1. Các hoạt động văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào hiện nay
Hoạt động tuyên truyền giáo dục, hoàn thiện nhân cách
Chủ tịch KaySone Phomvihane nhấn mạnh: “Công tác chính trị - tư tưởng và lý luận như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi lĩnh vực công tác của Đảng ở mọi cấp, mọi thời điểm” (1). Đây cũng là cơ sở giúp các em sinh viên xác định đúng đắn động cơ và mục đích học tập cao cả, đó là “học để phục vụ Tổ quốc, học để phục vụ nhân dân”, đồng thời cổ vũ sinh viên rèn luyện tinh thần, rèn luyện đạo đức, sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội.
Đại hội của Đảng bộ lần thứ V của Đại học Quốc gia Lào đã chỉ rõ: “Việc giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đã giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho quần chúng bằng nhiều hình thức” (2). Thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thường được tổ chức thông qua tuần sinh hoạt chính trị cho sinh viên năm thứ nhất, các buổi sinh hoạt Đoàn, đưa tài liệu chính thống để sinh viên tự đọc thêm trên internet.
Hoạt động học tập của sinh viên
Học tập là hoạt động cơ bản của sinh viên, là quá trình tiếp thu tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên cùng quá trình tự học để tiếp nhận, sắp xếp những thông tin mới, phát huy khả năng sáng tạo và học hỏi các ý tưởng, kỹ năng, rèn luyện và biến những tri thức tiếp thu được thành của riêng mình.
Điều đó là nền tảng cho động cơ, thái độ học tập của rất nhiều sinh viên. Báo cáo tổng kết công tác năm 2021-2022 cho thấy: “Số sinh viên tốt nghiệp đại học là 5.969 sinh viên, 2.465 sinh viên nữ (trong đó sinh viên xuất sắc 13 người, 7 nữ; giỏi toàn diện 458 người, 249 nữ; học giỏi 466 người, 187 nữ)” (3).
Thông qua câu hỏi: “Xin bạn vui lòng cho biết hoạt động nào sau đây đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của sinh viên?”; kết quả nhận được từ 300 mẫu điều tra cho thấy: 52% trả lời rằng hoạt động học tập đóng vai trò quan trọng nhất. Để đánh giá thực trạng việc học tập của sinh viên Đại học Quốc gia Lào còn có thể xem trong mức độ tìm kiếm thông tin của sinh viên trên mạng: tra cứu, tìm kiếm thông tin 48,8%, học tập 7,2%, giải trí 23,9% và mục đích khác 20,1%.
Phương pháp dạy học của Đại học Quốc gia Lào ngày càng được cải tiến theo hướng tăng cường cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu, học theo nhóm, thảo luận, thực hành, thực tập trong thực tế xã hội, thiên nhiên, nhất là các môn học thực nghiệm.
Hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa
Sinh viên tại Đại học Quốc gia Lào không được đào tạo bài bản về sáng tác văn, thơ, âm nhạc, dàn dựng múa… nên hoạt động này có phần bị hạn chế. Tuy nhiên, các hoạt động văn nghệ trong hội thi hằng năm diễn ra rất sôi động. Các bạn sinh viên trực tiếp tham gia sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các tiết mục ca nhạc. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đã sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin, cộng với nhiều ý tưởng độc đáo để dựng lên những đoạn clip, thậm chí dựng cả chương trình để phục vụ việc học tập và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm việc nhóm…
Hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa
Trước hết, cần phải tìm hiểu mức chi tiêu hằng tháng cho hoạt động văn hóa tinh thần của sinh viên. Với câu hỏi: “Xin bạn cho biết tiền sinh hoạt của bạn là bao nhiêu/ tháng?”, có thể nhận thấy số tiền chi tiêu cho các hoạt động văn hóa tinh thần của sinh viên ở mức thấp, chủ yếu dưới 1 triệu kíp (dưới 1.350.000 đồng) chiếm 43,3%, mức chi tiêu trên 2 triệu kíp chiếm tỷ lệ thấp nhất 17%.
Đối với hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa đọc sách, báo, tạp chí: Đọc không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, xây dựng văn hóa đọc mà còn góp phần nâng cao tri thức, nhận thức chính trị cho sinh viên. Theo khảo sát, sinh viên Đại học Quốc gia Lào rất quan tâm đến hoạt động văn hóa này, có thể tham khảo trên mức độ đọc thường xuyên và thỉnh thoảng chiếm tỷ lệ cao với 5 loại sách như: sách phổ biến kiến thức: 50,6% và 43%; sách ngoại văn: 40,3% và 48,6%; tiểu thuyết: 36% và 47,6%; sách nghệ thuật sống: 38,6% và 46,3%; truyện cười: 26% và 62,3%. Như vậy, ngoài những hình thức giải trí hiện đại, sinh viên Đại học Quốc gia Lào nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách trong học tập cũng như giải trí.
