Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội

"Trong 5 năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội từng bước được cải thiện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân".

Tế lễ tại Lễ hội Đền Thái Vi - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

 

Đó là những đánh giá khái quát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản qua phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở. Đánh giá cũng nêu rõ: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, môi trường văn hóa lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặt ra mục tiêu “Làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống”, đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về văn hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh.

Nhiều mô hình lễ hội điểm được tổ chức

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của ngành VHTTDL, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ban, ngành, tổ chức từ Trung ương tới cơ sở, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao trong đời sống của nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một nền nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn của người Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc.

Ở phương diện khác, các lễ hội tổ chức đều có kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể gắn với văn hóa địa phương như: tổ chức các trò chơi dân gian, hội thao, múa lân, triển lãm giới thiệu về hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội... Ban Quản lý tại các di tích tổ chức trực, mở cửa cho nhân dân đến dâng hương và tham quan di tích, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội luôn được duy trì thực hiện tốt. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; vận động, tuyên truyền người dân khi tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, trang phục lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Là một trong những địa phương quản lý và tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội, ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó 170 lễ hội được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Các lễ hội được diễn ra tập trung trong tháng Giêng âm lịch hằng năm, với loại hình chủ yếu là Lễ hội Lồng tồng (lễ hội truyền thống). Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số mô hình quản lý tổ chức lễ hội như: mô hình tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn với lễ hội tiêu biểu của tỉnh và mô hình “tổ chức lễ hội điểm”. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, hoạt động lễ hội đã từng bước đi vào nền nếp, phù hợp với đặc điểm, tình hình tại địa phương, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, vui chơi giải trí cho nhân dân.   

Tăng cường chấn chỉnh hoạt động lễ hội

Nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP đạt hiệu quả, hằng năm kết hợp với kiểm tra thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Bộ VHTTDL thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nắm bắt, đánh giá thực trạng kết quả thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa cơ sở, lễ hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày, lễ hội có tính chất phức tạp tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Qua đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội hằng năm theo phạm vi quản lý.

Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời; sắp xếp các hàng quán dịch vụ hợp lý tại các khu vực tổ chức lễ hội, niêm yết bán đúng giá được Ban Tổ chức quản lý chặt chẽ, công khai, giảm thiểu việc tăng giá, ép giá bán dịch vụ, hàng hóa, thương mại hóa lễ hội và di tích như: Chùa Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Trần (Nam Định), Chùa Keo (Thái Bình), Đền Mẫu (Hưng Yên), Đền Sòng Sơn (Thanh Hóa), Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Đền Thượng (Lào Cai), Đền Cửa Ông (Quảng Ninh)...

Ông Nguyễn Từ Vân, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTTDL Bắc Ninh nhận định: Trong những năm qua, để tăng cường chấn chỉnh hoạt động tổ chức lễ hội tại địa phương, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thanh tra của Bộ VHTTDL; phối hợp với đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh, cấp huyện để thực hiện kiểm tra 10-12 lễ hội/năm, tập trung đối với một số lễ hội có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các lễ hội gắn với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và lễ hội có tính ảnh hưởng vùng như: Lễ hội Phật Tích, hội Lim, lễ hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội đền Đô... Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý, nhắc nhở những hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường, thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi qui định.

Một tiết mục biểu diễn tại Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh TL)

 

Cần hạn chế các hiện tượng “núp bóng"

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một vài hiện tượng cần được khắc phục như: lợi dụng nhu cầu của người dân trong việc cúng lễ, dâng sao giải hạn để biến tướng, trục lợi; đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; cài, giắt, đặt, rải tiền công đức tùy tiện gây phản cảm; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt nhiều đồ mã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã... Thực trạng đó đã tồn tại và xảy ra ở một số di tích tại nội thành Hà Nội, do không gian hẹp nên việc bố trí nơi để xe, khu dịch vụ phục vụ du khách gặp khó khăn. Cá biệt, ở một số di tích vẫn còn tình trạng đốt đồ mã nhiều làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cảnh quan (Phủ Tây Hồ - Hà Nội); tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch (Đền Sóc - Hà Nội, Đền Trần - Nam Định, Đền Lảnh Giang - Hà Nam, Đền Bắc Lệ - Lạng Sơn...); tình trạng người dân xả rác không đúng nơi quy định (Hội Phết Hiền Quan - Phú Thọ). Ở thời điểm nhất định, vẫn còn tình trạng xuồng, đò chở quá người và không mặc áo phao (Chùa Hương - Hà Nội); tình trạng kinh doanh dịch vụ hàng hóa, đồ ăn trong khuôn viên di tích gây mất mỹ quan di tích và gây khó khăn cho du khách khi tham quan, vãn cảnh (chùa Đậu, chùa Mía - Hà Nội;  chùa Chuông - Hưng Yên...).

Mặt khác, một số địa phương chưa thực sự sát sao đối với hoạt động tổ chức lễ hội nên vẫn để tồn tại một số hiện tượng chưa đúng quy định như: trong thời gian cao điểm, dịch bệnh COVID-19, một số địa phương vẫn để người dân vào hành lễ tại các di tích. Công tác thanh tra, kiểm tra di tích tại các địa phương có thời điểm chưa được thực hiện thường xuyên; sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội có lúc còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền đôi chỗ còn chưa sâu rộng, linh hoạt…

Hướng tới những lễ hội an toàn, văn minh

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo, trước hết các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý, chỉ đạo khác có liên quan.                                                                                                    

Thứ hai, thực hiện trách nhiệm về giải quyết thủ tục đăng ký hoặc thông báo việc tổ chức lễ hội theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. 

Thứ ba, tham mưu, rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tăng cường kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống.

Thứ tư, thực hiện công tác thống kê lễ hội; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương.

Thứ năm, tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, thích ứng an toàn, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh phát sinh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. 

 

MAI ÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;