Sân khấu Xuân Quý Mão - Nhiều tín hiệu vui

Chương trình ca nhạc, hài kịch và giao lưu nghệ thuật Giấc mơ hạnh phúc đón Xuân Quý Mão 2023 của Nhà hát Tuổi trẻ. 
Ảnh: Thế Toàn

 

Như nhiều loại hình giải trí ca, múa, nhạc, phim... sân khấu đã có những cơ hội để đón khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đáng mừng là đã có nhiều chương trình có số lượng công chúng đông đảo nhờ vào sự đầu tư khá công phu và quyết tâm để có được nét chấm phá vui, đầy hy vọng của mùa xuân Quý Mão này.

Ở các thành phố lớn, có những điểm khác biệt đáng ghi nhận so với những dịp Tết trước đây khi nhiều hình thức sân khấu có tính truyền thống như rối nước, cải lương, tuồng, chèo hoạt động khá tốt, khác với sự giảm tần suất ở những năm trước đây.

Sân khấu Hà Nội có thể dễ dàng thấy những hoạt động tích cực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương, Nhà hát Múa rối Thăng Long... cùng những chương trình mang tính phục vụ sự kiện, lễ hội của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam...

Liên đoàn Xiếc Việt Nam với chương trình Ngày hội xiếc thú đã phục vụ khán giả đón xuân từ mùng 4 đến hết mùng 8 tháng Giêng (từ 25 đến 29/1) mỗi ngày có 2, 3 suất diễn. Chương trình đặc biệt này bao gồm các tiết mục giàu màu sắc đón lễ hội như: Múa lân sư rồng Chào xuân, xiếc Ðu bay mạo hiểm của các nghệ sĩ đã đoạt giải tại Liên hoan Xiếc quốc tế Liên bang Nga, hề xiếc và những màn xiếc thú lợn, ngựa, chim, khỉ… và nhất là màn biểu diễn xiếc mèo - con vật biểu trưng của năm Quý Mão.

Tiết mục Xiếc mèo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. 
Ảnh: Nam Nguyễn

 

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, xiếc Làng tôi, chương trình từng được đưa ra khai thác tại nước ngoài với hàng trăm suất diễn cháy vé không chỉ vì sự độc đáo của xiếc tre, của những màn tung hứng, nhào lộn điêu luyện mà còn đưa tới cho khán giả những cảnh sinh hoạt ở làng quê đậm chất Việt đã khai xuân biểu diễn từ 18h - 19h ngày 30/1/2020 (ngày mùng 5 Tết âm lịch).

Đặc biệt, sân khấu múa rối đã biểu diễn sôi động suốt cả dịp Tết. Nhà hát Múa rối Việt Nam liên tục có các suất diễn trước và sau Tết Nguyên đán. Ngay từ mùng 1 Tết, nhà hát mở màn vào 15h30 ngày 25/1 tại sân khấu rối của Không gian văn hóa Việt (79 Hàng Trống, Hà Nội). Ở địa điểm của đơn vị, Nhà hát Múa rối Việt Nam khai xuân với chương trình Vườn cổ tích lung linh sắc màu. Chương trình có rất nhiều nhân vật cổ tích đáng yêu, vốn rất thân thiết với đông đảo khán giả, nhất là trẻ em như nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn... Bên cạnh các chương trình đặc biệt dành cho khán giả nhí như Công chúa tóc vàng, Miền đất mới của chú bé rừng xanh, Nhà hát Múa rối Việt Nam lại có những chương trình đáp ứng cho cả đối tượng người lớn và trẻ em như Ðồng vọng rối Việt, Thân phận nàng Kiều... Đó là những chương trình kết hợp khá khéo léo giữa các sân khấu rối cạn và rối nước một cách linh hoạt, mang lại cảm giác thích thú cho người xem. Cùng với các tiết mục rối cạn, người xem còn được thưởng thức những tiết mục múa rối nước cổ truyền chúc năm mới tài lộc, an khang. Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn phát huy tốt truyền thống liên tục biểu diễn trong những dịp lễ, Tết này, thu hút lượng khán giả khá đông. Các vở diễn đã tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc hay đời sống sinh hoạt văn hóa của làng quê Bắc Bộ... Những vở diễn, chương trình này rất hấp dẫn người xem, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Nhiều khán giả cho biết, họ đưa con đến xem với mong muốn các em nhỏ biết tới những giá trị truyền thống của dân tộc.

Vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Ảnh: Internet

 

Chương trình ca nhạc, hài kịch và giao lưu nghệ thuật Giấc mơ hạnh phúc đón Xuân Quý Mão 2023 của Nhà hát Tuổi trẻ diễn từ mùng 8 tháng Giêng cũng gây được sự chú ý với khán giả. Khéo léo ghép với linh vật của năm nay, chương trình có sự dẫn dắt của những nhân vật “mèo” đại diện cho năm mới để giới thiệu các bài ca đậm sắc xuân được sáng tác cho những vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài ra, chương trình còn có các tiểu phẩm hài Tết gì mà năm nào cũng Tết; Nồng độ xuân… mới được dàn dựng (tác giả Đinh Tiến Dũng, đạo diễn Chí Trung), được các nghệ sĩ hài nổi tiếng của nhà hát như: Thanh Dương, Vân Dung, Đức Khuê, Tuấn Anh, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Anh Tuấn, Tú Oanh... tham gia biểu diễn.

