Tiếp xúc văn hóa trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam

Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã chứng kiến sự phát triển và giao thoa xuyên biên giới và sự tiếp xúc giữa các quốc gia, đặc biệt giữa phương Đông và phương Tây. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sự tiếp xúc giao thoa giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại diễn ra dưới nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Bài viết đề cập đến sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam từ những thập niên đầu TK XX đến nay trong lĩnh vực xuất bản.

1. Đặt vấn đề

Tiếp xúc văn hóa là thuật ngữ khoa học xuất hiện vào cuối TK XIX, đầu TK XX trong các nghiên cứu nhân học của các nhà khoa học Mỹ, khi họ nhận thấy sự biến đổi văn hóa của các tộc người châu Mỹ trước sự nhập cư của các dân tộc châu Âu và châu Phi. Nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này được xuất bản, xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau: nhân học, tâm lý học, giáo dục học…

Văn hóa Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Gắn với sự biến động của lịch sử, văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới đó là quy luật của sự phát triển.

Xuất bản là một lĩnh vực phát triển quan trọng trong đời sống văn hóa của mỗi quốc gia ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước. Quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với văn hóa nhân loại, đặc biệt là với văn hóa phương Tây đã diễn ra mạnh mẽ vào những thập niên đầu TK XX, trong điều kiện thực dân Pháp xâm lược thống trị và khai thác thuộc địa Việt Nam, đặc biệt sự tiếp xúc, giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tạo nên những bước phát triển, đổi mới trong hoạt động xuất bản ở nước ta. Hoạt động xuất bản góp phần lưu giữ và truyền bá tri thức, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, con người Việt Nam. Thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về xuất bản trở thành một xu hướng chủ đạo trong tiến trình phát triển của lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Không chỉ nâng cao vị thế văn hóa đất nước và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam với thế giới, hợp tác quốc tế về xuất bản, nếu được tiến hành hiệu quả, sẽ góp phần không nhỏ trong việc tranh thủ nguồn lực quốc tế để xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam tiệm cận với trình độ tiên tiến của thế giới.

2. Tiếp xúc văn hóa trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam từ TK XX đến nay

Thời kỳ Pháp thuộc đến trước năm 1986

Tiếp xúc văn hóa là bước chuyển từ xuất bản cổ truyền sang kỹ nghệ xuất bản hiện đại, tạo nền móng hình thành hệ thống nhà xuất bản ở nước ta

Hoạt động xuất bản đầu tiên xuất hiện ở nước ta gắn liền với sự ra đời của giấy và khắc ván in. Triều đại nhà Lý đã cho in các bộ kinh Phật; triều đại Lê Hy Tông đã cho ra đời bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư. Thời phong kiến, số bản in khắc không đều dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng rộng rãi. Hơn thế, sự sao chép qua nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều thời đại khác nhau thông qua thu thập, chỉnh lý dẫn đến sự sai lệch, nhiều dị bản, gây khó khăn trong việc xác định văn bản. Nhiều công trình chỉ có độc bản do phương thức chép tay.

Để tiện cho việc đô hộ khai thác thuộc địa, người Pháp đã thâm nhập, nghiên cứu các lĩnh vực ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa… tại Việt Nam, từ đó tạo ra sự tác động sâu sắc đến quá trình phát triển của hoạt động xuất bản. Đó là sự thâm nhập vào nước ta kỹ thuật in phương Tây (hoạt bản - in chữ rời) và thâm nhập của tiếng Pháp và xuất hiện của chữ Quốc ngữ. Thời kỳ này các nhà in đã được hình thành ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, đã dần thay thế các ấn phẩm in bằng (chữ Hán, chữ Nôm) sang kỹ nghệ xuất bản bằng chữ quốc ngữ (1). Chữ viết xuất hiện là cuộc cách mạng quan trọng về chất liệu xuất bản phẩm, tạo cơ sở cho quá trình hiện đại hóa nền xuất bản Việt Nam.

