Hoạt hình Việt Nam: Cần một biểu tượng

Ra đời muộn hơn hai loại hình trước đó là phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình Việt Nam không chỉ quy tụ những nghệ sĩ đam mê ngôn ngữ biểu hiện thơ trẻ mà còn thu hút nhiều họa sĩ với tư duy hội họa đầy phá cách, phóng khoáng, sáng tạo đến với hoạt hình.

Phim hoạt hình Hiệp sĩ Nghé Vàng

Đam mê và thành tựu

Ở những bước đi đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng non trẻ, Đảng, Nhà nước và các lãnh đạo ngành thời kỳ đầu đã có những kế hoạch, chiến lược phát triển nền điện ảnh Việt Nam ở tất cả các loại hình trong đó có phim hoạt hình. Một số nghệ sĩ được gửi đi đào tạo tại các nôi của hoạt hình trong khối nước xã hội chủ nghĩa lúc đó như Liên Xô, Tiệp Khắc… Một loạt các nghệ sĩ hoạt hình buổi ban đầu không chỉ được đào tạo, tiếp thu kiến thức hoạt hình tiên tiến của thế giới thời kỳ đó mà còn là những nghệ sĩ có nhiều tố chất, khả năng và niềm đam mê hội họa. Bằng kiến thức, sự đam mê và khả năng sáng tạo, năm 1960 bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam là Đáng đời thằng cáo ra mắt là kết quả, công sức của cả một tập thể các nghệ sĩ. Thế hệ ban đầu với những tên tuổi như NSND Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, NSƯT Lê Minh Hiền, Mai Long, Hồ Quảng, Nghiêm Dung… đã mang tới cho trẻ em một thế giới diệu kỳ với nhiều bộ phim hoạt hình vui nhộn, mầu sắc tươi sáng, ngộ nghĩnh nhưng vẫn chứa đựng triết lý, ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Có thể nói những sáng tạo, đam mê, sự nhiệt huyết của một thế hệ nghệ sĩ hoạt hình khi gặp được kho tàng cổ tích, thần thoại... phong phú của dân tộc đã cho ra đời hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu như Chuyện ông Gióng, Dũng sĩ Đam San, Lạc Long Quân - Âu Cơ... Những bộ phim này đã đưa thế giới cổ tích từ trang sách, truyện kể bước lên màn ảnh với những nhân vật sống động kết hợp cùng các chuyển động của hình khối, mầu sắc.

Ở thời kỳ ban đầu, vừa khai thác kho tàng văn học trong nước vừa tiếp cận ngôn ngữ hoạt hình thời đại, hàng loạt những bộ phim hoạt hình Made in Vietnam đã xuất hiện, tranh tài và giành giải cao tại các Liên hoan Phim quốc tế như phim hoạt hình Mèo con - Giải Bồ nông Bạc LHP Mamaia (Rumani) 1966, Bằng khen tại LHP Phrăng phuốc 1967, phim Ông Gióng - Giải Bồ câu vàng LHP Lai xích (CHDC Đức) 1971 - Bằng khen tại LHP Matxcơva 1971, phim Bài ca trên vách núi - Bằng khen tại LHP Mamaia (Rumani) 1968, phim Cô bé và lọ hoa - Bằng khen tại LHP Matxcơva 1973, phim Ông Trạng thả diều - Bằng khen tại LHP Matxcơva 1981, phim Ai cũng phải sợ - Bằng khen tại LHP Matxcơva 1983...

Sau thành công rực rỡ của lớp nghệ sĩ ban đầu, thế hệ hoạt hình tiếp nối với những nghệ sĩ như Đặng Hiền, Nguyễn Bảo Quang, Phạm Minh Trí, Nguyễn Phương Hoa, Hà Bắc, Trần Trọng Bình, Nhân Lập... cũng khá thành công với nhiều bộ phim giành giải cao tại các LHP Việt Nam và giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh (giải Cánh diều). Phải đến hai thập kỷ, các giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi, các LHP trong nước đều rơi vào lớp nghệ sĩ này với nhiều bộ phim in dấu trong lòng trẻ em như Ông tướng canh đền, Xe đạp, Sự tích nhà sàn...

Những năm gần đây, lứa đạo diễn trẻ cũng nổi lên nhiều cái tên đáng chú ý như Huỳnh Vĩnh Sơn, Phùng Văn Hà, Trần Khánh Duyên, Hồng Sơn, Trịnh Lâm Tùng... với sự cập nhật các kiến thức kỹ thuật hoạt hình 2D, 3D của thế giới. Nhiều bộ phim tìm cách đến gần hơn với khán giả qua các phương tiện nghe nhìn phổ biến như tivi, mạng Internet... Hàng loạt bộ phim như Cậu bé cờ lau, Huyền thoại chiếc khăn piêu, Cậu bé Manocanh, Một lần đào ngũ... không chỉ giành giải tại các kỳ thi, các LHP, trao giải cánh diều mà còn thu hút nhiều khán giả, nhiều lượt xem trên các nền tảng số.

