Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa qua các điệu múa dân gian của người Cao Lan (Thái Nguyên)

Múa dân gian của dân tộc Cao Lan ở Phú Lương, Thái Nguyên phản ánh cuộc sống lao động phong phú, đa dạng qua những động tác múa, nó được thể hiện từ nội dung đến hình thức; từ ngôn ngữ động tác, tính chất đến phong cách, tính cách múa của người thực hiện. Mỗi điệu múa là bức tranh muôn màu về cuộc sống lao động của người dân, đem lại giá trị lớn cho nghệ thuật múa Cao Lan nói riêng và múa dân gian Việt Nam nói chung.

1. Người Cao Lan ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Người Cao Lan có dân số khoảng 80 nghìn người, sinh sống ở các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Tuyên Quang. Ở Thái Nguyên người Cao Lan sống đông nhất ở huyện Phú Lương và các huyện Đại Từ, Định Hóa. Người Cao Lan trước khi di cư sang Việt Nam đã có trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội và lối canh tác tiên tiến. Họ biết định cư gần những dòng sông, trong những thung lũng thấp gần nguồn nước thuận tiện cho việc khai phá ruộng nương. Họ chọn những mảnh đất màu mỡ để trồng trọt: cây lương thực lúa, ngô, sắn và một số cây hoa màu: đậu, bầu, bí được trồng xen lẫn với nông lịch không khác biệt nhiều so với các tộc người khác. Vì vậy, nét văn hóa nông nghiệp cũng được khắc họa trong múa, tái hiện cuộc sống hiện thực với những ý nghĩa riêng của từng động tác, điệu múa.

Người Cao Lan ở đây với đặc điểm cơ bản của vùng cư trú là vùng núi, trung du; phương thức sản xuất canh tác nương rẫy, nên văn hóa tộc người được phản ánh trong lao động sản xuất. Những điệu múa hay sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đều không nằm ngoài các thao tác lao động nông nghiệp. Các nghi lễ nông nghiệp của người Cao Lan có những điệu múa như: múa đi nương, múa mài dao, múa phát cây, múa tra hạt nữ, múa tra hạt nam, múa xúc tép. Những điệu múa này nhằm cầu mong cho thời tiết thuận lợi, cuộc sống ấm no cho mọi nhà.

2. Đặc trưng của múa Cao Lan

Các điệu múa của người Cao Lan thường phản ánh những công việc lao động hằng ngày như: dùng dao để phát cây, phát rẫy làm nương, từ đó điệu múa mài dao, phát cây đã ra đời. Hay việc chọc lỗ tra hạt - những công việc làm canh tác của đồng bào miền núi đã được người Cao Lan cách điệu hóa những động tác lao động với nhiều mức độ khác nhau. Múa tra hạt nữ, múa tra hạt nam có hai mức là mức đơn giản và mức độ cao. Mức đơn giản là chỉ nhảy ngang từng hàng chọc lỗ đến từng hàng tra hạt hoặc một người, hai người làm riêng lẻ từng động tác. Đến mức độ cao, từng đôi nam nữ kết hợp nhịp nhàng theo nhịp gõ của tiết tấu trống Tang Sành, nhảy hướng thẳng lên, hơi rích rắc chéo qua lại; cả nam và nữ nhảy lên đầu thẳng lên hơi uốn ngửa người về sau và bước tiếp theo là nhảy lên rồi đổ người về phía trước để nam chọc lỗ, nữ tra ngô. Với điệu múa xúc tép theo nhịp gõ của trống Tang Sành: nhịp 5 và nhịp 7 các điệu múa xúc tép phản ánh công việc lao động trên đồng nước. Khi múa, hai cánh tay cầm cái vợt tép, xúc tép đưa vát xế chéo xuống theo đường chân nhảy, một chân co lên rồi đánh xế chéo ra. Chân tay hài hòa, nhịp nhàng chân nhảy, tay xúc tạo dáng nghiêng lao theo chiều nhảy, có khi nhảy liên tục, có khi nhảy quay chuyển động linh hoạt rất đẹp.

