Quan điểm của Đảng về bảo đảm an sinh xã hội trong thời kỳ đổi mới

     1. Khái luận về an sinh xã hội

     Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện nay có nhiều quan niệm về an sinh xã hội. Về cơ bản, an sinh xã hội được hiểu theo hai nghĩa: rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, an sinh xã hội là sự bảo đảm của xã hội cho con người được sinh sống an toàn. Với quan niệm này, nội hàm của an sinh xã hội khá rộng lớn, nó bao hàm các quyền của con người được sống trong hòa bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, được pháp luật bảo vệ, được học hành, có việc làm, được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, được bảo đảm thu nhập thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu... Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên gặp phải những khó khăn do tác động tiêu cực của thiên tai, ốm đau, thai sản, tai nạn, thất nghiệp, tuổi già, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ...

     Trên thực tế, an sinh xã hội ở Việt Nam đang phát triển hết sức phong phú nhưng cũng đầy phức tạp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. An sinh xã hội có vai trò hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội...

     Thứ nhất, thực hiện an sinh xã hội có vai trò tích cực đối với sự ổn định chính trị xã hội của quốc gia. Thực hiện an sinh xã hội, thực hiện việc phòng ngừa, hạn chế, khắc phục rủi ro, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, qua đó củng cố sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

     Thứ hai, thực hiện an sinh xã hội tạo ra động lực phát triển kinh tế bền vững. Phát triển kinh tế cung cấp tiền đề và điều kiện về vật chất để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội. Ngược lại, thực hiện an sinh xã hội tạo ra những động lực quan trọng để phát triển kinh tế một cách bền vững.

     Thứ ba, thực hiện an sinh xã hội góp phần xây dựng nguồn lực con người, bảo đảm sự tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện an sinh xã hội là nhằm tạo ra các giải pháp phòng ngừa, hạn chế, khắc phục rủi ro, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội được bảo vệ, giúp đỡ khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đưa đến cho họ những điều kiện cần thiết để khắc phục rủi ro, có cơ hội phát triển, hòa nhập cộng đồng; qua đó kích thích tính tích cực xã hội trong mỗi con người, phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người.

     2. Quan điểm của Đảng về bảo đảm an sinh xã hội trong thời kỳ đổi mới

     Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vai trò của an sinh xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan tâm lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã coi nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội, coi đó là một trong những định hướng lớn của Đảng, là bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chủ trương lãnh đạo nhằm phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

     Bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển

     Đảng ta xác định, an sinh xã hội là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn với từng bước đi, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đảm bảo an sinh xã hội là điều kiện để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

     Văn kiện Đại hội VII chỉ rõ: “Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (1). Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển” (2). Tại Đại hội IX của Đảng, đảm bảo an sinh xã hội được xác định là một trong những định hướng chiến lược để phát triển bền vững đất nước: “Tăng trưởng kinh tế đi liền với từng bước phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường…” (3). Đến Đại hội X, Đảng đặt ra vấn đề giải quyết tốt mối quan hệ giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội một cách toàn diện, “kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển” (4). Đại hội XI xác định “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế” là một trong bảy định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đảng ta nêu rõ “hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu chính sách xã hội” nhằm “đảm bảo an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển” (5). Nghị quyết Đại hội XII trên cơ sở tổng kết những thành tựu, hạn chế trong quá trình thực hiện an sinh xã hội khẳng định: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” (6), “tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội” (7).

     Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả và ngày càng mở rộng

     Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả, ngày càng mở rộng hướng tới bao phủ toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng. Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội chủ nghĩa đối với toàn dân, tạo lập nhiều hệ thống và hình thức bảo trợ xã hội cho những người có công với cách mạng và những người gặp khó khăn” (8). Đại hội VII, Đảng đã nêu nhiều chủ trương về các lĩnh vực xã hội như đảm bảo lương thực, nhà ở, đổi mới tiền lương, đổi mới chính sách bảo hiểm nhằm “đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu đa dạng của các tầng lớp dân cư”. Tới Đại hội X, các quan điểm về xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiếp tục được bổ sung, làm rõ: “xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng… tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”, “đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội, tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động” (9). Đại hội XI mở ra những phát triển mới về chủ trương đường lối xây dựng hệ thống an sinh xã hội: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả” (10). Để thực hiện quan điểm đó, “tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương” (11). Tại Đại hội XII, Đảng khẳng định: “mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân” (12). Thực hiện an sinh xã hội toàn dân thể hiện bước tiến mới về nhận thức, tư duy lý luận, chủ trương của Đảng trong bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện mục tiêu cũng như bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

     Quan điểm của Đảng chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, mở rộng và hiệu quả dựa trên các tầng chính sách. Tầng thứ nhất là các chính sách, chương trình mang tính phòng ngừa rủi ro với phạm vi bao phủ toàn bộ dân cư, giúp cho mọi người dân có được việc làm, thu nhập, nhằm đảm bảo năng lực vật chất cần thiết để đối phó tốt nhất với rủi ro như đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hỗ trợ người tìm việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, sắp xếp lại lao động trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, xúc tiến giới thiệu việc làm... Tầng thứ hai là các chính sách, chương trình mang tính chất giảm thiểu rủi ro; nội dung quan trọng nhất của tầng này là các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Tầng thứ ba là các chính sách, chương trình trợ giúp xã hội, là sự bảo đảm và giúp đỡ của Nhà nước, sự hỗ trợ của nhân dân, của cộng đồng về thu nhập và các điều kiện sinh sống bằng các hình thức, biện pháp khác nhau đối với đối tượng lâm vào hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi, yếu thế… Việt Nam có một hợp phần an sinh xã hội đặc thù đó là chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng. Đó là các chế độ, chính sách trợ giúp, đền đáp đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng...

     Huy động mọi nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội

     An sinh xã hội nhằm ổn định đời sống cho nhân dân, đòi hỏi trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng xã hội. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội là điều kiện để thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Văn kiện Đại hội VI khẳng định: “Công tác bảo trợ xã hội đối với toàn dân phải được tiến hành theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” (13). Đại hội VIII khẳng định: “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia” (14). Đại hội IX chỉ rõ: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề, cung cấp thông tin… đối với những vùng nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo” (15), “cải cách và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước đối với bảo đảm xã hội, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này” (16). Đại hội X khẳng định: “Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội” (17). Văn kiện Đại hội XI nêu rõ “đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ bảo hiểm xã hội, chuyển các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng”, “đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo”, “huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho những người và gia đình có công” (18). Tại Đại hội XII, Đảng khẳng định: “Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm”, “đẩy mạnh phong trào toàn dân giúp đỡ người yếu thế” (19). Trong bối cảnh thực tiễn của tình hình kinh tế - xã hội đất nước, quan điểm huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội là phù hợp và hoàn toàn đúng đắn.

     Bảo đảm an sinh xã hội vừa là nhu cầu khách quan trong phát triển kinh tế xã hội, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của mỗi quốc gia. Thực tiễn đặt ra yêu cầu trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước; đồng thời phải được xã hội hóa cao, huy động sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, đơn vị, gia đình, cá nhân và của toàn xã hội nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng hướng tới bao phủ toàn dân; nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và cộng đồng; chú trọng đến nhóm dễ bị tổn thương, người nghèo, vùng nghèo, vùng dân tộc, miền núi, nông thôn, khu vực phi chính thức; từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

_____________

     1, 2, 8, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), phần I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 337, 695, 92, 191, 696.

     3, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 126, 194, 261.

     4, 9, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.101, 102, 104.

     5, 10, 11, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.227, 125, 43, 229.

     6, 7, 12, 19. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.135, 137, 137, 136.

 

Tác giả: Trần Thùy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

;