Sự vận động và phát triển của xuất bản nước ta giai đoạn từ đầu TK XX đến trước năm 1945 gắn bó chặt chẽ với nhu cầu mới của xã hội Việt Nam, với các điều kiện và sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là sự phản ánh trực tiếp mâu thuẫn xã hội Việt Nam thời kỳ này.

Có thể thấy, sự xuất hiện các nhà in theo kỹ thuật hiện đại, sự chuyển đổi của nghề in từ kỹ thuật khắc chữ rời thực sự là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đó đã tạo cơ sở cho sự phát triển của báo chí và văn học. Hoạt động xuất bản đã có một bước chuyển rất căn bản với sự gắn bó giữa người sáng tác, biên khảo, biên tập, in ấn và phát hành.

Xuất bản sách đã có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của lịch sử. Lực lượng xuất bản cách mạng và tiến bộ góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nền văn hóa của dân tộc. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, công tác xuất bản cách mạng đã trở thành một hiện tượng mới trong lịch sử sách nước ta, đồng thời cũng là lĩnh vực của cuộc đấu tranh tư tưởng cho các phong trào cách mạng Việt Nam sau này.

Các ấn phẩm xuất bản đa dạng về nội dung, nhiều thể loại, hình thức

Về nội dung xuất bản: Thời kỳ phong kiến chủ yếu là văn sử, triết học, Phật giáo, pháp luật… sách về kỹ thuật, toán, y, dược học tuy có phát triển nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ so với sách văn học. Nhiều công trình được trình bày với nội dung khó phân biệt sách văn sử, một quyển sách đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau.

Về thể loại xuất bản: Các ấn phẩm xuất bản phong phú với các thể loại như: sách, báo chí, tập thơ… Có thể thấy, trong những năm đầu TK XX, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn. Ý thức dân chủ của phương Tây đã lan rộng trong đời sống thị thành dẫn đến những chuyển biến sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Một tầng lớp công chúng với thị hiếu thẩm mỹ mới đã xuất hiện, kích thích và thúc đẩy văn học phát triển, tạo nên sự sôi động của hoạt động xuất bản.

Về hình thức: Hoạt động giao lưu văn hóa Đông - Tây đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện hoạt động dịch thuật trong xuất bản ở Việt Nam. Các dịch giả người Việt đã lần lượt giới thiệu, biên khảo và dịch sách văn hóa, văn học Pháp và phương Tây sang chữ quốc ngữ. Sách dịch trên các tạp chí như: Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí và các ấn phẩm của nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng. Trong nghề xuất bản, F.H.Scheneider là nhà tài phiệt lớn nhất bao thầu phần lớn việc xuất bản các tờ báo ở Sài Gòn. Ông đã mời Nguyễn Văn Vĩnh, cây bút vào hạng sáng giá ở Bắc Kỳ ngay từ đầu thế kỷ cộng tác và bảo trợ để xuất bản Đông Dương tạp chí (1913). Cuối Chiến tranh thế giới thứ I, F.H.Scheneider đã “bàn giao” cho Nguyễn Văn Vĩnh toàn bộ cơ sở in ở Bắc Kỳ. Bắc Kỳ, Trung Kỳ có nhiều nhà xuất bản, nhà in lớn đã đưa ra thị trường hàng loạt sách chữ Việt, chữ Pháp có giá trị văn hóa cao.

Hình thành nhiều trào lưu, tư tưởng mới trong xuất bản phẩm

Có thể thấy, trong quá trình tiếp xúc văn hóa Pháp, người Việt đã chịu ảnh hưởng về mọi mặt như tư tưởng, lối sống Pháp. Chính sự tiếp thu ảnh hưởng của Pháp đã tạo nên nhiều trào lưu mới, tư tưởng mới trong các xuất bản phẩm ở nước ta thời kỳ này.

