Khảo về văn hóa sinh kế huyện đảo Lý Sơn những năm gần đây

Vào các năm 2015 - 2016, chúng tôi đã có cơ hội được tiến hành nghiên cứu điền dã tại một số xã đảo và huyện đảo thuộc khu vực biển đảo vùng Nam Trung Bộ để phục vụ cho Chương trình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị do Bộ VHTTDL chủ trì. Quá trình nghiên cứu thực địa đã khảo sát và nhận diện một số khía cạnh nhất định hiện trạng của diễn biến sinh kế, quá trình thích ứng với biển để kế thừa, bồi đắp cho văn hóa sinh kế biển của cộng đồng người dân huyện đảo Lý Sơn, thông qua nghiên cứu định lượng, định tính từ 300 phiếu điều tra xã hội học và một số phỏng vấn chuyên sâu đối với người dân, đại diện chính quyền, đội ngũ quản lý văn hóa tại địa bàn hai xã An Hải, An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào các năm 2015 và 2016.

     

Huyện đảo Lý Sơn. Ảnh Quang Vinh 

     1. Từ vị trí địa lý - lịch sử đặc thù

     Đảo Lý Sơn nằm về phía đông - bắc tỉnh Quảng Ngãi, có vị trí địa lý từ 15o3204đến 15o3814 vĩ độ Bắc và từ 109o0504 đến 109o1412 kinh độ Đông, cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 28km), cách quần đảo Trường Sa 445 hải lý về phía đông - nam, quần đảo Hoàng Sa 130 hải lý về phía đông - bắc; cách đường hàng hải quốc tế 35 hải lý về phía đông và được xem như một hạm đội nổi trên biển Đông. Vì vậy, huyện đảo Lý Sơn giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Đông, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ đất liền và trên biển của Việt Nam (1).

     Lý Sơn thực ra là tên gọi hành chính cho cả cụm đảo bao gồm các đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó, Hòn Lớn (nơi cư trú của cư dân, ngư dân toàn huyện đảo) là đảo được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào núi lửa cách ngày nay từ khoảng 250 đến 300 triệu năm, do vậy địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích toàn huyện. Có thể nói, cả đảo Lý Sơn là một di sản về núi lửa và thiên nhiên tuyệt vời có một không hai trên đất nước ta. Những hang động tuyệt đẹp được tạo thành do sản phẩm dung nham núi lửa này thuộc dạng hiếm trên thế giới, có giá trị để phát triển du lịch như hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò... 

     Lịch sử đảo Lý Sơn gắn liền với quá trình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (2). Cho đến nay, những dấu tích còn lại trên đất Lý Sơn, hiện diện qua các di tích lịch sử văn hóa cùng với nguồn di sản văn hóa phi vật thể, đã góp phần quan trọng cho việc nhận diện bức tranh lịch sử của gần 400 năm định cư, sáng tạo của các thế hệ cư dân, kể từ khi người Việt ra khai phá và định cư ở vùng đất này, nhằm đạt được mục đích “thích ứng với biển” để sinh tồn và phát triển. Đồng thời, cũng qua quá trình hàng trăm năm đương đầu với biển cả, ứng xử với mọi thách thức của điều kiện tự nhiên, khí hậu nơi đây, người dân Lý Sơn đã tự xây đắp cho mình một hệ văn hóa sinh kế phù hợp, đủ sức để sinh tồn, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tiền đồn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đặc trưng độc lập - khép kín trong không gian được bao bọc bởi biển khơi của khu vực cư trú - sinh tồn, nơi gần hai vạn dân Lý Sơn hiện đang làm ăn, sinh sống, đã là điều kiện tạo ra bản sắc cho văn hóa sinh kế của ngư dân nơi đây, trên bước đường vận động của lịch sử.

     2. Những tác động của điều kiện tự nhiên, sinh thái, nhân văn

     Tác động của tự nhiên, khí hậu

     Khảo sát những tác động của điều kiện tự nhiên, sinh thái đối với đời sống sinh tồn của người dân Lý Sơn trong khoảng 5 năm trở lại đây từ hướng tiếp cận xã hội học, có thể định lượng được một số diện mạo cơ bản cùng những hiện trạng do chính người dân Lý Sơn nhận biết và đánh giá.

