“Nỗi niềm”… cải biên

Với lợi thế về loại hình, điện ảnh luôn có thể vay mượn, tiếp nối từ những cốt truyện, nhân vật trong văn học, sân khấu, âm nhạc… để làm nên một bộ phim. Vậy việc chuyển thể, cải biên từ loại hình này sang loại hình khác là khó hay dễ? Những thuận lợi và khó khăn nào chờ đợi một tác phẩm cải biên?

Cải biên khó hay dễ?

Một cốt truyện, một nhân vật hay luôn có thể trở thành đề tài để các ngành nghệ thuật như văn học, sân khấu hay điện ảnh yêu thích. Nhà văn Chu Lai từng chia sẻ với một số cốt truyện, nhân vật tâm đắc ông có thể “thâm canh” đến 3 lần. Lần đầu là viết truyện ngắn hay tiểu thuyết tùy dung lượng, chất liệu của câu chuyện, nhân vật. Lần thứ hai là tự ông chuyển thể từ chính tác phẩm văn học của mình thành kịch bản sân khấu. Lần thứ ba là chuyển thể câu chuyện, nhân vật đó lên phim. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai đã có ba hình hài, ngôn ngữ chuyển tải khác nhau khi nhà văn tâm đắc với câu chuyện, nhân vật và các vấn đề đặt ra với người lính trong và sau cuộc chiến. Từ tiểu thuyết khi chuyển thể lên sân khấu, tác giả vẫn giữ nguyên tên gọi Ăn mày dĩ vãng. Vở kịch rất thành công với sự tham gia của cố NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Cúc, NSƯT Trần Đức, NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Thu Hà và các nghệ sĩ: Phú Thăng, Chu Hùng, Bích Thủy, Thanh Tùng, Nhật Đức, Thanh Du…

Phim Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu

Và cũng cốt truyện, nhân vật ấy khi được chuyển thể thành phim lấy tên là Người đi tìm dĩ vãng cũng rất ăn khách với sự tham gia của NSUT Trần Lực, Thanh Mai và các diễn viên khác như NSUT Thanh Quý, Lê Công Tuấn Anh, Thương Tín… Trong số các tác phẩm được chuyển thể, cải biên… có tác phẩm được chính tác giả chuyển thể, có tác phẩm lại do người khác “sáng tạo” tiếp trên nền tác phẩm gốc. Điểm thuận lợi của một tác phẩm cải biên là cốt truyện, nhân vật đã được thử thách qua thời gian, chứng minh sức hấp dẫn, thu hút và có một lượng bạn đọc đông đảo. Từ chỗ cảm và yêu câu chuyện mình đọc, nhiều khán giả mong mỏi những nhân vật họ ngưỡng mộ có thể bước từ trang sách lên màn ảnh và được định hình từ vóc dáng, gương mặt, tính cách. Trong các cải biên, ngoài văn học, các vở kịch sân khấu từ kịch nói, chèo, cải lương… đều có thể chuyển tải sang phim. Một vở kịch nói hay, một vở cải lương ăn khách ngoài vấn đề được quan tâm còn chứa đựng trong đó những câu chuyện, số phận chạm được đến trái tim khán giả. Đa số các tác phẩm được cải biên đều có sẵn một cốt truyện hay và một lượng khán giả yêu thích, theo dõi. Đây được xem là những điểm thuận lợi khi nhà làm phim không còn đau đầu tìm kiếm một cốt truyện hay phải xây dựng một loạt nhân vật mới. Bên cạnh những mặt thuận lợi, điều khó của một tác phẩm cải biên từ loại hình này sang loại hình nghệ thuật khác là sự chuyển đổi ngôn ngữ nghệ thuật sao cho phù hợp với hình thức và câu chuyện. Ngay cả sân khấu, một loại hình có nhiều điểm tương đồng về cốt truyện, nhân vật với điện ảnh thì vẫn có nhiều khác biệt. Về bối cảnh, sân khấu nặng về ước lệ, giả định trong khi điện ảnh đòi hỏi phải thực đến từng chi tiết. Về cách diễn, sân khấu là sự tương tác trực tiếp, để với tới khán giả cách diễn đôi khi phải cương về đài từ, hình thể để khán giả chú ý. Cách diễn trong điện ảnh đòi hỏi sự tinh tế để đạt đến sự chân thật, gần gũi. Giữa sân khấu và phim ảnh là hai loại hình khác biệt đòi hỏi các nghệ sĩ khi cải biên, thể hiện phải nắm bắt được hồn cốt và ngôn ngữ, cách biểu đạt khác biệt của từng loại hình.

Phim Chuyện của Pao chuyển thể từ Tiếng đàn môi sau bờ rào đá

Một ví dụ từ vở cải lương Lôi Vũ gắn liền với những tên tuổi đình đám như Minh Vương, Lệ Thủy, Tô Kim Hồng, Diệp Lam, Thanh Nguyệt… đã được đạo diễn Nguyễn Phương Điền chuyển thể sang phim truyền hình với tên gọi Tiếng sét trong mưa cũng đầy dữ dội và bi kịch. Dù phóng tác từ vở cải lương nổi tiếng nhưng khi chuyển thể biên kịch Hạ Thu chỉ giữ một phần tác phẩm gốc và có nhiều thay đổi để tác phẩm mang đậm văn hóa Việt. Đối với một tác phẩm cải biên, bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn vô số khó khăn khi chuyển đổi loại hình. Dễ hay khó luôn là hai mặt tồn tại trong một tác phẩm cải biên và nó cần một bàn tay lành nghề, những nét sáng tạo độc đáo để vẫn chất liệu, cốt truyện, nhân vật ấy nhưng thêm một lần thành công, tỏa sáng khi chuyển sang một ngôn ngữ hay một loại hình nghệ thuật khác.

