Những tiếp cận căn bản về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam hiện nay

Trong quá trình tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã và đang phát triển theo xu hướng “cung đình hóa”, thể hiện qua việc nâng cấp điện thờ, thay đổi trang phục, đổi mới diễn xướng, bổ sung lễ vật… Quá trình tâm linh hóa nghệ thuật và nghệ thuật hóa tín ngưỡng diễn ra đồng thời, thể hiện đức tin và sự kỳ vọng của các tín đồ đối với tín ngưỡng này. Tất cả đã tạo nên nét đặc sắc, sức hấp dẫn riêng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, một tài nguyên văn hóa quan trọng để có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng.

1. Tên gọi và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu

Trên khắp mọi miền đất nước, người mẹ được gọi bằng các tên gọi khác nhau nhưng đều thể hiện tính duy nhất trong mối quan hệ huyết thống giữa mẹ và con; những tên gọi phổ biến đó là: u, bu, bầm, bủ, vú, mạ, má, mợ, mẹ… Mỗi nơi một cách gọi khác nhau nhưng đều gợi nên âm hưởng về sự yêu thương đằm thắm, không gì có thể thay thế được. Những tên gọi về đấng sinh thành, dưỡng dục đã hình thành một tín ngưỡng lớn, mang tính phổ biến của người Việt: tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này đã và đang tồn tại, phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam với nhiều tên gọi khác nhau: tục thờ Mẫu, đạo Mẫu, đạo thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong tiếng Việt, tục là thói quen thường nhật, là những biểu hiện cụ thể mang tính phổ biến trong đời thường của cộng đồng cư dân, như tục ăn trầu, cà răng, nhuộm răng đen... Việc thờ Mẫu ở các cộng đồng cư dân Việt được gọi là tục thờ Mẫu bởi tính phổ biến của nó. Bên cạnh đó, người ta còn gọi tín ngưỡng này là đạo Mẫu, đạo thờ Mẫu. Đạo ở đây là con đường, là tôn giáo. Con đường đi theo, trông cậy vào Mẫu, tôn vinh và cầu xin Mẫu che chở, ban phát không chỉ với tư cách là mẹ mà còn với vị thế của đấng vô cùng. Trong tâm thức của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu được tôn trọng, đề cao và nâng lên ngang hàng với các tôn giáo khác... Niềm tin và sự ngưỡng vọng của các tín đồ được thể hiện qua lễ nghi, phép tắc, diễn xướng văn hóa tâm linh cùng cách thức ứng xử, giao tiếp với Mẫu và các đối tượng thờ phụng liên quan.

Các tên gọi cho thấy, việc thờ Mẫu là một tín ngưỡng mang tính phổ biến của người Việt, thu hút và chiếm được sự tin tưởng, ngưỡng vọng của số đông dân chúng. Tín ngưỡng này, trong quá trình tồn tại, phát triển của xã hội, luôn được tôn vinh, đề cao, có xu hướng được nâng lên thành tôn giáo trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân Việt. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của một tôn giáo, đạo Mẫu ở Việt Nam còn cả một chặng đường dài phải vượt qua trong quá trình đồng hành cùng văn hóa dân tộc.

Cái gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tôn thờ cội nguồn của sự sinh sôi nảy nở, cầu mong sự phát sinh, phát triển không ngừng của cuộc sống đời người trong sự chở che, bao bọc, chăm sóc, bảo vệ chu đáo của mẹ vĩ đại. Cội nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu từ huyết thống mà ra; đó chính là tín ngưỡng thờ giống cái, tôn thờ sự sinh sản, sinh sôi nảy nở, thờ cái gốc của muôn giống loài: người mẹ. Chế độ mẫu hệ là chế độ đầu tiên của xã hội loài người, cho nên việc thờ Mẫu chính là tôn thờ sự khởi nguyên, bởi muôn loài đều do mẹ sinh ra. Thờ Mẫu còn thể hiện sự tri ân, tôn thờ sự dưỡng dục, nuôi dạy, yêu thương, bao dung, che chở của đấng tối cao đối với con cháu. Tục thờ Mẫu thể hiện sự giữ gìn nền tảng căn bản, bền vững; cái gốc của mỗi gia đình, của sự yêu thương. Đồng thời, việc thờ Mẫu cũng chính là sự tôn vinh và nhắc nhở mọi người phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của người Việt chính là tôn trọng và đề cao quyền lực của các đấng tối cao siêu hình giữ vai trò kiểm soát toàn bộ các lãnh địa, cương vực nơi gắn với sự ra đời, sinh sống và phiêu du của con người ở cả nơi cõi trần tục và tiên giới.

