PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI Ở CHDCND LÀO

1. Những cơ sở cần thiết trong phát triển văn hóa

Văn hóa có vai trò quan trọng cho sự phát triển. Thực tiễn cho thấy, trong vài thập kỷ trước đây, có một số nước cho rằng: chỉ cần tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng cơ chế kinh tế thị trường cùng với việc sử dụng khoa học công nghệ cao là có sự phát triển. Sau một thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, các quốc gia đó đạt được một số mục tiêu về tăng trưởng kinh tế nhưng đã vấp phải sự xung đột gay gắt trong xã hội, sự suy thoái về đạo đức và văn hóa, từ đó kéo theo kinh tế phát triển chậm lại, mất ổn định xã hội tăng lên, cuối cùng là sự phá sản các kế hoạch phát triển kinh tế, đất nước rơi vào tình trạng suy thoái, không phát triển được. Đây là quan niệm phát triển nhanh bằng cách hy sinh các giá trị văn hóa, xã hội cho sự phát triển kinh tế.

Từ thực tế đó, một số nước đã lựa chọn mô hình: tăng trưởng kinh tế cùng với việc phát triển tài nguyên con người, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình này, tuy tăng trưởng kinh tế không nhanh, nhưng lại bền vững, xã hội ổn định. Đây là quan niệm phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa được các nhà khoa học quan tâm.

Văn hóa truyền thống của Lào hướng dẫn và cổ vũ một lối sống hòa hợp, hài hòa với thiên nhiên. Nó đưa ra một mô hình ứng xử có văn hóa của con người đối với thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của thế hệ hiện nay và các thế hệ con cháu mai sau. Phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ rơi vào nguy cơ tha hóa. Thực hiện kinh tế thị trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác (1).

 Văn hóa có thể là tiến bộ hoặc lạc hậu. Văn hóa tiến bộ thì thúc đẩy sự phát triển, còn văn hóa lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển. Văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào hiện nay có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng có không ít yếu tố lạc hậu, do đó cần thiết có một cái nhìn chọn lọc, giá trị truyền thống nào cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy, giá trị truyền thống nào nên sửa đổi, khắc phục, xóa bỏ. Trong thời gian qua, Lào đã quan tâm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của các bộ tộc, nhưng về nhận thức cũng như phương pháp chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cơ sở cần thiết cho sự phát triển văn hóa Lào trong thời gian tới, trước hết vẫn là việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước về văn hóa thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách, chế tài phù hợp hơn với yêu cầu phát triển văn hóa hiện nay, tạo điều kiện cho các lĩnh vực thông tin đại chúng, xuất bản phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhiều mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, tư tưởng.

Cùng với việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước, việc phát huy tính năng động của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, gia đình, các tầng lớp nhân dân, tạo nên ý thức chung về xây dựng, phát triển văn hóa văn minh trong đông đảo nhân dân, chống lại sự xâm nhập và tác hại của phản văn hóa... cũng là một cơ sở cần thiết.

Ngoài ra, mức độ phát triển còn phụ thuộc vào khả năng xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển văn hóa, kinh tế của các cấp, các ngành. Kiện toàn tổ chức, sắp xếp và quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu về chất lượng hoạt động văn hóa, tư tưởng trong giai đoạn mới.

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng quản lý, sự quan tâm đến công tác truyền thông đại chúng là một kênh quan trọng trong phát triển văn hóa Lào hiện nay. Truyền thông đại chúng mang đến thông tin, tri thức, năng lực tổ chức, quản lý xã hội cho mọi người; nâng cao dân trí, tạo nên sự thống nhất đồng thuận trong xã hội; định hướng các hành động xã hội, từ đó làm nên động lực hoạt động của cả cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ở Lào hiện nay, hoạt động truyền thông cần được khẩn trương đẩy mạnh nhằm phổ biến đường lối, chính sách và pháp luật, phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo nên bầu không khí dân chủ, cởi mở, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Thực tế cho thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng có ưu thế đặc biệt trong việc phổ biến các chính sách, chuẩn mực giá trị, khuôn mẫu điển hình. Nó mở rộng phạm vi dân chủ xã hội vượt ra ngoài dân chủ thôn bản sơ khai, hạn chế khả năng độc quyền thông tin đang khá phổ biến ở các cấp cơ sở của Lào hiện nay. Truyền thông góp phần quan trọng vào việc tạo nên sự thống nhất về thái độ và hành động, về dư luận xã hội; định hướng trước những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển; điều chỉnh các lệch lạc xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự phát triển mới.

