Chuyển đổi số - điểm tựa phát triển doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19

1. Một số tác động của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội loài người. Nó khiến cho chính phủ các quốc gia, các tập đoàn, các tổ chức, doanh nghiệp phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào khoa học và ứng dụng công nghệ mới. Đóng một vai trò cốt lõi trong áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, các dữ liệu có thể lưu trữ, quản trị và trích xuất trực tuyến với tốc độ và độ chính xác cao, trên quy mô rộng khắp. Với những công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IOT), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) mọi tương tác, kết nối video, xử lý dữ liệu đều có thể thực hiện ở các không gian, vị trí khác nhau: trên mặt đất, dưới đáy biển sâu, trong lòng đất, ngoài vũ trụ với tốc độ cao và độ chính xác tuyệt vời. Từ hai điểm bất kỳ ở châu Âu, châu Á hoặc châu Mỹ hay bất cứ nơi nào trên trái đất, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… người ta vẫn có thể tương tác hoặc cùng nhau làm việc thông qua nền tảng số. Chuyển đổi số hiện đang được ứng dụng khắp mọi nơi, như là chìa khóa để doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh và phát triển.

Về mặt khái niệm, có rất nhiều quan niệm khác nhau về chuyển đổi số (Digital Transformation), nhưng nhìn chung đều xoay quanh một số điểm: đó là “cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hoặc hiệu quả hơn”, “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”, “là áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trong đó có tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số vào đời sống loài người”… Có thể hiểu chuyển đổi số theo nội hàm rộng hơn, là định hình lại tổ chức, doanh nghiệp bằng cách tái cơ cấu các mô hình hoạt động và kinh doanh hiện có. Nói cách khác, chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay hoạt động của một doanh nghiệp, mà nó còn là một sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

Chuyển đổi số khác với số hóa. Số hóa (Digitization) là quá trình chuyển đổi tài liệu từ dạng vật lý sang định dạng số để chia sẻ và sử dụng trên nền tảng internet, hướng tới việc tự động hóa các quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn các tài liệu giấy được số hóa và lưu trữ dưới dạng tài liệu số (file máy tính); các checklist bằng giấy được chuyển sang checklist bằng ứng dụng có chức năng xếp lịch, nhắc việc… Tài liệu số hóa được chia sẻ để mọi người sử dụng theo sự phân quyền của người quản trị hệ thống. Mục tiêu của số hóa là giúp cho việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin được dễ dàng, qua đó nâng cao hiệu quả làm việc của cá nhân và tổ chức. Như thế, số hóa chỉ là một công đoạn, một phần của quá trình chuyển đổi số. Bản chất của số hóa là công nghệ, kỹ thuật, còn bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo. Nghĩa là, chuyển đổi số không phải là quá trình đơn lẻ gồm các công đoạn số hóa dữ liệu hay sự thay đổi các giải pháp công nghệ, mà chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi ở cấp hệ thống, nhằm thay đổi quy mô tổ chức, phương thức quản lý, điều hành và văn hóa doanh nghiệp. Nói cách khác, chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay hoạt động của một doanh nghiệp mà nó còn là sự đổi mới, sáng tạo ra để phát triển bền vững.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, đã cho thấy chuyển đổi số đóng vai trò cốt lõi để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và không bị loại ra ngoài cuộc chơi trong nước và quốc tế.

Ngày nay, chuyển đổi số tác động sâu sắc đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó có thể nêu ra một số tác động chính như sau:

Chuyển đổi số thay đổi cách làm việc và kỹ năng làm việc

Nhờ áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau mà không nhất thiết phải có nhiều trụ sở, kho tàng, bến bãi riêng biệt. Nhân sự có thể làm việc trực tuyến mà không phải đến văn phòng. Không phải đến công ty mà vẫn làm việc, không cần giao tiếp trực tiếp mà vẫn có thể hoàn thành công việc. Tất cả các công việc, từ lập kế hoạch, xây dựng ý tưởng, thiết kế sản phẩm, chăm sóc khách hàng, phê duyệt và thanh toán… đều được thực hiện trực tuyến trên máy tính hoặc bằng máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet.

Chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp có thể tự động hóa các quy trình, nghiệp vụ mà trước đây được phải thực hiện theo phương pháp thủ công, vừa tốn công sức, vừa mất nhiều thời gian. Ví dụ việc quản lý nhân sự, quản lý tài chính, marketing, kết nối khách hàng, lập báo cáo… có thể thực hiện trực tuyến tự động hoặc bán tự động. Như vậy, nó đòi hỏi mọi người phải thay đổi cách làm việc và kỹ năng làm việc. Ngay cả các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, bao gồm từ điều hành sản xuất, cung ứng vật tư, điều vận kho bãi, vận chuyển hàng hóa, giao dịch hàng hóa, chăm sóc khách hàng, tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng đều được thực hiện và quản trị trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Vì vậy, nhân sự phải có kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, cũng như kỹ năng thao tác trên nền tảng số.

Chuyển đổi số thay đổi bản chất việc làm

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó thay đổi bản chất của công việc. Chẳng hạn, khi thiết kế sản phẩm mới, các kỹ sư - người thiết kế không phải tạo ra các sản phẩm mẫu như trước đây, mà chỉ cần cung cấp dữ liệu đầu vào. Khi đó các thuật toán sẽ xử lý và cho ra đời sản phẩm mẫu 3D trung thực về hình dáng, màu sắc và kích thước. Phần mềm thực tế ảo sẽ giúp mọi người thẩm định, đánh giá thậm chí kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Như vậy, công nghệ đã làm thay công việc thiết kế, kiểm định mà con người có thể phải thực hiện nhiều ngày tháng. Nó cũng giúp cho doanh nghiệp rút ngắn được thời gian và các quy trình để đưa một sản phẩm mới ra thị trường.

Đối với việc lưu trữ, khai thác thông tin dữ liệu - một yếu tố quan trọng trong thành công của mỗi doanh nghiệp. Với nền tảng công nghệ mới, đặc biệt là điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp lưu trữ, khai thác một cách dễ dàng, vừa nhanh chóng, vừa chính xác tuyệt đối. Mọi người trong công ty có thể truy cập, chia sẻ tất cả các loại thông tin, tài liệu ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào (tùy thuộc quyền hạn mà người quản trị cho phép) thay vì phụ thuộc vào nhân sự và thời gian làm việc của một số phòng ban. Việc tiếp thị, quảng bá thương hiệu, theo dõi các chỉ số về thị trường, về sự hài lòng của khách hàng và nhiều chỉ số khác được chuyên biệt hóa thông qua việc sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp bên ngoài. Điều này giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào các hoạt động mang lại hiệu quả và nhiều giá trị kinh doanh hơn. Đồng thời, thuận tiện trong kiểm soát nội bộ, quản trị doanh nghiệp.

Chuyển đổi số thay đổi tổ chức và nhân sự làm việc

Thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng của khách hàng, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong quan niệm và thói quen tiêu dùng. Nhờ sự phát triển của mạng internet và thương mại điện tử, ngày nay người tiêu dùng không cần trực tiếp đến showroom mà hoàn toàn có thể chọn lựa, mua sắm hàng hóa bằng hình thức trực tuyến. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi lại tổ chức và nhân sự phù hợp với nhu cầu của thị trường số. Chẳng hạn, các công việc hành chính trong bán hàng và tiếp đón, tư vấn khách hàng sẽ được tự động hóa bán phần hoặc toàn phần mà không nhất thiết phải bố trí mỗi vị trí một nhân sự. Nhân sự mới là những người làm việc đa năng, với sự hỗ trợ của công nghệ có thể cùng lúc đảm nhiệm nhiều vị trí. Nói cách khác, nhân sự làm việc trong kỷ nguyên số đòi hỏi vừa có năng lực làm việc độc lập, vừa có khả năng làm việc linh hoạt. Tương tự như vậy, các bộ phận và tổ chức quản lý nhân sự cũng thay đổi và được điều chỉnh phù hợp.

Chuyển đổi số giúp minh bạch hóa giá cả, giúp người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm khi mua hàng; chống việc “thổi” giá tùy tiện, “chặt, chém” người tiêu dùng. Đồng thời, chuyển đổi số thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế.

