Nguyễn Việt Hà - Con giai phố cổ

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Nguyễn Việt Hà viết về Hà Nội từ hơn 20 năm nay với một giọng văn riêng, đặc sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của anh có thể kể đến các tiểu thuyết Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết… và các tạp văn: Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu, Nhà văn thì chơi với ai...

Một Hà Nội “của Hà”

Nếu cho rằng “mỗi thành phố văn hóa luôn có những nhà văn của mình” thì Nguyễn Việt Hà xứng đáng là một trong số những nhà văn của Hà Nội. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Cơ hội của Chúa ra đời năm 1992 đến nay, Nguyễn Việt Hà đã tạo ra được một “không gian văn chương” của riêng mình. Không gian ấy chính là một Hà Nội lạ mà quen qua một góc nhìn độc đáo. Là một người kể chuyện đầy thú vị của Hà Nội, qua hơn hai thập niên cầm bút, Nguyễn Việt Hà đã dựng nên được phần nào chân dung thành phố mình đang sống. Bằng một giọng văn độc đáo, từ các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết… đến các tạp văn Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu, Mặt của đàn ông, Nhà văn thì chơi với ai… Hà Nội của Nguyễn Việt Hà vừa mang hơi thở náo nhiệt của phố xá nhưng cũng vương vấn những hoài niệm xưa cũ. “Nói là Hà Nội nghe rộng quá! Thực chất, không gian trở đi trở lại trong những sáng tác của tôi chỉ là khu phố cổ gắn với Hồ Gươm, hay mở rộng hơn một chút là quận Hoàn Kiếm” - Nguyễn Việt Hà từng bộc bạch. 

Với Nguyễn Việt Hà, “Hà Nội luôn là đề tài miên viễn, thời thượng của văn chương nhưng viết làm sao để ra được chất Hà Nội thì lại không hề dễ”. Hà Nội không chỉ là nơi anh sinh ra và lớn lên mà còn là nơi anh gắn bó, yêu thương và trân trọng. Viết về Hà Nội, anh viết bằng cả ký ức, nỗi nhớ và tình yêu: “Khi nhớ, lẽ thường, người ta vẫn hay nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi, con người đâu dễ tránh được cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại. Cũng bởi vậy, diễn ngôn của tôi đôi khi có chút cay đắng, câu chữ có phần chua ngoa.” Lời tự sự của nhà văn cũng là lời giải đáp cho thắc mắc của một độc giả: “Tại sao Nguyễn Việt Hà viết về Hà Nội buồn và góc cạnh thế?”. 

Nhà văn từng tiết lộ, cũng đã vài lần anh thử mở rộng không gian sáng tạo, bứt mình khỏi phố xá quen thuộc nhưng đều… thất bại! Hễ rời xa phố phường mà anh quen thuộc, dường như anh không còn là chính anh nữa. Khu phố cổ là những chất liệu để Nguyễn Việt Hà viết nên những câu chuyện thú vị, mang phong vị rất riêng về đất và người Hà Nội từ góc nhìn của riêng anh. “Hà Nội mà tôi biết chỉ loanh quanh khu vực Hồ Gươm. Cũng bởi lẽ ấy, những người tôi hay gặp thường là dân buôn bán ở khu vực phố cổ. Ở họ thường hiển lộ những cách thức riêng về cách nuôi dạy con cái hay những quan niệm riêng về văn hóa, truyền thống…”. 

Hà Nội trong văn của Nguyễn Việt Hà không chỉ là náo nhiệt phố xá mà còn là những chân dung độc đáo của “thị dân”: “Hà Nội muôn đời vẫn vậy! Một thành phố nghìn năm tuổi thì đương nhiên tích tụ trong lòng nó những giá trị đặc biệt mà không phải bất cứ ai muốn phá, muốn làm hỏng là có thể dễ dàng thực hiện được. Ở đó có những thị dân mang trong mình một phẩm tính đặc biệt - độ tinh tế”. 

“Thong thả ăn, Tinh tế mặc, Chầm chậm sống” 

 Chân dung người Hà Nội trong văn của Nguyễn Việt Hà, trước tiên có lẽ là chân dung tự họa của chính anh - một “giai phố cổ” chính hiệu. Thâm trầm, hài hước và thoáng chút giễu nhại đầy dí dỏm, Nguyễn Việt Hà đã tạo đựng dược chân dung những người Hà Nội, nhất là những người đàn ông được gọi là “con giai phố cổ” gói gọn trong ba tính từ “thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống”: “Bọn con giai phố cổ (…) thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sỹ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội…” - (trích tạp văn Con giai phố cổ).

