Nếu tập thơ Những phút xao lòng (xuất bản năm 1987) đã khiến Thuận Hữu ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc, thì tập Biển gọi (2000) như một lời nhắc nhớ đến ký ức tốt đẹp mà bạn đọc dành cho tác giả này. Lặng lẽ sáng tác và không công bố thêm tác phẩm, cho đến gần một phần tư thế kỷ sau, Thuận Hữu mới “tái xuất” trên thi đàn với một tác phẩm đáng chú ý, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy thi ca đương đại Việt Nam.
Tuyển tập thơ Nhặt dọc đường được tuyển chọn kỹ lưỡng, chỉ có hơn 100 bài thơ chia thành ba phần chính: Quê hương - Đất nước; Người thân - Ký ức và Tình biển - Tình em. Những bài thơ thể hiện hành trình sáng tác qua nhiều thập kỷ của tác giả, tạo nên bức tranh đa thanh, đa sắc về đời sống, con người và những giá trị nhân văn bền vững.
Tình yêu lớn trong đời sống lớn
Dường như sẽ có chút ngạc nhiên khi bắt gặp tên một tuyển tập thơ là Nhặt dọc đường, bởi lẽ với tên tuổi đã được nhắc đến trong suốt ba thập kỷ, bạn đọc kì vọng Thuận Hữu sẽ đưa ra một tập sách với cái tên gây ấn tượng mạnh hơn. Nhưng đọc hết từng bài thơ trong cuốn sách, bạn đọc hiểu được hành trình “nhặt nhạnh” những mảnh ghép cảm xúc từ cuộc đời, từ những trải nghiệm trực tiếp và gián tiếp của cá nhân tác giả được cất lên thành những tâm tư mang tính phổ quát để chạm đến trái tim người đọc. Tư tưởng xuyên suốt tập thơ không nằm ở những triết lý cao siêu, mà ở sự dung dị được nâng tầm thành những giá trị nhân văn sâu sắc, nơi tình yêu quê hương, gia đình, biển cả và con người hòa quyện, tạo nên một bản hòa âm đầy cảm xúc.
Làng, là nơi Thuận Hữu khẳng định nguồn cội của mình qua những câu thơ giàu tính tự sự: Tôi là con của một vùng đồi/ Tình đất nước quyện vào máu thịt/ Tôi lớn lên trong nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương. Bạn đọc hình dung được quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh - nơi tác giả sinh ra và lớn lên, nơi bắt đầu gieo những hạt mầm yêu đất nước lớn dần lên trong tâm hồn. Cùng với năm tháng cuộc đời, những chuyến đi đã giúp cho tình yêu thiêng liêng đó bừng nở và chuyển thành những bài thơ ghi lại từ đất Quảng Trị “nơi một thời bom đạn” đến vùng núi Yên Bái “thân thương quá, đất và người,”. Thơ Thuận Hữu như những dòng nhật ký ghi lại từng sự việc, con người, sự biến chuyển ở những vùng đất ông đi qua mà mỗi nơi đều để lại một tình cảm sâu đậm. Bạn đọc có thể tìm lại ký ức của những miền quê, nơi mỗi con sông, ngọn đồi đều mang trong mình một câu chuyện về sự sống và hy vọng. Thuận Hữu không phải nhà thơ của cảm xúc thuần tuý cá nhân, ông làm thơ như một cách lưu giữ ký ức tập thể, phản ánh tinh thần kiêu hãnh và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những tâm tư mang tầm khái quát, thơ Thuận Hữu có những chiều mở ra một không gian riêng tư, nơi tình cảm gia đình được thể hiện thật chân thành và giản dị. Những người thân yêu nhất như cha: Tần tảo sớm hôm chưa đêm nào trọn ngủ/ Manh áo sờn muối đọng vệt ngang lưng; hay như người mẹ đã khuất núi: Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng/ Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh. Lời tri ân, lòng tưởng nhớ đến các đấng sinh thành đã phản chiếu nỗi cô đơn, mất mát của một người con đằng đẵng xa quê. Cả một thời đất nước cần đến thế hệ thanh niên lên đường đấu tranh giành độc lập, làng quê chỉ còn lại những bậc cha mẹ sớm hôm tần tảo, lặng lẽ hy sinh cả tinh thần và vật chất cho sự nghiệp chung. Giá trị của tình thân không chỉ nằm trong phạm vi gia đình, dòng tộc mà còn được mở rộng đến nghĩa đồng bào. Từ những vần thơ được viết ra khi người con ở tuổi trưởng thành, bạn đọc có thể cảm nhận được sự gắn kết sâu sắc giữa mỗi cá nhân với nguồn cội của dân tộc.
