Phim Việt hóa: Loay hoay bài toán nghệ thuật và kinh tế

Hàng loạt bộ phim truyền hình được Việt hóa từ các kịch bản mua của nước ngoài nhưng có độ dài lớn hơn từ hai đến ba lần, bên cạnh yếu tố nghệ thuật thì vấn đề kinh phí cũng là nguyên nhân khiến các bộ phim dài hơn nguyên tác.

Cảnh trong phim Hướng dương ngược nắng

Xét về mặt nghệ thuật, hầu hết các bộ phim khi được chuyển thể đều có nội dung nổi bật, thu hút sự quan tâm của khán giả. Khi được Việt hóa, các nhà làm phim đều cố gắng bồi đắp thêm các yếu tố văn hóa, cuộc sống của người Việt Nam vào trong bộ phim. Nhiều bộ phim dù mác ngoại hồn Việt nhưng đã thu hút sự quan tâm của khán giả như Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán, Mùi ngò gai… Tuy nhiên, gần đây, dư luận khá xôn xao khi hàng loạt bộ phim có độ dài gấp đôi, gấp ba so với nguyên tác. Việc kéo dài ngoài yếu tố kinh tế như thu hút quảng cáo, tài trợ thì vấn đề nghệ thuật cũng được đem ra mổ xẻ.

Có thể kể tên hàng loạt bộ phim Việt hóa có độ dài lớn hơn từ hai đến ba lần như Cây táo nở hoa có độ dài lên tới 70 tập so với bản gốc chỉ có 20 tập của Hàn Quốc. Phim Gạo nếp gạo tẻ 109 tập, dài hơn gấp đôi kịch bản gốc Hàn Quốc chỉ có 50 tập. Phim Hướng dương ngược nắng có phần cuối kéo dài thêm 10 tập so với nguyên tác. Ngoài ra, còn hàng loạt bộ phim khác mà độ dài cũng thường gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí là gấp ba.

Về thuận lợi, với một bộ phim được kéo dài êkip làm phim sẽ tận dụng luôn được các bối cảnh, đạo cụ có sẵn làm nền cho hoạt động, câu chuyện tiếp diễn. Hệ thống nhân vật cũng là lợi thế khi chỉ cần thêm tình tiết, sự kiện và các câu chuyện mới là có thể kéo tiếp mạch phim. Tuy nhiên, điểm bất lợi thường thấy khi các bộ phim bị kéo dài là tình huống, câu chuyện bị pha loãng, được dựng với tiết tấu chậm hoặc có sự trùng lặp ở tính cách, xung đột, hành động khiến chuyện phim mất dần sức thu hút.

Không hiếm bộ phim, để kéo dài dung lượng, những mâu thuẫn cứ lặp đi, lặp lại hoặc một sự thật, đáng lẽ phải được nói ra để giải quyết thì luôn bị lần nữa, chen vào hàng loạt lý do khiến câu chuyện phim, các mâu thuẫn bị quanh quẩn, kéo dài và chậm giải quyết. Ví dụ trong phim truyền hình Cây táo nở hoa bi kịch giữa các nhân vật luôn lặp đi lặp lại. Cả một vệt với 5,6 tập phim liền nhau vẫn xoay quanh chuyện Ngọc trả nợ cho Ngà hay những bữa ăn chung luôn biến thành các cuộc cãi vã. Ngay cả việc anh trai coi thường, đối xử phân biệt hay người mẹ nói dối, tìm mọi cách để lấy tiền của con cũng được khai thác từ tập này sang tập khác... Nếu ở phần đầu mâu thuẫn này đã được khai thác, đẩy lên cao thì cho đến mấy chục tập sau, các mâu thuẫn này lại lặp lại khiến khán giả mất dần sự hứng thú. Nhiều khán giả chia sẻ trên các diễn đàn: “Phim Cây táo nở hoa ở các tập đầu xem rất thích. Nhưng càng về sau phim càng chán. Ðạo diễn kéo dài thời lượng so với bản gốc bằng cách xây dựng loạt tình tiết bi kịch nhưng không có sự sáng tạo mà cứ lặp đi lặp lại. Ðiều này khiến khán giả ức chế, mệt mỏi. Ðạo diễn cô đọng phim khoảng 40 tập sẽ rất hợp lý”. Có ý kiến nêu: “Ngột ngạt, u ám, ức chế, vô lý… là những cảm xúc mà phim mang lại trong những tập gần đây. Dù dàn viễn viên diễn rất hay nhưng kịch bản “ăn theo” thì lại quá tệ so với nguyên tác”.

Cảnh trong phim Cây táo nở hoa

Tình trạng kéo mâu thuẫn “đi loanh quanh” cũng từng bị phân tích, mổ xẻ ở các bộ phim trước như Vua bánh mì. Bộ phim Việt hóa này từng bị cho là thiếu logic, xa rời thông điệp chính của phim. Chuyện phim thay vì xoay quanh việc làm bánh, truyền nghề như phiên bản gốc thì vì kéo dài nên sa đà vào loạt tình tiết gây sốc như: đấu đá trong gia tộc, tình tay ba, đánh ghen...

