OSCAR 2010, DƯ ÂM VÀ ĐÔI ĐIỀU MỚI MẺ

Đêm Oscar được gần như toàn thế giới trông đợi và theo dõi. Đơn giản, nó là những giờ phút thăng hoa nghệ thuật và nhân văn của hầu như tất cả mọi người, bất kể họ đang làm gì và ở đâu. Không ít nhân vật còn coi nó như lễ giao thừa của nghệ thuật thứ bảy toàn cầu.

 

Năm nay, đêm Oscar được truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Kodak ở Los Angeles tới hơn 100 quốc gia. Như từ 10 năm rồi, công tác an ninh được đặc biệt chú trọng. Máy bay trực thăng liên tục tuần tiễu trên khu vực xung quanh nhà hát và trên các phố dẫn tới đêm lễ hội. Những tay bắn tỉa thiện xạ được bố trí bí mật dọc các lối đi và đại lộ Hollywood. Cảnh sát dĩ nhiên túc trực dày đặc. Các hàng rào bảo vệ được dựng lên, sao cho vừa góp phần giữ gìn an toàn cho buổi lễ vừa không tạo cảm giác nặng nề, khó chịu, bởi khá đông người hâm mộ các ngôi sao nói riêng và điện ảnh nói chung chen chúc sau chúng để tận mắt chiêm ngưỡng thần tượng của họ. Khách mời đều vui vẻ chấp nhận việc bị kiểm tra thân thể và túi giỏ mang bên mình. Theo thông lệ, thảm đỏ được trải trang trọng trước và trong nhà hát. Các tượng Oscar cỡ lớn được đặt ở những nơi quy định. Bàn nghế đều được trang hoàng lộng lẫy. Trước lễ trao tượng vàng năm nay, trời sầm sùi, báo hiệu có thể có mưa. Người ta vội dựng lên bên trên và hai bên đại lộ Hollywood và khu vực thảm đỏ bên ngoài nhà hát những tấm chắn mưa trong suốt. Các quý ông và quý bà, nhất là các ngôi sao nữ, không tiếc tiền để có một bộ cánh sành điệu nhất, nhằm quảng cáo cho bản thân và cho những cộng sự thân thiết của mình, đồng thời cũng nhằm đáp ứng đúng tầm sự ngưỡng vọng của công chúng không chỉ ở Hoa Kỳ. Váy áo khoảng từ 5.000 đến 20.000 đô la; giày dép, 7.000 đến 10.000, nữ trang, chừng 100.000, rồi công trả cho nhà thiết kế “chăm sóc”: mỗi ngày từ 1.000 đến 1.500 nữa. Những tốn kém đủ loại như thế dường như nâng tầm đáng kể cho những kỷ niệm khó quên của mỗi lần hạnh ngộ của không chỉ kinh đô điện ảnh: ánh mắt nụ cười, vỗ tay rầm trời, đứng phắt dậy, lời cảm ơn hay chúc mừng có cánh, sự cố bất ngờ thót tim hay thoắt nín lặng...

Đương nhiên, suốt 82 năm qua, Oscar cho phim hay nhất vẫn là giải thưởng được quan tâm hơn cả. Sau 1943, năm nay là năm thứ hai trong lịch sử Oscar, 10 phim chứ không phải 5 phim như thường lệ được đề cử cho giải này, trong đó có cả phim hoạt hình. Mỗi phim mỗi vẻ, 10 phim đều thành công ít nhất cũng về một phương diện nào đó, chẳng hạn phương diện thương mại. Song mấy ngày cuối cùng, chỉ còn 2 phim trong cuộc đua nước rút. Đó là Chương trình người lai trái đất - vũ trụ (Avatar) của James Cameron và Những người gỡ mìn (The Hurt Locker) của Kathryn Bigelow. Một tình tiết bất ngờ gợi tò mò, khiến đêm Oscar 2010 thêm hấp dẫn. Tất nhiên chủ yếu đối với bộ phận công chúng hiếu kỳ. Tình tiết đó: K.Bigelow, 59 tuổi, vốn là vợ cũ (từ 1989 đến 1991) của J.Cameron, 56 xuân xanh. Vào mùa giải thưởng phim ảnh Mỹ 2010, khi 2 phim nói trên bắt đầu nổi lên như hai tác phẩm sáng giá nhất, những kẻ thích chuyện giật gân đã chờ đợi hai người từng một thời đầu gối tay ấp và hợp tác làm phim sẽ nói xấu nhau hay phim của nhau. Họ đã thất vọng. Hai nhà điện ảnh cá tính mạnh và đều khắt khe với tác phẩm của bản thân không tầm thường như họ tưởng. Không những thế, hồi đầu năm, khi nhận 2 giải Quả cầu vàng - phim giá trị nhất và đạo diễn xuất sắc nhất - cho Chương trình người lai trái đất - vũ trụ của mình, J.Cameron phát biểu rằng vinh hạnh ông được nhận đáng lẽ nên dành cho Kathryn Bigelow, vì bà mới thật xứng đáng. Cho đến giờ, khi ông gần như trắng tay trong mùa Oscar và vợ cũ được đưa lên tột đỉnh vinh quang, ông cũng không có biểu hiện nào đáng chê trách hay không phải lẽ.

