Mặt nạ giấy bồi làng Hảo - một nét văn hóa Việt

Những chiếc mặt nạ giấy bồi được làm thủ công với nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau do người thợ thổi hồn vào đó qua những nét vẽ, không chỉ làm sinh động, mãn nhãn người dùng mà còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Trung thu, bên cạnh những chiếc lồng đèn đầy sắc màu thì chiếc mặt nạ giấy bồi cũng là một trong những vật phẩm, đồ chơi Trung thu quen thuộc đối với trẻ em.

Không như các sản phẩm thủ công truyền thống khác, trước đây nghề làm mặt nạ không tập trung theo làng nghề. Sau khi hoạt động thương mại trở nên thịnh hành, một số địa phương mới hình thành sản xuất mặt nạ tập trung. Tuy nhiên, do bị mặt nạ Trung Quốc áp đảo nên gần đây chỉ còn không nhiều hộ gia đình theo nghề truyền thống này.

Hiện nay, tại làng Ông Hảo (làng Hảo), xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ gia đình vẫn còn duy trì, gìn giữ được nghề thủ công truyền thống này. Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông, kể cả giấy phế liệu cũng được các nghệ nhân làng nghề “thổi hồn” để tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi Trung thu sặc sỡ, bắt mắt. Ngay từ tháng 6 âm lịch hằng năm, chuẩn bị sắp tới dịp Trung thu, người làng lại tất bật đục đẽo, bồi giấy, quét sơn để kịp sản xuất ra các loại đồ chơi truyền thống như trống, mặt nạ, đầu lân phục vụ nhu cầu vui Tết Trung thu của đồng bào cả nước.

Hộ gia đình ông Vũ Huy Đông là một trong những gia đình làm mặt nạ lâu năm tại xã Liêu Xá tự hào trong việc gìn giữ, lưu truyền một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.

Để có được sản phẩm mặt nạ hoàn hảo, trước đây các nghệ nhân phải làm khuôn bằng đất nung hoặc bằng gỗ, sau này được đúc bằng xi măng. Chúng được tạo hình từ những con vật quen thuộc hoặc những nhân vật trong các truyện cổ tích, truyền thuyết, hay hoạt hình.

Công đoạn chuẩn bị giấy dán quan trọng không kém, những miếng giấy xé nhỏ được nghệ nhân gán lên khuôn thành từng lớp, chúng được bồi dính lên nhau bằng những lớp keo làm từ bột gạo nếp. Đến khi đạt được độ dày nhất định, nghệ nhân sẽ gỡ những chiếc phôi mặt nạ mang đi phơi nắng hoặc cho hong khô.

Sau khi mặt nạ khô, tiếp đến là công đoạn quan trọng nhất tạo nên thần thái riêng cho mặt nạ. Lúc này các nghệ nhân tập trung vẽ màu, trang trí họa tiết tùy theo hình thù nhân vật được bồi đúc. Cho dù tất cả mặt nạ giấy bồi đều được vẽ và làm hoàn toàn thủ công bằng tay, nhưng khá đều nhau và rất có thần thái.

Trong những năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… cho trẻ nhỏ của nhiều gia đình là động lực để những nghệ nhân như ông Đông tại làng nghề Ông Hảo có thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

Phóng sự ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

 

;