     Trước hết, Lý Sơn là vùng đất nằm trong khu vực sinh thái có khí hậu nhiệt đới gió mùa trên vùng biển có chế độ nắng thuộc loại dồi dào nhất trong hệ thống các đảo, quần đảo ven bờ của Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt ở Lý Sơn chủ yếu là dông và bão, tập trung vào các tháng hè (3). Trước đây, điều kiện sinh thái, tự nhiên của vùng biển Lý Sơn thuận lợi cho sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây, do sự biến đổi khí hậu, những bất thường về thời tiết đã gây ảnh hưởng lớn đến tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

     Dưới tác động của những bất thường về thời tiết, sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan là tác nhân khách quan dẫn đến môi trường sống của con người bị thay đổi. Những tác động này có thể làm suy giảm khả năng của con người trong việc đảm bảo cuộc sống, vượt qua đói nghèo. Cụ thể: người dân bị mất mùa hoặc thất bát về trồng trọt trên đảo hoặc đánh bắt cá xa bờ (65,3%), năng suất giảm (54,3%), thiếu nước uống (42,7%), hư hại nhà cửa (42,0%)... Đặc biệt từ cuối 2014 trở lại đây, khi Lý Sơn xây dựng được mạng lưới điện kéo ra từ lục địa, hàng loạt các gia đình trồng trọt, chăn nuôi trên đảo cũng như các dịch vụ kinh tế khác đã trang bị hệ thống máy bơm, hút nước ngọt hiện đại phục vụ tưới cây, vệ sinh chuồng trại, sử dụng trong sinh hoạt, du lịch cộng đồng… dẫn đến tình trạng báo động về trữ lượng nước ngọt của toàn đảo.

     Do sống trong môi trường có nhiều bất thường về thời tiết, nên người dân địa phương luôn có những phương án, vật dụng để đối phó với thiên tai như: trang bị điện thoại để kịp thời trao đổi thông tin (58,7%), có ý thức tích trữ lương thực (53,0%), trang bị áo phao (54,3%), trang bị vật dụng để trữ nước ngọt (47,7%) và các vật dụng khác…

     Kết quả khảo sát về việc đắt bắt cá ở địa phương những năm gần đây cho thấy có rất nhiều khó khăn: do thời tiết thay đổi (66,0%); do tàu thuyền của người nước ngoài cản phá, tranh cướp địa bàn làm ăn (44,7%); do địa bàn ánh bắt cá xa nơi đảo cư trú (41,0%)…

     Mặc dù trong những năm gần đây, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá xa bờ về mặt kinh phí và kỹ thuật đóng tàu thuyền có công suất lớn, đủ sức chống chọi với thời tiết, khí hậu quanh vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng do vướng mắc về thủ tục hành chính và sự áp chế về kỹ thuật đóng tàu thuyền giữa nhà nước với ngư dân, cho nên, việc triển khai trong thực tế vẫn còn chậm và chưa hiệu quả. Thực tế này đã và đang đòi hỏi cộng đồng ngư dân Lý Sơn có những chuyển biến trong nhận thức để vượt qua lối hoạt động sinh kế truyền thống, nhanh nhạy ứng xử với sự biến đổi khí hậu biển, có những sáng tạo phù hợp để ổn định và phát triển hoạt động đánh bắt cá nói riêng và đời sống kinh tế, văn hóa nói chung.

