Những đặc điểm của múa cổ điển châu Âu

Múa cổ điển (MCĐ) châu Âu, với phương tiện thể hiện chính là những động tác thông qua các đường nét trên cơ thể diễn viên, có thể miêu tả được mọi khía cạnh tâm hồn, tình cảm, góp phần tạo nên hình tượng, tính cách nhân vật cũng như xung đột, kịch tính của vở diễn. MCĐ châu Âu còn đem đến những động tác uyển chuyển, mềm mại và đầy sự mãnh liệt, mang tính quy phạm, chính xác cao, bởi MCĐ châu Âu có một hệ thống tạo hình hoàn chỉnh, khoa học, đã được đúc kết hàng thế kỷ nay.

MCĐ châu Âu có những đặc trưng không thể nhầm lẫn như: múa trên giày mũi cứng, độ mở của chân, sự dẻo dai với những động tác tỉ mỉ mà bay bổng, yêu kiều, phong nhã và phẩm chất thanh tao, lịch lãm. MCĐ châu Âu là tài sản chung của nhân loại. Với sự phát triển của xã hội, các dòng múa khác xuất hiện, nhưng đều xuất phát từ MCĐ châu Âu, đều lấy MCĐ châu Âu làm nền tảng.

Có thể nói, ballet là một vở kịch múa, còn ballet cổ điển là kịch múa sử dụng những động tác, luật động chính của bộ môn MCĐ châu Âu. Trong một vở ballet cổ điển không thể nào thiếu hai yếu tố: kịch và múa. Vở kịch múa cũng phải có cốt truyện, nội dung, tư tưởng, nhân vật, xung đột, hành động, cũng có thắt nút, giải quyết như ở một vở kịch, nhưng kịch múa phải thể hiện bằng ngôn ngữ riêng của mình. Ở kịch MCĐ, đó là những động tác, bước đi, bước nhảy… của MCĐ châu Âu. Có thể có vở kịch rất hay, nhưng không thể trở thành một vở ballet, vì nó không có yếu tố, điều kiện múa. Và ngược lại, một vở kịch múa mà không có tính kịch thì cũng không thể trở thành một vở kịch múa hay. Vì thế, hai yếu tố kịch và múa phải luôn có trong nhau.

Trích Biến tấu trong kịch múa Cướp biển - Ảnh: Lê Anh Tiến

Ballet cổ điển là thể loại quy mô, phong phú nhất của nghệ thuật múa. Tất cả các thể loại múa đều quy tụ, tập trung vào ballet, đặc biệt là thể loại múa hình thức múa đơn, múa đôi, múa tập thể và tùy theo nội dung, mức độ hành động của nhân vật mà vai trò của chúng là quyết định hay đóng vai trò hỗ trợ. Nhưng dù là thể loại nào đi chăng nữa thì chúng cũng đều mang tính biểu hiện, tính kỹ thuật, tính thẩm mỹ cao và tính sáng tạo có yếu tố độc lập của diễn viên.

1. Tính biểu hiện cao

Múa được thể hiện qua những đường nét trên cơ thể diễn viên, mang thông điệp, tư tưởng tới khán giả, vì vậy, bản thân múa đã mang tính biểu hiện cao. Bên cạnh đó, múa là loại hình nghệ thuật tổng hợp, nó được tích hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, mỹ thuật, kịch, âm thanh, ánh sáng… Trong kịch múa, những thành tố này đóng vai trò quan trọng để có một tác phẩm hay, chuyên nghiệp. Ballet cổ điển sử dụng một hệ vốn ngôn ngữ ước lệ biểu cảm có đặc trưng riêng với một hệ thống tạo hình hoàn chỉnh, động tác mang tính quy phạm, khoa học, thẩm mỹ và chính xác cao.

Ngoài mang tính biểu hiện cao của những chuyển động, ngôn ngữ múa thì âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện ấy, nó là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật múa. Vì vậy, ngoài sự hiểu biết về ngôn ngữ múa, nghệ sĩ múa còn phải cảm thụ được âm nhạc một cách sâu sắc. Ví dụ, trong vở kịch múa kinh điển Hồ thiên nga, ở phần Adagio - màn hai, khi hoàng tử đắm chìm trong tình yêu với công chúa thiên nga, khi cả hai bày tỏ tình cảm trong tiếng nhạc réo rắt, khoan thai, nhưng cũng có lúc nó “rên” lên như tiếng khóc bởi những lời kể của công chúa thiên nga về quá khứ… Các diễn viên thể hiện phải cảm nhận được giai điệu của từng ý nhạc, cũng như hơi thở của động tác để dẫn dắt khán giả đến với tình cảm của từng nhân vật và nội dung vở diễn.

