Một số vấn đề về đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào

“Đời sống văn hóa là hiện thực sinh động của các hoạt động của con người trong môi trường sống để duy trì, đồng thời tái tạo các sản phẩm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần theo những giá trị và chuẩn mực xã hội nhất định nhằm không ngừng tác động, biến đổi tự nhiên, xã hội, đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng sống của chính con người” (1). Tức là, đời sống văn hóa luôn có tính kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp, tạo ra sự ổn định và là tiền đề để phát huy và khẳng định những giá trị mới. Để phục vụ đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào, tác giả xin đề cập các yếu tố tác động cả hai phương diện bên ngoài và bên trong.

Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn “lấy văn hóa là nhân tố cơ bản để tồn tại quốc gia dân tộc, là động lực phát triển xã hội, vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội” (2). Và khẳng định “Phải bảo đảm phát triển nguồn nhân lực trên cả hai mặt: thứ nhất, đáp ứng nhu cầu và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác bảo vệ và phát huy quyền con người và lợi ích của công dân, giá trị nhân văn và văn hóa tinh thần của nhân dân Lào, là bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển xã hội của chế độ dân chủ nhân dân” (3). Văn hóa là nền tảng vững chắc cho sự tồn tại của quốc gia dân tộc. Văn hóa là mục tiêu tổng thể của sự phát triển xã hội. “Mất văn hóa là mất dân tộc” (4).

Đại học Quốc gia Lào là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quan trọng hàng đầu cấp quốc gia, cho nên việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh là một việc làm cần thiết thúc đẩy sự phát triển chất lượng nền giáo dục vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của sinh viên nhằm phát triển kinh tế, xã hội.

1. Các nội dung trong đời sống văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Lào

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay Son PHOMVIHAN cho rằng: “Thanh niên là tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sức mạnh đang phát triển… là đội ngũ có tương lai tốt đẹp nhất, là lực lượng trẻ, năng động, mạnh mẽ, là những người ham học, khát vọng có sự tiến bộ cũng như đóng vai trò quan trọng vào các giai đoạn phát triển của dân tộc” (5). Sinh viên là giai đoạn lứa tuổi thanh niên, có ý nghĩa to lớn đối với việc tự giáo dục hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực như khả năng tự đánh giá, lòng tự trọng, tự tin, ý thức… Đại học Quốc gia Lào là một đại học lớn nhất trong nước nằm trên địa bàn Thủ đô Viêng Chăn, là nơi tập trung số lượng sinh viên nhiều nhất, đến từ nhiều địa phương nên những hoạt động đời sống văn hóa của sinh viên gồm:

Một là, hoạt động tuyên truyền giáo dục, hoàn thiện nhân cách: Sinh viên Đại học Quốc gia Lào là nguồn lực trẻ chất lượng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, nên những hoạt động này thường được Nhà trường tổ chức để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền phổ biến các văn bản, kiến thức pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống những người có công lao sáng lập nhất là trong ngành giáo dục con người, nhằm định hướng cho sinh viên có lối sống lành mạnh, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống tình nghĩa, tuân thủ pháp luật và từng bước hoàn thành nhân cách… để mai sau có đủ sức lực đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, hoạt động học tập của sinh viên: quá trình học tập được coi là nhiệm vụ hàng đầu giúp sinh viên tiếp thu những kiến thức tốt nhất dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, việc cùng bạn bè, đồng nghiệp trao đổi, tiếp nhận những thông tin, các kỹ năng là phương pháp biến các tri thức đã học hỏi được thành kỹ năng sống của mình. Tất cả những nhận thức thái độ học tập, phong cách học của sinh viên thể hiện qua kết quả, sự nỗ lực cố gắng làm một điểm nhấn quan trọng để chúng ta đánh giá được thực trạng đời sống văn hóa của sinh viên.

Ba là, hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa: Sáng tạo ở đây không hiểu đơn thuần là sự sáng tạo ra cái mới và phủ nhận cái cũ mà là sáng tạo trên nền tảng của cái cũ, thay thế các giá trị văn hóa cổ hủ bằng những giá trị văn hóa khác phù hợp và nhiều ý nghĩa hơn. Thông qua quá trình sáng tạo văn hóa, con người cũng được kích thích phát triển về mặt tư duy, lôgic, tư tưởng cũng như tăng cường mối quan hệ và làm phong phú đời sống xúc cảm - tình cảm như: nghiên cứu khoa học, sáng tác văn chương nghệ thuật, hội họa âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật…

Bốn là, hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa: hiện nay, trong thời đại cách mạng 4.0 sinh viên có thể tiếp nhận thêm nhiều hoạt động tiêu dùng các sản phẩm văn hóa thông qua mạng internet như là sản phẩm văn hóa viết - đọc - nghe - nhìn nhằm thỏa mãn tinh thần của họ với mục đích tìm hiểu những rung cảm thẩm mỹ hoặc đáp ứng nhu cầu được khám phá, tìm hiểu về sản phẩm hay loại hình văn hóa đó.