 Thờ Mẫu cũng chính là biểu hiện sự tôn thờ cái đẹp, cũng chính là sự tôn vinh những sắc màu của cuộc sống hiện sinh nơi trần thế! Điều đó càng thể hiện qua vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cuộc sống. Sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là thể hiện sự phát triển của xã hội thông qua việc đòi quyền bình đẳng của phụ nữ vào TK XVI với việc ra đời hình tượng Mẫu Liễu dưới thời Lê sơ (1427-1527) - thời kỳ Nho giáo thịnh hành. Việc ra đời Mẫu Liễu vào TK XVI là khá muộn màng đối với nữ quyền ở xã hội phong kiến Việt Nam vốn đề cao vai trò người đàn ông. Mặc dù người đàn ông được đề cao, nhưng người phụ nữ vẫn luôn được tôn trọng và họ có vị thế xứng đáng trong gia đình, trong cuộc sống. Từ thực tế cuộc sống và mối quan hệ nam - nữ đã diễn ra trong xã hội truyền thống Việt, không thể nói trọng nam khinh nữ mà chỉ có thể nói: trọng nam hơn nữ mà thôi!

Bên cạnh đó, việc thờ Mẫu thể hiện sự hỗn dung trong hệ thống tín ngưỡng bản địa của người Việt. Với bản tính hồn nhiên và mộc mạc, với trình độ phát triển ý thức hệ còn sơ khai, nhưng “mang trong mình một nền văn hóa bao dung, khoan dung” nên hầu như người Việt dễ dàng chấp nhận tất cả? Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp giữa thờ nhân thần, thiên thần và nhiên thần. Điều đó cũng thêm một minh chứng cho sự đa văn hóa, đa tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt.

2. Việc phối thờ trong đạo Mẫu

Có thể nói, đạo Mẫu chính là đạo của gia đình, đạo của muôn nhà. Điều này thể hiện qua việc phối thờ các đối tượng xung quanh tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong gia đình, phải có tổ tiên, cha ông; biểu hiện trong đạo Mẫu là việc phụng thờ đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, vua cha Bát Hải..., đó chính là tôn thờ ông Trời - đấng tối cao có thể chi phối được tất cả.

Theo dòng lịch sử, đức thánh Trần đã hóa thân trở thành cha của người Việt, cùng với thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều thế hệ. Sự tôn vinh, phụng thờ cha, mẹ thể hiện qua câu: “Tháng 8 giỗ cha - tháng 3 giỗ mẹ”. Tín ngưỡng thờ cha mẹ đã trở thành đạo nội trong dân gian. Đây là một biến thể của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, biến cả dân tộc thành một đại gia đình, có cha, có mẹ.

Ban thờ Trần triều Đại vương trong điện Mẫu chính là thờ Hưng Đạo Đại vương. Ngài không chỉ gắn bó với non sông đất nước mà còn luôn che chở, bảo vệ cho mọi gia đình nơi trần thế, đem đến sự an toàn, bình yên cho các bà mẹ, trẻ em trước mọi nguy cơ mất an toàn đến từ cuộc sống. Điều đó thể hiện, hội tụ, biểu trưng qua việc trừng trị “yêu tặc” Phạm Nhan (Nguyễn Bá Linh) - kẻ theo chân giặc Nguyên Mông chuyên làm hại bà mẹ, trẻ em. Do vậy, theo truyền thống của người Việt, khi trong gia đình có một đứa trẻ khó nuôi, người ta sẽ gửi vào cửa Phật, cửa thánh (ở đây là thánh Trần), xin bảo vệ cho đứa trẻ luôn mạnh khỏe, bình an. Hình thức này được gọi là “bán khoán”. Đứa trẻ sẽ được “chuộc” về khi bước vào tuổi dậy thì. Tuổi thơ của đứa trẻ được bảo vệ bằng niềm tin của gia đình, được đặt vào sự che chở của thánh. Đó chính là giá trị của tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục thờ Mẫu. Bên cạnh đó, ở các phủ điện, nơi thờ Mẫu sẽ có lầu cô, lầu cậu để mọi người, mọi nhà đến cầu tự, cầu phúc, cầu con cái trưởng thành.