Tiềm năng và thách thức

Lý giải nguyên nhân nhiều tác phẩm văn học, vở kịch sân khấu được chuyển thể thành phim, nhiều nhà phân tích cho rằng tất cả xuất phát từ nhu cầu của khán giả. Bà Vũ Thị Bích Liên, đại diện Mega GS cho biết: “Mega GS đã nhiều lần tổ chức chuyển thể các vở kịch, vở cải lương ăn khách thành phim. Trước đó, vở kịch Sông dài được chuyển thể thành một bộ phim thành công. Trong kế hoạch sản xuất, công ty cũng đang chuyển thể 2 bộ phim từ các vở kịch, cải lương ăn khách. Nguyên nhân chính nằm ở nhu cầu thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác nhau của khán giả dù có chung một cốt truyện, tuyến nhân vật, các số phận”.

Phim Kiều chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du

Về phía êkip sản xuất, ở nhiều dự án, khi biết êkip có kế hoạch chuyển thể một tác phẩm văn học, kịch nói, cải lương… lên phim có nhiều diễn viên đã đến xin vai dù chưa được đọc kịch bản chuyển thể. Chính sức thu hút của nhân vật, câu chuyện trong các tác phẩm văn học, kịch nói, cải lương… trước đó đã thu hút họ. Và khi một bộ phim được chuyển thể bởi tác phẩm thành công trước đó, nhiều diễn viên muốn được hóa thân vào những nhân vật trên phim bởi họ đã bị thuyết phục bởi chính câu chuyện, nhân vật từ trước. Tuy tiềm năng là vậy nhưng có không ít thử thách với một tác phẩm cải biên. Có trường hợp nhà văn từ chối luôn bộ phim được làm từ tác phẩm của mình khi thấy nó quá khác lạ so với nguyên tác. Mới đây, phim Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An dù được quảng bá là lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du nhưng khán giả đã nhanh chóng nhận ra nó mang dáng dấp của vở cải lương Nửa đời hương phấn khi có quá nhiều chi tiết, sự trùng hợp từ tình chị duyên em đến nguyên nhân tan vỡ, sự chìm nổi của kiếp đời bán phấn buôn hương. Một bộ phim khác cũng được chuyển thể từ Truyện Kiều của êkip Phi Tiến Sơn - Mai Thu Huyền cũng không thành công dù câu chuyện, nhân vật ấy có quá nhiều chất liệu, sự yêu mến từ độc giả. Trong vô vàn những lý do dẫn đến một bộ phim cải biên thất bại có lý do nằm ở sự ôm đồm khi văn học với lợi thế về độ dài, sự tưởng tượng có thể trình bày một câu chuyện, nhân vật với nhiều tình huống, chiều kích cả về không gian lẫn thời gian. Một bộ phim bị bó hẹp bởi dung lượng nếu không tìm được chìa khóa dẫn dắt, khai mở hay có nhiều nét sáng tạo mới sẽ dễ rơi vào minh họa, mô tả mà thiếu đi sức hấp dẫn của loại hình. Ngoài chất liệu kịch bản, một điểm khó còn nằm ở dàn diễn viên với khả năng diễn xuất. Một Trình Mỹ Duyên với nét đẹp mong manh, sương khói cũng chưa đủ để cứu bộ phim Truyện Kiều khi diễn xuất của cô bị đánh giá hơi non, chưa lột tả hết những cung bậc, sự thăng trầm của một người đàn bà tài sắc như Thúy Kiều. Nhiều khi, việc chọn sai diễn viên hay diễn viên không tải hết được tầm vóc nhân vật cũng khiến một bộ phim đổ bể. Với tác phẩm cải biên, khi câu chuyện, nhân vật đã được biết trước, diễn xuất của diễn viên càng đặc biệt quan trọng khi nhân vật ấy đã định hình, ăn sâu trong khán giả. Nhiều diễn viên khi vào vai nhân vật có độ lùi về thời gian phải dụng công tìm hiểu từ cách đi, dáng đứng, cách ăn nói, cử chỉ, động tác… để lên được tính cách hay thần thái của nhân vật. Mọi thành công đều cần đến sự khổ luyện, những nét sáng tạo độc đáo. Một tác phẩm cải biên tuy có khá nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức khi trên nền một cốt truyện, nhân vật, số phận đã biết người nghệ sĩ phải tìm ra chìa khóa để đưa nó đến với khán giả. Chỉ khi tìm được một hình thức chuyển tải phù hợp, những nét sáng tạo mới, độc đáo thì  khi đó tác phẩm cải biên mới chạm đến thành công và tồn tại như một phiên bản độc lập với tất cả sự hấp dẫn, cuốn hút dù câu chuyện, nhân vật không còn mới.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021

;