MỸ CẢM AWARE TRONG QUAN NIỆM THẨM MỸ CỦA NGƯỜI NHẬT

Thuật ngữ aware dùng để chỉ quan niệm thẩm mỹ của người Nhật thời Heian, TK XI. Nghĩa gốc của aware là một cảm thán từ dùng biểu lộ cảm xúc của con người. Từ này có ý nghĩa tương tự như “a!”, “ô!”, biểu thị sự ngạc nhiên, đặc biệt đối với vẻ đẹp của sự vật. Hiểu theo cách khác thì aware bắt nguồn từ “A! Ware”, câu cảm thán được sử dụng từ trước thời kỳ Heian. Đầu thời kỳ Heian, câu này biến thành một danh từ để chỉ một kiểu cảm xúc nào đó phụ thuộc vào từng hoàn cảnh. Xét về mặt nghĩa, “aware là bi cảm, được sử dụng điển hình nhất là biểu thị một cảm giác dịu nhẹ, nhuốm nỗi buồn tiếc nuối trước cái đẹp ngắn ngủi, chóng tàn” (1). Ngoài ra, bao gồm cả sự cảm kích, niềm vui thích, sự khoái lạc, hân hoan, vui sướng và có thể thốt lên “sugoi!” - “tuyệt vời!”.

Vào thời Heian, thuật ngữ được ghi lại có thể là tâm trạng của con người trước mùa xuân đang dần rụng rơi theo thời gian, hay vẻ đẹp hào quang của con người và sự vật. Những rung động tinh tế và sâu sắc trong cảm xúc của con người được thể hiện cô đọng trong từ này, đó cũng là thể hiện cảm xúc hầu như bị dồn nén cao độ và bột phát ra bên ngoài. Aware cũng biểu hiện xúc cảm nhất thời, xuất hiện trong giây lát, khoảnh khắc của sự sửng sốt, ngạc nhiên hay cảm giác bỗng thấy rùng mình, run sợ (2). Đúng như Okazaki Yoshie nhận định, “nó chỉ ra dạng thức cơ bản nhất của sự biểu cảm. Nó tồn tại bất cứ ở đâu, thậm chí sau này khi Nhật Bản phát triển văn hóa cao hơn, aware trở thành dạng thức lịch sự, là nền tảng cơ bản đối với sự thích ứng đa dạng với văn hóa bên ngoài” (3).

Cho đến TK XVIII, nhà nghiên cứu Morinaga đã cụ thể hóa quan niệm thẩm mỹ này bằng cách đưa ra thuật ngữ thay thế là mono no aware, có nghĩa là “niềm bi cảm trước sự vật”. Đặc điểm nổi bật của niềm bi cảm là yếu tố nữ tính thể hiện qua sự dịu dàng, kín đáo của vẻ đẹp tiềm ẩn từ bên trong, vẻ đẹp mà chỉ cảm nhận, khó nắm bắt và gọi tên. Âm hưởng của niềm bi cảm là nỗi buồn dịu nhẹ, man mác. Vì thế, có rất nhiều định nghĩa về aware, nhấn mạnh yếu tố nữ tính, hàm nghĩa trong các dạng thức biểu hiện của cảm xúc. Có thể nói, thông qua niềm bi cảm, người Nhật cảm nhận vẻ đẹp bằng kinh nghiệm, xúc cảm, đồng cảm của con tim đối với khách thể. Do vậy, niềm bi cảm là trạng thái của cảm xúc do chủ quan tạo ra hơn là kinh nghiệm khách quan mang đến, một trạng thái tâm lý bên trong hơn là bên ngoài.

Từ nội dung biểu hiện trên, quan niệm thẩm mỹ aware chứa đựng những tư tưởng và triết lý của tôn giáo. Trước hết, aware thể hiện sự hòa hợp, tương thông và đồng cảm với tự nhiên của Thần đạo. Đấy chính là sự đề cao xúc cảm bên trong, là trái tim biết thấu hiểu vạn vật. Theo học giả Bradley Park, khái niệm mono no aware bắt nguồn từ thức cảm của Thần đạo bản địa, cái mà có sự nhạy cảm cao với cảm hứng vũ trụ của tự nhiên. Xét về thực hành tôn giáo, Thần đạo tập trung vào sự cởi mở trong giáo hóa tình cảm. Nói cách khác, trong sự nỗ lực để thấu hiểu được xúc cảm của sự vật hay nhận biết được thế giới hữu hình, từ đó tìm ra sự đồng cảm sâu sắc với vạn vật xung quanh. Muốn làm được điều đó cần thiết có sự tri nhận cao là sự kết hợp giữa tiếng nói của con tim về sự vật.

