Những kỷ lục đấu giá mới của tranh Đông Dương và...

Các tháng 5-6 và 11-12 hằng năm là những dịp quan trọng nhất trong thế giới đấu giá nghệ thuật. Nhiều thập kỷ nay, các nhà đấu giá hàng đầu thế giới luôn dành riêng cho các phiên đấu giá vào hai dịp này những lô hàng quan trọng nhất của họ, những “quả bom tấn” được định sẵn để phá kỷ lục. Vậy mấy phiên đấu giá mới tại các “sàn ngoại hạng” thế giới gần đây nhất có gì thú vị? Và tình hình thị trường tranh Đông Dương trên thế giới dịp này ra sao? Những thông tin tổng hợp dưới đây sẽ phần nào giúp bạn đọc giải đáp mấy thắc mắc nói trên.

Hai chuyên gia đấu giá trẻ ở Montpellier, Julie Le Brun và Jacques Farran, bên bức tranh Khỏa thân ngồi của Vũ Cao Đàm trước giờ đấu giá. @Euroday.fr

Tranh Đông Dương vẫn được quan tâm 

Theo nguồn tin mới nhất, vào ngày 11 tháng 6 vừa qua, hai nhà đấu giá ở Pháp là Drouot (Paris) và Farran (Montpelier) đã phối hợp với nhau bán thành công một bức tranh lụa nhan đề Khỏa thân ngồi (1938) của Vũ Cao Đàm với giá 275.000 euro (cao hơn nhiều mức dự tính 100.000 euro và chưa tính các phụ thu khác). Theo nhà đấu giá Farran, đây là một tác phẩm thuộc thời kỳ Vũ Cao Đàm mới sang Pháp, từng thuộc về bộ sưu tập của gia đình cựu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Dù có kích thước khiêm tốn (59x46cm) và chất lượng nghệ thuật còn nhiều điều cần bàn, song với nguồn xuất xứ “đáng nể” như vậy, thương vụ này thu về một thanh khoản lớn cũng là dễ hiểu. Xác suất “người mua trong nước” cũng rất lớn !

Trước đó, vào ngày 7 và 8 tháng 6-2023, nhà đấu giá Artcurial ở Pháp đã tổ chức bán đấu giá các phiên Nghệ thuật Ấn tượng & Hiện đại và Nghệ thuật Hậu chiến & Đương đại. Và bốn bức tranh dưới đây đã bán được với giá khá ấn tượng. 

Lê Phổ, Mẹ và con, lụa. 60x46,5 cm. (không rõ năm sáng tác). Giá ước tính: 200.000 - 300.000 euro. Giá bán: 524.800 euro. @Artcurial.

Những kết quả đấu giá mới nhất nói trên cho thấy dù tình hình kinh tế thế giới đầy bất ổn nhưng tranh của các danh họa người Việt ở Pháp vẫn được giới sưu tập (quốc tế và trong nước?) quan tâm. Đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng và có tác dụng tiếp sức, thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước.

… Và các tác phẩm nổi bật khác trên sàn đấu giá quốc tế 

Chỉ trong vòng hai tuần của tháng 5-2023, thị trường nghệ thuật thế giới đã chứng kiến nhiều thương vụ đình đám với tổng doanh số gần 2 tỷ USD tại ba nhà đấu giá hàng đầu thế giới - Christie’s, Sotheby’s và Phillips. Tổng doanh số này, mặc dù đáng kể, nhưng cũng giảm nhiều so với cùng thời điểm này những năm trước. Vào kỳ này năm ngoái, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Một loạt các tác phẩm lớn đã bị rút khỏi các phiên đấu giá, song, cũng có những thương vụ thực sự gây ngỡ ngàng, góp phần làm dịu nỗi lo về một thị trường nghệ thuật biến động trong bối cảnh kinh tế bất ổn hiện nay. Dưới đây là những tác giả và tác phẩm vừa ghi được kỷ lục đáng nể. 

Mai Trung Thứ, Bên ban công, lụa. 55x46 cm. 1945. Giá ước tính: 100 000 - 150 000 euro. Giá bán: 406.720 euro. @Artcurial.

Basquiat vẽ Vở diễn lớn (Sông Nile) (1983) khi mới 22 tuổi, đã bán được 67,1 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s . Đây là một trong ba bức tranh sơn dầu khổ lớn ông vẽ năm đó. Nó được bán đấu giá lần cuối với giá 5,2 triệu USD vào năm 2005. Người thắng với giá cao nhất (67,1 triệu USD) là một nhà sưu tập đấu giá qua điện thoại. Đây là bức tranh đắt thứ tư của Basquiat được bán đấu giá trong lịch sử. Kỷ lục của nghệ sĩ là 110,5 triệu USD, được xác lập vào tháng 5 năm 2017.