Điều này thể hiện rõ nhất qua các xuất bản phẩm văn học. Trong các sách văn học sử, nói đến giai đoạn văn học lãng mạn, người ta nói đến ngay ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp, cụ thể là Hugo, Lamartine, André Gide (2). Trong giai đoạn này, có hai hiện tượng của văn đàn Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Pháp. Nhóm Tự lực văn đoàn thành lập, đã viết các tác phẩm văn xuôi lãng mạn, đưa những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp vào văn học Việt. Lần đầu tiên, văn chương Việt có ý thức đề cao tự do cá nhân, đưa cái tôi cá nhân chống lại những lề giáo phong kiến cũ (3). Các ấn phẩm tiêu biểu của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ… Cùng với đó, thơ ca Pháp có ảnh hưởng đậm nét tới phong trào Thơ mới 1932-1942. Đọc tác phẩm của Xuân Diệu - một đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới, có thể tìm thấy những câu thơ dịch sát nghĩa từ thơ Pháp như: Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Plus d’une espèce fleurs a quitté les branches. Văn học Pháp thịnh hành tại Việt Nam đầu TK XX, hình thành nên một thể loại phóng tác theo tác phẩm văn học Pháp. Hồ Biểu Chánh là tác giả tiêu biểu cho cách làm này, với những tiểu thuyết được xuất bản như: Chúa tàu Kim Quy (phỏng theo Bá tước Monte-Cristo), Cay đắng mùi đời (phỏng theo Không gia đình), Ngọn cỏ gió đùa (phỏng theo Những người khốn khổ).

Hình thành khuynh hướng xuất bản mới đó là sự xuất hiện của sách, báo Mác-xít ở Việt Nam tạo nên diện mạo mới của xuất bản Việt Nam từ đầu TK XX

Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 thành công, sách, báo của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam qua con đường sách, báo của Đảng Cộng sản Pháp và cách mạng Trung Quốc. Đảng Cộng sản Pháp đã thành lập (1920) và tìm mọi cách đưa các tài liệu Mác-xít vào các thuộc địa. Đảng có 8 tờ báo hằng ngày, 43 tạp chí hằng tuần và hằng tháng và một nhà xuất bản lớn là “Nhà xuất bản xã hội”. Sách, báo của Đảng Cộng sản đã luôn công kích chính sách bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp, tuyên truyền những tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đề cao quyền dân tộc tự quyết, góp phần tuyên truyền, cổ vũ cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Các tác phẩm tiêu biểu như cuốn Làm gì, Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản… đã đưa vào Việt Nam và Đông Dương.

Sự ra đời của xuất bản cách mạng do nhu cầu tất yếu của cuộc cách mạng đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc; đồng thời, sự ra đời của xuất bản cách mạng cũng gắn liền với những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng Người hoạt động ở nước ngoài từ năm 1920 đến trước khi thành lập Đảng. Những ấn phẩm được xuất bản và đưa về nước như Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vécxây (1919), Bản án chế độ thực dân Pháp (1920), Con rồng tre (1922), Đường Cách mệnh (1927)... là những tác phẩm đặt nền móng cho sự nghiệp xuất bản cách mạng Việt Nam, đồng thời là kim chỉ nam cho quá trình phát triển sự nghiệp xuất bản những năm sau.

Và xuất bản đã trở thành một sức mạnh, một vũ khí tinh thần sắc bén góp phần trực tiếp cho thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, “đọc sách người tốt, việc tốt”... lan tỏa rộng lớn trong mọi tầng lớp Nhân dân, hình thành nên những giá trị tri thức, văn hóa mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1975-1985, sau khi thống nhất đất nước, công tác xuất bản được ổn định về mặt tổ chức trong cả nước. với tư cách là vũ khí tư tưởng - văn hóa sắc bén, xuất bản đã nỗ lực vượt khó khăn, giữ vai trò tích cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, ổn định chính trị - tư tưởng. Từ 21 nhà xuất bản trước 1975, đến 1985 đã lên đến 40 nhà xuất bản; xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục (4)…

Thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế (từ sau năm 1986 đến nay)

Có thể nói, đây là thời kỳ đất nước ta có một bước chuyển vô cùng to lớn và sâu sắc. Bước chuyển biến căn bản này không những đã đưa đất nước thoát khỏi một thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội kéo dài; mà còn từng bước tạo ra những cơ sở cho đất nước thực sự mở cửa hòa nhập với khu vực và thế giới, đồng thời chuẩn bị những bước đầu tiên cho sự cất cánh của đất nước. Quá trình giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế đã làm chuyển biến căn bản nền xuất bản nước ta, đổi mới, hiện đại hóa các hoạt động xuất bản theo xu thế phát triển trên thế giới.

Xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức và quốc tế hóa hoạt động xuất bản

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hoạt động xuất bản ngày càng được quốc tế hóa theo hướng hình thành các cơ chế, thể chế điều tiết dòng chảy xuất bản phẩm ở quy mô toàn cầu. Các quốc gia chủ động điều chỉnh pháp luật trong nước, nhất là những quy phạm về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả… theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời với việc tập trung nâng cao tiềm lực xuất bản quốc gia nhằm dành ưu thế trong kinh tế xuất bản toàn cầu. Xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức và quốc tế hóa hoạt động xuất bản đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động xuất bản quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xuất bản.

Hiện nay, toàn ngành có 57 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách, trung tâm phát hành sách với 70.000 cán bộ, công nhân viên thuộc mọi thành phần kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, toàn ngành Xuất bản nộp lưu chiểu 32.948 xuất bản phẩm với 400.610.118 bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29.274 cuốn với 350.000.000 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 với khoảng 25 triệu bản; xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch...) đạt 1.374 xuất bản phẩm với 25.610.118 bản. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/ người/ năm (5). Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, tổng doanh thu toàn ngành Xuất bản năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Lĩnh vực in ấn được quan tâm đầu tư phát triển, hiện đại hóa công nghệ; sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau. Quá trình cổ phần hóa, nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp in mở rộng đầu tư, trang bị máy móc, hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao (6). Mô hình tổ chức ngành In được sắp xếp lại. Năm 2019, cả nước có trên 1.900 cơ sở in công nghiệp trong tổng số hơn 10.000 cơ sở in. Doanh thu ngành In đạt trên 96.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ngành In đạt gần 8.000 tỷ đồng (tăng 4%), nộp ngân sách nhà nước 2.220 tỷ đồng (7).

Xuất hiện hình thức xuất bản mới - giao dịch bản quyền - giúp ngành Xuất bản Việt Nam tiệm cận với xuất bản sách thế giới

Kể từ sau Công ước về bản quyền Berne (từ 26-10-2004 đến nay), các đơn vị làm sách của Việt Nam đã ký mua bản quyền với nhiều nhà xuất bản trên thế giới (8). Sách dịch là một trong những nội dung thu hút người đọc chiếm 20-25% tổng đầu sách hằng năm với các sách dịch xuôi và sách dịch ngược, với số lượng bản in ngày càng lớn. Ngành Xuất bản đã nêu khẩu hiệu “Sách tốt, sách hay phải đến tay người đọc”.

Hoạt động xuất nhập khẩu sách có bước phát triển

Thị trường sách của Việt Nam được mở rộng thêm ở một số quốc gia: Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, phát triển thêm thị trường mới như Italia, Trung Quốc, Singapore. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sách, báo đạt 27,45 triệu USD (tăng gần 4% so với năm 2018), trong đó nhập khẩu: 23,25 triệu USD, xuất khẩu: 4,2 triệu USD (9). Có thể thấy, nhập khẩu sách tiếng nước ngoài vào Việt Nam là hoạt động sôi nổi hơn so với xuất khẩu. Các loại sách nhập khẩu khá đa dạng nhưng tỷ lệ áp đảo vẫn là sách học ngoại ngữ, nhất là các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, Pháp, Trung.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về xuất bản ngày càng mở rộng và đa dạng

Ngành Xuất bản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với các đối tác trong khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á (ABPA).