Cuộc quyết đấu giữa hai bộ phim thực chất là những va đập của những cảm nhận đời sống và nghệ thuật khác nhau, ở đây là điện ảnh, trên ước nguyện chung là vì sự tiến bộ của nghệ thuật thứ bảy. Nhìn bề ngoài, cuộc chiến dành Oscar của hai tác phẩm giống như “nực cười châu chấu đá xe... Những người gỡ mìn kinh phí thật thấp, 11 triệu đô la Mỹ. Trong lúc Chương trình người lai trái đất - vũ trụ ngốn tới 500 triệu, gần 200 triệu trong số đó là để quảng cáo. Về doanh thu, phim của K.Bigelow chưa bằng 1/150 của phim J.Cameron (16 triệu và trên 3 tỷ). Cả hai cùng bị những bê bối khá tương tự tấn công, trong đấy có những bê bối khó hiểu, nhưng những đòn giáng vào Những người gỡ mìn xem chừng nặng đô hơn nhiều. Xin nêu hai vụ ầm ỹ và nguy hiểm nhất. Vụ đầu tiên khởi phát từ một nhà góp vốn sản xuất bộ phim. Ấy là Nicolas Chartier, người Pháp, giám đốc sừng sỏ của công ty sản xuất phim Voltage của Hoa Kỳ. Cuối tháng hai, ông tung lên mạng một thư ngỏ gửi các thành viên (gần 6.000 người) của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ, kêu gọi họ chú trọng những phim do các hãng phim độc lập sản xuất, chứ không nên ưu ái những phim kinh phí ngất trời tới 500 triệu USD. Không nghi ngờ gì nữa, phim 500 triệu đô chính là Chương trình người lai trái đất - vũ trụ. Biết mình lỡ lời, N.Chartier vội vàng ra thông cáo báo chí xin lỗi. Những lời vàng của ông nhất định sẽ được lịch sử Oscar ghi lại: “Bức thư của tôi là khiếm nhã và xa lạ với tinh thần tôn vinh điện ảnh mà việc trao giải Oscar nhằm tới. Sự ngây thơ của tôi, việc tôi không thuộc điều lệ giải, phát ngôn ngớ ngẩn của tôi, dù đây là bộ phim đầu tiên do tôi sản xuất được đề cử cho Oscar phim xuất sắc nhất, tất cả không biện minh được cho ứng xử của tôi, ứng xử mà tôi lấy làm tiếc từ tận đáy lòng”.

