Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia

Chiều ngày 12-9-2022, tại Bảo tàng Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitat), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”.

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo

Tham gia chủ trì Hội thảo có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL); ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL).

Hội thảo có sự tham dự của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chia sẻ: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa của quốc gia. Để hiện thực hóa chủ trương này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2000, tầm nhìn đến năm 2030. Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện: tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương, quốc gia. Việc ban hành và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa bước vào những chiến dịch sâu, rộng hơn. Đặc biệt, Bộ VHTTDL, với vị thế là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã nhận thức một cách hết sức sâu sắc về sứ mệnh và vai trò quan trọng của mình trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra và nỗ lực chuyển hóa động lực ban đầu này thành các hành động cụ thể. Từ đóng góp vào việc cải thiện khung chính sách, cho đến triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể, Bộ VHTTDL đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, vai trò của Bộ VHTTDL sẽ không thể thực hiện phát huy hiệu quả nếu thiếu đi sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của rất nhiều Bộ, ngành, của các tổ chức quốc tế và các cá nhân trong nước, cơ quan văn hóa nghệ thuật, cũng như của các địa phương”.

“Trong tiến trình phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, bên cạnh những thành tựu luôn tồn tại những hạn chế và thách thức, sự phát triển toàn diện mà chúng ta luôn kỳ vọng và mong muốn đạt được, đòi hỏi phải có những đánh giá định kỳ, phải xem xét đầy đủ và khách quan những tác động thực tiễn mà Chiến lược đã đề ra. Những bằng cứ này sẽ là cơ sở để chúng ta xác định những yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết cũng như những nhân tố mới, động lực mới đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang cùng hướng tới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu Khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Christian Manhart nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua việc làm, mở ra thị trường mới. Điều này sẽ thành công, khi huy động được các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại cũng như các phương tiện khác để tạo ra các sản phẩm, cũng như dịch vụ văn hóa đa dạng và hấp dẫn. Ông bày tỏ sự vui mừng khi Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội - thành phố đầu tiên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, kể từ đó, Hà Nội luôn dẫn đầu trong sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hiện nay, 7 thành phố khác của Việt Nam hiện nay đang trong quá trình đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, ông tin rằng diễn đàn quốc tế này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương đề cập đến sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016. Mặc dù vẫn còn ít nhiều những băn khoăn, trăn trở, thậm chí hoài nghi, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự ra đời của Chiến lược chính là nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới thể chế nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa.

“Văn hóa hiện diện ở các cấp độ vô cùng đa dạng, các nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách thức khác nhau nhằm đạt được mục tiêu khác nhau trong chiến lược phát triển văn hóa. Nhưng có một mẫu số chung với trên bản đồ văn hóa thế giới là những quốc gia chuyển hóa tốt nhất nguồn tài nguyên văn hóa thành sức hấp dẫn, cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với các trụ cột phát triển luôn là các quốc gia có những tiền đề vững chắc cho sự phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đặt ra trong quá trình phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch COVID vẫn cho thấy những tác động nặng nề đối với các lĩnh vực được coi là không thiết yếu và quá trình phục hồi các ngành công nghiệp văn hóa đang còn nhiều khó khăn, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam rõ ràng đang gặp phải nhiều thách thức trong tiến trình hiện thực hóa. Nhưng thách thức mang tính lịch sử của ngày hôm nay, cũng chính là động lực để chúng ta hơn lúc nào hết phải nỗ lực tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm tìm ra các giải pháp mang tính chiến lược nhằm biến các ngành công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực hội nhập và phát triển bền vững của đất nước” - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tin tưởng Hội thảo không chỉ là dịp để nhìn lại 5 năm triển khai Chiến lược mà quan trong hơn sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một bước chuyển mới về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sau khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành, chúng ta đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018. Tính đến năm 2019, có hơn 2,5 triệu lao động làm việc có liên quan tới văn hóa, chiếm 5% lao động cả nước (năm 2015, tỷ lệ này chỉ chiếm 3,45%). Nếu như năm 2017, cả nước có khoảng 40 không gian văn hóa sáng tạo, thì đến nay, nước ta có 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập (12 Trung ương và 103 địa phương), 108 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, hơn 97 nghìn doanh nghiệp văn hóa (Số liệu PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương trình bày tại Hội thảo).

Hội thảo nhận được gần 50 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hành sáng tạo trong nước và quốc tế, là những trao đổi, đánh giá từ những góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; Hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và thực trạng phát triển của 12 ngành công nghiệp văn hóa; Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới và những gợi mở đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa - sáng tạo, các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp tới năm 2030; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030.

Hội thảo tập trung đồng thời vào cả nội dung Bức tranh toàn cảnh Tiêu điểm sáng tạo, các chuyên gia trình bày và thảo luận về khuôn khổ chính sách hiện hành, góc nhìn toàn cảnh các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các tiêu điểm sáng tạo cụ thể và gợi mở những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược trong thời gian tới, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2030.

“Định vị thương hiệu thành phố sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” - Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - phát biểu

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung - phát biểu tham luận “Tiềm năng trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của Đà Lạt”

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL tham luận

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã thành công trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đã đưa ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Theo bà, “Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sĩ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân... trong việc tiếp cận các phương tiện sản xuất, phân phối các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, triển khai các chương trình đào tạo, ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả... Đặc biệt, trong bối cảnh hậu công nghiệp và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cách mạng 4.0, các nước đều quan tâm đầu tư chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường ảnh hưởng, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia”.

Có thể nói, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hành sáng tạo trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá từ những góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo cũng là diễn đàn để các bên liên quan thảo luận và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030. Hội thảo sẽ là mốc đánh dấu một bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, thời điểm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH

;