Biến đổi sinh kế nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên)

Vài nét về thị xã Mỹ Hào

Mỹ Hào là thị xã nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hưng Yên. Vùng đất Mỹ Hào được khai khẩn từ thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. Lúc bấy giờ, vùng đất này còn là những triền đất, gò đống do sông Hồng bồi tụ, nổi lên giữa đầm lầy cỏ lác và lau sậy, dân cư thưa thớt với nguồn sống chính là đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp.

Địa bàn đô thị Mỹ Hào ngày nay chính là khu vực: Phố Nối, Phố Bần, Phố Thứa xưa của tỉnh Hưng Yên. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây là một trong số ít trung tâm buôn bán, dịch vụ của vùng giáp ranh các tỉnh thành gồm: Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương; đây còn là nơi tập trung dân cư, hoạt động giao thương, văn hóa, công sở gắn với khu quân sự quan trọng của người Pháp ở vùng Bắc Bộ đến năm 1945 (Bốt Bần). Vì vậy, Phố Nối, Phố Thứa đã nổi tiếng là một trung tâm giao thương có tầm liên tỉnh, là một đầu mối giao thông của vùng đồng bằng Bắc Bộ giữa Quốc lộ 5A và Quốc lộ 39A.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sắp xếp lại các thôn xã của huyện Mỹ Hào: xóa bỏ cấp tổng, đặt lại thành 14 xã và đến năm 1961 còn 13 xã. Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58/CP hợp nhất một số huyện của tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên và Hải Dương); trong đó huyện Văn Lâm, Mỹ Hào hợp nhất thành huyện Văn Mỹ. Tiếp đó, ngày 24-3-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70/CP điều chỉnh lại địa giới của 13 huyện thuộc tỉnh Hải Hưng và hợp nhất thành 7 huyện mới. Huyện Văn Mỹ nhập thêm 14 xã thuộc huyện Văn Yên, lấy tên là Mỹ Văn. Trong giai đoạn này vùng đất Mỹ Hào thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.

Sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập năm 1997, thì ngày 1-9-1999, huyện Mỹ Hào được tái lập theo Nghị định số 60/NĐ-CP của Chính phủ với diện tích tự nhiên 7.911ha gồm 13 đơn vị hành chính là thị trấn Bần Yên Nhân và 12 xã (Nhân Hòa, Dị Sử, Bạch Sam, Phùng Chí Kiên, Minh Đức, Hòa Phong, Cẩm Xá, Phan Đình Phùng, Hưng Long, Xuân Dục, Ngọc Lâm và Dương Quang).

Từ năm 1999 đến nay, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên, lần lượt các khu công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và vùng được xây dựng tại Mỹ Hào như: khu công nghiệp dệt may Phố Nối, khu công nghiệp Thăng Long II (100% doanh nghiệp nước ngoài), khu công nghiệp Minh Đức, đồng thời các điểm công nghiệp địa phương tại thị trấn Bần, xã Nhân Hòa, Dị Sử, Phùng Chí Kiên, Minh Đức cũng được phát triển. Đến năm 2013, tổng diện tích các dự án công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hoạt động trên địa bàn thị xã Mỹ Hào là 7.06,31ha (1). Thành tựu phát triển công nghiệp ở Mỹ Hào đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tỉnh Hưng Yên gia nhập vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cũng trong giai đoạn này, Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39A và một số hạng mục giao thông trên địa bàn huyện Mỹ Hào được nâng cấp, xây dựng mới như: Tỉnh lộ 380, Tỉnh lộ 387, cầu vượt Quán Gỏi, Phố Nối, Bạch Sam đã kéo theo sự hình thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng dọc các tuyến Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39A, Tỉnh lộ 380. Các khu phố cũ như Phố Bần, Phố Thứa, Phố Nối càng được phát triển và có sức hút cao, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của khu vực. Đến nay Mỹ Hào đã là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Hưng Yên.

Thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án đô thị

Mỹ Hào là một trong những địa bàn có tốc độ thực hiện công nghiệp hóa - đô thị hóa nhanh của tỉnh Hưng Yên. Việc hình thành các khu công nghiệp lớn trên địa bàn thị xã đã làm cho cơ cấu sử dụng đất trong toàn huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2010-2015, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 535,56ha, trong đó chuyển sang đất công nghiệp là 235,68ha.