Bên cạnh đó, công tác xuất bản đã quan tâm đến việc hợp tác quốc tế để tiếp cận với công tác xuất bản hiện đại, nhiều nhà xuất bản đã thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, hữu nghị với các nhà xuất bản của nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu biểu cho hoạt động hợp tác quốc tế trong xuất bản phải kể đến các nhà xuất bản: Kim Đồng, Giáo dục Việt Nam, Chính trị quốc gia Sự thật. Nxb Kim Đồng hợp tác với hơn 70 nhà xuất bản khác trên thế giới như: Dorling Kindersley, Harper Collins UK, Simon and Schuster UK, Dami International, Shogakukan, Seoul... Nxb Chính trị quốc gia Sự thật đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với ba nhà xuất bản lớn của Trung Quốc gồm: Nhân dân Trung Quốc, Nhân dân Thượng Hải và Nhân dân Giang Tô…

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ trên nền tảng internet, trí thông minh nhân tạo… tạo ra những thay đổi đột phá trong toàn bộ công tác xuất bản, làm xuất hiện các mô hình xuất bản mới ở Việt Nam

Xuất bản là một trong những hoạt động chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, làm thay đổi hình thái của ngành Xuất bản và làm xuất hiện các mô hình hoạt động mới, như tự xuất bản, xuất bản điện tử, xuất bản số... Đi cùng với đó là các hình thức phân phối, kinh doanh thương mại điện tử. Các mô hình xuất bản mới đã tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới trên nền tảng công nghệ hiện đại với tính tập trung lớn về nội dung, tích hợp sâu sắc hàm lượng công nghệ và nhiều đặc điểm vượt trội; không bị giới hạn bởi phạm vi không gian, thời gian và đối tượng tham gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ trên nền tảng internet, trí thông minh nhân tạo… đã tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet giúp xuất bản phẩm đến được tay độc giả trên khắp thế giới nhanh nhất, tiện ích nhất.

3. Kết luận

Như vậy, có thể thấy rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Việt Nam diễn ra quá trình giao thoa văn hóa, tiếp xúc văn hóa không ngừng, từ đó hình thành nên những giá trị văn hóa mới, làm phong phú, đa dạng hơn nền văn hóa. Tiếp xúc văn hóa với văn hóa Pháp từ đầu TK XX và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã tạo nên diện mạo mới cho nền xuất bản Việt Nam về cả quy mô, hình thức, nội dung. Ngày nay, hợp tác quốc tế về xuất bản là xu hướng chính đang được đẩy mạnh, qua đó, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

________________

1, 4. Duy Linh, 70 năm hình thành và phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam, kinhtedothi.vn, 27-9-2022.

2. Phan Ngọc, Ảnh hưởng của văn học Pháp tới văn học Việt Nam trong giai đoạn 1932-1940, tapchisonghuong.com.vn, 22-9-2020.

3. Tần Tần, Pháp ảnh hưởng sâu đậm đến văn chương Việt Nam, zingnews.vn, 7-7-2018.

5. Nguyễn Minh Hải, Những đóng góp quan trọng của hoạt động xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, hcmcpv.org.vn, 9-10-2022.

6. Đào Thị Hoàn, Xuất bản Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức, tapchicongsan.org.vn, 21-7-2020.

7. Tần Tần, Năm 2019, xuất bản 400 triệu bản sách, doanh thu 2.600 tỷ đồng, zingnews.vn, 3-1-2020.

8. T.H, Quá trình hội nhập quốc tế của Xuất bản Việt Nam những năm gần đây, ictvietnam.vn, 6-10-2020.

9. Cục Xuất bản - In và Phát hành, Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành năm 2019.

NGUYỄN BÍCH HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;