Điều lệ mà ông không thuộc là một nguyên tắc vàng mà chắc chắn ông không thể không biết: cấm các ứng viên Oscar mở những chiến dịch công kích hay dèm pha nhau. Việc ông vận động các viện sĩ Oscar bỏ phiếu cho Những người gỡ mìn vô tình hạ thấp Chương trình người lai trái đất - vũ trụ một cách vụng về và lộ liễu. Ông cũng không thể quên rằng Oscar phim số một thực chất là dành cho nhà sản xuất, bởi lẽ người nắm hầu bao không có con mắt xanh thì những ý tưởng nghệ thuật dù siêu phàm đến đâu cũng đành nằm trên giấy. Sự phạm luật của N.Chartier dẫn tới nguy cơ tức thì là phim Những người gỡ mìn có thể bị ban lãnh đạo Viện Oscar loại khỏi cuộc bình chọn phim nổi trội nhất năm. Dư luận tiếp tục sửng sốt, khi mà sự công minh của Viện Oscar lại một lần nữa bộc lộ thật đáng mừng. Những người gỡ mìn không có lỗi và vẫn xứng đáng cọ sát cùng 9 phim khác cho danh hiệu phim tầm cỡ nhất. Không chỉ có thế, Viện Osar không nương nhẹ với một nhà sản xuất có tâm và có tài. N.Chartier đã không được mời tới dự đêm Oscar, chuyện chưa từng xảy ra. Dĩ nhiên, ý kiến của ông không phải không đáng suy ngẫm. Vài thập kỷ trở lại đây, các hãng phim chủ chốt của Hollywood quá thiên về mảng phim thuần túy giải trí và xa rời hay xao lãng phim nghệ thuật đích thực. Chính dòng phim nghệ thuật này mới tác động mạnh tới suy nghĩ và cảm xúc của khán giả. Một tác phẩm văn nghệ nói chung và một bộ phim nói riêng không đọng lại lâu dài trong lòng công chúng một niềm vui hay nỗi buồn nhân bản nào đó thì chưa phải là nghệ thuật. Từ cảm nhận đó, N.Chartier dóng lên hồi chuông báo động về sự chệch đường của nghệ thuật thứ bảy. Hiện giờ, không ít chuyên gia cho rằng yêu cầu riết róng dù bày tỏ không trực diện của ông đã có sức nặng đáng kể trong việc Những người gỡ mìn được tôn xưng như một tác phẩm điện ảnh độc đáo và hẳn sẽ trường tồn.

Chuyện đạo văn hay đạo ý tưởng, hai phim nước rút tới Oscar năm nay đều bị nghi hoặc. Song vụ của Những người gỡ mìn xem chừng bức xúc hơn. Số là khi phim được trình chiếu ở Mỹ, một hạ sĩ quan từng tham chiến ở Iraq, tên là Jeffrey S.Server, đã khởi kiện các tác giả phim, rằng chuyện phim, cho tới các chi tiết nhỏ nhất, đều lấy từ cuộc sống và các hoạt động của anh ở chiến trường bên ấy. Anh tự nhận mình là Will James, nhân vật chính trong phim, biệt danh hay được đồng đội gọi của nhân vật này cũng là biệt danh của anh ở chiến trường ! Vụ việc đang được các cơ quan pháp luật điều tra và xem xét. Bước đầu tiên, cần khẳng định cuộc sống của J.S.Server có thật như anh ta nói ra hay không, nghĩa là không khác những gì mà W.James thể hiện trong Những người gỡ mìn. Sau đó nếu đúng như vậy thì sẽ là chuyện bằng cách nào Mark Boal moi được chuyện của anh ta tường tận đến thế để đưa vào chuyện phim, vì nhà báo và viện hạ sĩ quan không quen biết nhau và chưa bao giờ gặp gỡ... Báo lá cải vô tình lại có miếng mồi ngon để tha hồ khai thác. Có điều Viện Oscar không khờ khạo đến mức cả tin và tạm dừng việc suy xét thượng phong một phim gây sốc và các tác giả của nó vốn tỏ ra thật nhạy bén và táo bạo. Trước bao nhiêu ỉ eo trên các phương tiện truyền thông, M.Boal và K.Bigelow đều điềm nhiên, không hé răng, như không biết gì. Không như trước nhiều vụ việc khác, các nhà điện ảnh cũng không bận tâm tới vụ kiện của viên hạ sĩ. Đây có thể là một vụ tống tiền, kiểu những vụ mà huyền thoại ca nhạc Michael Jackson đã và đang phải chịu. Ngoài dự kiến của hạ sĩ quan J.S.Server, vụ ầm ỹ do anh ta xới lên nhắc nhở xã hội Mỹ và giới nghệ sĩ về một vấn nạn có chiều phát triển rộng khắp không chỉ ở quê hương của anh và không thể coi thường: cái xấu đội lốt cái đẹp để trục lợi. Lẽ sống lạ lùng của một mẫu người chai lỳ, vô cảm trước mọi nghịch lý của cõi nhân gian. Hiện tượng đó là một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cơ hội. Vụ ầm ỹ vô tình nhấn mạnh giá trị cơ bản của Những người gỡ mìn.