     Về mức độ ảnh hưởng của phát triển du lịch đến môi trường sống ở địa phương

     Những năm gần đây, Lý Sơn là một trong những địa phương biển đảo có tốc độ phát triển du lịch khá nhanh. Thực trạng phát triển khá rõ là tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ: từ 2010 trở về trước, Lý Sơn hầu như không có nhà nghỉ và khách sạn phục vụ du khách đến đảo; năm 2014, huyện đảo Lý Sơn đã xây dựng được 1 khách sạn và 11 nhà nghỉ với 95 phòng; đến cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Lý Sơn đã có 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ với tổng số 440 phòng; cho đến nay (8 - 2017), huyện Lý Sơn hiện có 109 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 6 khách sạn, 47 nhà nghỉ, 56 nhà phục vụ du lịch cộng đồng (homestay) và hơn 40 cơ sở kinh doanh ăn uống. Ngoài ra, còn có hàng chục nhà dân đã và đang tăng số lượng nhà nghỉ trong phạm vi cư trú của gia đình mình, với mục đích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm (homestay) tại các thôn xóm trung tâm của huyện đảo. Mỗi ngày, Lý Sơn đón tới 3.000 lượt du khách. Trong hai năm trở lại đây, đảo Lý Sơn bị bê tông hóa khi các khách sạn, nhà nghỉ và công trình cao tầng cấp tập mọc lên, làm cho Lý Sơn dần mất đi vẻ nguyên sơ, đồng thời xâm phạm đến cảnh quan, môi trường, các di sản thiên nhiên (4).

     Theo kết quả khảo sát, việc phát triển du lịch ở địa phương có ảnh hưởng ít đến môi trường sống chiếm 49,3%, không ảnh hưởng là 16,7%. Bên cạnh đó, có 34,0% trong số những người được hỏi đánh giá việc phát triển du lịch ở địa phương có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của họ. Với tốc độ phát triển như hiện tại, du lịch tại Lý Sơn bên cạnh việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân địa phương, còn có những tác động đa chiều đến cảnh quan môi trường và sự chuyển hướng nghề nghiệp của một bộ phận dân cư trên đảo.

     Diễn biến của hoạt động sinh kế thông qua phát triển ngành nghề

     Cho đến nay, các ngành nghề của cư dân trên đảo Lý Sơn đã có sự phát triển, mở rộng và kết hợp giữa ngành nghề truyền thống với những nghề mới phát sinh.

     Ngành, nghề đang phát triển ở địa phương (%)

     Biểu đồ trên cho thấy ngành nghề đang phát triển ở địa phương hiện nay chủ yếu làm nghề đánh, bắt thủy hải sản (79,0%), nghề nuôi trồng chế biến thủy hải sản (54,0%), nghề dịch vụ du lịch biển đảo (38,3%)… Ngoài ra, còn các ngành nghề khác nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn ba nhóm ngành nghề trên. Sự giảm thiểu một số nghề có lý do bởi điều kiện khách quan của thời tiết, khí hậu, nguồn nước khan hiếm...

     Với người dân Lý Sơn, từ 1975 trở về trước, hầu hết các gia đình đều gắn với nghề đánh bắt thủy hải sản và nghề trồng hành, tỏi. Kết quả phỏng vấn người dân ở địa phương về ngành nghề sinh sống của gia đình cho thấy, cho đến nay, nhiều gia đình sinh sống vẫn chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản chiếm 48,7%; đặc biệt, tại đảo Lý Sơn nổi tiếng có nghề trồng hành, tỏi (34,7%). Bên cạnh đó, một số hộ gia đình làm nghề nuôi trồng chế biến thủy, hải sản và vào những năm gần đây đã mở rộng thêm nghề dịch vụ du lịch biển đảo. Không ít gia đình đã chuyển đổi nghề, bỏ đánh bắt hải sản đến với hoạt động dịch vụ du lịch, đầu tư phòng nghỉ và các tiện nghi phục vụ du lịch cộng đồng (homestay).

     Lý do lựa chọn ngành nghề (%)

     Như vậy, lý do người dân lựa chọn các ngành nghề để làm ăn sinh sống đã được thể hiện ở sự phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội hiện tại nhưng vẫn có sự ràng buộc sâu đậm với truyền thống làm ăn, sinh sống của các dòng họ và cộng đồng ngư dân trên đảo nói chung. Bảng số liệu chỉ ra nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do nhiều người lựa chọn là do truyền thống của địa phương (47,7%); đồng thời đó cũng là nghề phù hợp với khả năng/kỹ năng hành nghề và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình (31,7%); hơn nữa, ngành nghề đó còn giải quyết được nhiều việc làm (27,0%). Ngoài ra, còn một số lý do khác nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn.

     Cho đến nay, thị trường bán sản phẩm sản xuất của ngư dân Lý Sơn đã mở rộng phạm vi và mang tính đa dạng hơn. Từ 1975 trở về trước, sản phẩm làm ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu sở tại. Những năm gần đây, do quan hệ kinh tế thông thương, mở rộng, sản phẩm của Lý Sơn đã chiếm lĩnh nhiều thị trường trong nước và có một phần để xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng mang thương hiệu Lý Sơn như hành, tỏi.