Đối với hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa nghe nhìn (nghe nhạc, xem phim): khi sinh viên được hỏi: “Bạn thường sử dụng thời gian rỗi để làm việc gì?”, kết quả 42,3% xem phim, 77% vào mạng và đọc sách 53,3%. Đồng thời, khi được hỏi về nhu cầu đối với hoạt động xem phim, nghe nhạc, kết quả nhận được là: nhu cầu rất lớn 19,1%; nhu cầu lớn 32,8%; nhu cầu bình thường 46,5% và không có nhu cầu 1,7%. Kết quả điều tra cho thấy, 3 loại phim sinh viên quan tâm là: phim nước ngoài 28,9%; phim tâm lý xã hội 25,2%; phim hài 19,1%. 3 loại nhạc mà sinh viên thích nhất là: nhạc quốc tế 39,5%; nhạc dân ca 19,3% và các loại nhạc khác 18,7%… Phần lớn sinh viên đều cho rằng, các thể loại phim, nhạc trên có sức hấp dẫn, giảm căng thẳng và nhận được kiến thức phong phú. Do điều kiện kinh tế, sinh viên không thể đến rạp chiếu hay xem biểu diễn ca nhạc, nhưng các bạn vẫn có thể tiếp cận các loại hình nghệ thuật này thông qua internet, các buổi giao lưu ở câu lạc bộ sinh viên, hoạt động tại trường…
Đối với hoạt động khai thác, sử dụng mạng xã hội trên internet: Kết quả điều tra cho thấy, sinh viên dùng mạng xã hội trên 4 giờ/ngày lên tới 47,4%; sử dụng 3-4 giờ 18,1%; còn sử dụng ít hơn là 1-3 giờ chiếm tỷ lệ 15,4% và sử dụng ít nhất dưới 1 giờ chỉ 6%. Các em thường sử dụng các trang mạng xã hội như: Google, YouTube, Facebook, Tiktok, Instagram và Whatapp. Whatapp là một mạng xã hội được sử dụng phổ biến tại Lào, tương tự Zalo của Việt Nam, được sử dụng để gọi, trao đổi, gửi file tiếng, hình động, tĩnh, tin nhắn…
Hoạt động lưu giữ giá trị văn hóa
Trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Đại học Quốc gia Lào tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể qua nhiều câu lạc bộ như: câu lạc bộ thể thao (bóng đá, bóng truyền, bóng bàn, cầu mây, bi sắt…), câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ tình nguyện... Các hoạt động văn hóa được gắn với những sự kiện lịch sử, truyền thống của nhà trường, địa phương và các hoạt động khác theo quy định của ngành Giáo dục. Câu hỏi: “Xin bạn vui lòng cho biết hoạt động nào sau đây đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của sinh viên?”, nhận được 21,7% câu trả lời hoạt động sinh hoạt văn hóa tập thể. Cụ thể, mỗi năm Đại học Quốc gia Lào đều tổ chức Hội thi Văn nghệ Thể thao toàn đại học, có sự tham gia của đông đảo sinh viên các ngành. Những hoạt động đó đã tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên trong trường, các em có dịp giao lưu với nhau, nêu cao tinh thần đoàn kết trong học tập và rèn luyện sức khỏe, góp phần thực hiện phong trào “Sinh viên tốt, kỷ luật nghiêm”, “Phụ nữ 3 tốt”, “Thanh niên 4 chiến”, “Công đoàn 5 làm chủ”. Nhận xét của sinh viên khi hỏi đến vai trò của đoàn thể: “Các tổ chức đoàn thể của Nhà trường như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã phát huy tốt vai trò của mình đối với việc nâng cao đời sống tinh thần cho sinh viên?”: đã phát huy rất tốt vai trò chiếm 52,9%; phát huy tốt 39,5% và chưa phát huy được vai trò chiếm 7,6%. Như vậy, có thể thấy rằng, thời gian qua, đoàn thể và Hội sinh viên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần và hoàn thiện nhân cách của sinh viên Đại học Quốc gia Lào.
Hoạt động quảng bá, tuyên truyên các giá trị văn hóa
Hoạt động này nhấn mạnh quảng bá, tuyên truyền giá trị văn hóa qua các sản phẩm văn hóa nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ truyền thông nhất là internet. Chương trình truyền hình Trẻ và thanh niên phát qua Facebook, YouTube có nội dung đa dạng như: giới thiệu các trò chơi dân gian và hiện đại; học tiếng Lào rất dễ; tiếng Anh mỗi ngày; hiểu về luật báo chí khi sử dụng internet; cách bày đồ trên mâm lễ buộc chỉ cổ tay; đoàn múa lễ hội truyền thống “mô hình hội tụ dân phật tôn thờ Tháp Luẩng”... do các em sinh viên chuyên ngành truyền thông báo chí thực hiện. Đây là dịp để các em sinh viên chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, qua đó học hỏi kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ cho công việc sau này.