Cuộc sống của mỗi gia đình luôn gắn với thiên nhiên, môi trường, nên trong đạo Mẫu có phối thờ các lực lượng tự nhiên mang yếu tố tô tem giáo, là các nhiên thần (thần tự nhiên) như: thần rắn (Ông Lốt) biểu hiện cho yếu tố âm, cho sông suối, nguồn nước (bao gồm Thanh Xà Đại tướng quân và Bạch Xà Đại tướng quân); Quan ngũ hổ biểu hiện cho sức mạnh, che chở, bảo vệ, cai quản, trị vì nơi núi rừng, sông suối. Ở đây, tín ngưỡng thờ Mẫu đã dung hội cùng tín ngưỡng thờ cúng động vật, cũng chính là thể hiện quan niệm vạn vật hữu linh, cầu mong sự trợ giúp từ nhiều nguồn, hướng, đối tượng để chở che, bảo vệ con người. Điều đó thể hiện quan niệm: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong mỗi gia đình của người dân Việt.

Trong đạo Mẫu còn xuất hiện phối thờ anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử, đó là ngũ vị tôn ông. Ngoài ra, các địa phương còn phối thờ các ông hoàng, bà chúa như:

Ông Hoàng Bơ, con thứ ba của đức vua cha Bát Hải Động Đình, danh tướng vào thời Hùng Vương, đã có công bình giặc Thục, giữ yên tám biển. Ông coi giữ đền Vàng nơi thủy phủ.

Ông Hoàng Bảy Bảo Hà (hay ông Bảy) cũng là con đức vua cha Bát Hải Động Đình, quan trấn giữ vùng biên ải để đánh giặc từ Trung Quốc tràn sang. Đền Bảo Hà thờ ông Hoàng Bảy nằm ở chân đồi Cấm, bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh rất hấp dẫn ở miền Tây Bắc.

Ông Hoàng Mười Nghệ An (hay ông Mười) là con thứ mười của Đức vua cha Bát Hải Động Đình. Dân gian lưu truyền rằng, ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một danh tướng của vua Lê Thái Tổ, có công dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong một lần đi thuyền, đến chân núi Hồng Lĩnh thì phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền và ông đã hóa trên sông Lam. Đền Chợ Củi bên sông Lam thờ ông Hoàng Mười, có tên là Thánh Mẫu linh từ hoặc Cô độc linh từ, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là quê nhà và cũng chính là nơi năm xưa di quan ông hóa và trôi về. Lễ hội vào ngày giỗ ông Hoàng Mười 10 - 10 âm lịch hằng năm.

Các ông Hoàng có nguồn gốc chung về mặt siêu linh là con của đức vua cha Bát Hải Động Đình. Có nghĩa, các ngài được sinh ra từ đấng siêu linh tối cao, có thể bao quát và chi phối mọi không gian và thời gian đối với mọi người trong niềm tin của các tín đồ.

3. Hoạt động chủ đạo trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài việc cúng lễ thông thường; còn một sinh hoạt hết sức đặc trưng mang tính chất của loại hình diễn xướng tâm linh là hát văn, hát chầu văn; lên đồng, hầu đồng, hầu bóng, hát bóng, múa bóng…

Lên đồng, hầu đồng

Khi nói về hoạt động chính của tín ngưỡng thờ Mẫu, chúng ta thường nói tới lên đồng hay hầu đồng. Đó là nghi lễ nhập hồn của các thánh tứ phủ vào thân xác của các ông đồng, bà cốt; quá trình đó có sử dụng hát văn để “làm nền”, phục vụ cho quá trình nhập đồng, hiển thánh giữa đám đông tín đồ, công chúng… Việc hầu đồng thường diễn ra ở phủ, điện thờ thánh Mẫu; nơi có màu sắc rực rỡ, âm thanh sôi động. Trong những không gian, thời gian, âm thanh, sắc màu, sự ngưỡng mộ, phù ủng… của đám đông khiến cho người “diễn” (cô đồng) càng phấn khích, càng say, càng “thăng”! Cuộc sống là sự giao lưu, có thăng có giáng nên trong quá trình hầu đồng sẽ có hiện tượng thăng - giáng, nhập - xuất, ẩn - hiện hài hòa tương hỗ…

Thế nào là một giá đồng?

Nhân vật được đồng cho mượn thân xác để biểu đạt nội dung, ý nghĩa nào đó trong một khoảng thời gian nhất định; thời gian đó gọi là một giá đồng. Kết thúc giá đồng, người ta sẽ trùm lên ông/ bà đồng một chiếc khăn lụa đỏ rồi tiến hành thay khăn áo, mũ, phương tiện rất nhanh chóng để bắt đầu một giá mới, một diễn xướng tâm linh mới. Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ thánh Mẫu đến hàng quan, chầu, ông hoàng, cô, cậu. Chúng tôi chưa biết thực sự có bao nhiêu giá đồng, nhưng thường nghe nói tới 36 giá. Có lẽ đây là con số thiêng, con số biểu tượng, con số của sự hòa hợp âm dương: dương (3) và âm (6) hợp thành bội số của 9 là số thành dương lớn nhất, cực dương, để tương xứng với cực âm nơi điện Mẫu!?

