Nỗ lực làm mới mình của ca sĩ An Ngọc

Trở về từ sau chuyến công tác với đoàn Hội thao Quân sự quốc tế 2021 (Army Games 2021) của Việt Nam, dù còn bận rộn với nhiều công việc nhưng An Ngọc vẫn dành cho tôi một chút thời gian để “trải lòng” về các MV của mình. Cuộc trò chuyện đầy hào hứng và ấn tượng giúp tôi hiểu thêm về khát vọng nghệ thuật của cô ca sĩ sinh năm 1996 đang nỗ lực dấn thân cho sự nghiệp của mình.

MV Lời ru nơi tuyến đầu

Được đào tạo bài bản tại Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, từ năm học thứ 2, An Ngọc đã khẳng định tài năng của mình khi thành công với MV đầu tay: Thương ca tiếng Việt của nhạc sĩ Đức Trí. Với chất giọng mượt mà, âm điệu dân ca, Thương ca tiếng Việt của An Ngọc không chỉ được thầy cô, bạn bè đánh giá cao mà còn được thính giả nhiệt tình đón nhận. Sau thành công của MV này, hai tháng sau, cô tiếp tục mạnh dạn thực hiện MV thứ hai về đề tài miền núi - Người xây cầu vùng cao (nhạc sĩ Xuân Trí). Nói về những ca khúc đầu tay, An Ngọc cảm thấy thật may mắn khi được các nhạc sĩ “ưu đãi”. “Dù đang đi học nhưng tôi đã tham gia thu âm rất nhiều ca khúc nên có điều kiện gặp gỡ, làm việc với nhiều tác giả. Vì còn là sinh viên, nên các nhạc sĩ đã tạo điều kiện và hỗ trợ tôi khá nhiều khi thực hiện các MV này” - An Ngọc kể lại.

Tôi hỏi vì sao lại theo đuổi dòng nhạc dân ca, cô ca sĩ vùng đất Thanh Hà, Hải Dương cho biết: “Từ khi còn bé, được nghe các làn điệu dân ca tôi đã cảm thấy rất yêu thích. Nó “ngấm” vào tôi và trở thành bản năng lúc nào không hay. Sau này, khi vào trường đại học và nhận thấy chất giọng của tôi cũng phù hợp với thể loại này nên đã chọn dòng nhạc đó”. Với tố chất sẵn có, cùng với sự rèn luyện không ngừng về kỹ thuật thanh nhạc, An Ngọc đã được nhiều nhạc sĩ biết đến và mời cô thể hiện cho các ca khúc của mình. Vì thế, nhiều MV mang giai điệu dân ca của An Ngọc đã liên tiếp ra đời và được rất nhiều thính giả yêu thích đón nhận như: Xao la đi học (Phương Thảo - Phan Huy Hà), Tiếng sáo mùa yêu (Phan Huy Hà), Thương nhớ một miền quê (Phương Thảo - Bùi Hoàng Uyên Minh), Say đất trời Sa Pa (Hoàng Đạt), Lời mẹ thầm ru (Hoàng Đạt)... Mặc dù, đây là những ca khúc cô được các nhạc sĩ mời biểu diễn đầu tiên, nhưng An Ngọc đã không ngại ngần mà rất tự tin khi thể hiện.

Ca sĩ An Ngọc với tiết mục Hoa nắng trong chương trình nghệ thuật tại Hội thao quân sự quốc tế 2021

Sau bốn năm rèn rũa, trau dồi thanh nhạc, An Ngọc về “đầu quân” cho Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. Tại đây, cô lại tiếp tục “tỏa sáng” khi góp phần thành công trong hai MV: Vì nơi ấy có anh Lời ru tuyến đầu của nhạc sĩ, thiếu tá Vũ Thị Huyền Ngọc. Đây là hai ca khúc nhạc sĩ Huyền Ngọc sáng tác nhằm cổ vũ, động viên những người trên trận tuyến đầu chống dịch CoVID-19. Vì nơi ấy có anh là lời ca kể về sự vất vả, khó khăn của người lính biên phòng khi phải thực thi nhiệm vụ chặn, chốt những đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn bệnh dịch từ cửa ngõ vùng biên giới. Còn Lời ru tuyến đầu là những cảm xúc từ hình ảnh đầy xúc động của bé gái 20 tháng tuổi òa khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ trên ti vi. Người mẹ đó là bác sĩ của bệnh viện 103 đang chống dịch ở Bắc Giang... Hai MV mang phong cách nhạc nhẹ được An Ngọc thể hiện với nhiều cảm xúc đã lay động và chạm đến trái tim người nghe. Cô chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là chiến sĩ, nhưng là nghệ sĩ, nên được xem rất nhiều hình ảnh của người lính khi vượt khó khăn, vất vả đi chống dịch. Vì thế, bằng tình cảm và sự trân trọng đồng đội, tôi đã thể hiện ca khúc một cách tốt nhất nhằm góp một phần công sức nhỏ bé nhằm động viên, khích lệ những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm vượt khó trên trận tuyến chống dịch. Ca khúc Vì nơi ấy có anh đã được đông đảo các chiến sĩ đón nhận, yêu thích và được chia sẻ hầu hết trên trang fanpage của biên phòng các tỉnh. Còn MV Lời ru tuyến đầu đã gây xúc động mạnh trong tôi. Trong quá trình thực hiện, cảm xúc trong tôi luôn dâng trào và không thể kìm nén, nên tôi vừa thể hiện ca khúc vừa khóc. MV này được thực hiện đơn giản, phần lớn là ghi hình trong phòng thu, trong hai ngày chúng tôi đã hoàn thành bài hát”.

MV Vì nơi ấy có anh

Nói về chuyến công tác cùng đoàn Army Games 2021 vừa qua, An Ngọc thích thú chia sẻ những câu chuyện với nhiều kỷ niệm. Đó là, sự tự hào khi được đứng trên sâu khấu quốc tế biểu diễn những ca khúc Việt Nam; được sánh vai cùng các nghệ sĩ gạo cội của các nước trên sân khấu lớn; là sự tự tin thể hiện những ca khúc mang phong cách mới - dân gian dân tộc Chăm; và một kỷ niệm khó quên là sự nỗ lực vượt khó hoàn thành ca khúc Hoa nắng, một bài hát của dân tộc Chăm - Bình Thuận có tiết tấu, giai điệu khác hoàn toàn với các thể loại âm nhạc mà An Ngọc từng học và biết. “Tôi cảm thấy rất áp lực với ca khúc này. Tôi đã phải lên mạng tìm tòi về cách hát, làn điệu và cách luyến láy. Mất một tháng để luyện tập về thanh nhạc và vũ đạo, tôi mới hoàn thành và biểu diễn. Sau khi vượt qua thử thách này, tôi cảm thấy mình có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng cũng được nâng lên”.

Với chất giọng mượt mà, giàu khả năng biểu cảm, cùng với sự động viên của các nhạc sĩ và đồng nghiệp, An Ngọc đang có những bước làm mới mình khi tiến tới phong cách nhạc nhẹ với các ca khúc trữ tình đầy sâu lắng. Các nhạc phẩm của tác giả Jimmy Nguyễn: Hoa bằng lăng, Tình yêu còn xa, Khói thuốc đợi chờ… là dự định mà cô muốn thể hiện theo một cover mới sẽ được gửi tới người nghe trong thời gian không xa.

THÁI AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

;