Thực tế, người viết kịch bản phim là nhà báo M.Boal, một thời gian dài đã cùng ăn cùng ở tại Iraq với một đơn vị phá mìn Hoa Kỳ. M.Boal đã viết nhiều bài bút ký và phóng sự về dơn vị gỡ mìn ấy, gửi về đăng trên các báo và tạp chí Mỹ. Một trong những bài ấn tượng nhất được đăng trên tờ Playboy vốn rất đông bạn đọc. Nhà nữ đạo diễn Kathryn Bigelow có theo rõi các bài viết của M.Boal. Bà rất xúc động và cảm thấy anh khá đồng điệu với mình. Bà bắt đầu bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Iraq, hầu như chỉ nghĩ đến binh lính tham chiến tại những điểm nóng trên thế giới. Khi M.Boal trở lại Mỹ năm 2003, bà may mắn được gặp anh năm 2004 và nghe thêm nhiều chuyện đáng lưu ý hơn nữa. Bà cũng là một nhà biên kịch có tài, nhưng trong trường hợp này, bà hiểu rằng M.Boal viết sẽ đúng hơn và hay hơn. Bà đề nghị anh xuất phát từ những trải nghiệm ở Iraq, cô đọng cho bà một kịch bản. M.Boal dồn hết tâm huyết cho chuyện phim sẽ không giống nhiều chuyện phim về chiến tranh ở Iraq đã ra đời. Từ đầu năm 2005, bà bắt tay dàn dựng Những người gỡ mìn, không phải ở Mỹ mà ở một số địa điểm Trung Đông cát bỏng, chủ yếu là tại Jordanie và Koweit. Làm phim ở đây đồng nghĩa với việc phải đối đầu với nhiều khó khăn và trục trặc không lường trước được, với việc tự tước bỏ những trợ giúp kịp thời đôi khi rất cần. Song bà cần không khí ngột ngạt của chiến địa thực sự, nó gây men cho sáng tạo và thăng hoa. Nhân tiện, xin ghi nhận rằng cuộc chiến Iraq đã được đề cập rất nhiều trong phim ảnh Mỹ. Nhiều phim có tiếng vang lớn. Ví như Redacted của Brian de Palma hay Chiến đấu cho Haditha của Nick Broomfild. Đa phần các phim ấy vẫn kể những chuyện quen thuộc, dù không phải không đáng giật mình, chả hạn sự bế tắc của quân đội Mỹ dồn họ tới những tội ác quái gở. Một đội quân đồn trú do lo sợ bị các phần tử cực đoan Irac tấn công đã vô cớ tàn sát và hãm hiếp những người dân Iraq vô tội. Rồi một đơn vị Mỹ trong một thành phố lớn vừa để tự trấn an vừa như để tiêu khiển, đã bắn giết theo những kiểu dã man nhất những người dân sở tại mà họ bắt gặp bất cứ ở đâu. Chuyện phi nhân tính và phi lý ấy là có thực và xôn xao dư luận toàn cầu một dạo.

K.Bigelow không muốn đi theo vết chân của các nhà làm phim trước bà. Đối với bà, chiến tranh mà nhà cầm quyền Hoa Kỳ tiến hành ở Iraq chấn động sâu xa và nặng nề không chỉ hàng triệu người Mỹ. Cần phải nhìn nhận và phản ánh nó với tinh thần trách nhiệm, tôn trọng sự thật và càng chân thực càng tốt. Bà may mắn được cung cấp một chuyện phim đáng nể. Oscar kịch bản hút hồn nhất là thỏa đáng khi dành cho M.Boal trong Những người gỡ mìn. Một câu chuyện cá biệt nhưng khái quát cô đọng những vấn đề chủ chốt của cuộc chiến tranh Iraq. Đáng tin tới những tiểu tiết, nhưng cực kỳ lôi cuốn và hồi hộp. Những người gỡ mìn đạt được bốn tiêu chí của một tác phẩm tự sự hay là sâu sắc, hiện thực, trữ tình, hấp dẫn. Quả chưa mấy ai biết rằng ở nhiều nơi, kể cả ở thủ đô Bagdad, có một số người dân Iraq đã tự chế tạo mìn bằng tay, đem cài để tiêu diệt quân Mỹ xâm lược. Bộ chỉ huy Mỹ phải thành lập những đội phá mìn. Những người lính gỡ mìn từng phút từng giây có thể mất mạng vì những quả mìn nằm rải rác khắp nơi rình rập họ. Một mối lo sợ thắt lòng thường xuyên dày vò họ và quân Mỹ. Tại một đội như vậy, sau khi viên chỉ huy chết vì trúng mìn, người ta cử hạ sĩ quan W.James đến thay thế. Cả đội choáng váng và xốn xang vì W.James gan lì đến sửng sốt, nhưng nhất định không khép mình vào bất kỳ quy chế nào, nhất định không phục tùng bất kỳ sự chỉ đạo nào. Một người đứng đầu như thế đúng là khó hy vọng vào một sự mềm dẻo trong quan hệ với đối phương và với đồng đội. Tuy nhiên, y lại say mê công việc đến quên ăn quên ngủ và giỏi gỡ phá mìn đến không tin nổi. Điểm này, cả đội thực lòng khâm phục y, dù y bao giờ cũng sẵn sàng lôi mọi người vào nhiệm vụ, nghĩa là vào nguy hiểm vẫn tăng lên từng ngày. Điều y về lãnh đạo nhóm phá mìn này, hẳn cấp trên của y tưởng y sẽ làm vợi bớt nỗi phấp hỏng triền miên cho đồng đội. Song vì y, nguy cơ chết chóc nhân lên gấp bội. Có thể y không tự nhận thức được, nhưng sự vô cảm trước bất hạnh của đồng đội và cuộc chơi với tử thần là niềm vui, thậm chí lẽ sống của y. Với y, việc gỡ phá mìn càng gay go và khốc liệt càng tốt. Nhân vật hạ sĩ quan W.James vì vậy được ghi nhận là một phát hiện trong điện ảnh. Chân dung đáng kinh hãi của một anh hùng trong các cuộc xung đột trên mọi phương diện của TK XXI sẽ là như vậy.