Năm là, hoạt động lưu giữ giá trị văn hóa: việc lưu giữ các giá trị văn hóa cũng thể hiện sự tôn trọng của cá nhân đối với nền văn hóa của dân tộc quốc gia mình. Thông qua quá trình lưu giữ giá trị văn hóa, các thế hệ sau được tiếp nối truyền thống văn hóa của các thế hệ đi trước và tạo nên ý chí vươn lên, được rèn luyện về các đức tính, phẩm chất, giá trị văn hóa tốt đẹp.

Còn một dạng hoạt động nữa không thể kể đến, đó là hoạt động quảng bá, tuyên truyền các giá trị văn hóa, nhằm nhân rộng hình ảnh giá trị văn hóa đến với công chúng. Nhờ nó mà mỗi cá nhân không chỉ biết đến nền văn hóa, giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn biết đến những giá trị của nền văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác làm cho đời sống văn hóa của sinh viên ngày càng phong phú.

2. Các yếu tố tác động tới đời sống sinh viên Đại học Quốc gia Lào

Muốn có đời sống văn hóa sinh viên lành mạnh, phải quan sát tổng thể những yếu tố tác động như sau:

Quan điểm của Đảng nhân dân cách mạng Lào, chính sách của Nhà nước

Đảng đề ra: “Tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng văn hóa mang tính chất quốc gia, dân tộc và tiên tiến, nhằm giáo dục con người Lào có tinh thần yêu nước, yêu chế độ dân chủ nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, có nếp sống lành mạnh và có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Vừa bảo vệ, xây dựng và phát huy truyền thống tốt đẹp và giá trị văn hóa quốc gia; vừa hạn chế được phản văn hóa và hành vi tụt hậu cho văn hóa tốt đẹp của quốc gia mình” (6).

Việc phát triển văn hóa và văn hóa được phát triển có vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng con người Lào phát triển cao về trí tuệ, thoải mái về tâm hồn, trong sáng về đạo đức, cường tráng về thể lực. Với thế hệ trẻ - lực lượng quan trọng, tiềm lực của sự phát triển, Nhà nước chú trọng: “Mở rộng các hoạt động xã hội sáng tạo giúp đỡ người thiếu thốn, tổ chức các hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường hoặc những hoạt động văn hóa, các hoạt động thi đua để phát triển trí tuệ” (7). Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, cơ chế thị trường đã làm cho sinh viên nhạy bén, năng động, sáng tạo hơn, kích thích sinh viên nỗ lực trong học tập. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, đoàn thể, cơ sở vật chất của các Nhà trường được đầu tư, điều kiện sinh hoạt tại các ký túc xá tốt hơn. Các đoàn thể đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích mang tính giáo dục cao, giúp sinh viên làm những việc có ích cho xã hội và bản thân. Tuy nhiên, mặt trái cơ chế thị trường, sự khó khăn của nền kinh tế và sự quản lý xã hội yếu kém đã tạo nên những nguy cơ, thách thức lớn đối với việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Chính sách của Đại học Quốc gia Lào về đời sống văn hóa

Môi trường văn hóa ở Thủ đô Viêng Chăn chính là địa điểm trụ sở của Đại học Quốc gia Lào mà có nhiều yếu tố tác động tích cực đến đời sống tinh thần của sinh viên. Thủ đô Viêng Chăn có nhiều di tích lịch sử, là niềm tự hào của các dân tộc, do vậy sinh viên Nhà trường rất nhạy cảm và dễ tiếp thu lối sống văn hóa của các dân tộc; thì đây là môi trường có nhiều cơ hội, được lựa chọn hưởng thụ và giao lưu học hỏi, song chính nơi đây sinh viên cũng dễ bị ảnh hưởng, tác động từ văn hóa ngoại lai và các chế phẩm văn hóa độc hại. Để có sự ngăn ngừa, đề kháng tốt của bản thân trước sự tác động tiêu cực của đời sống văn hóa thì bản thân sinh viên phải có ý thức, xác định lý tưởng cho mình: sống có ích, cống hiến tài năng cho dân tộc ngày một phát triển. Đi đôi với nó, sinh viên cũng cần rèn luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng trước những cảm dỗ của cơ chế thị trường và mặt trái của đời sống nghệ thuật.

Bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế

Đây là một quá trình đang tác động đến đời sống văn hóa, được thể hiện thông qua quá trình sinh viên hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa. Về mặt tích cực, thông qua tự do hóa thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, toàn cầu hóa đã tạo cơ hội cho sự phát triển những sản phẩm văn hóa và các loại hình giải trí. Trước kia, nếu sinh viên chỉ tham gia vào các hoạt động văn hóa dập khuôn, sáo mòn, đơn điệu, thì nay là những hoạt động văn hóa hiện đại đa dạng hơn. Sự tác động của toàn cầu hóa hình thành trong sinh viên tính độc lập trong suy nghĩ, chủ động sáng tạo và hành động và từ đó, hình thành một số giá trị mới: tinh thần tự chủ, độc lập, khả năng quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… và cũng thông qua hoạt động đó, khoảng cách giữa sinh viên Lào với sinh viên quốc tế và nền văn hóa thế giới được rút ngắn lại. Mặt khác, toàn cầu hóa có thể tạo ra nguy cơ lệ thuộc về văn hóa; từ đó tạo ra sự khủng hoảng lòng tin của sinh viên vào những giá trị nhân văn, xa rời những giá trị đạo đức truyền thống trong sinh viên. Hiện nay, một bộ phận sinh viên sống thờ ơ, sống không mục đích, không lý tưởng; sa vào lối sống tiêu dùng, lấy đồng tiền, vật chất làm thước đo giá trị.

Bối cảnh sự phát triển khoa học công nghệ

Song song với sự phát triển khoa học công nghệ, nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức, sáng tạo văn hóa của sinh viên ngày một gia tăng. Khoa học công nghệ đã làm cho tỷ lệ thời gian làm việc ngày càng rút ngắn đi và thời gian dành cho nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa trong sinh viên ngày càng nhiều lên. Thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại, sinh viên có thể mua bán các sản phẩm văn hóa, vui chơi, hưởng thụ văn hóa ngay tại nhà, cũng có thể vừa giải trí, thưởng thức các sản phẩm, loại hình văn hóa và vừa làm việc.

 Sinh viên cũng có thể xem các chương trình truyền hình hoặc nghe các chương trình truyền hình và đọc các loại báo trên trang báo điện tử, ngay trong kênh của Trường cũng đáp ứng một phần nào đó, nhất là các trang bổ sung các thông tin, mang tính chất tuyên truyền giáo dục giá trị văn hóa, những hoạt động nâng cao giáo dục học tập và giải trí.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Xuất phát từ chủ trương tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển văn hóa trong chiến lược, sách lược phát triển đất nước, theo hướng “tăng trưởng kinh tế mà văn hóa suy đồi là điều vô nghĩa và trái lại với bản chất của chế độ Xã hội Chủ nghĩa lấy phát triển toàn diện hoàn thiện con người làm mục tiêu trung tâm. Chỉ có nền văn hóa tiên tiến thấm nhuần sâu sắc tính nhân văn và với bản sắc dân tộc thì mới đủ sức kìm chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường” (8). Tức là, không phải đợi đến lúc kinh tế thị trường bộc lộ những khía cạnh tiêu cực, mới đưa ra các biện pháp hòa giải nó mà ngay trong khi xây dựng kinh tế thị trường, chúng ta phải đồng thời xây dựng cơ sở văn hóa, mà nền tảng của văn hóa ấy chính là tinh thần nhân văn hiện đại. Cho nên, chúng ta phải gấp rút xây dựng đời sống văn hóa cho đối tượng sinh viên ngay từ trong nhà trường bởi sinh viên sau này sẽ là cán bộ trong các lĩnh vực, là những cán bộ đưa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, bộ phận tư nhân, doanh nghiệp, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh phù hợp với những chuẩn mực giá trị của thời đại mới.

Tác động của sự biến đổi, tiếp xúc và giao lưu văn hóa

Hiện nay, khi Lào bước sang giai đoạn phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh trí tuệ, con người và nền văn hóa Lào đã và đang trải qua quá trình thay đổi mới; đời sống văn hóa của sinh viên không còn bó hẹp trong lớp học, mái trường... mà đã mở rộng theo nhu cầu văn hóa giải trí dưới các hình thức mới như: hoạt động nhà văn hóa, câu lạc bộ, sân khấu, thưởng thức văn hóa thế giới. Thế nhưng, những giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một; nhiều sinh viên hiện nay chạy theo lối thời thượng, ưa vật chất, coi trọng đồng tiền, sùng bái hàng ngoại và mang trong mình một cách nghĩ, cách sống không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của sinh viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những suy nghĩ này. Đôi khi sinh viên lựa chọn tham gia vào các loại hình văn hóa thiếu lành mạnh, không phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Tác động của đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của sinh viên