Do vậy, việc tăng cường các trang thiết bị truyền thông đại chúng, nâng cao chất lượng và làm phong phú thêm nội dung truyền thông, tăng cường cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận được thông tin, tri thức về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trở thành một nội dung quan trọng của việc phát triển văn hóa Lào trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Lào cần quan tâm định hướng thông tin đại chúng đến việc xây dựng và phát triển nhân cách, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa các bộ tộc, bồi dưỡng các giá trị văn hóa như lối sống, lý tưởng, năng lực trí tuệ và bản lĩnh văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là trong thanh niên, học sinh.

Với đường lối phát triển kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, xem văn hóa là mục tiêu, động lực và hệ điều tiết của sự phát triển, Lào cần quan tâm hơn nữa đến công tác văn hóa, tăng cường mở rộng các hoạt động gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng, Phật giáo, các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân làm cho đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là điều kiện cần thiết góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

2. Những cơ sở cần thiết trong phát triển nguồn nhân lực

Trong thời đại ngày nay, nguồn nhân lực là một yếu tố hàng đầu trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Nó quyết định quy mô, tốc độ, tính chất và hiệu quả của sự phát triển kinh tế xã hội.

Phát triển nguồn nhân lực thực chất là ngày càng phải làm tốt hơn việc giải phóng con người. Đòi hỏi này cùng một lúc đặt ra hai yêu cầu: phải tập trung trí tuệ và nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, đồng thời phải thường xuyên cải thiện và đổi mới môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giữ gìn môi trường tự nhiên, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

 Ngày nay không thể quan niệm đơn thuần nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa đơn giản là những người làm công ăn lương, những người nông dân ít có điều kiện học hành... mà phải nhìn nhận nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, mọi địa vị xã hội từ thấp nhất đến cao nhất kể từ người làm nghề lao động đơn giản nhất, nông dân, công nhân, người làm công việc chuyên môn, người làm khoa học, người làm nhiệm vụ quản lý, nhà kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, giới nghệ sĩ, người hoạch định chính sách quản lý đất nước... Tất cả đều nằm trong tổng thể của cộng đồng xã hội, là nguồn nhân lực của đất nước, từng người đều phải được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển.

Từ Đại hội III (1982), Lào đã xác định rằng, đào tạo người biết sản xuất kinh doanh, biết lãnh đạo và quản lý là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; công tác đào tạo bồi dưỡng là trọng tâm để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề cần thiết và đủ để quản lý kinh tế xã hội và thực sự làm chủ đất nước. Vấn đề này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội VIII năm 2006 (coi con người là yếu tố quyết định sự phát triển) và nhấn mạnh tại Đại hội XIX năm 2011 (phát triển nguồn nhân lực là một trong bốn khâu đột phá quan trọng) (2). Theo tinh thần đó, Lào tiếp tục phát huy và tăng cường phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho nhân dân được phát triển toàn diện, có trình độ văn hóa, kiến thức, có sức khỏe, đạo đức, phẩm chất và tính sáng tạo, phải coi việc phát triển nguồn nhân lực là một lĩnh vực ưu tiên.

Như vậy, phát triển nguồn nhân lực ở Lào hiện nay chính là phát triển thể lực, trí lực của người dân. Để thực hiện nhiệm vụ đó, cần thực hiện chiến lược phát triển hệ thống y tế thích hợp, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thiết lập hệ thống bảo hiểm, trợ cấp y tế cho những người hưởng chính sách xã hội, người nghèo. Xây dựng chương trình quốc gia về nâng cao tầm vóc sức khỏe, cải thiện thể lực và chất lượng giống nòi của nhân dân. Xây dựng chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện theo khả năng các chính sách ưu đãi xã hội như đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công…

Để phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh việc thực hiện chiến lược phát triển hệ thống y tế thích hợp thì việc phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục của Nhà nước và tư nhân là việc làm cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, Lào nhấn mạnh: “Chúng ta phải tích cực hơn nữa trong tiếp tục thực hiện cải cách giáo dục, coi trọng nâng cao chất lượng với mở rộng cơ hội về giáo dục rộng khắp trong cả nước, đặc biệt là đối với các bộ tộc, phụ nữ và những người thiếu cơ hội, đảm bảo cho giáo dục được phát triển... có cả tính dân tộc, tiến bộ và hiện đại”(3).

Trên thực tế, đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp ở Lào còn thiếu nhiều so với yêu cầu phát triển. Năm 2011 mới chỉ đạt 1997 sinh viên/100 ngàn dân. Qua gần 30 năm đổi mới, giáo dục đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy vậy, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ mới đạt 78,5% (năm 2010), chất lượng giáo dục xếp thứ 133/173 nước, nguồn nhân lực tập trung trong nông nghiệp là chính, cơ cấu nguồn nhân lực không theo kịp đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Giá trị lao động không cao ở thị trường trong nước và rất thấp trên thị trường thế giới (4). Đó là một cản trở lớn đối với thị trường của Lào.

