Giá trị của dân ca Mường trong sinh hoạt cộng đồng Mường Hòa Bình

Mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền đều có những làn điệu dân ca riêng, những lời ru, hò vè... mang dáng dấp và phong cách của âm nhạc truyền thống. Mỗi một thể loại dân ca, đều mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống lao động, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng và đó chính là nơi để con người thổ lộ những tâm tư tình cảm, rồi qua đó con người hiểu nhau, trao cho nhau những gì tốt đẹp và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc…

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh. Hòa Bình hiện có 6 dân tộc đang sinh sống, là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Dao, Tày, số dân chiếm đông nhất là người Mường và được mệnh danh là tỉnh Mường. Dân tộc Mường ở Hòa Bình có khoảng hơn 800.000 người chiếm 66% dân số của tỉnh, họ sống chủ yếu ở các huyện như: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi (1). Tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật dân gian Mường rất lý thú, đến một làng Mường nào dù là vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều được nghe những lời ca tiếng hát hay truyện kể, truyện thơ cổ dân gian… đầy phong vị. Người Mường ở bất kỳ một lứa tuổi nào, dù già hay trẻ, dù trai hay gái người ta đều biết đến các làn điệu dân ca của dân tộc mình, dù họ không tham gia vào cuộc hát nhưng họ cũng thưởng thức một cách say mê, vì đó là một truyền thống, di sản quý giá mà ông cha của họ đã để lại. Người Mường xưa thường có câu “Nhất Bi - Nhì Vang - Tam Thàng - Tứ Động”, Mường Bi thuộc huyện Tân Lạc, Mường Vang thuộc huyện Lạc Sơn, Mường Thàng thuộc huyện Cao Phong, Mường Động thuộc huyện Kim Bôi. Có thể nói Hòa Bình là cái nôi và được mệnh danh là xứ sở của người Mường.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường Hòa Bình đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, mặc dù trong thời kỳ hội nhập kinh tế nhanh chóng như hiện nay, nhưng người Mường vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là các làn điệu dân ca. Khi mặt trời buông xuống, trong các làng, các bản, từng tốp già, trẻ, gái, trai kéo nhau đi hát, đi nghe hát “Thường đang” với những làn điệu dân ca nghe thật đầm ấm và thiết tha. Nghe những làn điệu dân ca ấy họ thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương bản mường. Họ biết lao động để tạo cho cuộc sống ngày càng ấm no, động viên con em mình học hành để mai sau góp phần xây dựng làm cho quê hương giàu đẹp. Đó là những nét đẹp trong văn hóa của người Mường ở tỉnh Hòa Bình và họ luôn tự hào với những nét đẹp văn hóa ấy. Niềm tự hào của người Mường, đó chính là những làn điệu dân ca của dân tộc mình, họ cho rằng, một dân tộc mà không có những làn điệu dân ca riêng, thì dân tộc đó sẽ sớm bị mai một. Còn một điều quan trọng hơn cả là họ cho rằng một dân tộc mà đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đồng hóa. Chính vì vậy, người Mường ở tỉnh Hòa Bình đã xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình và việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong văn hóa nói chung, dân ca nói riêng của chính cộng đồng mình. Các làn điệu dân ca Mường được vang lên ở khắp nơi trong các bản, các mường, trên những cánh đồng hay trên nương, trên núi... Thi thoảng đâu đó cũng đều bắt gặp, được nghe tiếng hát của các bố, các mệ, các eng, các ún, hát những điệu dân ca khi trầm khi bổng.