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp ở Mỹ Hào đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và thay đổi các kiểu sử dụng đất theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả sử dụng cao. Năm 2010, thị xã Mỹ Hào có 6 loại hình sử dụng đất, với 15 kiểu sử dụng đất; đến năm 2015 đã tăng lên 21 kiểu sử dụng đất. Vốn là vùng đất thuần nông, giờ đây trên địa bàn huyện có 218 dự án được phê duyệt đầu tư, trong đó 170 dự án đã hoạt động, thu hút 30 nghìn lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 của huyện đạt 19.163,8 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách trên địa bàn là 3.800 tỷ đồng, bằng một phần hai lượng thu của tỉnh (2).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi đất nông nghiệp cho các dự án đô thị cũng mang lại nhiều thách thức và rủi ro.

Đô thị hóa ở Mỹ Hào và những cơ hội chuyển đổi sinh kế

Thứ nhất, đô thị hóa đã làm cho giá đất ở của các hộ gia đình trong địa bàn thị xã tăng rất nhanh. Nhiều người dân ở các xã, phường; đặc biệt là các xã gần Phố Nối, Phố Thứa, thị trấn Bần Yên Nhân cho biết giá trị trao đổi của quyền sử dụng đất thổ cư bắt đầu tăng nhanh từ cuối những năm 2015. Nếu vào năm 2013, những mảnh đất có vị trí đẹp giá 20 triệu/m2 vuông đến năm 2020 tăng lên hơn 90 triệu/m2. Thực tế này làm cho Mỹ Hào trở thành một trong những nơi mua bán đất thổ cư sôi động ở Hưng Yên.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi sinh kế, từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp. Công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm cho người nông dân phải từ bỏ sản xuất nông nghiệp truyền thống. Sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, nhiều lao động nông nghiệp ở các làng không có đất để sản xuất.

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, nhiều con đường mới được xây dựng, những tuyến đường cũ được nâng cấp, kết nối Mỹ Hào với khu vực xung quanh, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi khác về Mỹ Hào để tìm nhà trọ, đặc biệt gần các khu công nghiệp. Chính vì vậy, người dân ở Mỹ Hào, rất nhiều gia đình đã tận dụng cơ hội này, họ bắt đầu đầu tư vốn tài chính vào xây dựng nhà ở để cho thuê.

Thứ ba, phát triển ngành nghề mới chế biến lương thực thực phẩm, mộc dân dụng và dịch vụ, thương mại, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Thực hiện Đề án chăn nuôi giống vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên, Dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học, xây hầm biogas, toàn thị xã có 40 thôn, tổ dân phố nằm trong kế hoạch thực hiện dồn thửa đổi ruộng, kết quả: tổng số hộ thực hiện: 10.327 hộ; diện tích thực hiện: 2.305ha; bình quân số thửa/ hộ giảm còn 1,6 thửa/ hộ (so với trước đây bình quân là 5,5 thửa/ hộ), trong đó 40% số hộ nhận 1 thửa, 51% số hộ nhận 2 thửa, 9% số hộ nhận 3 thửa (3).

Thứ tư, chú trọng phát triển các làng nghề trong quá trình đô thị hóa, huyện hiện có 7 làng nghề được công nhận. Trong đó có 2 làng nghề mộc dân dụng, 2 làng nghề mộc mỹ nghệ, 1 làng nghề truyền thống sản xuất tương Bần. Nhiều làng nghề đã phát triển nhanh chóng, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường. Huyện đang đề nghị tỉnh công nhận 1 làng nghề mộc dân dụng và tiếp tục đề nghị các làng nghề khác và hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nghề để tăng cường tính liên doanh, liên kết thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề phát triển.

Những thách thức của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa

Việc làm của người dân là một vấn đề quan trọng được đặt ra, họ sẽ làm gì sau khi bị mất quyền sử dụng đất nông nghiệp. Ở Mỹ Hào, nhiều lao động nông nghiệp đã phải đối mặt với vấn đề thiếu hoặc không có việc làm sau khi đất nông nghiệp của họ bị thu hồi. Những người dân bị mất đất nông nghiệp buộc phải chuyển sang các việc làm phi nông nghiệp vốn không phải là lĩnh vực của họ. Thực tế thì nhiều lao động nông nghiệp, nhất là những lao động còn trẻ không thể tìm được việc làm hoặc chuyển sang làm công nhân ở một số khu công nghiệp.

