Phụ nữ di cư lao động quốc tế và các đứt gãy trong văn hóa gia đình

1. Di cư

Di cư, bao gồm di cư nội địa và di cư quốc tế, là một trong những vấn đề toàn cầu của TK XXI được đề cập trong các chương trình nghị sự quốc tế và quốc gia. Di cư trên thực tế đã trở thành một phần không thể thiếu của quá trình hội nhập và phát triển, có đóng góp tích cực và ngày càng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Người di cư có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như: tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập, kết hôn, thay đổi môi trường sống, học tập hoặc do nhu cầu phát triển bản thân… Năm 2017, ước tính trên thế giới có khoảng 1 tỷ người di cư, trong đó, 740 triệu người di cư trong nước và khoảng 258 triệu người di cư quốc tế, chiếm 3,4% dân số thế giới. Số người di cư quốc tế hiện nay đã tăng khoảng 2,9% mỗi năm, tăng 85 triệu người so với năm 2000 và 105 triệu người so với năm 1990 (1), phần đông di cư vì mục đích kinh tế.

Di cư có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên hợp quốc đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, nhấn mạnh việc cần thiết phải tạo điều kiện cho người dân di cư một cách chính thức, trật tự, an toàn và trách nhiệm thông qua việc thực hiện tốt các chính sách và quản lý di cư theo kế hoạch. Chỉ tiêu này cũng được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hòa nhập cộng đồng mới vừa là yêu cầu khách quan của cuộc sống, đồng thời là nhu cầu tự thân của người di cư. Làn sóng di cư ngày càng mạnh mẽ kéo theo hiện tượng đa văn hóa trở nên phổ biến ở các nước trên thế giới. Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ông William Lacy Swing, hối thúc các chính phủ và công dân chấp nhận làn sóng di cư, bất luận nhiều thách thức nảy sinh, đồng thời giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, chấp nhận những giá trị và quan điểm khác nhau. Ông lưu ý rằng tất cả các xã hội đều mang tính chất đa sắc tộc vì không có quốc gia nào chỉ có một nền văn hóa đơn nhất. Do đó, ngay cả những quốc gia không muốn cho phép người nước ngoài nhập cư cũng phải thừa nhận có nhiều nền văn hóa khác nhau trên lãnh thổ của họ.

Năm 2001, UNESCO đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa. Tiếp đó, tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12-2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21-5 hằng năm là Ngày Thế giới về đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển. Đây là cơ hội để người dân trên toàn thế giới hiểu một cách sâu sắc hơn về các giá trị của đa dạng văn hóa và tạo lập một thế giới chung sống tốt đẹp hơn.

2. Phụ nữ Việt Nam di cư lao động quốc tế

Thống kê năm 2016 có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lao động nữ bị trả lương thấp và không được pháp luật các nước tiếp nhận bảo vệ. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Báo cáo rà soát pháp luật về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ góc độ bình đẳng giới (2). Trong đó, phụ nữ Việt Nam lao động ở nước ngoài có một số đặc điểm: đa số đến từ các vùng nông thôn, cần cù lao động; phần lớn có học vấn không cao, không được đào tạo cơ bản trước khi đi lao động; nhiều lao động nữ làm việc ở nước ngoài có con nhỏ.

Trước đây, người Việt Nam đi lao động nước ngoài chủ yếu là nam giới. Hiện nay, nam giới chiếm hơn 70% số người đi lao động nước ngoài theo hợp đồng trong các năm qua. Chỉ có gần 1/3 người lao động nước ngoài có hợp đồng từ 2012 - 2016 là nữ.

Lao động nữ làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài thường làm các ngành nghề trong nhà máy, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Có khoảng 15 nước và khu vực tiếp nhận nhiều lao động nữ Việt Nam là Belarus, Israel, Siprus, Qatar, Libya, Angeria, UAE, Macao, Campuchia, Lào, Ả-rập Xê-út, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (3).