Chuyển đổi số không phải là trào lưu mà là một thực tế buộc các doanh nghiệp phải nắm bắt, điều chỉnh nguồn lực (tổ chức và nhân sự) để phát triển và tránh tụt hậu. Điều này đã được thể hiện trong mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã nêu ở trên) và trong Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp - DBI (Digital Business Indicators) mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành gần đây. Trong 6 trụ cột được xác định làm chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (bao gồm: Trải nghiệm số cho khách hàng; chiến lược; hạ tầng và công nghệ số; vận hành; chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; dữ liệu và tài sản thông tin), chỉ có 1 chỉ số về công nghệ thông tin, 1 chỉ số về dữ liệu, 4 chỉ số còn lại thuộc về nguồn lực doanh nghiệp.

2. Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ta đã ngày càng nhận thức rõ lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, cho nên nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số và thu được những kết quả tích cực từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra đến nay.

Kết quả khảo sát cho thấy có 50,9% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi xảy ra đại dịch COVID-19; 25,7% doanh nghiệp bắt đầu áp dụng công nghệ số từ khi có dịch và có ý định sẽ tiếp tục sử dụng những công nghệ này; 17,3% doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng công nghệ số nhưng có quan tâm tới việc áp dụng công nghệ số từ khi xảy ra COVID-19 (1). Như vậy, dù số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trước thời gian diễn ra đại dịch khá cao (gần 51%) nhưng đến khi đại dịch COVID-19 lan rộng, yêu cầu hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây (gần 26%). Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số, như điện toán đám mây, hội nghị trực tuyến, thanh toán điện tử để thay đổi cách làm việc và nâng cao năng suất hiệu quả của doanh nghiệp.

Nguồn: Văn phòng thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (2)

Điện toán đám mây là công cụ được nhiều doanh nghiệp sử dụng dành cho việc quản trị doanh nghiệp (gần 61%, tăng gần 20% so với thời điểm trước đại dịch). Trước thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, gần 30% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hội nghị trực tuyến trong công việc, từ khi có dịch, số doanh nghiệp sử dụng tăng thêm 19%.

Từ số liệu thống kê của về nền tảng số do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cung cấp dưới đây, ta có thể thấy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, tài chính và vận chuyển.

Theo số liệu thông kê trong quý I năm 2022, nền tảng số được người dân sử dụng nhiều nhất thuộc về thông tin liên lạc (đứng đầu là Zalo, có 74,7 triệu người dùng trong tháng 2-2022, cao hơn Messenger cả về số lượng và thời gian sử dụng). Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking…) để thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển tiền, gửi tiền, thanh toán... Vì vậy, số người sử dụng nền tảng số hằng tháng phát triển khá ổn định và tương đối đồng đều giữa các ngân hàng (Vietcombank là 12,2 triệu; MB là 7,82 triệu; BIDV là 7,62 triệu; ViettinBank là 5,46 triệu và Agribank là 4,86 triệu) (3).

Viettel, Vingroup cũng đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất với Viettel, VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với Vingroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng…

Như vậy, quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp lớn đã diễn ra khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lại có một sự khác biệt. Bởi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, từ tài chính, công nghệ, đến đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số… Thậm chí có những doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền vào các giải pháp công nghệ nhưng không mang lại hiệu quả.

3. Một số vấn đề cấp bách trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam

Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu của các nền kinh tế trên toàn cầu, bởi nó đem lại những lợi ích to lớn cho các quốc gia. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Microsoft: năm 2017, chuyển đổi số đóng góp vào tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 6%, năm 2019 là 25% và năm 2021 là 60% (4). Đến năm 2022, chỉ tính riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 70% doanh nghiệp đang đẩy nhanh chuyển đổi số để phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Với các doanh nghiệp Việt Nam để chuyển đổi số thành công và bắt kịp xu thế chuyển đổi số chung của khu vực và thế giới, các doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp với chiến lược phát triển toàn diện của mình. Nhưng trước hết cần giải quyết được một số việc cấp bách sau đây:

Thay đổi tư duy của doanh nghiệp

Khó khăn nhất trong chuyển đổi số là tư duy cũng như nhận thức của mọi người trong doanh nghiệp, đặc biệt là của lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều người cho rằng, chuyển đổi số là công việc kỹ thuật, công nghệ, cho nên coi đó là việc của những người làm kỹ thuật. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Bởi vì, chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay hoạt động của một doanh nghiệp, mà là quá trình thay đổi toàn diện từ tư duy, nhận thức, chiến lược, hành động tới văn hóa doanh nghiệp. Cho nên, để chuyển đổi số thành công, quan trọng nhất là sự thay đổi trong tư duy của chủ doanh nghiệp. Những thành tựu về kinh tế, xã hội của chuyển đổi số đem lại cho các quốc gia, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp nào không chuyển đổi số sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, cả trong nước và quốc tế. Và khi chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức, họ sẽ là người đầu tiên tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo sẽ lan tỏa và đòi hỏi tất cả các bộ phận phải vào cuộc một cách thống nhất và đồng bộ.

