Những vấn đề đặt ra trong xây dựng môi trường văn hóa

Ngày vui của đồng bào Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam- ảnh: Tuấn Minh

 

Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Với mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tạo thêm động lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát biểu Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ mà Tổng Bí thư đề cập là: “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước”.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn ngành Văn hóa từ trung ương đến địa phương đã triển khai công tác xây dựng môi trường văn hóa đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Sức lan tỏa của vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đã thấm sâu vào các bộ, ngành và được các địa phương triển khai thực hiện toàn diện.

Tại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp đã xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân trong doanh nghiệp… Năm 2022, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Đây là căn cứ để Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong phong trào có trọng tâm, trọng điểm gắn với công tác xây dựng môi trường văn hóa.

Với cách làm quyết liệt nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả như Hà Nội, TP. HCM, Nghệ An… Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình văn hóa tiêu biểu không chỉ góp phần xây dựng môi trường sống nề nếp, văn minh, mà còn gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư. Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình còn cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ở cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó đã lan tỏa, tạo hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề xuống cấp văn hóa nói chung.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực. Dự toán ngân sách của nhiều tỉnh, thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại, những bất cập phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong công tác xây dựng môi trường văn hóa để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Có thể kể đến như: Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, hiệu quả hoạt động thấp. Chưa kiểm soát được xu thế thương mại hóa thái quá trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Còn nhiều lúng túng trong xử lý các hiện tượng văn hóa mới dẫn đến một số hiện tượng lệch chuẩn, phản văn hóa, tác động xấu tới môi trường văn hóa. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng còn chưa quan tâm xây dựng môi trường văn hóa.

 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xây dựng môi trường văn hóa cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về xây dựng môi trường văn hóa.

Hai là, thường xuyên cập nhật, bổ sung những điểm mới, chú ý nhiều hơn đến nguồn lực cho văn hóa, bao gồm nhân lực làm văn hóa và nguồn lực thực tế để đầu tư cho văn hóa. Khi chúng ta đáp ứng được hai yếu tố cần và đủ này sẽ có bước phát triển đúng như mong muốn của Đảng và Nhà nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Để các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống, trở thành “nền tảng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bốn là, để hoạt động văn hóa thực sự có hiệu quả, chúng ta cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh… Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

--------------------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

CỤC VĂN HÓA CƠ SỞ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

;