Trong sinh hoạt cộng đồng của người Mường Hòa Bình, ở đâu đều có tiếng hát, người già, người trẻ, nam, nữ cũng hát dân ca. Tiếng hát được cất lên từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đầu mường đến cuối mường hay trên những căn nhà sàn, người ta hát trên núi cao, trong rừng sâu... Họ hát ở bất kỳ nơi nào, trong mọi hoàn cảnh, trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, mừng nhà mới, trong lúc lao động mệt nhọc, không kể ban ngày hay ban đêm... đâu đâu cũng có thể nghe được những lời ca tiếng hát vang lên văng vẳng, có những cuộc hát đúp (đối) kéo dài ba, bốn đêm liền. Hát đúp là hát đối đáp nhau giữa một bên là một nam, một bên là một nữ, lối hát này nghe thật tình cảm, thiết tha mà thắm đượm tình người, hát đúp, không hát thì thôi, khi đã hát thì rất say xưa miệt mài, nội dung của bài hát cứ thế, cứ thế nối nhau hết chuyện trong nhà lại ra ngoài ngõ mà không ai muốn dứt ra được. Người Mường vốn có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và đa dạng, nhưng trong bối cảnh đô thị hóa toàn cầu hóa, hiện nay, nhiều loại hình văn hóa dân gian có chiều hướng mai một dần, nhưng riêng việc truyền dạy hát dân ca Mường của thế hệ trước cho thế hệ sau vẫn được duy trì, các buổi dạy hát dân ca Mường vẫn được thường xuyên tổ chức trong các bản, các mường.

Đất nước ta đã trải qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, những làn diệu dân ca Mường vẫn được vang lên trong bom đạn, vẫn theo cùng thanh niên trai tráng Mường xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Cuộc sống của người Mường Hòa Bình đã trải qua biết bao thời gian lịch sử và sự biến cố thăng trầm của thiên nhiên. Tuy vậy, dân ca Mường vẫn bền bỉ và đứng vững theo năm tháng, luôn tồn tại trong tâm thức của người Mường Hòa Bình. Trong đời sống sinh hoạt của người Mường Hòa Bình với họ dân ca là tri thức, người biết hát dân ca là người hiểu biết và cũng là người có năng lực ứng xử, bởi vì, người biết hát dân ca không chỉ thuộc nhiều bài hát mà còn biết vận dụng lời sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng với nội dung mà bên kia đang hát. Một người nào đó có thể truyền dạy các làn điệu hay lời bài hát cho người khác nhưng đấy chỉ là cơ bản còn khi bắt đầu vào cuộc hát lại bị lúng túng khi dùng từ để đối đáp. Chính vì vậy, người Mường quan niệm rằng, người biết hát dân ca khác với người thuộc nhiều bài dân ca. Từ biết, muốn đề cập đến biết bài hát, biết lời hát và biết hát, còn để biết sử dụng các làn điệu, lời lẽ sao cho đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, lời lẽ phải phù hợp và ăn khớp với nhạc điệu là cả một vấn đề khó khăn, đòi hỏi người hát phải có sự thông minh, nhạy bén để nghĩ ra lời ngay tức thì để đối lại. Người Mường coi dân ca là cái cốt lõi trong đời sống tinh thần của một tộc người, bởi dân ca của người Mường gắn liền với phong tục tập quán của họ, là một loại hình gần như được sử dụng trong hầu hết lĩnh vực của đời sống sinh hoạt cộng đồng người Mường Hòa Bình...

Người Mường cư trú ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng riêng Hòa Bình được mệnh danh là đất cổ, là cái nôi sinh ra họ, cho nên có rất nhiều di chỉ văn hóa Hòa Bình với niên đại trên dưới một vạn năm. Không những vậy, người Mường còn có cả bộ sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước phản ánh từ khi mới khai sinh vũ trụ cho đến khi lập nước, sử thi ấy đã phản ánh nhiều mặt, về lịch sử tiến hóa dân tộc, về phát sinh, phát triển phong tục tập quán cũng như trong mọi đời sống sinh hoạt của người Mường. Nếu niên đại Trống Đồng có từ thiên niên kỷ III trước công nguyên thì người Mường cũng khai sinh ra từ đấy. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, người Mường đã có những danh nhân lịch sử - văn hóa đóng góp công sức đáng kể vào công cuộc gìn giữ bảo vệ tổ quốc, họ đã tạo nên nền kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đầy bản sắc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Cũng như người Việt có hát quan họ Bắc Ninh, người Mường cũng tự hào có các làn điệu dân ca đằm thắm và thiết tha như: hát “Thường đang”, tuy nhiên “Thường đang” chưa được phong phú và giàu tính âm nhạc, chưa nâng lên được thành một nghệ thuật sân khấu như quan họ, xong phải nói rằng, dân ca Mường mang một màu sắc riêng biệt, mang tính chất trữ tình, đằm thắm, thiết tha, sâu sắc, lắng đọng trong tâm hồn người nghe.

