Phim tiểu sử: Sáng tạo và thách đố

Mặc định phim ảnh là sáng tạo nhưng dòng phim về các danh nhân, nhân vật lịch sử hay nhân vật có thật lại nằm giữa lằn ranh mỏng manh giữa sáng tạo và thách đố.

Phim Mạng xã hội (The Social Network)

Theo con số thống kê cho thấy trong số khoảng 700-800 phim được sản xuất mỗi năm tại thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), số lượng phim tiểu sử (biopic) chỉ chiếm chưa đến 10%. Dù chỉ chiếm tỷ trọng ít nhưng bất cứ dự án phim tiểu sử nào khi công bố cũng gây sự chú ý, thu hút. Sức hấp dẫn này không chỉ đến từ cộng đồng người hâm mộ của nhân vật được dựng thành phim, mà còn đến từ những diễn viên được chọn vào vai nhân vật có thật trong lịch sử, trong cuộc sống. Không cứ thể loại hay hình thức chiếu, phim trên màn ảnh lớn hay phim truyền hình, thậm chí cả thể loại phim tài liệu cũng thu hút khi nhân vật là những người có sức ảnh hưởng với lịch sử, văn hóa, xã hội…

Đã có không ít những ví dụ về phim tiểu sử và một trong những ví dụ điển hình nhất có lẽ phải kể tới phim Mạng xã hội (The Social Network, 2010) - tác phẩm được hư cấu ít nhiều khi kể về sự hình thành của Facebook. Trong khi chính “khổ chủ” Mark Zuckerberg - người sáng lập facebook tuyên bố “chặn” bộ phim thì hai người đồng sáng lập còn lại của mạng xã hội này cũng khẳng định phim có nhiều tính hư cấu, khác xa sự thật và chỉ thuần chất giải trí.

Nhà vật lý học Stephen Hawking, công nương Diana quá cố, vận động viên bóng rổ tài năng Michael Oher (phim The blind side - 2009) và hàng loạt nhân vật có thật khác cũng vậy. Những bộ phim về họ đều bị ít nhất một thành viên gia đình, người thân, người có liên quan lên tiếng vì nhiều khắc họa chưa chính xác…

Thực tế này cho thấy phim tiểu sử dù được ưu đãi khá nhiều về cốt truyện, nhân vật, các sự kiện, tình tiết… gây được sự hấp dẫn, cuốn hút với công chúng nhưng cũng chính bởi họ là người của công chúng, của số đông nên sẽ có nhiều góc nhìn, sự tiếp cận khác nhau về nhân vật. Và mỗi góc nhìn ấy khi áp lên phim sẽ có những khác biệt dẫn đến bất đồng, tranh cãi bởi “thần tượng” là của tất cả và ai cũng nghĩ góc nhìn, góc tiếp cận của mình là chính xác hoặc duy nhất đúng. 

Phim The blind side

Một điều dễ nhận thấy là sau mỗi bộ phim tiểu sử, các tờ báo, tạp chí điện ảnh rầm rộ lên bài so sánh giữa nhân vật hiện thực và hư cấu. Cùng lúc sẽ có những phản hồi khen, chê từ người hâm mộ, người thân, gia đình của nhân vật được dựng tiểu sử. Ở trường hợp làm phim về người còn sống thì chính “khổ chủ” cũng có thể lên tiếng.

Trong bài viết “Vì sao làm phim tiểu sử hay lại gần như là điều bất khả thi?” (Why it’s nearly impossible to make a good biopic?) trên tạp chí Vice.com, tác giả viết bài đã phân tích rằng khi bước chân vào lãnh địa phim tiểu sử thường có nghĩa là “mở ra một hộp Pandora đầy phức tạp”.