Bên cạnh những phụ nữ lao động ở nước ngoài có hồ sơ chính thức, có một bộ phận phụ nữ lao động nước ngoài do bị mua bán. Tội phạm mua bán người bị phát hiện ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, nhưng nhiều nhất là các địa phương dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong đó, phụ nữ là nạn nhân bị mua bán nhằm mục đích cưỡng bức lao động, cưỡng bức hôn nhân, mại dâm. Theo số liệu từ 2008 đến giữa 2013 của Ban Chỉ đạo 138/CP 2013, phụ nữ chiếm 96,4% tổng số nạn nhân bị mua bán (4).

Nhiều phụ nữ đi lao động ở nước ngoài không được thông báo về các quyền và nghĩa vụ nên không hiểu biết, dẫn đến thiếu chuẩn bị chu đáo trước khi đi lao động. Trong đó, có những người chưa được đào tạo ngôn ngữ, kiến thức, kỹ năng về công việc. Thông tin tin cậy về di cư an toàn thường không sẵn có cho người lao động di cư Việt Nam, chỉ có 1/3 (34%) người di cư nhận được thông tin giúp họ đưa ra quyết định đi lao động ở nước ngoài. Tương tự, chỉ có 7% người lao động di cư Việt Nam được khảo sát tham gia các lớp bồi dưỡng về kiến thức cần thiết trước khi ra nước ngoài làm việc. Trong hầu hết các trường hợp, người di cư phụ thuộc nhiều vào bạn bè, gia đình hoặc người/cơ quan môi giới tư vấn di cư vì những đối tượng này được tin cậy hơn, thậm chí còn hơn cả thông tin chính thống.

Phụ nữ nông thôn đi lao động nước ngoài sẽ đóng góp một nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách quốc gia và địa phương hằng năm; tăng cơ hội học hành cho con cái, thúc đẩy trách nhiệm tự lập cho trẻ em và nâng đỡ các giá trị tinh thần; thay đổi sự phân công lao động theo giới trong hộ gia đình theo hướng tiến bộ hơn, từ chỗ chỉ là người làm phụ thêm vào kinh tế, trở thành người làm chính. Từ đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên; các quan hệ xã hội, cách ứng xử của họ cũng có sự thay đổi.

Bên cạnh những mặt tích cực do di cư đem lại, người di cư nói chung, đặc biệt là phụ nữ di cư, phải đương đầu với nhiều thách thức. Việc di chuyển đến nơi ở mới, cách xa gia đình, người thân, sống trong một cộng đồng xa lạ, làm công việc mới trong môi trường mới… khiến cuộc sống của họ trở nên bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương hơn. Họ phải đối mặt với những nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực, mại dâm, xâm hại tình dục, buôn bán người; mức độ hòa nhập cộng đồng mới cũng có nhiều hạn chế.

3. Các đứt gãy trong văn hóa gia đình - hệ lụy từ vấn đề phụ nữ di cư lao động quốc tế

Các nghiên cứu đã chỉ ra những tác động nhiều mặt của di cư lao động từ nhiều góc độ khác nhau như kinh tế, xã hội, văn hóa. Xu hướng chung là nhìn nhận di cư lao động quốc tế có nhiều tác động tích cực cho cả nơi đi, nơi đến, cho cả bản thân người xuất khẩu lao động và gia đình của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có rất nhiều vấn đề được đặt ra về những hệ lụy khó lường đối với di cư lao động nói chung và di cư lao động nữ nói riêng. Đơn cử, việc thay đổi cách nuôi dạy con cái khi người phụ nữ vắng nhà trong một khoảng thời gian dài gây sức ép nhiều mặt đối với gia đình; tác động mạnh mẽ đến sự ổn định và phát triển của gia đình, ảnh hưởng tới các thành viên, mà trực tiếp là chồng, con họ.

Đồng thời, quá trình di cư cũng đã xuất hiện các hiện tượng “sốc văn hóa”, “khoảng trống văn hóa” như một lẽ tất yếu. Các tác nhân chính là sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, những thay đổi kinh tế, xã hội, sự nảy sinh các vấn đề tâm sinh lý, hệ lụy của quá trình dịch chuyển, tiếp nhận và thích nghi với các giá trị văn hóa mới, trong khi các giá trị văn hóa cũ không phù hợp.