Trong việc phát triển nguồn nhân lực thì đội ngũ trí thức, tầng lớp doanh nhân, cán bộ quản lý là ba bộ phận quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng phát triển của đất nước. Một quốc gia hiện đại không thể phát triển được nếu thiếu một trong ba đỉnh của tam giác nhân lực này. Chỉ khi có được nguồn nhân lực này thì các nguồn lực khác mới phát huy được vai trò của họ, khả năng phát triển nhanh của đất nước mới khả thi. Những tư tưởng mới, những phát kiến khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của giới trí thức khó có thể trở thành những sản phẩm có tính chất đại trà hoặc đưa vào cuộc sống xã hội nếu không có tầng lớp doanh nhân, thiếu các nhà quản lý giỏi. Cả ba tầng lớp ấy tạo dựng nên tam giác nhân lực (trí thức - doanh nhân - quản lý gia), làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, quyết định tốc độ và xu thế phát triển của xã hội, đồng thời việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức.

Trong nhiều năm qua, Lào đã nỗ lực tạo dựng ba tầng lớp nhân lực nói trên. Nhưng hiện nay, trên thực tế, cả ba tầng lớp ấy vừa yếu vừa thiếu. Tầng lớp doanh nhân còn quá nhỏ bé so với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Tầng lớp quản lý gia cũng chưa được đào tạo bài bản và thiếu hụt rất nhiều ở tất cả các ngành, lĩnh vực, vùng miền. Tầng lớp trí thức cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Nói chung tính chuyên nghiệp trong lao động của cả ba đỉnh tam giác còn rất yếu, khiến cho chất lượng của cả ba chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển trong giai đoạn mới. Như vậy, việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó có ba tầng lớp tri thức - doanh nhân - quản lý gia là việc làm quan trọng để phát triển đất nước.

Để phát triển nguồn nhân lực, điều quan trọng và biện pháp cơ bản nhất là phải gieo trồng, tạo lập cho những người dân Lào có được ý chí muốn học, tinh thần ham học, quyết tâm chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để học và học đến cùng, trong đó trước hết là lớp trẻ, là cái vốn vô giá của quốc gia. Để phát huy tinh thần ham học, Lào cần có chính sách khuyến khích và thực hiện bình đẳng về cơ hội trong giáo dục đối với mọi người dân; thực hiện cải cách giáo dục cho hợp lý, chú trọng phát triển hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng trong việc dạy và học, trong đó phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ở các cấp, đề cao người thày giỏi, vì chỉ có thày giỏi mới có thợ giỏi.

Trong phát triển nguồn nhân lực, cần phải có cơ chế, chính sách dụng người hợp lý, nhất là phải trọng dụng nhân tài. Ở đây, việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là điều có ý nghĩa đối với sự phát triển đất nước, trong đó có việc quan tâm bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong cơ chế chính sách dụng, rất cần phải tùy theo trình độ, khả năng của từng người mà phân công, bố trí công việc cho đúng người, đúng việc, đảm bảo có sự dẫn dắt, kèm cặp và hỗ trợ, đặc biệt là lúc ban đầu. Đây là một công việc rất quan trọng và quyết định sự thành công, mức độ gắn bó của nhân tài đối với cơ quan, tổ chức mà họ vào làm việc, việc phân công hợp lý sẽ tạo điều kiện cho họ làm việc hiệu quả hơn, chất lượng công việc sẽ tốt hơn và họ sẽ phát huy được thế mạnh, niềm đam mê cá nhân của họ.

Trước xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, đặc biệt khi Cộng đồng ASEAN đã trở thành hiện thực vào ngày 31 - 12 - 2015, cũng như nhiều nước trong khu vực, Lào đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trên mọi lĩnh vực. Để phát huy được sức mạnh nội lực và tranh thủ những cơ hội của xu thế quốc tế hóa trong phát

triển văn hóa - con người ở Lào, thì việc xác định những cơ sở cần thiết cho sự phát triển phải được đặt lên hàng đầu, từ đó có sự điều chỉnh trong đường lối, chiến lược và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu công bằng, dân chủ, văn minh.

______________

1. ỎLạBun, Văn hóa, xã hội và con người, Nxb Viêng Chăn, 2013, tr.10.

 2, 4. Khămphon Bunnadi, Vấn đề xây dựng chế độ dân chủ nhân dân ở Lào hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, 2014, , tr.128, 134.

3. Văn kiện Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XIX (2011), tr.40.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : LÊ HÒA

;