Việc kéo dài tình tiết còn khiến người xem ức chế vì câu chuyện rối, phức tạp với nhân vật có tâm lý không rõ ràng. Chặng cuối phim Gạo nếp gạo tẻ bị chê quá lê thê khi nhân vật Kiệt xoay vòng trong mối quan hệ tình cảm, lúc hướng về Hân, khi quay về Phúc mà không có lý do cụ thể. Tình tiết Hương và Tường bị tai nạn ôtô khiến câu chuyện thêm phần phức tạp.

Với việc kéo dài tập phim, tình tiết, câu chuyện mà không có nhiều sáng tạo, các tập phim càng về cuối càng đuối. Nhìn vào tỷ lệ người xem cũng minh chứng điều đó. Các bộ phim bị kéo dài luôn có sự sụt giảm lượng người xem ở các tập sau. Phim Cây táo nở hoa có lượng người xem sụt giảm khi phim kéo đến ngoài 40 tập. Theo số liệu cập nhật trên YouTube, tập có lượt xem cao gần đây là 3,7 triệu, thấp hơn gần một nửa khi so với các tập đầu (7,1 triệu lượt xem). Về nguyên nhân phim sụt giảm tỷ lệ người xem có thể thấy đa số các ý kiến đều tập trung vào lý do ngừng xem vì quá mệt mỏi bởi loạt bi kịch lặp đi, lặp lại. Một số khán giả còn dùng chế độ tua nhanh, xem lướt để hiểu nội dung, thay vì kiên nhẫn xem diễn biến rề rà từ các tập.

Thực tế đó được lặp lại ở hầu hết các phim khi kéo dài thời lượng. Phim Gạo nếp gạo tẻ dài 109 tập cũng có lượt xem giảm mạnh trên YouTube vào khoảng 20 tập cuối, với thống kê 4-7 triệu lượt mỗi tập, giảm một phần ba so với phần đầu dao động 7-10 triệu, có tập lên tới hơn 13 triệu. Hướng dương ngược nắng phần đầu thu hút hơn 11,8 triệu lượt xem trên app của nhà đài, nhưng ở phần sau với 10 tập kéo dài thêm, lượt người xem chỉ còn khoảng 7 triệu, mất đi một phần ba lượt xem so với ban đầu.

Theo một số đạo diễn thì với những tác phẩm Việt hóa từ phim Hàn Quốc cần thêm thắt tình tiết, nhân vật cho phù hợp văn hóa, cuộc sống Việt Nam. Tuy nhiên, việc đưa yếu tố văn hóa, tình tiết, câu chuyện của người Việt vào vẫn phải đảm bảo sự hợp lý, thu hút thì vẫn có thể hấp dẫn khán giả. Bên cạnh một số bộ phim thành công, điều đáng tiếc là một số trường hợp nhà sản xuất tăng thời lượng nhằm mục đích kinh tế. Theo chia sẻ trên một số trang báo, trung bình mỗi tập phát sóng, nhà đài thu về từ 500 triệu đến hơn một tỷ đồng quảng cáo tùy độ hấp dẫn của phim.

Ðạo diễn Khải Hưng nhận định việc kéo dài thời lượng là đi đúng xu hướng làm phim truyền hình. Tuy nhiên, điều quan trọng là đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải xây dựng kịch bản logic, hấp dẫn để giữ chân khán giả. Ông cho biết: “Phim truyền hình là phim dài tập nên việc tăng thời lượng không sai. Nhà sản xuất có thể nghe ngóng phản ứng của khán giả để điều chỉnh nội dung trong thời gian chiếu. Tuy nhiên, việc kéo dài đến đâu phải tùy theo nội dung, tránh lặp lại, nhàm chán”.

Dù là nghệ thuật hay kinh tế, thì việc đầu tiên vẫn là thu hút khán giả. Việc các kịch bản gốc ở Hàn Quốc thành công luôn gắn với thời lượng vừa đủ, kịch bản cô đọng, hấp dẫn. Phim truyền hình chiếu ở khung giờ vàng thường dao động từ 16 đến 30 tập. Nhìn vào đó cũng có thể thấy, một câu chuyện hay, một bộ phim hấp dẫn phải cân bằng được nhiều yếu tố từ nghệ thuật, kinh tế, tình tiết, câu chuyện, diễn xuất… Và với thực trạng nhiều phim bị kéo dài như hiện nay thì có lẽ phải thêm một định nghĩa: phim hay là khi câu chuyện không bị pha loãng, kéo dài. Và nếu những phần phim kéo dài không còn giữ được sức thu hút thì việc quảng cáo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ðó cũng là điều mà các êkip, các nhà đài phải tính đến trong thời gian tới để giữ chân khán giả, cân bằng bài toán kinh tế và nghệ thuật.

Hà Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;