     Những sản phẩm sản xuất của các gia đình ở đảo Lý Sơn thường được bán lẻ ngoài chợ - thuộc các tụ điểm buôn bán tự phát trong xã (38,7%), hoặc bán cho doanh nghiệp/thương lái tại địa phương thu mua cung cấp cho thị trường nội địa (34,3%). Một bộ phận người dân cho biết các sản phẩm sản xuất của gia đình bán cho doanh nghiệp/thương lái ngoài xã (20,7%), hoặc bán lẻ ở chợ ngoài xã.

     Phong tục, tín ngưỡng gắn với văn hóa sinh kế trong điều kiện xã hội đương đại

     Những năm gần đây, một số phong tục-tín ngưỡng gắn với văn hóa sinh kế truyền thống tuy vẫn được duy trì, nhưng có nguy cơ co hẹp lại hoặc giản lược các lớp lang thực hành nghi lễ. Những phong tục-tín ngưỡng này chủ yếu được thực hành tại các gia đình, dòng họ gắn bó với nghiệp đánh bắt cá ngoài khơi. Với lực lượng này, nghề đánh bắt cá ngoài biển khơi không đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu sinh tồn, mà nó còn chứa đựng các yếu tố văn hóa tâm linh, tạo ra sự cố kết cộng đồng ngư dân với biển, ứng xử với mọi thách thức của biển để cùng tồn tại. Tuy nhiên, trong số không ít gia đình hiện đã trở về với sinh kế hoạt động dịch vụ trên đất liền, không theo nghề đánh bắt cá nữa, họ cũng bỏ luôn việc thực hành tín ngưỡng này. Thực tế đó vô tình đã làm nghèo dần đi di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Điều này cần có sự quan tâm tạo điều kiện bảo tồn từ đội ngũ chính quyền, quản lý văn hóa, bởi lẽ, trong điều kiện chính trị - kinh tế hiện nay, việc giữ được các tín ngưỡng này chính là góp phần duy trì số lượng và đội ngũ những ngư dân đánh cá ngoài khơi xa (quanh khu vực Hoàng Sa, Trường Sa), cũng là để thể hiện ý chí chiếm lĩnh, bảo vệ lãnh hải phục vụ ngư trường sinh sống và chủ quyền của tổ quốc (6).

     3. Chính quyền địa phương với văn hóa sinh kế của cộng đồng

     Trong những năm gần đây, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã có những chính sách, chủ trương xây dựng và phát triển huyện đảo Lý Sơn kịp thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên của một huyện đảo mang đặc trưng văn hóa thuần biển. Tuy nhiên, từ quá trình xây dựng chính sách, chủ trương đến việc ứng dụng vào thực tiễn, với Lý Sơn vẫn còn lộ ra những khoảng trống cần bù đắp, chỉnh sửa. Thực tế đó cho thấy, việc tuyên truyền, giới thiệu những chủ trương, chính sách đến với cộng đồng luôn là nhiệm vụ cần thiết phải quan tâm, từ đó nhận được sự đồng thuận và cộng hưởng sức mạnh của cộng đồng đối với bộ máy chính quyền nói chung và quản lý văn hóa nói riêng. Có ba chính sách giúp người dân vùng biển đảo và có sự tham gia cao: khuyến khích nuôi trồng thủy hải sản (39,0%); định cư vùng biển đảo (37,7%); an sinh xã hội hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ dầu (35,7%)…