Ngoài ra, quan niệm thẩm mỹ này chịu ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo, chủ yếu là Thiền tông, thể hiện trong triết lý vô thường. Sự viên mãn của cái đẹp dự báo trước sự tàn phai bởi tất cả sự vật trên thế gian này đều nằm trong quy luật sinh - trụ - hoại - diệt nên vạn vật phù du như định mệnh. Sự tồn tại của cái đẹp chỉ là nhất thời. Vì thế, aware gợi buồn trước sự lụi tàn của vẻ đẹp, sự ra đi của thời gian và sự biến đổi của không gian. Nỗi buồn chính là vẻ đẹp sâu kín nhất, cuốn hút nhất đối với chủ thể cảm xúc. Vẻ đẹp chóng tàn có sức lan tỏa và mãnh lực lớn, cũng là đặc điểm mỹ cảm của người Nhật, đẹp mà buồn. Chính vì thế, sự tồn tại sinh học của vẻ đẹp thì ngắn ngủi, còn hương thơm của nó lưu truyền đến ngàn đời sau.

 
 
 
Thiếu nữ Nhật Bản. Tranh của Utamaro 
 

Sự ảnh hưởng của tôn giáo trong mỹ cảm aware

Những đặc trưng riêng biệt và sự hòa hợp giữa Phật giáo và Thần đạo là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến nhân sinh quan và thế giới quan của người Nhật, cũng là cơ sở để hình thành và phát triển hệ thống mỹ học Nhật Bản, đặc biệt đối với niềm bi cảm.

Những thay đổi trong thế giới quan của người Nhật chịu ảnh hưởng của tôn giáo nước ngoài như Phật giáo, Khổng giáo, Cơ đốc giáo. Sự ảnh hưởng của Phật giáo thể hiện nổi bật nhất vào thời kỳ Heian, tuy nhiên, nó đã bị biến đổi trong cảm quan của người Nhật cùng với sự xâm nhập của Thần đạo. Sự dung hợp giữa Phật giáo và Thần đạo đã diễn ra vào thời Nara, cho đến thời Heian, tín ngưỡng thần phật tập hợp đã vào giai đoạn trưởng thành và đánh dấu bằng sự ra đời của thuyết Bản địa tùy tích - thần và phật là đồng nhất, lý giải: “Phật ngày nay cũng chính là thần ngày trước, thần hóa thân của phật, phật là bản địa của thần”. Như vậy, Phật giáo ngoại lai đã bị bản địa hóa từ rất sớm và trở thành yếu tố cơ bản của văn hóa Nhật Bản. Cho dù họ bị ảnh hưởng sâu rộng của quan niệm Thần đạo về thế giới, nhân sinh nhưng xã hội vẫn bị ảnh hưởng bởi viễn tưởng Phật giáo về cái vô thường, vô ngã, duyên khởi nghiệp. Do Phật giáo có sự bảo trợ của chế độ phong kiến nên phát triển mạnh và chia thành nhiều tông phái, trong đó có Thiền tông. Một số giáo phái Phật giáo cho rằng, chúng ta đang sống trong thời thứ ba, xét trong sự luân chuyển về mặt thời gian thì thế giới này đang nằm trong sự suy thoái. Vậy nên, đời sống của con người được xem là suy đồi trầm trọng. Ngoài ra, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong suy tư của người Nhật về thực tại tối hậu. Bên cạnh đó, “Phật giáo ban lộc và sự bình yên vô tận theo nghĩa, tất cả mọi điều người ta cầu xin đức Phật đều được đáp ứng đầy đủ” (4). Đức tin đối với tôn giáo như là tôn chỉ cho hành động mang đến niềm tin và hy vọng mới của con người và cũng chi phối nền văn hóa Nhật Bản trong thời gian dài. Chính vì vậy, tất cả niềm bi cảm bị chi phối bởi thế giới quan Phật giáo, đậm đặc ở Thiền, bắt nguồn từ ba nguyên lý: vô ngã, bất toại nguyện và quan trọng nhất là vô thường. Thấm đẫm tinh thần Thần - Phật, “niềm bi cảm” là sáng tạo vĩ đại của dân tộc Nhật Bản.