Các thành tố để cấu thành một giá đồng

Giá đồng là tổ hợp các diễn xướng văn hóa tâm linh của cộng đồng. Nó được hình thành bởi các đối tượng, tầng lớp tham gia như sau:

Thanh đồng: là ông đồng, bà đồng…, những người trụ trì, cai quản các hoạt động ở các đền miếu, phủ điện tư gia. Có thể là những người đứng đầu của công đồng bản hội trong đạo Mẫu. Họ có được những uy tín và vị trí nhất định trong công đồng bản hội, và được hỗ trợ toàn diện về mọi mặt cả sinh hoạt đời thường và sinh hoạt tín ngưỡng; được tôn trọng trong công đồng bản hội và đời sống xã hội bình dân.

Phụ đồng: bao gồm nhị trụ, tứ trụ, tức 2 hay 4 người, là những người phụ giúp nâng khăn sửa túi, châm hương, dâng rượu, đưa, cất phụ trang, tiếp lời, đưa dẫn, thưa gửi cô đồng. Phụ đồng là những nhân vật trung gian để kết nối và chuyển tải thông điệp từ thần linh tới tín đồ, đệ tử, công chúng.

Cung văn: là những người hát văn, nhạc công chơi các loại nhạc cụ theo các làn điệu khác nhau để tạo nền, hợp thành các diễn xướng văn hóa tâm linh trong các giá đồng ở những không gian nơi điện thờ thánh, thờ Mẫu vào những thời gian xác định. Cung văn có thể từ một tới vài ba người, hát trong giá đồng và chơi các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn nguyệt, đàn thập lục, sáo…

Tín đồ: là đông đảo các con nhang đệ tử, với đủ các thành phần khác nhau trong xã hội, miễn là có “tín tâm”, có niềm tin vào các bậc thánh, thần… Họ có thể là những người có căn đồng, những người gặp “vấn đề” trong cuộc sống; họ tìm đến điện Mẫu, tổ chức các giá đồng như một cứu cánh, giải thoát cho những khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống. Rất nhiều người cũng bị cuốn đi bởi làn điệu, cung bậc âm thanh, sắc màu của các khúc diễn xướng văn hóa tâm linh trong những không gian và thời gian đặc trưng, đặc biệt. Tất cả các thanh đồng, phụ đồng, cung văn, tín đồ đều là con của Mẫu, núp dưới bóng Mẫu, nhận được sự chở che, ban phát của Mẫu.

Các dạng lên đồng, hầu đồng

 Tìm hiểu thực tế trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, có hai dạng lên đồng, hầu đồng:

Thứ nhất, đồng điệu, đồng nghệ thuật, đồng diễn… mang tính thưởng ngoạn, ngợi ca, giải sầu, giải tỏa những tâm sự bực bội, uất ức chứa trong mỗi người mà không có cơ hội và điều kiện tỏ bày… Các giá đồng này thường diễn ra dưới hình thức “kính tâm - ban lộc”: dâng tiền lên cô/ cậu hoặc phụ đồng rồi cô/ cậu, phụ đồng thông qua các cung bậc của hát văn, thời điểm của giá đồng sẽ ban lộc cho những tín đồ vây quanh và khán thính giả có mặt trong giá đồng.

Đây là một loại hình diễn xướng tâm linh, mang tính chất diễn xướng cung đình nhưng hướng tới dân gian hoặc diễn xướng dân gian nhưng mang màu sắc cung đình. Người dân có cơ hội giao tiếp và hưởng lộc mà thánh thần ban cho, hưởng thụ những giá trị văn hóa nghệ thuật qua mỗi giá đồng. Điều đó dẫn đến sự so sánh, nhận xét, đánh giá, chê bai, phân cao thấp… giữa các thanh đồng về độ khéo, mượt, dẻo trong diễn xuất. Như vậy, các giá đồng, trước hết là một tác phẩm văn hóa - văn nghệ, thu hút rất đông tín đồ tham dự, đôi khi chỉ để nghe, xem, thưởng thức nghệ thuật của âm thanh, sắc màu và điệu bộ của người diễn xướng.

Thứ hai, đồng bắt ma trừ tà, đồng phù thủy… trong các giá đồng hầu Hội đồng thánh Trần của các thày cúng, để chữa bệnh tâm linh cho một số đối tượng gặp hoàn cảnh đặc biệt. Các giá hầu đồng này mang yếu tố Shaman giáo, đôi khi mang nặng yếu tố hành xác, hù dọa, trừng phạt… nhằm mục đích để xua đuổi ma quỷ. Các giá đồng này thường gắn với việc hóa giải tai ách cho các con nhang bản phủ, bản điện thuộc công đồng bản hội khi họ gặp những “vấn đề” trong đời sống tâm linh tinh thần của mình.