Sự phức tạp này đến từ nhiều khía cạnh, góc độ. Nó có thể nằm ở diễn viên thể hiện khi đại đa số cho rằng họ khắc họa thành công hoặc thất bại so với nguyên mẫu. Cá biệt có trường hợp, chính lối sống, đời tư của diễn viên vào vai lại là chủ đề gây tranh cãi như trường hợp của phim Evita do Madona thủ vai. Với những nguyên mẫu có tài, đức độ thì diễn viên ngoài sự hợp vai, những sáng tạo trong nghệ thuật thì đời sống cá nhân cũng bị “soi” có xứng hay không xứng với nguyên mẫu. Thứ đến, cách kể chuyện, những góc nhìn, sự sáng tạo... hoặc những quan điểm mâu thuẫn về tầm nhìn nghệ thuật của êkip cũng dễ dẫn tới các tranh cãi, thậm chí kiện tụng khi bộ phim ra mắt.

Mới đây, phim Mike có sự tham gia của Trevante Rhodes trong vai Mike Tyson, mô tả cuộc đời từ thời niên thiếu cho đến khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với tư cách là một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp kéo theo hàng loạt bê bối xảy ra sau khi anh giải nghệ. Nhà biên kịch Steven Rogers đã tạo ra kịch bản Mike và điều hành sản xuất. Hulu sẽ công chiếu 2 tập đầu tiên của 8 tập phim vào ngày 25.8. Tuy nhiên, Mike Tyson đã phản ứng loạt phim khi chia sẻ: Tôi không ủng hộ câu chuyện của họ về cuộc đời tôi. Đó không phải là năm 1822 mà là năm 2022. Họ đã đánh cắp câu chuyện cuộc đời tôi và không trả tiền cho tôi. Đối với các giám đốc điều hành của Hulu, tôi chỉ là một thứ mà họ có thể bán”.

Tuy khó khăn là thế nhưng cũng không khó để thấy phim tiểu sử thường xuyên nhận đề cử tượng vàng Oscar - thước đo tài năng nghề nghiệp và ước mơ cả đời của nhiều diễn viên. Loạt phim tiểu sử được nhìn nhận dễ gặt hái thành công tại các giải thưởng điện ảnh danh giá như Quả cầu vàng, Oscar... Thường các phim tiểu sử thành công sẽ có ít nhất một tượng vàng cho diễn viên chính hoặc phim hay nhất, cùng 2-3 đề cử khác cho các diễn viên phụ hoặc đội ngũ hóa trang. Chính vì có duyên với giải thưởng nên một bài viết trên trang báo chuyên về phim ảnh tại Mỹ The Wrap vào năm 2019 có có bài viết với tiêu đề: “Muốn giành giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc nhất? Hãy tham gia một phim tiểu sử”.

Phim Mike

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều trang báo liên tục nhận xét Hollywood đang “phát cuồng” với phim tiểu sử. Năm 2016, tờ Guardian đăng tải bài viết với tiêu đề đầy mỉa mai - “Cơn nghiện phim tiểu sử của Hollywood cần chấm dứt trước khi phim về Madonna ra đời.” Tác giả Stuart Heritage của bài viết đã than phiền: “Đáng lẽ giờ đây, chúng ta đã ngán phim tiểu sử tận cổ rồi. Chúng ra đời quá nhanh và dày, theo công thức và trung bình đến nỗi đã trở thành một dòng phim chuyên để “câu” giải Oscar.

Dù vậy, xu hướng làm phim tiểu sử dường như không có gì suy chuyển. Không chỉ khán giả, giới phê bình dường như vẫn thích những câu chuyện thú vị về những người nổi tiếng.

Theo thống kê của IMDb, lịch sử 94 năm Oscar ghi nhận tổng cộng 480 phim từng nhận đề cử phim hay nhất, trong đó có 108 phim thuộc thể loại tiểu sử (chiếm hơn 1/5) và 16 trong số đó đã giành tượng vàng quý giá. Nhờ vậy, số lượng đề cử và thắng giải cho các diễn viên chính-phụ trong một phim tiểu sử cũng tăng theo.

Dù thế nào thì phim tiểu sử vẫn là một mỏ vàng khi có sẵn những cốt truyện hấp dẫn, những nhân vật “có một không hai”. Vấn đề là những sáng tạo của êkip có được công chúng chấp nhận hay chính họ bị “chìm nghỉm” trước khối tư liệu ngồn ngộn và không tìm được lời giải trước những thách đố từ chính câu chuyện, nhân vật.

HỒNG SÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;