Những tư liệu múa dân gian phản ánh về lao động sản xuất của người Cao Lan ở Phú Lương hầu như không được ghi chép lại, trên thực tế, các điệu múa này chỉ còn được mô tả lại trong giáo trình Múa dân gian Cao Lan của NSND Lê Khình cùng các giảng viên của Học viện Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và được giảng dạy một số trường nghệ thuật. Dựa theo các chất liệu múa từ dân gian, các điệu múa mang tính chất lao động, sản xuất đã được biên dựng hoàn chỉnh lại, được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu quần chúng. Theo định nghĩa của NSND Chu Thúy Quỳnh - Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam: “Múa tín ngưỡng - nói một cách cặn kẽ hơn, là phần múa trong nền nghệ thuật múa dân gian các dân tộc, một yếu tố biểu hiện đời sống tinh thần trong bối cảnh văn hóa tâm linh của từng tộc người. Múa tín ngưỡng có nguồn gốc từ múa dân gian, được sử dụng cho các mục đích tín ngưỡng và phát triển riêng theo mục đích đó, chính vì thế trong các thời kỳ phát triển của xã hội, người ta đã tái tạo được những điệu múa dân gian - dân tộc cổ truyền rất đáng quý từ múa tín ngưỡng”.

Điệu nhảy múa tắc xình trong lễ hội cầu mùa ở Phú Lương, Thái Nguyên - Ảnh do tác giả cung cấp

Với nguồn gốc dân gian, mang đậm nét đặc trưng về quan niệm thẩm mỹ và hệ thống biểu cảm; với mục đích tín ngưỡng, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và các yếu tố tâm linh khác, múa tín ngưỡng là sự gắn bó trong tổng thể của các nhân tố: con người, địa dư, thiên nhiên, kinh tế, xã hội, tập tục và đặc biệt là môi trường tín ngưỡng với các nghi lễ, hình thức cụ thể. Như người Việt có tín ngưỡng Hầu Bang, người Tày có tín ngưỡng Then, người Thái có tín ngưỡng Kim Pang Then, người Dao có tín ngưỡng thờ Bàn Vương, người Khmer có tín ngưỡng cúng Trăng, người Mường có múa Mỡi...

Múa tín ngưỡng của tộc người Cao Lan ở Phú Lương vẫn tồn tại và đặc biệt thể hiện rõ nét ở các đám tang, đám nhà xe. Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, con người khi chết đi không phải là hết, không có sự vĩnh cửu mà là sự luân hồi, hơn nữa là sự chuyển tiếp. Các điệu múa ấy chỉ trong đám tang của những người cao niên mới có các điệu múa. Riêng điệu Tam Thanh Tệt Slam Sênh thì chỉ những người có chức sắc, địa vị trong xã hội hoặc những người làm thày, người có tri thức trong xã hội. Khi một người cao tuổi qua đời, các cụ, các ông thày và các đạo tràng phải họp nhau lại để xét xem người mới qua đời có chức vụ, địa vị gì trong xã hội, mà phong phẩm, phong cấp vị. Theo cụ Vi Văn Cải (thày cúng người Cao Lan ở Phú Lương), “tất cả có từ nhất phẩm đến cửu phẩm theo số lẻ như nhất phẩm, tam phẩm, ngũ phẩm, thất phẩm và cửu phẩm vì đồng bào Cao Lan ở đây ảnh hưởng của Nho giáo và đạo Phật - cho rằng: con số lẻ là phải chuyển động, có chuyển động mới sinh ra muôn loài, muôn vật. Những người bình thường chỉ được phong phẩm chứ không được phong cấp, còn những người làm thầy thì được phong là cửu phẩm, những cấp sau đó từ thất phẩm đến thất nhất phải xét theo công lao, địa vị của người đó trong xã hội”.