Bên cạnh đó, Fanpage Kadankhao-NOUL là trang bản tin mang tính chất thông báo các hoạt động đã, đang và sắp diễn ra trong và ngoài Đại học Quốc gia Lào. Những cuộc tìm kiếm việc làm, cơ hội thi cử xin học bổng, cơ hội kinh doanh, cuộc tuyển chọn sinh viên tài năng trẻ, hội ẩm thực, nhà văn, nhà thơ, đồ hand made (thủ công), triển lãm... đều được thông báo tại trang này.
(Nguồn: Fanpage Career Counseling Office)
Ngoài ra, còn có các trang Facebook khác như: Hội Thể thao sinh viên toàn đại học với 40 nghìn người theo dõi; trang Career Counseling Office (CCO) là Hội giới thiệu về nghề nghiệp; Young Talent Counseling (YTC) là trang tư vấn về tuổi trẻ do sự phối hợp giữa Nhà trường và Đoàn Thanh niên…
Các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đất nước, nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động xã hội cho sinh viên.
2. Đánh giá mặt tích cực và hạn chế đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào hiện nay
Những mặt tích cực
Thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên, được ví như “cây non”, cần được định hướng để hình thành ở họ tình cảm, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, phù hợp với những giá trị dân tộc, thúc đẩy họ vươn tới cái đẹp và hành động theo cái đẹp. Đời sống văn hóa đã góp phần làm nên điều đó. Thứ nhất, qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường đã định hướng cho sinh viên nhận thức cái đúng, cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, trong cuộc sống. Thứ hai, qua các Hội nghị sinh viên tiên tiến điển hình, gương người tốt việc tốt đã đưa ra những tiêu chí về hình mẫu điển hình, để từ đó sinh viên phấn đấu học tập và nhân rộng. Thứ ba, qua các phong trào thi đua đã giúp sinh viên đấu tranh bài trừ cái xấu hướng tới hoàn thiện về nhân cách.
Sự ra đời của các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, trang thông tin trên mạng xã hội… đã tạo sân chơi hấp dẫn, bổ ích, lành mạnh dành cho sinh viên. GS Som Sa Nook PEISENG, giáo viên dạy nghệ thuật múa đã nhận xét rằng: “Nghệ thuật múa của các dân tộc có vẻ đẹp độc đáo truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi có tư duy bảo thủ, bảo tồn, khiến sinh viên tại nhiều đại học làm hình mẫu và yêu thích kế thừa nghệ thuật đẹp đẽ của văn học” (4).
Các hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo sinh viên tham gia, tạo môi trường thuận lợi để sinh viên được mở rộng tầm nhìn, giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế phục vụ cho công việc sau này. Các hoạt động của phòng Triển lãm, phòng Truyền thống cũng đã góp phần không nhỏ để tạo niềm tin cũng như tinh thần tự hào đối với sinh viên.
Các sản phẩm văn hóa nghe nhìn như: máy vi tính, điện thoại di động… ngày càng được sinh viên sử dụng nhiều hơn cho quá trình tiếp nhận văn hóa. Các hoạt động lành mạnh, bổ ích sẽ góp phần xây dựng ý thức văn hóa, từ đó hình thành lối sống cho sinh viên, giúp các em gặt hái được kết quả tốt không chỉ trong học tập, nhận thức mà trong nhiều hoạt động khác.
Những mặt hạn chế
Một bộ phận sinh viên còn có những hành vi thiếu lành mạnh như chơi bời, lãng phí, ăn mặc không đúng quy định, sử dụng internet không đúng mục đích... Việc tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa được thường xuyên triển khai; hiệu quả công tác giáo dục về chính trị, tư tưởng cho sinh viên còn chưa nổi bật, chưa thường xuyên liên tục; một bộ phận sinh viên còn chưa xác định được mục tiêu học tập, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập, không nhiệt tình tham gia hoạt động của các đoàn thể tổ chức.
Việc giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng đời sống văn hóa cho sinh viên Đại học Quốc gia Lào còn thiếu. Tuy đã có nhiều dạng hoạt động nhưng chưa được tổ chức thường xuyên, chưa đi sâu từng đối tượng học, chưa phong phú đa dạng về cả mặt hình thức lẫn nội dung. Nhiều hoạt động văn hóa tổ chức cho sinh viên còn chưa nắm bắt tình hình kịp thời, chỉ mới tập trung vào các phong trào, chưa thể hiện đầy đủ tính chiến đấu.