Chương trình Hòa nhạc chào xuân 2023 - New year concert 2023 do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân thực hiện, nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và đón Xuân Quý Mão 2023 biểu diễn ngày 29 - 1 (tức mùng 8 tháng Giêng), tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phát trực tiếp trên Truyền hình Công an nhân dân (kênh ANTV). Dưới sự chỉ huy của NSƯT Kim Xuân Hiếu và phần độc tấu violon của NSƯT Bùi Công Duy, chương trình giới thiệu đến khán giả nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh thế giới: Âm hưởng mùa xuân (Strauss II), Tổ khúc bốn mùa - mùa xuân (Vivaldi), Đại hành khúc Chào mừng (Ikuma Dan), Điệu Tango màu xanh (Anderson), Hành khúc Radetzky (Strauss)…Đặc biệt, chương trình có một số tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của các nhạc sĩ Việt Nam được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng: Ðng đã cho ta mùa xuân (sáng tác Phạm Tuyên, chuyển soạn Cao Đình Thắng), Mùa xuân đầu tiên (sáng tác Văn Cao, chuyển soạn Cao Đình Thắng), Người Hà Nội (sáng tác Nguyễn Đình Thi, chuyển soạn Trần Mạnh Hùng)…

Sân khấu TP. HCM cũng có những ghi nhận rất đáng chú ý như sự kiện vở diễn Mặt nạ (tác giả Quốc Thảo, đạo diễn nữ Thảo Như) của Sân khấu kịch Quốc Thảo vì sự hấp dẫn và ý nghĩa sâu sắc, các đêm diễn đều cháy vé. Tuy không phải là hài kịch, nhưng vở diễn thu hút bởi cách dựng theo thể loại kinh dị mà không đi theo mô-típ hù dọa người xem. Thiết kế sân khấu hoàng tránh, tạo bối cảnh của bệnh viện với những mặt nạ ẩn, hiện trong bóng tối là khởi đầu cho nhiều tình huống dở khóc, dở cười để gửi gắm thông điệp: Con người dễ bị ám ảnh bởi quá khứ và những ký ức tồi tệ. Nếu không vượt qua được tâm lý sợ hãi, không học cách chiến thắng chính mình họ sẽ thành nô lệ của nỗi sợ hãi.

Chương trình Hòa nhạc chào xuân 2023 - New year concert 2023. 
Ảnh: Internet

 

Theo nhà báo Thanh Hiệp, sân khấu TP. HCM cũng có những tín hiệu rất vui khi nhiều sàn diễn cải lương đang sáng đèn với các vở: Văn võ kỳ duyên, Ngọc Kỳ Lân, Quan Hợi làng Te, Hoa Mộc Lan tùng chinh, Dạ cổ hoài lang... Ngay trong dịp Tết, các vở diễn tích cổ như Tô Hiến Thành xử án đã công diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Hay vở Người đối diện lương tâm (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) được diễn tại địa điểm này cũng thu hút đông khán giả.

Ngoài Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu của các đoàn Huỳnh Long, Sen Việt, Chí Linh - Vân Hà, Vũ Luân… cũng có số lượng người xem đáng kể. Nhiều khán giả mê cải lương xưa đã chọn vở Người đối diện lương tâm (hay còn gọi là Ông cò quận 9) và hài lòng khi nghe NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Ngọc Đợi, nghệ sĩ Kim Luận… ca vọng cổ. Hay vở Ngọc Kỳ Lân được khán giả yêu cải lương cổ vũ do có vũ đạo đẹp mắt, kết hợp võ thuật điêu luyện của NSƯT Ngọc Huyền, nghệ sĩ Bình Tinh.

Theo đánh giá của nhà báo Thanh Hiệp, có được những thành công đó là do các nghệ sĩ gạo cội cùng các nghệ sĩ trẻ đã có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bước lên sân khấu, đặc biệt sự thăng hoa của một số vai diễn đã được “đo ni đóng giày” từ những đạo diễn tâm huyết. Anh cũng ghi nhận nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ như: Lê Trung Thảo, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Đoàn Minh, Kim Luận, Kim Thùy, Nguyễn Văn Khởi, Diễm Thanh, Lâm Minh Nghiêm, Hoàng Hải, Minh Trường, Nhã Thi… Theo các nhà chuyên môn, đã có sự chuyển giao giữa thế hệ nghệ sĩ và cả ở công tác đạo diễn. Một thế hệ đạo diễn trẻ của sân khấu cải lương cũng đang khẳng định năng lực như: Phan Quốc Kiệt, Lê Nguyên Đạt, Lê Trung Thảo, Nguyễn Minh Trường, Vũ Luân, Vũ Trần, Mai Thắm...

Ngoài hai trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội và TP.HCM, ở một số địa phương, cũng cần ghi nhận sự cố gắng phục vụ nhu cầu tinh thần của bà con. Điểm sáng là ở thành phố Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã rất chú ý đến các hoạt động biểu diễn và tích cực đầu tư, có chiến lược phát triển riêng như dùng kênh sân khấu truyền hình trực tiếp, mời gọi sự tham gia của nhiều các nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu tới để dàn dựng, biểu diễn....

Khán giả đã tìm tới rạp, nhiều sân khấu sáng đèn, các vở diễn thể hiện được sự phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, được đầu tư chăm chút về trang phục, cảnh trí, âm nhạc được sáng tác riêng... Sân khấu sáng đèn trở lại trong những ngày đầu năm là tín hiệu đáng mừng. Mỗi địa phương đều phát huy thế mạnh, góp sắc màu sắc riêng để mang lại hy vọng cho một năm mới khởi sắc như mùa xuân.

 

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

;