Bức tranh sơn dầu Hồng hạc, một trong những tác phẩm thuộc loạt tranh “rừng rậm”, được vẽ vào năm cuối cùng trước khi Henri Rousseau qua đời. Tác phẩm đã tăng hơn gấp đôi ước tính thấp nhất là 20 triệu USD, thu về tổng cộng 43,54 triệu USD cho nhà Christie’s. Tác phẩm này đã phá vỡ kỷ lục hiện tại của ông là 4,4 triệu USD, được thiết lập cách đây ba mươi năm.

Là một trong những bức tranh vẽ theo lối ấn tượng rất sớm, tác phẩm Insel im Attersee / Đảo ở Attersee của Gustav Klimt có kích thước 100 x 100 cm, cũng là một trong những tranh phong cảnh thành công nhất của ông. Mặc dù giá ước tính cho bức tranh không được công khai, nhưng một số nguồn tin cho rằng nó vào khoảng 45 triệu USD, và kết quả là bức tranh đã bán được trên sàn Sotheby’s với giá 53,2 triệu USD.

Mai Trung Thứ, Hai chị em, lụa. 55x38 cm. 1945. Giá ước tính: 100 000 - 150 000 euro. Giá bán: 262.400 euro. @Artcurial.

Bức tranh sơn dầu trên toan Empire des Lumiere/ Đế chế Ánh sáng có kích thước 80,3 x 65,7 cm được René Magritte sáng tác vào năm 1951, đã có mức giá bán trọn gói là 43 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s. Theo các chuyên gia đấu giá quốc tế, đây là mức giá khá cao, thể hiện “sức mạnh của Chủ nghĩa siêu thực” vẫn còn rất lớn trên thị trường hiện nay. 

Là một trong nhiều tác phẩm được Pablo Picasso vẽ vào năm 1932, bức tranh sơn dầu khổ 129,7 x 162,3cm mô tả một bình hoa và đĩa hoa quả bên pho tượng bán thân của người tình Marie-Thérèse Walter của ông. Với năm sáng tác 1932 thuộc thời kỳ được giới nghiên cứu quan tâm đối với Picasso, nó trở thành tác phẩm có sức hấp dẫn đối với thị trường nghệ thuật, vì vậy đã không gặp vấn đề gì khi nhà đấu giá Chrisitie’s bán được 41,8 triệu USD.

Jean-Michel Basquiat, The Great Spectacle (The Nile)/ Vở diễn lớn (Sông Nile), 1983. @Christie’s.

Bức chân dung tự họa khổ nhỏ (35,6 x 30,5 cm) của Francis Bacon đã thu về cho nhà Christie’s 34,6 triệu USD. Được sáng tác vào năm 1969, tác phẩm này thể hiện khá hoàn hảo tất cả những gì đáng chú ý về quan điểm của Bacon về bản thân và nghệ thuật của ông - một sự pha trộn giữa cảm giác tức giận và vẻ đẹp hội họa.

Với chiều cao hơn 3m và rộng khoảng 5,5m, tác phẩm điêu khắc quá nổi tiếng này của Louise Bourgeoisđã trở thành tác phẩm điêu khắc đắt nhất của một nữ nghệ sĩ được bán đấu giá khi nó đạt mức gõ búa 32,8 triệu USD tại Phiên đấu giá buổi tối của nhà Sotheby’s. Tác phẩm này, từng thuộc về Công ty dịch vụ tài chính Brazil Fundação Itaú, đã hạ gục kỷ lục 32,1 triệu USD trước đó được thiết lập vào năm 2019 cho một tác phẩm tương tự, Nhện (1997). 

Mai Trung Thứ, Chải tóc, lụa. 45,6x37,9 cm. 1943. Giá ước tính: 80 000 - 120 000 euro. Giá bán: 183.680 euro. @Artcurial.

Tạm kết 

Nhìn chung, các kết quả đấu giá diễn ra trong “mùa cao điểm” vừa qua cho thấy giới sưu tập hay đầu tư trong thị trường nghệ thuật Đông Dương và quốc tế vẫn còn “sung sức”, nhưng đang rất thận trọng so với cùng thời kỳ các năm trước đây. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn vẫn còn nhiều thương vụ đấu giá quan trọng đang được người mua lẫn người bán “bày binh bố trận”. Chúng ta hãy bình tĩnh chờ đợi, quan sát, và có quyền hy vọng rằng thị trường nghệ thuật của các tác giả Việt - nếu không bị tiếp tục vướng vào những vụ tai tiếng tranh giả / tranh rởm - sẽ có chiều hướng ngày một khả quan hơn.

Louise Bourgeois, Spaider / Nhện, 1996. @ Sotheby’s.

VÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;