Đào tạo lại nhân sự

Con người là nhân tố quan trọng số một. Muốn chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng số, thì việc đầu tiên là phải đào tạo lại nhân sự.

Do bước tiến nhanh của khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh ngày càng yêu cầu lực lượng lao động phải có trình độ tương ứng mới đảm bảo hiệu quả và năng suất. Làm việc trên nền tảng số và với khách hàng số đòi hỏi mọi thành viên trong doanh nghiệp phải có kỹ năng sử dụng những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, như máy tính, máy tính bảng, kỹ năng quản trị và khai thác dữ liệu trên nền tảng số… Hơn nữa, trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển với gia tốc ngày càng nhanh, các nền tảng kỹ thuật số thường xuyên được cập nhật, phát triển thì yêu cầu đào tạo lại nhân sự càng cấp bách, cần thiết và thường xuyên.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, công nghệ vẫn còn đi sau thế giới một bước, nhân lực của Việt Nam phần lớn chưa làm chủ được các công nghệ lõi của chuyển đổi số, cũng như các hệ thống nền tảng cơ bản. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực của mình, để đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số.

Chuyển đổi dữ liệu số và phát triển các nền tảng số

Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc đào tạo lại nhân sự, đồng thời phải chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi dữ liệu số và phát triển các nền tảng số. Mục tiêu chuyển đổi số không phải áp dụng công nghệ một cách máy móc và hình thức trong vận hành, mà làm thế nào để có thể ghi nhận dữ liệu trung thực, khách quan và cụ thể tất cả những hoạt động diễn tiến tại tất cả các vị trí trong doanh nghiệp. Nội dung quan trọng của chuyển đối số là sử dụng các nền tảng số để khai thác dữ liệu số.

Để thực hiện việc này, bên cạnh việc số hóa các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp, như thương mại điện tử và các chuỗi cung ứng, cần phát triển các nền tảng số trong quản trị doanh nghiệp trong các hoạt động trên nền tảng số, từ điều hành sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, điều vận kho bãi, vận chuyển hàng hóa, kinh doanh, giao dịch, chăm sóc khách hàng…

Xây dựng mô hình phát triển phù hợp với nền tảng số

Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp. Trước hết, chuyển đổi số thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới nhưng cũng làm mất đi nhiều triệu việc làm cũ. Chẳng hạn, chuyển đổi số sẽ giảm lao động trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ thậm chí cả trong sản xuất. Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi một cách toàn diện, hướng đến các mô hình làm việc trực tuyến, sản xuất trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0, giao tiếp điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử.

Bên cạnh đó, các công cụ chuyển đổi số được xây dựng để đáp ứng nhu cầu hiện đại của khách hàng và các doanh nghiệp cần lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Khách hàng trong kỷ nguyên 4.0 là người am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ kỹ thuật số, là người mua hàng thông thái. Theo Accenture - Công ty Tư vấn quản lý chuyên cung cấp dịch vụ chiến lược, tư vấn, kỹ thuật số, công nghệ và hoạt động của Ireland cho biết, 91% khách hàng hiện nay thường mua hàng từ các doanh nghiệp biết về họ, biết lịch sử mua hàng và đưa ra các đề xuất sản phẩm dựa trên sở thích của họ. Công nghệ kỹ thuật số có thể cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chi tiết về dữ liệu lịch sử của khách hàng, bao gồm các tương tác, sở thích và mức độ cá nhân hóa của họ, từ đó, có chiến lược tiếp thị, điều chỉnh sản phẩm và các chuỗi cung ứng phù hợp với người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.

Trên đây là một số vấn đề mang tính cấp bách, có thể xem là điểm tựa giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

_____________

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, 2020.

2, 3. Oictnew, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thí điểm đánh giá công nhận các nền tảng số Việt Nam phục vụ người dân, vietnamnet.vn, 1-4-2022.

4. Diệu Thiện, Đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp qua Bộ chỉ số DBI, baokiemtoannhanuoc.vn, 16-7-2022.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;