"Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943" thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa

Ngày 27-2-2023, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

 

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định:  “Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập. Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới”.

Hội thảo đã nhận được 173 bản tham luận, tập trung vào 2 nội dung chính: Giá trị lý luận thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam  Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong Báo cáo trung tâm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhấn mạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đề cương mở đầu với phần Cách đặt vấn đề, trong đó xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là “tư tưởng”, “học thuật”  “nghệ thuật”. Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận mác - xít, Đề cương khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hóa. Các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc thì toàn bộ nền văn hóa đó cũng chính là một “mặt trận”, có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị. Xuất phát từ luận điểm có tính chất nền tảng này, đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương tiếp tục khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 3 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa”.

Bộ trưởng cũng đồng thời khẳng định những giá trị thực tiễn lớn lao của bản Đề cương trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam 80 năm qua và nêu rõ: “Trải qua 80 năm, trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm, cũng như quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong từng giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước đã cho thấy giá trị, và tầm ảnh hưởng lớn lao của Đề cương về văn hóa Việt Nam với vai trò một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm

 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó: tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020. Kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa. Tiếp tục tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa…

Trong tham luận về Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam, GS, TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết đó của những người cộng sản Việt Nam. Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị. Ba luận điểm làm rõ “thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa” được trình bày ngắn gọn, cô đúc trong Đề cương, có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa: a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả” .

GS, TS Đinh Xuân Dũng tham luận về: Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam
 

Bàn về vai trò của Đề cương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay, PGS, TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: “Tính chiến đấu của Đề cương thể hiện ở mỗi đầu mục, mỗi câu chữ văn bản, từ nhận diện bản chất âm mưu thủ đoạn, chính sách văn hóa của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Các xu hướng, tư tưởng học thuật nghệ thuật có hại cho sự nghiệp cứu nước cần phải đấu tranh kiên quyết. Thực hiện chính sách văn hóa phản động là thủ đoạn nhất quán của chính quyền thực dân mọi thời kỳ nhưng chúng được đẩy đến tột đỉnh khi bị phát xít hóa. Mặc dù được ngụy trang bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng lại được Đề cương bóc trần lột tả. Điều này được lặp lại trong mọi giai đoạn cách mạng sau này, nhất là ngày nay, các thế lực thù địch chuyển hướng tấn công bằng biện pháp phi vũ trang là chủ yếu. Nằm trong tổng thể chiến lược diễn biến hòa bình và tác động chuyển hóa thì mặt trận văn hóa càng nóng bỏng, không gian mạng trở thành chiến trường chính cho đấu tranh bằng vũ khí phê phán”.

Hội thảo còn nhận được ý kiến đóng góp sôi nổi từ đại diện các tỉnh thành như khác như Thừa Thiên Huế, TP.HCM. Các tham luận góp phần làm rõ việc vận dụng tư duy lý luận từ Đề cương về văn hóa Việt Nam trong điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định đã trình bày tham luận Vận dụng tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Nam Định. Ông khẳng định: “Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết và thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, cùng với việc nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Nam Định luôn coi trọng vai trò của văn hóa thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xác định đây là yếu tố quan trọng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

“Qua quá trình thực tiễn trong hơn 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng mà tỉnh Nam Định rút ra đó chính là phải dựa vào dân, Nhân dân là nguồn lực quan trọng nhất, phải khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới, đạt gần 6.000 tỷ đồng; Nhân dân tự nguyện hiến gần 2.900ha đất nông nghiệp và trên 200ha đất thổ cư (trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Có thể khẳng định, kết quả xây dựng nông thôn mới ở Nam Định là minh chứng rõ nhất, thể hiện vai trò của văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh.

Trước bối cảnh phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, là cơ hội để Việt Nam phát triển bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng. Chuyển đổi số Việt Nam muốn thành công thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên ngữ cảnh Việt Nam, dựa trên sức mạnh và đặc điểm cốt lõi của Việt Nam”. Ông nhấn mạnh đến một trong những đề xuất hết sức thiệt thực: Cách học bây giờ cũng có thay đổi. Thay vì đọc, mở lớp đào tạo, con người có xu thể cứ cần thì hỏi. Hỏi thì có người đáp chính xác và gọn. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam để mọi người có thể đối thoại, mở mang kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được hiểu biết, truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại hội thảo

Khơi thông các nguồn lực phát triển văn hóa Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của: PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Việt Nam, Doanh nghiệp sáng tạo TiredCity.

Phiên thảo luận bàn tròn

Nhấn mạnh tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, cần phải hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cả về con người và vật chất của Nhà nước và xã hội hóa để góp phần hỗ trợ, phát triển văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó cần hoàn thiện môi trường pháp lý, các vấn đề về hệ thống lý luận, quan điểm để quản lý văn hóa trong thời kỳ mới, tiếp tục gắn bó chặt chẽ với các địa phương cũng như phối hợp với các Bộ, ban, ngành để thực hiện tốt các Nghị quyết, quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Tham gia phiên thảo luận, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, sức mạnh mềm văn hóa được xác định là phải làm gia tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục của một nền văn hóa trong quan hệ quốc tế. Có nghĩa là phải tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục ngay trong chính dân tộc của chúng ta, lan tỏa điều đó trong các mối quan hệ quốc tế. Điều này tạo mối liên kết tác động đa chiều, như trong ngoại giao văn hóa, truyền thông, các ngành công nghiệp văn hóa… Bà khẳng định: “Để làm được được này, chúng ta cần tạo được môi trường thể chế. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Bộ VHTTDL mà đó là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tổng kết hội thảo

Bài học quý báu từ giá trị của bản Đề cương

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Trải qua lịch sử 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu. Đó là bài học về sự kiên định kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử; bài học về sự hòa quyện giữa “ý Đảng - lòng Dân”, về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy mọi tiềm tăng, nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bài học về phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa; bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, “xây” đi đôi với “chống”, khẳng định, cổ vũ, động viên, nhân lên những giá trị tốt đẹp, đồng thời kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực, gây hại đến sự phát triển của nền văn hóa dân tộc…”.

“Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển đi lên” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

VÂN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

;