Nhận thức của một số sinh viên, thậm chí là cán bộ về đời sống văn hóa còn chưa đúng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cũng như hiệu quả đời sống văn hóa cho sinh viên. Vì vậy, trong những năm qua nhà trường chưa huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng đời sống văn hóa cho sinh viên, chưa có sự đầu tư về trí tuệ để đưa ra những giải pháp tốt nhất. Do đó, kế hoạch triển khai các hoạt động thường bị rơi vào trạng thái bị động. Hoạt động phối hợp giữa Đảng ủy Đại học Quốc gia Lào, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đã có sự kết hợp tốt, xong việc tuyên truyền tới sinh viên còn thiếu đồng đều.
3. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao đời sống sinh viên Đại học Quốc gia Lào
Nâng cao nhận thức
Trước hết, phải giúp sinh viên hiểu sâu, nắm chắc về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị đó đóng vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh, tâm hồn và bản sắc của nền văn hóa, cốt cách lối sống của người Lào trong suốt nghìn năm lịch sử. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần nêu cao tính gương mẫu của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên ưu tú và cán bộ đoàn thể, bên cạnh đó xác định những giá trị văn hóa tốt đẹp cần được kế thừa và phát huy trong sinh viên, đặc biệt là lòng yêu nước, yêu thương lao động, lòng nhân ái, ý chí tự cường, khoan dung…
Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa của sinh viên
Đầu tư cơ sở vật chất là một trong những giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa của sinh viên, được xác định việc cần làm như: đầu tư diện tích, không gian, xây dựng và củng cố các sân chơi, nơi sinh hoạt văn hóa giải trí cho sinh viên, đó là điểm truy cập internet miễn phí, nhà văn hóa… để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú của sinh viên. Bởi, sự hạn chế của cơ sở vật chất và kinh phí sẽ làm giảm sự chủ động, sự hăng say của sinh viên. Và đây được coi là một nguyên nhân gián tiếp khiến sinh viên sa đà và vi phạm nội quy, pháp luật, tệ nạn xã hội với lý do không đủ địa điểm vui chơi, giải trí, nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Huy động các nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa sinh viên
Cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các đơn vị trong trường vì vai trò chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo đối với đời sống văn hóa tinh thần sinh viên quan trọng. Đồng thời, những người làm công tác này phải nắm bắt được nhu cầu văn hóa của sinh viên, sắp xếp một cách khoa học, hợp lý với các hoạt động văn hóa của sinh viên. Từ đó sẽ có những ý kiến tư vấn, tham mưu cho các cấp lãnh đạo, đưa ra những biện pháp, quyết định đúng đắn trong các vấn đề xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ nào, phong trào ấy” (5). Điều đó nói lên rằng đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên ít nhiều phụ thuộc vào sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường. Vì thế, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Lào nên tăng cường tạo mọi điều kiện tốt nhất giành cho sinh viên cả về đời sống vật chất và tinh thần. Hơn nữa, phải quán triệt đến cấp ủy và Ban Lãnh đạo các khoa trong trường quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các phong trào, hoạt động văn hóa của học viên khoa mình góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa chung của toàn trường.
Đổi mới các hình thức sinh hoạt văn hóa trong nhà trường
Đổi mới hình thức sinh hoạt văn hóa trong nhà trường cần được quan tâm đặc biệt, nhất là trong điều kiện khoa học công nghệ ngày càng phát triển như ngày nay. Các đơn vị tập trung xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ thông qua nền tảng trực tuyến và mạng xã hội để hưởng ứng các cuộc thi vẽ tranh, đọc sách, kể truyện, tìm hiểu lịch sử truyền thống; tổ chức thăm hộ gia đình, những người có công cách mạng, các anh hùng liệt sĩ để bày tỏ lòng biết ơn… Đối với các hoạt động mang lại giá trị cho bản thân sinh viên và cộng đồng, cần được tổ chức thường xuyên và nhân rộng .
______________
1. KaySone Phomvihane toàn tập, tập 4, Nxb Quốc gia, Lào, 2005, tr.397.
2. Đảng bộ Đại học Quốc gia Lào, Báo cáo tổng kết đánh giá kết quả nghị quyết IV (2015-2020), 2021, tr.15.
3. Đại học Quốc gia Lào, Báo cáo tổng kết công tác năm 2021-2022, 2022, tr.14.
4. Nhận xét của GS Som Sa Nook PEISENG, giáo viên dạy nghệ thuật múa Đại học Quốc gia Lào, 20-3-2022.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.
KHAMHOU VILATHONE
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023