêu, kỹ thuật tạo ra những sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường…; tổ chức các mô hình hợp tác xã, câu lạc bộ nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút phụ nữ Lự tham gia và trở thành cầu nối thu gom sản phẩm đưa ra thị trường, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em dân tộc Lự.
Vai trò trong sáng tạo ra các sản phẩm mới từ kỹ thuật dệt, thêu truyền thống để phục vụ du lịch
Hiện nay, ngoài dệt quần áo, váy và các phụ kiện liên quan đến trang phục truyền thống, thì sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Lự ở Bản Hon rất đa dạng để du khách có thể mua về làm quà kỷ niệm như các loại túi, khăn, địu, chăn, ga, gối… với hoa văn, họa tiết theo truyền thống.
Đến với bản làng của người Lự, du khách thường ấn tượng với hình ảnh những người phụ nữ Lự mặc trong trang phục truyền thống, cặm cụi bên khung cửi dệt vải. Họ thích thú mua những sản phẩm dệt thêu xinh xắn, tinh xảo, thân thiện với môi trường do chính bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Lự làm ra. Thực tế trên cho thấy, vai trò của chủ thể văn hóa là cộng đồng người Lự không chỉ sở hữu, kế thừa, thực hành di sản văn hóa mà họ còn đang tham gia vào sáng tạo, làm phong phú thêm di sản văn hóa thông qua việc tạo ra những sản phẩm mới từ nghề dệt, thêu truyền thống để phục vụ khách du lịch. Các chị em phụ nữ dân tộc Lự đang làm tốt nhiệm vụ phát huy, gia tăng sức sống cho nghề dệt thêu truyền thống của cha ông mình để các tri thức và kỹ năng của nghề dệt không bị mất đi mà nó còn sống tốt, sống bền vững, thích ứng với bối cảnh hiện nay bằng việc sáng tạo nên những sản phẩm mới đa dạng, phong phú, hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách. Một số chị em lành nghề trong Bản Hon đã biến nghề dệt thổ cẩm truyền thống thành nghề kiếm thêm thu nhập, bằng việc chuyên làm ra trang phục và các sản phẩm dệt may đa dạng cung cấp cho cộng đồng và du khách
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc giao lưu, kết nối toàn cầu trở nên dễ dàng và thuận tiện thông qua các kênh truyền thông trên mạng xã hội. Thế hệ trẻ người Lự là những người tiên phong trong việc tiếp nhận cái mới, nhanh nhạy với tiến bộ công nghệ. Vì vậy, nếu thế hệ trẻ người Lự sớm có ý thức và niềm tự hào về giá trị của bộ trang phục truyền thống thì họ sẽ có nhiều sáng kiến trong việc bảo tồn, khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu, tiếp thị các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của tộc người mình. Thế hệ trẻ sẽ giúp cho cộng đồng tạo ra thu nhập từ nghề truyền thống, góp phần tôn vinh các giá trị của bộ trang phục truyền thống có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa đương đại.
2. Nhu cầu của du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Hiện nay, xã Bản Hon, huyện Tam Đường đang là một trong sáu điểm du lịch sinh thái - cộng đồng trọng điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Lai Châu. Du lịch đã góp phần giúp Bản Hon nâng cao đời sống đồng bào, chuyển dịch cơ cấu lao động vùng dân tộc thiểu số. Dân bản được chính quyền hỗ trợ giữ nghề dệt, tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời tập huấn về đón khách, chế biến thực phẩm, biểu diễn văn hóa văn nghệ dân gian...
Trước nhu cầu khám phá, tìm hiểu văn hóa của du khách, cộng đồng người Lự ở Lai Châu đã tự hào về bộ trang phục truyền thống, họ có nhiều cơ hội để mặc bộ trang phục truyền thống trong các dịp đón tiếp du khách; cảm giác tự tin và việc ngại mặc trang phục truyền thống sẽ dần mất đi khi mà du khách trầm trồ, ngưỡng mộ trước sự độc đáo, họa tiết tinh xảo trên bộ trang phục truyền thống của họ; đồng thời, cộng đồng người Lự đang cố gắng khôi phục lại những công đoạn của nghề dệt, nhuộm, may thêu từ khâu trồng bông đến khâu hoàn thành bộ y phục để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Những tri thức, kinh nghiệm liên quan đến nghề dệt, thêu truyền thống, giá trị, ý nghĩa của các họa tiết hoa văn và phong tục tập quán liên quan đến bộ y phục truyền thống đang được hồi sinh, tái tạo để có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, giải đáp những câu hỏi của du khách liên quan đến trang phục truyền thống của họ và nghề thủ công dệt, thêu, nhuộm chàm.
Xuất phát từ nhu cầu của du khách, cộng đồng bản địa sẽ sáng tạo ra những sản phẩm lưu niệm từ những đồ vải truyền thống, đồ trang sức… mang đặc trưng văn hóa tộc người và phù hợp với thị hiếu của du khách như túi sách, mũ, bọc sách, khăn trải bàn, búp bê dân tộc, ba lô, túi đựng laptop… theo hướng hàng hóa cho du lịch. Khi lượng du khách ngày càng đông, các sản phẩm dệt, thêu của người Lự được tiêu thụ nhiều hơn thì chắc chắn sẽ tạo động lực cho cộng đồng người Lự giữ lấy nghề và sáng tạo hơn trong việc tạo ra sản phẩm đa dạng, có tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Ngoài ra, thông qua những bức ảnh mà du khách chụp tại bản làng của người Lự, hình ảnh những người phụ nữ Lự mặc trang phục truyền thống, hình ảnh họ ngồi dệt vải… và những sản phẩm dệt thổ cẩm của người Lự được theo chân du khách đi khắp muôn nơi sẽ là kênh quảng bá hữu hiệu để những giá trị văn hóa của người Lự được lan tỏa rộng rãi hơn. Điều đó cho thấy, du lịch với sự đáp ứng nhu cầu của du khách không chỉ góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Lự mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập và nhiều lợi ích hơn thế như: cơ sở hạ tầng, môi trường cảnh quan khang trang sạch đẹp, có cơ hội giao lưu học hỏi văn hóa từ du khách, sự cố kết cộng đồng được gia tăng và nâng cao những giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể thấy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch của Lai Châu, vai trò của cộng đồng dân tộc Lự và nhu cầu của khách du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Lự.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức đến từng thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua việc phát huy vai trò của các nghệ nhân, gia đình, dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng. Mặt khác, phát huy vai trò của Hội Phụ nữ thôn bản trong việc động viên chị em hội viên giữ lấy nghề dệt và trao truyền nghề; vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc đưa ra những sáng kiến, phong trào để thúc đẩy các đoàn viên giữ gìn trang phục truyền thống, tìm những mô hình mới, hiệu quả cho nghề dệt, thêu, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để quảng bá và bán sản phẩm... Từ đó, giúp cộng đồng Lự được hưởng lợi từ việc bảo tồn, phát huy trang phục gắn với phát triển du lịch.
Trang phục truyền thống của người Lự ở Lai Châu là di sản văn hóa được sáng tạo từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập mạnh mẽ, trang phục của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Lự nói riêng đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo.
Việc gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua hoạt động du lịch, đồng thời trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Lai Châu.
NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024