Sinh viên phần lớn là những thanh niên trẻ, là lứa tuổi của sức khỏe, trí tuệ và nhiệt huyết, sôi nổi, năng động, bản lĩnh. Nhờ thế, họ luôn đi đầu trong mọi hoạt động văn hóa, luôn tìm cách đổi mới các hình thức hoạt động, làm cho các hoạt động văn hóa thêm muôn màu, giàu tính sáng tạo, hấp dẫn và cuốn hút đông đảo sinh viên tham gia. Và, do đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, sức khỏe và tình trạng thể chất của sinh viên được cải thiện, nên nhu cầu, thưởng thức cũng như sáng tạo các giá trị văn hóa của sinh viên ngày càng cao. Hầu như sinh viên đều có khát vọng học tập để giúp đỡ gia đình, vượt qua khó khăn, đói nghèo, lạc hậu, hướng xây dựng đất nước theo mục tiêu chung đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh và công bằng. Xã hội hình thành một lớp thanh niên ưu tú, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn, kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, tiêu biểu cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, do đặc điểm ưa thích cái mới và là lứa tuổi chưa ổn định về nhân cách, nên sinh viên hiện nay, dễ dàng tiếp nhận cả những cái mới phản văn hóa. Từ đó, biểu hiện những hành vi thiếu ý chí phấn đấu, thờ ơ, ngại khó khăn, lười lao động, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa dân tộc.

Tác động của trình độ nghề nghiệp

Sinh viên là đối tượng có trình độ học vấn, am hiểu về khoa học kỹ thuật cao, là điều kiện để họ có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, nhất là hoạt động sáng tạo ra các giá trị văn hóa; góp phần nâng cao đời sống văn hóa của chính họ. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, do tác động nhiều chiều của đời sống kinh tế, xã hội và xu hướng toàn cầu hóa, sinh viên cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn sinh viên đều trông chờ vào các khoản chu cấp từ gia đình để phục vụ cho việc học tập và đầu tư cho tương lai. Ngoài việc học chính thức ở trường, sinh viên còn phải trau dồi, bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc và cuộc sống sau này, cho nên một số sinh viên phải đi làm thêm, lấy tiền trang trải học hành, nhiều khi vì sự cám dỗ của vật chất, họ đã đánh mất ước mơ của chính bản thân mình.

Như vậy, đời sống văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng và là yếu tố không thể thiếu của con người. Đảng và Nhà nước Lào đã đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp đào tạo - bồi dưỡng sinh viên, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước; quán triệt chủ nghĩa Mác-Lê nin, đường lối của Đảng và chính sách Nhà nước làm nòng cốt, học tập, nghiên cứu và tích lũy kỹ năng sống, tri thức nghề nghiệp làm phong phú cho nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong đó, vai trò của đời sống văn hóa đối với sinh viên Đại học Quốc gia Lào có ý nghĩa quan trọng hàng đầu; cùng với việc đào tạo tri thức, kiến thức chuyên ngành, việc xây dựng đời sống văn hóa của sinh viên chính là tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, con người toàn diện. Đây là một chủ trương quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa mới, lối sống mới và con người mới phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh chính là góp phần tạo ra môi trường chính trị - xã hội ổn định, trật tự và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo. Cho nên, những yếu tố tác động trên ít nhiều đã có phần làm đời sống văn hóa sinh viên Lào nói chung, sinh viên Đại học Quốc gia Lào nói riêng thay đổi theo hướng tích cực và lành mạnh rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng học tập, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy lùi các hiện tượng phản văn hóa trong đời sống văn hóa thanh niên hiện nay nói chung.

_______________________

1. Đinh Thị Vân Chi (chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015, tr.57.

2. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng số 25/BCT-TƯ về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa trong thời kỳ mới, Văn phòng Trung ương Đảng, 17-5-2021, tr.4.

3, 7. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Nxb Quốc gia, 2021, tr.68, 71.

4. Bài phát biểu của Đồng chí Cay Son PHAMVIHAN tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa IV lần thứ 10, năm 1990.

5. Cay Son PHOMVIHAN toàn tập, tập 3, Nxb Quốc gia, Viêng Chăn, tr.18.

6. Nghị quyết hội nghị lần thứ X Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa IV, 1990.

8. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Viêng Chăn, 2016, tr.30.

Tài liệu tham khảo

1. Cay son PHOMVIHAN, Phát huy truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc trong quốc gia Lào, Văn phòng Thủ tướng CHDCND Lào, 1981.

KHAMHOU VILATHONE

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;