Ở đoạn này đã sử dụng hình thức múa đôi. Theo thuật ngữ tiếng Pháp, Duo có nghĩa là một đôi, một cặp. Và trong múa gọi là múa đôi, có thể là hai diễn viên nam, cũng có thể là hai diễn viên nữ, nhưng phổ biến nhất là múa giữa một diễn viên nam và một diễn viên nữ. Sự biểu hiện trong múa đôi rất tình cảm, lãng mạn, có khi vui tươi, nhí nhảnh…, nhưng dù thể hiện ở nhân vật nào thì hai diễn viên cũng phải kết hợp hài hòa với nhau thông qua các động tác của ngôn ngữ múa cùng sự nhuần nhuyễn với âm nhạc. Có những đoạn múa đôi đã trở thành mắt xích của chủ đề hay là động lực để phát triển vở diễn. Như ví dụ trên, lời thề tình yêu bất tử và mãi trung thành của hoàng tử Siegfried với công chúa thiên nga - Odette suốt phần còn lại cuộc đời mình ở màn hai, đã là mấu chốt cho những phần tiếp theo của vở diễn.

Trong múa đôi, tạo hình là điểm rất quan trọng, đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ cao, tạo hình trong không gian, không chỉ ở tầng thấp mà cả tầng trung và trên không. Mặc dù đã có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật và hình thức múa, nhưng giá trị của múa đôi đến nay vẫn thiết thực và không thể thiếu trong một vở ballet. Để có những đoạn múa đôi hấp dẫn, nhuần nhuyễn, cần nắm chắc những luật động cơ bản của bộ môn múa Duo đến những kỹ thuật, kỹ xảo khó, tinh tế được phát triển lên từ chúng. Dù ở trường phái ballet cổ điển nào thì cũng đều bắt đầu học tuần tự từ những động tác cơ bản kết hợp trên mặt sàn của múa Duo, đến những thủ pháp bê đỡ phức tạp trên không…

2. Tính kỹ thuật cao

Để có một vở ballet cổ điển, dù là diễn viên tập thể hay diễn viên chính, tất cả đều phải qua đào tạo MCĐ châu Âu. Trong một buổi học, thường có ba phần chính, đó là những bài tập phần trong gióng, ngoài gióng và phần nhảy. Phần trong gióng là những tổ hợp để làm nóng cơ thể, giãn cơ bắp, cũng như gân cốt, tạo cho các khớp chuyển động một cách thoải mái. Bài tập ngoài gióng là sự lặp lại những bài tập như phần trong gióng và thường bắt đầu với những tổ hợp chậm, nhưng chắc chắn, giúp cho diễn viên múa phát triển về mặt kỹ thuật, cảm nhận được trọng tâm cơ thể, sự chính xác, nhẹ nhàng của các động tác. Sau đó là những chuyển động nhanh hơn - phần nhảy, trong đó có nhảy nhỏ, độ nhanh nhạy của chân, những bước nhảy trung, rồi nhảy lớn và kỹ thuật quay trên không đối với nam. Những kỹ thuật sẽ được người hướng dẫn đưa vào bài tập, tổ hợp để luyện sức chân, độ dẻo dai của cơ bắp, sự mềm dẻo, kỹ thuật quay hay tính linh hoạt của cơ thể... Đối với nữ, còn có thêm những bài tập và kỹ thuật trên giày mũi cứng, đây cũng là một trong những đặc điểm của MCĐ châu Âu và mang tính kỹ thuật cao, bởi nó đòi hỏi diễn viên nữ phải đảm bảo được những động tác, kỹ thuật trên giày mũi cứng thành thục như trên giày mũi mềm.

Tất cả bài tập đều hàm chứa những yếu tố không thể thiếu trong MCĐ châu Âu, cho dù là ở trường phái nào cũng mang những yếu tố sau: Plies - độ cong có góc, độ gập; Tendus - độ duỗi; Releve - độ kiễng; Saute - độ bật, sức bật; Glisse - độ trượt, độ lướt; Elance - độ lao, độ phóng; Tournee - độ quay. Khi nói đến kỹ thuật trong MCĐ châu Âu, tức là đang nói đến những bước múa, hay những động tác múa của diễn viên. Vì thế, diễn viên có kỹ thuật tốt nghĩa là người đó thực hiện những động tác múa “sạch sẽ”, uyển chuyển, không có lỗi cùng cảm xúc, hơi thở, hồn múa, cho dù đang thể hiện múa đơn, múa đôi hay các hình thức múa khác.