Ấn tượng nghẹt thở mà y gây nên cứ bức bối thêm mãi, khi mà nhiều chi tiết tưởng chừng bâng quơ xen vào, đột phá lên nhiều cảm xúc và suy tư trái ngược, gia tăng độ nghiệt ngã của chiến tranh và của chủ nghĩa thực dụng lì lợm của lớp anh hùng thích thú thỏa thuê chém giết không biết run tay và gượng nhẹ. Xin đơn cử một chi tiết. Moi được một quả mìn giữa vùng đất cát khô kiệt xa mọi nguồn nước, và không thể chờ lâu, đội gỡ mìn loay hoay tìm ngòi nổ, song quả mìn quá bẩn. Một số người dân vốn lặng lẽ theo dõi và biết chuyện liền xúm lại, cố nhả ra thật nhiều nước bọt vào chỗ nghi ngờ, cho đến lúc quả mìn được rửa sạch. Nạn nhân của mìn tự tạo đâu chỉ có lính Mỹ mà cả dân thường Iraq nữa mà. Trong phim, hình ảnh viên hạ sĩ quan W.James nổi bật hẳn lên và ôm trùm toàn bộ diễn tiến câu chuyện. Y vừa đáng ghét, vừa đáng sợ, vừa đáng phục, thậm chí đáng yêu. Những nhân vật văn chương và nghệ thuật đặc sắc nhất thường không khác thế được. Thể hiện điêu luyện một nhân vật thời đại, diễn viên hầu vô danh Jeremy Renner đã được đề cử cho Oscar vai nam chính diệu nghệ. Tâm điểm chú ý của K.Bigelow trong bộ phim là khám phá sự thật, nhằm lý giải một bí mật chết người của chiến tranh không hẳn chỉ ở Trung Đông và Iraq: một số người tôn thờ nó. Thân phận mê hoặc của viên hạ sĩ quan quả là câu trả lời thuyết phục và hùng hồn. Để cảm thụ hết tình ý sâu xa của Những người gỡ mìn, khán giả phải nghiêm túc, chịu động não và có một độ chiêm nghiệm đủ tầm. Cho nên, công chúng bình thường chưa mấy mặn mà với nó, và chắc vui lòng thưởng thức nó qua các đĩa DVD hay trên mạng. Giới phê bình thì khen ngợi nó không tiếc lời. Sự tung hô đồng lòng nhất trí của các cố vấn tối cao của điện ảnh là tiếng nói quyết định mở đường cho K.Bigelow vươn tới tột đỉnh vinh quang.