Quan niệm đạo đức của Thiền trong Phật giáo đã quy định quan niệm thẩm mỹ người Nhật, mọi giá trị đạo đức đều là tương đối. Đức hạnh không chỉ tuân giữ giới luật mà còn phải trải nghiệm, thức tỉnh nội tâm mà thành. Như vậy, Thiền tông đã đề cao sự vận động nội tại của bản thể con người - tính hướng nội. Thiền ở Nhật đã chỉ ra con đường chuyển hóa rất đặc trưng là không chủ đích, không chủ tâm. Thiền sư Dogen khuyên rằng, chỉ nên ngồi yên lặng không làm gì, để cho tâm trí trống và nhận ra tâm thanh tịnh, trải nghiệm trạng thái giác ngộ và thực hành tham thiền. Như vậy, Thiền khi vào Nhật Bản đã lột bỏ tính huyền bí của Ấn Độ và tính chất trừu tượng, siêu hình, quan điểm nghịch thường của đạo Lão và tư tưởng thực dụng của Khổng giáo. Thiền mang đặc điểm tinh tế, chính xác và đơn giản ở Nhật. Thiền vừa là nguồn gốc phát sinh cũng là cơ sở của văn học nghệ thuật ở Nhật Bản, gợi hứng cho trà đạo, hoa đạo, thư đạo, thiền họa, khứu đạo, cung đạo, kiếm đạo…

Cùng với Phật giáo, Thần đạo là một tín ngưỡng tôn giáo bản địa song song tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau trong đời sống tâm linh của người Nhật. Do tính chất mặt trời của Phật đại nhật mà các tín đồ của Chân Ngôn cho là vị thần tối cao của Thần đạo: Amateraxu (nữ thần mặt trời) là hiện thân của đại Phật ở Nhật. Đó là cái gốc của Thần đạo nhị nguyên, có sự bao hàm cả Đạo Phật và Thần đạo. Vì thế việc hành đạo của cả hai cùng một lúc nhưng không mâu thuẫn với nhau. Sự hòa hợp giữa chúng thể hiện trong triết lý từng tôn giáo. “Thần Đạo coi cái chết chỉ là sự kết thúc của một trong vô vàn kiếp hữu hạn, còn Phật giáo cũng luôn nhấn mạnh đến cuộc sống tạm thời của một kiếp trầm luân nơi trần thế” (5).

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa hai tôn giáo này. Thần đạo dạy rằng tự nhiên và con người vốn trong sạch tự nguyên khởi. Còn Phật giáo Nhật Bản nhấn mạnh ý niệm về “sự giác ngộ tự bản nguyên”. Hay Thần đạo cho rằng sự ô nhiễm và uế tạp ám cái bản tính tự nhiên thì Phật giáo chỉ ra rằng, cái giác ngộ bản nguyên bị mờ ám bởi tham, sân, si.

Thần đạo mang tính hiện thế và lạc quan, có đặc tính như triết lý độc đáo, ảnh hưởng lớn đến văn hóa Nhật Bản. Vấn đề cơ bản của Thần đạo khi phủ nhận cái chết để đề cao sự sống có ý nghĩa trên thế giới thực tại này. “…hãy nhảy múa vui tươi và sống một cách mãn nguyện cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời” - lời của Hoàng tử Yamato Takeru no Mikoto khi lâm bệnh. Thần đạo không có khuynh hướng thoát ly hiện thực như các tôn giáo khác. Cả đạo Phật và Thiên chúa đều có điểm chung là hướng đến hạnh phúc ở kiếp sau. Thần đạo có nhân sinh quan khác hẳn, cuộc sống thực tại luôn được coi là địa bàn trung tâm. Thần đạo vẫn có thế giới cao thiên nguyên và hạ giới nhưng “không có tư tưởng từ bỏ thế giới hiện thế” (6). Cũng có cách luận giải như trên, Motoori Norinaga cho rằng: “Thần đạo nhìn nhận cái chết và cái ác như một phần của sự sống mà không phải từ chối bằng niềm hy vọng vào kiếp sau. Chẳng có gì đáng buồn hơn cái chết, còn sai lầm thì như bụi bẩn bay vào cơm” (7). Vì thế, qua tư tưởng hiện thế, Thần đạo có thái độ trân trọng các giá trị của cuộc sống và tinh thần ham sống một cách độc đáo.