Khi nói đến di sản văn học, nghệ thuật, âm nhạc của người Mường nói chung, về văn học như: Sử thi Đẻ đất đẻ nước về nghệ thuật múa của dân tộc Mường cũng hết sức phong phú, về âm nhạc rất đa dạng, các loại nhạc cụ như: Sáo ôi, Cò ke, Bỉ đôi, Bù bằm… đặc biệt là loại nhạc cụ gõ, đó là Chiêng, Chiêng của người Mường với họ là cả một tài sản vô cùng quý giá và mang ý nghĩa tâm linh. Trong sinh hoạt cộng đồng của người Mường không thể không có và không thể không nhắc đến đó chính là các làn điệu dân ca. Đây là một thành tố tất yếu, mang bản sắc độc đáo đồng thời dân ca cũng hết sức quý giá với người Mường Hòa Bình và là loại hình nghệ thuật âm nhạc, nằm trong sự phát triển chung của nền văn hóa nghệ thuật các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Dân ca Mường có rất nhiều thể loại, có thể tạm phân dân ca Mường ra thành bốn thể loại chính như: hát giao duyên, hát ru, hát trong nghi lễ, hát kể.

Hát giao duyên là thể loại phong phú nhất, trong nổi bật nhất là hát “Thường đang”, hát giao duyên họ hát ngẫu hứng, hát trong lúc lao động, hát trong lúc nghỉ ngơi... Đặc biệt và phổ biến hơn cả là “Đang cặp” đây là loại hát lúc có đôi, họ hát đối đáp nhau giữa một nữ, một nam thanh niên chưa vợ chưa chồng và cứ như vậy họ hát đối đáp nhau cho hết đêm, có những cuộc họ hát kéo dài hàng chục đêm liền, nhiều cặp vợ chồng người Mường cũng nhờ những cuộc hát “Đang cặp” để rồi từ đó họ hiểu nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Dân ca Mường “Đang cặp” đã từng là vị cứu tinh cho nhiều thanh niên Mường nghèo khó không lấy được vợ nhưng do khéo léo, có giọng hát hay mà lấy được vợ. “Đang cặp”, bắt đầu vào hát, họ thường dùng những ý tứ ví von, xa xăm để thăm dò nhau rồi dần dần hỏi thăm nhau về gia đình, anh em, bạn bè gần xa... và sau cùng họ hát đối nhau về tình cảm lứa đôi, thường là nam hát trước:

Nam hát: Mắt ăn, mắt khế thía nò/ Đở cho nó chống, nó klầm ún da, rà dựa ún hơi! (Biết ăn biết nói thế nào/ Để cho nó giống, nó giống bên em, là em ơi !).

Nữ đối: Thiếu chi cáy rác klong bềng/ Bo eng chẳng vúc lệ mà đều óng là eng hơi! (Thiếu gì cái nước trong chum/ Sao anh không múc lấy mà cùng uống, là anh ơi !).

Ngoài ra, trong dân ca Mường còn có một số các làn điệu khác, thể loại khác như: Hát ru, là thể loại chỉ dùng để ru em, ru con, hát ru của người Mường có hai loại hát khác nhau, có hát ru ban ngày, có hát ru ban đêm, với các giọng “í í” của người Mường huyện Đà Bắc với giọng “da ới hơi” của người Mường huyện Kim Bôi, giọng “dơ hợi” của người Mường Lạc Sơn, “da hới” của Mường vùng Đại Đồng hay “ru hảy” của người Mường huyện Tân Lạc…

Hát Mỡi thường dùng trong tế lễ hay cúng bái, người Mường thường gọi thầy cúng này là Mệ Mợi (Bà Mỡi). Thể loại này chỉ dùng cho người phụ nữ, Mế Mỡi thường đi chữa bệnh, hay giải trừ ma, cúng bái... cho dân bản. Hát Mỡi là loại hát có đóng vai nhân vật, có nhiều điệu. Loại hát này nghe rất mềm mại, đằm thắm, trữ tình, thiết tha có âm sắc trong sáng.