Đạo diễn nào phim nấy. Tốt nghiệp đại học lý luận và phê bình điện ảnh, K.Bigelow từ năm 1982 chính thức đi vào phim trường. Bà là người đa năng, diễn viên, nhà sản xuất phim, nhà biên kịch, đạo diễn, phim ngắn, phim truyện dài, phim truyền hình nhiều tập,... Tài năng đạo diễn dần dần nổi bật. Có điều, bà không chịu ép mình vào luật lệ bất thành văn của Hollywood: các nữ đạo diễn chỉ nên tập trung vào các chuyện cười, diễm tình hay lãng mạn. Không giống các nữ đạo diễn khác, bà chuyên xông xáo trong thế giới đàn ông, với những đề tài gai góc và bốc lửa, nhân vật chính của bà toàn là các đấng mày râu anh chị. Bà dường như mạnh mẽ hơn các đồng nghiệp nam táo tợn. Năm 1991, bà được công chúng cả thế giới biết đến với Point Break, giới hạn cuối cùng. Tuy nhiên, có lẽ do chủ quan với một chủ đề bà không am tường lại chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, bà đã thất bại ê chề năm 2002 với phim K19, cái bẫy của những tầng nước sâu, (chuyện hải quân Nga trên một chiếc tầu ngầm), kinh phí 100 triệu USD, thu về chỉ 65 triệu. Từ thất bại cay đắng, bà không hợp tác với Hollywood nữa, mà tìm tới các hãng phim độc lập. Tiền sẽ không nhiều, nhưng bà được chủ động hoàn toàn trong ý tưởng nghệ thuật và triển khai ý tưởng ấy, sao cho thật ưng ý mới thôi. Chả thế, bà mất bốn năm để quay cho xong Những người gỡ mìn, rồi mất một năm nữa, đê phát hành. Thất bại đột ngột không khiến bà quá thất vọng. Ngược lại, bà không hạ mình, sa vào phim câu khách, mà làm phim quảng cáo, trong khi chờ thời một cách bình thản. Thời cơ đó là Những người gỡ mìn. Bộ phim không dễ hiểu đem về cho bà nhiều giải thưởng, đáng kể nhất là BAFTA (giải điện ảnh Vương quốc Anh), Oscar và giải của Hiệp hội các nhà đạo diễn Mỹ (gồm 8.500 thành viên) về phim tuyệt vời nhất và đạo diễn cừ khôi nhất dành cho nữ đạo diễn đầu tiên trong cả ba hệ giải. Nhiều cơ quan truyền thông trên hành tinh hân hoan khẳng định rằng chiến thắng đồng bộ của bà đã mở ra một trang mới và tạo một bước ngoặt cho lịch sử nghệ thuật thứ bảy.

Trường hợp của bà bóc trần một nghịch lý điện ảnh: phụ nữ không được tôn trọng, họ bị lợi dụng nhiều hơn là được khuyến khích phát huy tài năng, họ thường không dám đi vào nghề đạo diễn. Trước bà, trong 400 đạo diễn được vào chung kết Oscar, chỉ có ba phụ nữ, Lina Wermuller (1976), Jane Campion (1983), Sofia Coppola (2003). Hiện nay, Hollywood vẫn giữ một quy định bất công và phi lý: đó là các nữ đạo diễn chỉ được cấp kinh phí cho một phim tối đa là 100 triệu USD. Vì thế, cái gọi là trang mới hay bước ngoặt vẫn chỉ là mơ ước hão huyền. K.Bigelow hẳn không mấy xao xuyến về việc mình được Oscar đạo diễn. Bà đã tặng phần thưởng của mình cho những người lính Mỹ đang phó mặc sinh mệnh của họ cho may rủi ở Iraq hay Afghanistan. Phụ họa với tâm sự của bà, “hết mình cho việc phanh phui những vấn đề nóng bỏng của đất nước và thời đại”, nữ diễn viên Sandra Bullock chắc chắn cũng đứng lại trong lịch sử Oscar như một bản lĩnh nghệ thuật đáng gờm. Ba lần bị tặng Mâm xôi vàng, chị mới được một Oscar, vai nữ chính gạo cội nhất. Chị là người đầu tiên được suy tôn là nữ diễn viên hay nhất và nữ diễn viên dở nhất trong cùng một năm, 2010. Khác đa phần bạn diễn thuộc mọi thế hệ, chị điềm nhiên đến nhận Mâm xôi vàng, với những câu vui đùa nhiều ẩn ý đáng suy ngẫm. Hai mươi bốn giờ sau, chị bước lên đỉnh vinh quang tại đêm Oscar nhiều biến động. Nghịch lý trong nghệ thuật âu cũng là chuyện thường như bao nghịch lý trong xã hội. Điều cốt tử là làm được gì đáng giá cho nghệ thuật mà mình say mê, tức cho công chúng mà mình tận tâm phụng sự. Xu hướng đại chúng hóa nghệ thuật như J.Cameron nỗ lực thể hiện là cần thiết. Song truyền thống nâng cao nghệ thuật như kết tinh những gì cao quý và sâu sắc của tâm hồn như K.Bigelow kiên trì theo đuổi cũng không thể buông lơi. Đã có những tâm huyết kết hợp bằng được hai khuynh hướng tưởng khó dung hòa đó.