Trong quan niệm của Thần đạo, điều khiến con người sống có ý nghĩa, viên mãn hơn chính là con đường thanh tẩy. Thần đạo chỉ ra rằng con đường thanh tẩy trước hết phải có trái tim trong sáng. Thanh tẩy cả về thể xác và tâm hồn. Vì vậy phải cải biến nội tâm, hình thành tình cảm kính sợ và trọng vọng, ngưỡng mộ và sùng bái đối với Kami. Quan niệm Thần đạo cho rằng, các thành tố tự nhiên đều là những đứa con thanh khiết, đẹp của Kami (thần), con người cùng với Kami kết hợp nhằm phát triển những điều tốt đẹp đó. Sự hiện diện của Kami không chỉ qua lời nói mà còn thể hiện qua năng lực nhận thức thẩm mỹ về cái đẹp trong giới tự nhiên. Điều này gần gũi với cách cảm thụ cái đẹp trong quan niệm thẩm mỹ aware.

Nhìn chung, Phật giáo và Thần đạo đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành niềm bi cảm. Từ những đặc điểm chung của mỗi tôn giáo đến sự dung hợp giữa chúng đã tạo nên những nguyên tắc cơ bản cho thế giới niềm bi cảm nhân sinh của người Nhật, từ thời Nara đến Heian. Quan hệ qua lại giữa tín ngưỡng bản địa với Phật giáo tạo nên một sự gặp gỡ chung ở lòng vị tha, trung thành và lối sống hướng đến cái thiện. “Thần đạo đã đưa vào Phật giáo những yếu tố thực tế, có tính chất đời thường hơn” (8). Sự dung hợp đó hun đúc cho tính cách của người Nhật mang đậm tính nhân văn, nhân ái. Họ có xu hướng đi sâu vào tâm linh, hướng nội với những giá trị đạo đức cao đẹp, mang lại những quan niệm thẩm mỹ về cuộc đời và con người trong mối tương giao, hòa hợp với thiên nhiên tươi đẹp. Tư tưởng hướng tâm của người Nhật được bắt nguồn, tiếp biến qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Theo nhà nghiên cứu Vladimir Devidé, “…thiên hướng cơ bản trong triết học và văn hóa phương Tây dựa trên sự rõ ràng và cái đang thực sự tồn tại. Cái tốt, cái đẹp và sự sáng tạo, tất cả đều được định nghĩa trong sự tồn tại của nó. Vì thế, sự không hoàn hảo hay khuyết thiếu sẽ bị coi là một dạng không tồn tại. Ngược lại, thiên hướng cơ bản trong triết học và văn hóa phương Đông lại nghiêng về hư vô, không phải với nghĩa phủ định của phương Tây, một thuật ngữ rất vô thức song lại có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong cội nguồn văn hóa và tâm lý con người Nhật Bản…” (9).

Như vậy, mỹ cảm aware thấm nhuần trong văn hóa bản địa và chịu ảnh hưởng từ sự phối kết hợp giữa các tôn giáo khác nhau ở Nhật Bản. Trong đó, thẩm mỹ Thiền có ảnh hưởng lớn nhất và vì thế đã làm nên sự hòa hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật và tôn giáo. Có thể xem cảm xúc aware phát triển theo tự nhiên, trong sự xung đột mâu thuẫn giữa tín ngưỡng tự nhiên của Thần đạo và những điều cấm của Phật giáo. Sự xung đột đó đã một phần thúc đẩy đi đến sự thống nhất tư tưởng hòa hợp với thiên nhiên, nhằm chống lại triết lý có tính siêu nghiệm của một thế giới khác ngoài tự nhiên. Nằm trong ý thức hệ đó, thời Heian, người Nhật đã biết cách cảm thụ cái đẹp u huyền.

_______________

1, 9. William J. Puett, Hướng dẫn đọc Truyện Genji, Nxb Rutland, Vermont và Tokyo, 1983, tr. 232, 125.

2, 3. Okazaki Yoshie, Geijutsu Ron no Tankyuu, Tokyo, Koobundoo, 1941, tr.185, 201.

4. Joseph M. Kitagawa, Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 388.

5. Nguyễn Kim Lai, Về sự hòa hợp giữa Thần đạo và đạo Phật ở Nhật Bản, 2005, tr.29.

6, 8. Phạm Hồng Thái, Tính hiện thế và lạc quan trong tư tưởng Thần đạo Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1 (37), 2002, tr.50, 48.

7. V. Otrinicov, Những quan niệm thẩm mỹ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật, Tạp chí Văn học, số 5, Hà Nội, 1996, tr.311.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

;