Bên cạnh các nghệ sĩ thuộc biên chế của các hãng phim, ngày càng có thêm nhiều hội, nhóm bạn trẻ yêu thích ngôn ngữ, mầu sắc của phim hoạt hình tham gia mảng phim này với hàng loạt phim ngắn phát hành trên không gian mạng. Một số công ty chuyên về hoạt hình cũng gia nhập mảng phim này với những cái tên như Hãng phim hoạt hình VinTa Ta (thuộc tập đoàn Vingroup) đơn vị tổ chức cuộc thi kịch bản phim hoạt hình Đi tìm thám tử lừng danh và sản xuất series phim hoạt hình Monta trong giải ngân hà kỳ cục. Công ty Cổ phần dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý với Mộc Hải Nhi, Dịch vụ quỷ sứ... 

Tìm kiếm một biểu tượng

Với sự phát triển, thay đổi liên tục của kỹ thuật, công nghệ, sản xuất hoạt hình hiện đại được sự hỗ trợ tích cực của công nghệ nhưng bên cạnh đó đòi hỏi sự cập nhật thường xuyên của các nghệ sĩ cũng như mức đầu tư tốn kém cho các bộ phim. Ngôn ngữ biểu hiện linh hoạt của hoạt hình cũng mở ra nhiều ứng dụng và được sử dụng nhiều trong các clip quảng cáo, giáo dục... Các nghệ sĩ làm hoạt hình hiện nay cũng đa dạng, đến từ nhiều nguồn. Nhiều bạn trẻ được đào tạo tại nước ngoài và tham gia vào những êkip sản xuất của một số phim hoạt hình bom tấn của thế giới. Chính sự cọ xát đó đem lại cơ hội, sự học hỏi về ngôn ngữ hoạt hình hiện đại cho một lớp nghệ sĩ trẻ theo đuổi bộ môn nghệ thuật hoạt hình. Nhiều nhóm bạn trẻ với niềm đam mê ngôn ngữ chuyển động, mầu sắc và tính ẩn dụ đa nghĩa của hoạt hình đã tập hợp và cho ra đời nhiều bộ phim hoạt hình có chất lượng tốt và đưa thẳng tới người xem qua các nền tảng mạng. Một số tập đoàn, công ty cũng đầu tư vào loại hình này với hy vọng mang tới một triển vọng mới, một biểu tượng cho hoạt hình Việt Nam. Một số công ty lớn cũng có những kế hoạch, chiến lược tiếp cận và phát triển loại hình này như tập đoàn Vingroup với cuộc thi quy mô Đi tìm thám tử lừng danh. Kết quả một số tập của cuộc thi đã được sản xuất với tên gọi Monta trong dải ngân hà kỳ cục. Một thương hiệu giày nổi tiếng cũng đầu tư cho nhóm làm phim hoạt hình với bộ phim Con Rồng cháu Tiên thu hút nhiều tín hiệu tích cực từ người xem.Thừa thắng xông lên, công ty tiếp tục sản xuất thêm phim Hành trình nhân quả cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Phim hoạt hình Nhà của Chuồn Chuồn

Mới đây, một tin vui với hoạt hình Việt Nam khi bộ phim U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ - phim ngắn thuộc dự án hoạt hình Hành trình nhân quả tham gia tranh giải tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Stuttgart (Stuttgart International Animated Festival) lần thứ 29 diễn ra từ ngày 3 đến 8 tháng 5. Phim được trình chiếu trong 2 ngày 7 và 8 tháng 5, đồng thời tranh giải hạng mục chính International Competition (Tranh giải quốc tế).

Tuy nhiên, để nền hoạt hình Việt Nam phát triển, có chỗ đứng tại thị trường trong nước và xa hơn là có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực rất cần sự tập hợp của các nguồn nhân lực trong và ngoài nước. Sự liên kết, chung tay để hoạt hình Việt Nam có đủ nguồn lực, kinh phí, sức sáng tạo cho những bộ phim hoạt hình dài hơi. Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh, tạo thương hiệu để huy động nguồn lực, hoạt hình Việt Nam cần tìm ra một biểu tượng mang đậm nét văn hóa, bản sắc Việt và phát triển thành series phim để tạo nên sự nhận diện, thương hiệu như hoạt hình Nga với loạt phim về Sói và Thỏ, hoạt hình Mỹ được định hình, nhận diện với chuột Micky, vịt Donal, hoạt hình Trung Quốc với Gấu trúc, hoạt hình Nhật Bản với Thủy thủ mặt trăng... Có như thế, hoạt hình Việt Nam mới nâng cao được độ nhận diện thương hiệu và phát triển những bộ phim dài hơi hơn. 

Thực tế cho thấy, sau thời gian xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện, hoạt hình của nhiều nước đã xây dựng được nhiều bộ phim dài hơi với đề tài rộng mở, nhân vật đa dạng tạo nên các doanh thu khủng, không thua kém các bom tấn phim truyện. 

Về lâu dài, khán giả Việt Nam vẫn mong lắm những bộ phim được kỳ vọng lớn hơn về độ dài, câu chuyện, tính đa nghĩa kết hợp với những kỹ thuật hoạt hình tiên tiến để có thể thu hút, hấp dẫn mọi tầng lớp khán giả.

HOA NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;