Bức chân dung đô thị trở nên hấp dẫn nhờ những phác họa về thị dân - lớp người đông đảo nhất ở phố: “Thị thành đông đảo và lắm giai tầng thật. Nhưng thị dân được “tính” vào đây ít người nghèo, chẳng có nông dân và không đậm màu cần lao. Đấy là những Nho gia cuối mùa, thông phán, người Tây học, nhà văn thiếu tự tin (?), tay chơi suy đồi, người chung chiêng đức tin để phải chọn theo Phật, Thánh hay núp dưới bóng Chúa... Họ có nỗi khổ tâm, dằn vặt của kẻ ăn ngon mặc đẹp, chứa ký ức mất mát hoặc mớ chữ trong đầu chứ không phải loại chỉ cần no ấm là đủ. Và ngay mỗi con người ấy cũng không thể xác định đơn sắc là tích hay tiêu cực (Trích Thị dân tiểu thuyết).

Điều thú vị là trong khi Hà Nội biến đổi từng ngày thì Nguyễn Việt Hà nhiều lần nhắc lại trong sáng tác của mình rằng ký ức về những hành vi văn hóa của thị dân là thứ có khả năng truyền giữ lâu nhất. Đặc biệt, tạp văn Nguyễn Việt Hà viết về cuộc sống ở Hà Nội, qua góc nhìn của một “giai phố cổ” dường như không chỉ là những câu chuyện của cuộc sống chầm chậm thường nhật ở phố cũ, với sách xưa và rượu ngon, người đẹp... Mà qua đó, một cái nhìn về chân dung đô thị hiện lên sinh động tung tẩy như hình ảnh một người đàn ông bán hàng ở chợ Đồng Xuân: “Anh ta đầu đội thúng, mồm và mông dẻo nguây nguẩy, nói tục như ranh. Bánh dày giò của Phương đồng cô tinh tế khó tả, một thứ quà tuyệt phẩm của chợ” (Trích Đàn ông ngồi chợ). 

Qua giọng văn tưng tửng, Hà Nội hiện lên như là “Một thành phố rêu phong đáng trọng phải là một thành phố có vài hiệu sách cũ, nơi đám sinh viên trong trắng lê la ngồi đọc “cọp”. Phải có những gánh hàng rong vỉa hè mẹ truyền con nối, chiều muộn đông nghịt chị em xúm xít ăn. Và đương nhiên phải có những quán cà phê luôn thấp thoáng những bóng trung niên con đẻ của thị thành mặc vét, nhẩn nha ngồi thả khói.” (Trích Mặt của đàn ông).

Trong những tạp văn của mình, Nguyễn Việt Hà cũng đã tự họa chân dung một “con giai phố cổ” bằng một giọng thật dí dỏm, chân thật đến cả “cái hàm răng trên gia truyền từ họ ngoại luôn nhô ra giống như đang cười hớn hở” (Đàn ông tươi cười).

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định: “Nguyễn Việt Hà đã soi ra những gót chân Achilles của những người sống ở Hà Nội và nặng lòng với nơi này. Nó vừa là cái nhu cầu đưa ra một tấm căn cước nhận diện cư dân “người Hà Nội”, vừa tràn ngập tâm thế lạc loài, tha hương nơi phố lớn, toát lên tâm trạng hư vô. Nhưng họ không đổ lỗi cho sự phi lý, họ có đi tìm lời giải. Bởi vậy mà các nhân vật vẫn có những mục đích sống nào đó, vẫn nhen trong lòng một ngọn lửa, một sự khao khát mà nhiều khi họ không gọi tên được”. 

Thông minh mà hài hước, dí dỏm mà thâm trầm, đó có lẽ là giọng văn riêng của Nguyễn Việt Hà, được anh sử dụng thành công ngay từ khi xuất hiện với tiểu thuyết đầu tay Cơ hội của Chúa. Tác phẩm từng được nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đánh giá là“...Cuốn sách có một trong những câu nói hóm hay nhất, ý vị nhất trong văn học Việt Nam đương đại. Văn học Việt Nam sau 1945, không hiểu sao vắng hẳn đi sự hóm hỉnh, sự bông đùa,... rất hiếm những câu thể hiện sự tinh diệu của tinh thần. Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa thừa thãi những câu hóm hỉnh, đùa giễu, về phương diện này có thể xem tác phẩm của Nguyễn Việt Hà là một cái mốc. Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi Việt Nam đương đại”.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

;