     Những năm gần đây, người dân đã đánh giá cao về hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của chính quyền ở địa phương. Có tới 73,7% trong số những người được hỏi đánh giá tốt sự quan tâm về các mặt cơ chế, chính sách của chính quyền đối với hoạt động sinh kế của cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến kiến nghị về chiến lược quy hoạch tổng thể cho quá trình phát triển kinh tế huyện đảo trong mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ bảo tồn và khai thác giá trị các hệ thống di sản lịch sử, văn hóa và cảnh quan môi trường của Lý Sơn: một là, cần xúc tiến nhanh kế hoạch xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn mang tầm quốc gia và toàn cầu. Thực hiện tốt mục đích bảo tồn nguyên trạng các di sản văn hóa, thắng cảnh trên đảo, hạn chế đến mức thấp nhất việc tác động, thay đổi cảnh quan và môi trường, đặc biệt là tại khu vực có 3 miệng núi lửa Giếng Tiên, Thới Lới, Hòn Tai. Đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích, duy trì lễ hội ở địa phương; hai là, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, cải tạo vùng biển san hô để phát triển du lịch; ba là, bảo vệ môi trường di tích cảnh quan sạch đẹp, cải tạo lề lối làm việc của chính quyền địa phương, định hướng rõ ràng để phát triển sinh kế một cách bền vững, hỗ trợ ngư dân vốn, đóng mới tàu thuyền đủ khả năng đánh bắt xa bờ, mở lớp tập huấn cộng đồng làm du lịch… Ngoài ra, những năm gần đây, người dân Lý Sơn đang băn khoăn trước việc có nên phát triển Lý Sơn theo quy hoạch xây dựng một đô thị biển (như dự kiến phát triển của chính quyền các cấp) hay không? Nếu đi theo hướng phát triển Lý Sơn thành một đô thị biển, thì mạng lưới giao thông đô thị, công nghiệp và dịch vụ sẽ là tác nhân đến sự an toàn môi trường sống của cộng đồng, trong đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và khai thác các giá trị di sản văn hóa của huyện đảo. Và cơ cấu hoạt động, quản lý của một đô thị biển gần như còn mới lạ với cộng đồng cùng chính quyền, các nhà quản lý văn hóa ở Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng, do vậy nó sẽ tác động khá đa diện, đa chiều đến hoạt động sinh kế và văn hóa sinh kế của người dân cũng như đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của huyện đảo Lý Sơn.

     Huyện đảo Lý Sơn không chỉ nổi danh là một địa phương thuần biển đảo, có vị trí địa lý đặc biệt đối với an ninh, quốc phòng, gắn với những sự kiện lịch sử bi tráng của sự nghiệp hướng biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vùng đất Nam Trung Bộ, mà còn là vùng đất biển đảo giàu có về trữ lượng tài nguyên biển, có truyền thống gắn bó với biển đảo, xây dựng được một hệ thống văn hóa sinh kế đủ sức thích ứng với biển để sinh tồn và phát triển. Tuy nhiên, đứng trước sự tác động của khí hậu và điều kiện kinh tế có hạn, di sản văn hóa Lý Sơn sẽ được quan tâm đầu tư bảo tồn và khai thác thế nào để vừa mang tính bền vững, vừa góp phần phát triển đời sống văn hóa, xã hội của cư dân biển đảo trong điều kiện giao lưu toàn cầu, hiện tại và lâu dài? Thực tế đó cũng đã và đang chờ những giải pháp ứng xử phù hợp từ chính quyền và đội ngũ quản lý các cấp, đặc biệt là từ sức mạnh của cộng đồng.

_______________

1. Phạm Hoàng Hải và nhóm tác giả, Các huyện đảo ven bờ Việt Nam tiềm năng và định hướng phát triển, Nxb KHTN&CN, Hà Nội, 2010, tr.237.

2, 5. Các bài viết của Trần Đức Anh Sơn, trong Biển đảo Việt Nam - Lịch sử chủ quyền kinh tế văn hóa, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2016, tr.43-74, 75-85.

3. Phỏng vấn ngày 30 - 4 - 2015.

4. Dẫn liệu từ Báo cáo đề dẫn của Bí thư huyện ủy đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy tại Hội thảo khoa học Phát triển du lịch Lý Sơn do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ngày 30 - 8 - 2017, tại Khách sạn Mường Thanh, huyện đảo Lý Sơn.

6. Trích từ nhật ký điền dã, phỏng vấn các ông Nguyễn Chí Thanh (Phó Chủ tịch xã An Hải); Võ Văn Út, ngư dân thôn Đông, xã An Vĩnh; Bùi Tá Thành, ngư dân thôn Đông, xã An Hải, tháng 5 - 2015.

 

Tác giả: Bùi Vũ Duy Quang - Bùi Quang Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;