 Với xu hướng di cư lao động quốc tế hiện nay, phụ nữ Việt Nam chủ yếu di cư từ môi trường sống hiện tại (nông thôn) đến nơi làm việc mới có thu nhập cao hơn (thành thị), từ quốc gia lao động nông nghiệp Việt Nam (trọng tĩnh) sang các quốc gia công nghiệp (trọng động). Do đó, sự giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa đối với bản thân phụ nữ trở nên khó khăn, hệ giá trị văn hóa tiểu nông có sẵn không phù hợp với nền văn minh công nghiệp hiện đại mà họ đang tiếp nhận. Sự khác biệt văn hóa vùng miền, lãnh thổ, vốn là đặc trưng cơ bản của văn hóa, trở thành nguyên nhân căn cốt dẫn tới xuất hiện thêm các “khoảng trống” và “đứt gãy” văn hóa trong nhận thức, lối sống, ứng xử của người di cư. Nhiều phụ nữ khó thích nghi với môi trường sống mới khi gặp rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, khiến họ cảm giác chơ vơ nơi xứ người. Hai xu hướng chính trong tiếp nhận văn hóa của phụ nữ Việt Nam di cư lao động quốc tế từ đó dễ được hình thành: lạc lõng, khó hòa nhập với các giá trị văn hóa mới, dẫn tới tự ti, mặc cảm, ngại tiếp xúc; có tiếp thu nhưng theo cách không đầy đủ các giá trị văn hóa mới nên trong giao tiếp, ứng xử, lối sống, có những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn. Cả hai xu hướng trên đều tạo nên những “khoảng trống” và “đứt gãy” văn hóa đối với chính bản thân người phụ nữ.

Và việc phụ nữ Việt di cư lao động quốc tế trong một khoảng thời gian dài đã để lại những khoảng trống trong lòng người thân, trong việc tiếp giữ các giá trị văn hóa gia đình, tiềm ẩn những vết rạn nứt, thậm chí trong chính gia đình họ. Hệ lụy là nhiều phụ nữ sau di cư lao động quốc tế trở về, gia đình không còn hạnh phúc ấm êm, con cái có biểu hiện hư hỏng, người chồng đã sa chân vào các tệ nạn xã hội hoặc không còn chung thủy với vợ, tiêu xài hoang phí từ tiền vợ xuất khẩu lao động gửi về… gây nên đổ vỡ hôn nhân, thậm chí có trường hợp ghen tuông gây án mạng.

Kết luận

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, một dân tộc có nền văn minh lúa nước, kinh tế dựa trên nền tảng của nghề trồng lúa, chăn nuôi tiểu gia súc và tiểu thủ công nghiệp. Do những đặc điểm kinh tế, khí hậu và văn hóa, phụ nữ Việt Nam nắm giữ vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người. “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thày đầu tiên của con người” (5). Họ không chỉ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh mà còn là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là lưu truyền, phát huy các giá trị văn hóa gia đình. Nhìn sâu vào lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rất rõ vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế, văn hóa, giáo dục... Lịch sử hàng nghìn năm và truyền thống văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển trên cơ sở những đóng góp quan trọng của phụ nữ.

Ngày nay, với xu thế hội nhập sâu rộng toàn cầu, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động, mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình, đất nước. Xu hướng di cư, trong đó có di cư lao động quốc tế, trở thành tất yếu của quá trình phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với văn hóa, xã hội. Sự “đứt gãy” văn hóa, đặc biệt là văn hóa gia đình, là hệ lụy khi người phụ nữ Việt Nam mang trên vai sứ mệnh lưu truyền, tiếp giữ, phát triển các giá trị văn hóa nhưng rời gia đình đến các quốc gia khác tham gia thị trường lao động quốc tế trong một khoảng thời gian. Thiết nghĩ, cần có những nghiên cứu sâu, rộng cả ở tầm lý luận và thực tiễn để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này, ngõ hầu hạn chế những “rạn nứt”, “đứt gãy” các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc Việt Nam.

_____________

1. Vũ Ngọc Bình, bài đăng kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Di cư và đa văn hóa: sự thay đổi, thích ứng và các vấn đề giới, Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội, 2019, tr.338.

2. Hội thảo do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại TP.HCM năm 2016.

3, 4. Bộ Ngoại giao, Hồ sơ di cư Việt Nam 2016, Hà Nội, 2017.

5. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

;