Người dân Mỹ Hào đã quen với cảm giác an toàn khi làm nông nghiệp, tự họ sản xuất ra lúa gạo, rau, củ phục vụ bữa ăn hằng ngày. Khi thay đổi sinh kế, họ không tránh khỏi những cảm giác bấp bênh. Họ phải mua rất nhiều thứ để phục vụ cuộc sống hằng ngày và phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường.

Tiếp theo là vấn đề về môi trường sống, người dân Mỹ Hào lo lắng về môi trường mà họ đang sống. Khi công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên càng nhiều thì ô nhiễm do các loại chất thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn, bụi làm cho điều kiện vệ sinh sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà máy, khu công nghiệp cũ đang ở trong tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và dân cư xung quanh.

Sự gia tăng của các tệ nạn xã hội trong cộng đồng huyện kể từ đầu năm 2018 đang là một thách thức. Từ một cộng đồng không có nghiện hút, Mỹ Hào dần dần chứng kiến nhiều loại tệ nạn xã hội thâm nhập vào các xã, các làng. Thời gian gần đây, tại thị xã Mỹ Hào đã gia tăng tội phạm về tệ nạn xã hội như: buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, đánh bạc ở nhiều hình thức. Ví dụ: trong quý 1 năm 2020, Công an thị xã Mỹ Hào đã tiến hành bắt và khởi tố 17 vụ với 38 bị can, xử lý hành chính 9 vụ với 29 đối tượng, thu giữ trên 200 triệu đồng. Các đội nghiệp vụ công an huyện đã phối hợp với lực lượng công an các xã, thị trấn trên địa bàn lập chuyên án bắt và xử lý 33 vụ vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội. Trong đó, có 14 vụ tàng trữ và mua bán chất ma túy, 8 vụ đánh bạc dưới mọi hình thức (4). Nguyên nhân gia tăng các loại tội phạm này là do nhiều phần tử xấu từ các tỉnh khác đến lôi kéo một số đối tượng lười lao động trên địa bàn gây gia các vụ phạm pháp. Bên cạnh đó, còn xảy xa một số vụ tranh chấp đất đai của các thành viên trong gia đình.

Một vấn đề nữa là sự ổn định của những nguồn sinh kế mới. Làm công nhân của các nhà máy, cho thuê nhà trọ, buôn bán nhỏ… là những sinh kế mới của người dân Mỹ Hào nói chung sau khi một số vùng bị thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài những hình thức sinh kế thay thế này có tồn tại bền vững không, vẫn là câu hỏi còn dang dở và cần có lời giải đáp. Khi các nhà máy có thể chuyển đi nơi khác, một số công ty giải thể thì họ sẽ làm gì? Họ không còn người thuê trọ nữa? Đây là vấn đề mà những người dân thực sự lo lắng, họ rất trông đợi vào những quy hoạch, chính sách của Nhà nước.

Kết luận

Diện mạo thị xã Mỹ Hào ngày càng đổi mới, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, bình quân 18,5%/ năm. Trên địa bàn thị xã đã có 218 dự án được phê duyệt, trong đó có 150 dự án đang hoạt động, thu hút trên 30.000 lao động trong và ngoài thị xã. Việc khôi phục và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống được quan tâm. Hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện và đô thị được đầu tư phát triển nhanh, nhất là các tuyến đường trọng điểm, đường giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, sinh kế nông thôn tại Mỹ Hào vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở, liệu nó có bền vững hay không? Hiện nay, cả nước đang vào cuộc, cả tỉnh đang vào cuộc, chung tay phát triển các vùng đô thị khang trang, văn minh, thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. Khi nguồn lực từ trung ương, từ tỉnh dừng hỗ trợ, liệu sinh kế nông thôn có được duy trì, người dân có việc làm ổn định, mức sống có đảm bảo? Hy vọng, trong tương lai gần, người dân thị xã Mỹ Hào sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng, thị xã Mỹ Hào sẽ phát triển hơn nữa và thực sự bền vững.

__________________

1, 2, 3. UBND tỉnh Hưng Yên, Đề án thành lập thị xã Mỹ Hào và 7 phường nội thị thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, 2018.

4. UBND thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, Báo cáo công tác đảm bảo trật tự xã hội năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thế Đắc, “Đột phá - Hưng Yên”, Tạp chí Văn học nghệ thuật Hưng Yên, số 101, 2016.

2. Lê Xuân Tê, Ghi chép từ làng nghề, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2005.

Ths VŨ THỊ SOI NGẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;