Một số diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số như mỡi của người Mường, then của người Tày, đôi khi cũng là hình thức biểu hiện giống như hình thức lên đồng bắt ma trừ tà của người Việt. Đó là một phần của đời sống tâm linh, tinh thần trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những người hành nghề thày cúng là nhân vật trung gian để kết nối và chuyển tải thông điệp từ thần linh đến con người.

4. Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua hoạt động du lịch

Du lịch là hoạt động ngày càng phát triển trong xã hội hiện đại; trong đó không thể không kể đến du lịch văn hóa tâm linh với điểm là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Nhiều di tích nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể đến như phủ Tây Hồ (Hà Nội), phủ Dầy (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Bảo Hà (Lào Cai), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), miếu Bà Chúa xứ (An Giang)… là những di tích gắn với đạo Mẫu. Du khách thường tới di tích vào dịp lễ hội, chủ yếu là hai đối tượng:

Thứ nhất, du khách đến với các di tích thờ Mẫu với nhu cầu văn hóa tâm linh thông thường, để tôn trọng, tôn vinh, tin tưởng và nguyện cầu thánh Mẫu, các ông hoàng bà chúa sẽ che chở, phù hộ cho họ sự bình yên, may mắn trong cuộc sống.

Thứ hai, du khách là hội viên, con nhang đệ tử của các bản hội công đồng trong phủ điện; gia đình những người bỗng dưng gặp tai ách trong cuộc sống cần tháo gỡ, hóa giải, trợ giúp về mặt tâm linh, tinh thần. Những đoàn khách này đến nơi đền phủ thờ Mẫu với mục đích, động cơ cụ thể, cần sự “thăng giáng” của Mẫu, của cô, cậu để nhận lời phán bảo, chỉ dụ, dẫn dụ…; hóa giải và ổn định tâm lý.

Các công ty du lịch cần có chính sách điều tiết thị trường kinh doanh bằng việc quan tâm đầu tư đối với thị trường mục tiêu gắn với khách hàng tiềm năng như thế nào cho phù hợp. Với đối tượng khách thứ nhất, cần nắm chắc lịch lễ hội tại các di tích thờ thánh Mẫu, nghiên cứu đặc điểm của điểm tuyến du lịch để bố trí hướng dẫn viên hiểu biết về văn hóa, tổ chức sắp xếp các dịch vụ tín ngưỡng phù hợp từ đó tổ chức các chương trình du lịch văn hóa tâm linh đặc thù. Trong các chương trình du lịch văn hóa tâm linh này, sắp xếp làm sao để du khách có thể tham quan một buổi hát văn, tham gia một giá hầu đồng… để tạo ấn tượng và tạo điểm nhấn cho chương trình du lịch.

Với đối tượng khách thứ hai, các hãng lữ hành cần thiết lập và giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các bản đền, thanh đồng, công đồng bản hội trong không gian mà doanh nghiệp của mình kinh doanh. Từ mối quan hệ đó mà doanh nghiệp thường xuyên tổ chức chương trình du lịch đặc thù, phục vụ các giá đồng, buổi hầu đồng đặc biệt. Các doanh nghiệp du lịch cùng phối hợp với Ban quản lý các di tích đền phủ để tổ chức, sắp đặt không gian, thời gian tại các di tích thờ Mẫu. Bởi, cùng một thời gian, không gian tại các di tích nổi tiếng sẽ có nhiều thanh đồng, bản hội cùng tổ chức các hoạt động diễn xướng tâm linh.

Việc đưa du khách đến với các di tích lịch sử - văn hóa nói chung, các đền miếu, phủ điện thờ Mẫu nói riêng chính là việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động du lịch gắn với việc khai thác giá trị của đạo Mẫu chính là thể hiện sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân; là giải pháp “bảo tồn động” di sản văn hóa dân tộc. Hoạt động này góp phần nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Toan Ánh, Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam, Nxb TP.HCM, 1992.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa.

3. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ban hành ngày 16-1-2017.

4. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb TP.HCM, 1993.

5. Đặng Văn Lung, Tam tòa Thánh Mẫu, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991.

6. Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

7. Dương Văn Sáu, Giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2004; Giáo trình Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2008; Giáo trình Văn hóa du lịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2017.

8. Mai Thị Hạnh, Bản hội trong đạo Mẫu, tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018.

Tác giả: Dương Văn Sáu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;