Một trong những tâm huyết ấy là ông Tom Sherak, chủ tịch mới của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ. Trước khi đến với cương vị này, ông là một ông chủ khét tiếng của Tập đoànThe 20th century Fox trong 19 năm. Ông vui tính một cách náo nhiệt, toàn tâm cho nghề, ví như cho treo ở bất kỳ chỗ nào ông hiện diện tên tuổi của các chúa tể điện ảnh xuyên suốt nhiệm kỳ bất tận của mình. Ông luôn ao ước nghệ thuật thứ bảy là của đại chúng. Ông đã và đang cố gắng không để điện ảnh bị sa sút chất thánh thiện, và Oscar sa sút chất thần kỳ. Bình thường lễ trao Oscar được tổ chức vào cuối tháng 2, năm nay, ông cho lui lại một tuần để không trùng ngày bế mạc Thế vận hội mùa đông Vancouver, từ ngày 22 tới 28. Ông chủ trương nhiều đổi mới, song hiệu quả chưa được khẳng định. Việc tăng gấp đôi số phim tranh Oscar phim xuất sắc dường như mới là một trò đùa. Những người trúng giải được phép đọc hai diễn văn đáp lễ. Một theo thông lệ, chỉ 45 giây, nói về ý nghĩa thành tựu của mình. Một, bao lâu cũng được, cảm ơn cha mẹ, người thân, đồng nghiệp. Diễn văn này sẽ được ghi lại và tung lên trang mạng Oscar. Thực tế, các nhân vật trúng Oscar năm nay vẫn vô tư cảm ơn lu bù như trước. Mươi năm nay, lượng khán giả Mỹ theo rõi trực tiếp đêm Oscar liên tục giảm. Một yếu tố quan trọng làm nên đêm Oscar là chất dí dỏm, tài năng của người dẫn chương trình. Ông đã định mời làm việc khó khăn này Sacha Baron Cohen, công dân Anh, diễn viên hài sáng giá nhất hiện nay, được đông đảo khán giả trẻ và khán giả bình dân hâm mộ. Song, Sacha thường vui quá hóa rồ, dễ làm hỏng đêm Oscar cần trang trọng. Rốt cuộc, ông không mời Sacha nữa. Thậm chí tiết mục vui của anh cũng bị loại bỏ. Rõ ràng, ông không thể xem thường thu nhập, vì chỉ nguyên chiến dịch quảng cáo trước Oscar đẫ tốn trung bình 50 triệu USD. Còn xa mới bằng đêm Oscar kỷ lục, 1998 Titanic, với 55,2 triệu khán giả Hoa Kỳ, đêm Oscar lần thứ 82 vừa rồi thu hút 41,3 triệu người Mỹ, tăng 14% so với năm 2009. Không ít chuyên gia tiếc cho tiết mục hài của Sacha, trong đó anh đùa yêu thật chí lý không chỉ J.Cameron mà như cả nền điện ảnh: một cô gái Na’vi của hành tinh Pandora trong một cuộc giao lưu với trái đất, do người phiên dịch dịch sai, đã nổi xung, tốc áo lên để lộ cái bụng bự, nghẹn ngào rằng vì quá yêu đạo diễn của Chương trình người lai trái đất - vũ trụ mà cô nên nỗi. Dư âm cảm động nhất của đêm Oscar 82 là nghệ thuật thứ bảy hãy kiên trung với sứ mệnh của mình, cống hiến thật nhiều những tác phẩm đích thực như Những người gỡ mìn. Suy cho cùng sức mạnh thật sự của nghệ thuật nằm trong những tác phẩm như vậy, bởi sự thấm sâu và lan tỏa của chủ nghĩa nhân văn có thể là vĩnh viễn và không ngừng biến ảo.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Trần Bích Nga (tổng hợp)

;