Hát Mo thường dùng trong tế lễ, trong đám tang hay trong cúng bái. Thể loại này chỉ dùng cho người đàn ông, người Mường gọi là thày Mo, thày Clượng (thày Trượng), gọi chung là thày cúng. Ông Mo đi chữa bệnh, hay giải trừ ma, cúng bái... cho dân bản trong vùng. Ông Mo khấn có giai điệu, nghe lúc trầm lúc bổng, lúc to, lúc nhỏ.

Hát kể là loại hình dùng bằng giai điệu hát để kể về một câu chuyện dài như câu chuyện dân gian của người Mường: “Nàng Nga hai mối” hay gọi là điệu hát Vì Nga hai mối, hay chuyện Nghê Nga. Ngoài ra, người Mường còn hát cả sử thi Đẻ đất đẻ nước gọi là hát Mo, họ hát cả các phần các chương dài đến trên mười ba đêm như vậy.

Ngoài các thể loại hát đã được nêu trên, trong dân ca Mường còn có một số loại hát khác như:

Hát “phát rác” (hát chúc), thể loại này người Mường thành lập một tốp, trong đó, có một ông trùm chuyên hát khi bước vào cổng, vào nhà rồi hát chúc và hát chào về. Khi đi như vậy, thường có một dàn Chiêng đi theo đánh dọc đường đi đến nơi chúc Tết, chúc mừng năm mới các gia đình trong mường trong bản, họ thường dùng thể loại này vào dịp đầu xuân năm mới.

Ông trùm khi đến cổng nhà thường bắt đầu có câu hát: “...Chúc Tết nhà ông, trước ngõ có rặng cây cau, đằng sau có rặng cây mít”. “Chúc ông bán trâu được giá trâu, ông bán nghé được giá nghé”. “Thóc nếp trong nhà được đến tháng năm, gạo tẻ còn đến tháng chín, tháng mười”. “Năm mới xin chúc mừng ông, chúc Tết nhà ông”. Kết thúc là một hồi Chiêng. Sau đó gia đình mời cả hội phường lên nhà uống nước, uống rượu và có lời cảm ơn mọi người, lấy bánh chưng hoặc gạo ra biếu cho cả đoàn, để chúc mừng năm mới các thành viên trong hội, sau đó cả tốp lại tiếp tục lên đường đi đến nhà khác trong bản, trong mường và cứ như vậy cho đến đêm.

Đập nàng khọt, đây là một thể loại gần giống với thể loại hát đồng dao của trẻ em dân tộc Kinh, thể loại này dùng cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng hát vui chơi, nhảy múa dưới ánh trăng.

Trong các thể loại dân ca Mường nói trên, mỗi thể loại được dùng trong một môi trường diễn xướng khác nhau. Đến với dân ca Mường mới thấy được sự phong phú, và giá trị trong dân ca của người Mường tỉnh Hòa Bình. Dân ca Mường thường đều có chung là giai điệu uyển chuyển, mềm mại, đậm chất trữ tình. Về nội dung, chủ yếu ca ngợi quê hương bản mường, ca ngợi đất nước, cùng đan xen vào đó là tình yêu lứa đôi và những khát vọng ấm no hạnh phúc.

Với những nét độc đáo, những cái hay cái đẹp, những giá trị của dân ca Mường, dân ca Mường xứng đáng là một bông hoa rực rỡ, góp phần làm phong phú thêm cho nền dân ca Việt Nam. Hy vọng, dân ca Mường luôn được giữ gìn và đứng vững trong thời kỳ hội nhập và không ngừng phát triển để làm tô thắm thêm cho nền dân ca nước nhà ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

_________________\

1. Ban Biên tập, Tổng quan tỉnh Hòa Bình, tinhuyhoabinh.vn.

BÙI VĂN HỘ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;