3. Tính sáng tạo có yếu tố độc lập của diễn viên

Khi diễn viên đảm bảo được những yếu tố cơ bản của MCĐ châu Âu thì những yếu tố về kỹ thuật, kỹ xảo, sự chuyển động thanh thoát trong âm nhạc không còn là vấn đề khó khăn, thêm vào đó là sự biểu cảm cũng được cải thiện theo. Họ sẽ tự tin để phát huy, sáng tạo tính nghệ sĩ và tính nhân vật, nhất là mỗi đêm diễn là một lần sáng tạo, là một thế giới mới… Tính khoa học của bộ môn làm cho cơ thể được giải phóng, tạo cho diễn viên có tính ổn định trong biểu diễn, là cơ sở để tiếp thu dễ dàng hơn ngôn ngữ múa khác, điển hình là đối với múa hiện đại, múa jazz. Yếu tố biểu diễn rất quan trọng, nó quyết định đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, muốn được như vậy, diễn viên phải nắm chắc và thực hành thuần thục kỹ thuật múa.

Vai trò của MCĐ châu Âu có tác động rất lớn trong nghệ thuật múa, không chỉ đối với diễn viên mà với cả những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật này. Dù là biên đạo, nhà huấn luyện, phê bình lý luận hay diễn viên thì kiến thức cơ bản về MCĐ châu Âu cũng là cơ sở cho họ phát triển trong sự nghiệp của mình, bởi tính khoa học trong tư duy sáng tạo, trong kết cấu… và quan trọng hơn, nó đã làm nên vẻ đẹp về tâm hồn, trí tuệ của thành phần đồng sáng tạo - khán giả.

4. Tính thẩm mỹ cao

Tất cả các loại hình nghệ thuật đều mang tính thẩm mỹ, bởi chúng đại diện cho cái đẹp. MCĐ châu Âu - ballet cổ điển là loại hình nghệ thuật tổng hợp, là sự kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, mỹ thuật, trong đó có cả sân khấu và thiết kế, âm thanh, ánh sáng… Mỗi loại hình nghệ thuật đều góp phần làm cho một tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật bằng những đặc thù, ngôn ngữ riêng và được kết hợp một cách công phu, chi tiết, hài hòa để tạo nên một tác phẩm múa có tính thẩm mỹ cao. Có thể nói, đây là loại hình nghệ thuật đòi hỏi trí tuệ, công sức của mỗi cá nhân xây dựng nên cái chung và ngược lại, từ cái chung, tổng thể ấy sẽ thấy vai trò của từng thành phần sáng tạo nên tác phẩm múa. Hiện nay, nhiều vở kịch múa còn có sự tham gia của nghệ thuật điện ảnh hay công nghệ thông tin, điều đó còn tùy thuộc vào ý đồ của biên đạo. Ngoài ra, bản thân những động tác trong MCĐ châu Âu đã toát lên vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm, với những đội hình, luật động thông thoáng, uyển chuyển, tạo hình mang tính điêu khắc và biểu cảm sâu đậm thông qua từng cử chỉ, động tác. Chính vì lẽ đó mà tính thẩm mỹ trong ballet cổ điển luôn được đánh giá cao và luôn có vị trí đẹp trong lòng khán giả. Không những thế, nó còn là thước đo để đưa khán giả lên tầm cao của nhận thức và hưởng thụ nghệ thuật.

MCĐ châu Âu đã hình thành, phát triển qua nhiều thế kỷ, từ biểu diễn chung với các nghệ thuật khác ở đại tiệc trong cung điện đến biểu diễn trên sân khấu nhà hát, từ giải trí đến chuyên nghiệp cùng sự ra đời của các Viện Hàn lâm… Tất cả những bước tiến đó đã đem đến cho nhân loại một nền nghệ thuật múa kinh điển, được cả thế giới công nhận, không chỉ bởi quá trình đi lên của nó, mà còn là những yếu tố khoa học, thẩm mỹ cao, một hệ thống đào tạo hoàn thiện, đầy đủ và là hình thức biểu hiện cao nhất của múa. Ngoài ra, sự thưởng thức MCĐ châu Âu đã ăn sâu vào khán giả như một sản phẩm văn hóa và nó là thước đo để đưa khán giả lên đến đỉnh cao của nghệ thuật.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. IU.A.BAKHUSIN, Lịch sử kịch múa Nga, NGƯT Trương Lê Giáp dịch, Viện Sân khấu - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 2002.

2. GRETCHEN WARD WARREN, Classical Ballet technique (Kỹ thuật Ballet cổ điển), Board of Regents of the State of Florida, 1989.

3. А.Я.ВАГАНОВА, Основы классическово танца (Khái niệm cơ bản về múa cổ điển), Ленинград “Исскуство”, Ленинградcкое отделение, 1990

TS LÊ HẢI MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;