Người làm thơ nào cũng không thể thiếu được mạch cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Thơ tình Thuận Hữu vừa có những khắc khoải riêng tư lại vừa mang tính biểu tượng cho khát vọng tự do, khơi gợi ra những tầng ý nghĩa rộng lớn hơn. Những bài thơ trong phần Tình biển - Tình em thường đan xen hình ảnh người con gái với sóng biển, bờ cát, ánh trăng… tạo nên một không gian vừa thực vừa mơ, nơi tình yêu cá nhân hòa quyện với tình yêu thiên nhiên. Khi ông viết về nỗi nhớ người yêu, sự trống trải của trái tim nằm trong nỗi thiếu vắng một không gian mênh mông, nơi biển cả và tình yêu cùng hiện hữu. Tình yêu trong thơ ông không bao giờ tách rời khỏi hơi thở của đất trời, mà luôn gắn bó với những hình ảnh lớn lao như sóng vỗ, gió ngàn hay chân trời bất tận. Chính sự kết hợp này đã mang lại cho thơ tình của Thuận Hữu một chất thơ đặc trưng: vừa dịu dàng, sâu lắng trong những cung bậc riêng tư, vừa phóng khoáng, mạnh mẽ như khát vọng tự do và sự hòa hợp với vũ trụ. Biển cả được nhân hóa thành một nhân vật sống động, đồng cảm với những cung bậc cảm xúc của tác giả. Khi viết về nỗi nhớ, biển trở thành nơi gửi gắm tâm tư, với những con sóng như nhịp đập của trái tim. Khi viết về niềm vui, biển lại hóa thành không gian của tình yêu được thăng hoa trong ánh nắng và gió trời.
Khi cảm xúc tự viết thành câu thơ
So với những tập thơ của các tác giả cùng thế hệ, Nhặt dọc đường của Thuận Hữu lại một lần nữa khiến bạn đọc nhớ đến với phong cách ngôn từ giản dị, gần gũi, không cầu kỳ về kỹ thuật. Tác giả thành thật chia sẻ rằng ông không “có ý thức làm thơ như một nhà thơ” mà để cảm xúc tự nhiên trào ra thành lời. Sự chân thành đã khiến Nhặt dọc đường trở nên tin cậy và gần gũi với nhiều lứa độc giả. Tuy nhiên, sự giản dị trong thơ ông không đồng nghĩa với đơn điệu.
Thuận Hữu viết: Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu/ Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa. Hình ảnh “vỏ đá đầy hoa” gợi lên sự đối lập giữa vẻ ngoài rắn rỏi, thô ráp và cái đẹp mong manh ẩn chứa bên trong. Cách Thuận Hữu sử dụng ngôn từ đơn giản dường như là sự mã hóa cho một không gian suy tư lớn. Người đọc luôn phải suy nghĩ về những điều ẩn giấu trong cuộc sống: có phải mỗi con người, như những con ốc biển, đều mang trong mình những vết thương được che giấu bởi vẻ ngoài kiên cường và cái đẹp luôn nảy nở từ chính những đau khổ ấy?
Ít có bạn đọc nào lại quên được câu thơ: Phố huyện thiếu em, phố huyện trở buồn trong bài thơ về Tây Sơn. Thuận Hữu, chỉ với vài từ ngắn gọn đến tối giản, đã vẽ nên một không gian thấm đẫm nỗi nhớ và sự trống vắng. Nỗi nhớ trong lòng tác giả được phóng chiếu lên một cảm giác mất mát chung, cả phố huyện cũng đồng điệu với nhịp đập buồn trong trái tim thi sĩ. Biệt tài của Thuận Hữu nằm ở cách dùng sự giản dị để chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu kín, biến một khoảnh khắc riêng tư thành một trải nghiệm chung của nhân loại. Thơ Thuận Hữu luôn có sự kết hợp giữa thực và mơ: Những đêm khuya nằm nghe tiếng còi tàu/ Nỗi thèm khát ùa về như làm anh nghẹt thở. Sự giao thoa này tạo nên một không gian vừa chân thực vừa ảo giác, khiến thơ ông luôn có sự “ngân vang” những nhạc điệu của tâm hồn.
Thuận Hữu không cố ý “làm thơ” theo cách của một nhà thơ chuyên nghiệp, mà để cảm xúc tự nhiên trào ra thành lời. Điều này tạo nên đặc trưng trong thơ ông: mỗi câu chữ đều là một cú va chạm nhẹ nhàng nhưng để lại dư chấn lớn trong tâm hồn người đọc. Bên cạnh đó, sự tối giản trong ngôn từ của Thuận Hữu còn phản ánh một triết lý sống: trân trọng những điều nhỏ bé, bình dị trong cuộc đời, bởi đó chính là thiên nhiên được thu nhỏ trong một tiểu vũ trụ.
Trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, Nhặt dọc đường được đánh giá là tập thơ của sự chân thành và giản dị, đánh thức cảm xúc của người yêu thơ. Đặc biệt, những câu thơ của Thuận Hữu còn có khả năng kết nối các thế hệ độc giả, từ những người từng trải năm tháng chiến tranh và thời kỳ hậu chiến khó khăn đến những bạn trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa đích thực trong cuộc sống hiện đại. Dù không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ, nhưng Thuận Hữu đã khiến bạn đọc nhận thức rằng danh xưng không phải là tất cả, mà người làm thơ cần nhất là một trái tim nồng ấm biết rung động và đôi mắt biết nhìn nhận cái đẹp từ những điều tưởng chừng nhỏ bé nhất của cuộc đời.
PHONG NHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025