Múa của người Cao Lan như múa nhảy Tam Thanh (trong đám tang), múa tắc xình (trong lễ hội cầu mùa), múa chim Gâu, múa tra hạt còn bảo lưu tới nay cho thấy, múa dân gian Cao Lan được xem như là một phương tiện văn hóa, giống như lời cầu xin đưa tiễn linh hồn, động tác xua đuổi tà ma, động tác mô phỏng cảnh lao động, mô phỏng thiên nhiên. Như vậy, với những ngày lễ thường kỳ, một số nghi lễ cúng bái người Cao Lan coi múa, nhảy như là bộ phận cấu thành chủ yếu của nghi lễ tín ngưỡng. Mặt khác, ngoài phương thức sinh hoạt văn hóa là các lễ thức tập trung nhiều loại hình văn hóa như: thơ văn, diễn xướng, trò chơi, nhảy múa, người Cao Lan còn có phương thức sinh hoạt văn hóa hằng ngày gắn với lao động sản xuất như các làn điệu Sình Ca, các động tác múa như tra hạt, xúc tép, đâm cá hay nhảy múa tắc xình.

Những lời ca điệu múa đó được nâng cao, hoàn thiện và phổ biến trong các lễ hội, nhất là lễ hội chính của người Cao Lan diễn ra vào ngày mồng 2-2 âm lịch (lễ hội cầu mùa). Như vậy, múa được hình thành từ nhu cầu tái diễn hiện thực mong vươn tới cái đẹp. Tồn tại trong môi trường tự nhiên con người còn được đặt trong môi trường xã hội - được hình thành từ giao tiếp cộng đồng với những tập tục, lối sống riêng.

Việc trình diễn múa dân gian của người Cao Lan không đơn thuần là múa trong sinh hoạt, trong vui chơi mà còn chủ yếu múa trong các lễ cầu mùa, đám tang, đám nhà xe. Nghệ nhân Vi Văn Cải cho biết: “Không phải nói muốn múa là múa được ngay mà mỗi một điệu múa đều phải có không gian riêng của nó, như tôi là một người thày cả của làng trước khi muốn múa hay nhảy múa Tam Thanh thì tôi nhất thiết phải được thần linh cho phép và được đặt trong không gian của đám hiếu đám tang”. Thực tế chứng minh, các điệu múa đều xuất phát và nảy sinh từ tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, những người đã khuất. Các động tác múa khi uyển chuyển, duyên dáng, khi sôi nổi mạnh mẽ, khi dồn dập tưng bừng, đó là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo của người Cao Lan. Ngày nay, không gian ấy được mở rộng ra nhiều, họ có thể mang các điệu múa ra trình diễn khi hội làng, khi làng có công việc trọng đại mang tính quần chúng nhiều người tham gia hơn. Tất cả tạo nên không gian trình diễn múa riêng của tộc người Cao Lan nói chung và người Cao Lan ở Phú Lương nói riêng.

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật độc lập nhưng âm nhạc dân gian thường có tính trình diễn, những động tác, điệu bộ của người trình diễn nhiều khi là những động tác múa hoặc tựa múa, lúc đó múa hay điệu bộ đóng vai trò phụ họa, minh họa. Trường hợp khác, âm nhạc lại là phương tiện hỗ trợ đắc lực biểu hiện động tác múa, tác phẩm múa: “Âm nhạc là linh hồn của múa”. Ngoài ra, múa dân gian Cao Lan còn kết hợp hài hòa các yếu tố khác của nghệ thuật diễn xướng với các thành phần khác nhau của nghi thức và lễ hội có sự hỗ trợ đắc lực của đạo cụ âm nhạc, đặc biệt hơn cả là âm nhạc sử dụng trong múa với nhịp lẻ đã tạo ra đặc điểm tính cách của múa dân gian tộc người Cao Lan. Qua khảo sát thực tế cho thấy, số lượng nhạc cụ này còn lại rất ít, chỉ còn được lưu giữ từ các thày Cả của làng và phục vụ công việc cúng tế, đó là các nhạc cụ: trống, kèn, thanh la, chập cheng, chuông, chiêng.

Như vậy, phương tiện trung tâm của việc trình diễn múa chính là ngôn ngữ được thể hiện bằng chính nghệ nhân trong môi trường có thể là hội xuân, lễ tang, đám chay... và nhất là múa được đưa vào trong phần nghi thức của hoạt động tín ngưỡng mà thực chất khi bóc tách vỏ bọc tín ngưỡng, tôn giáo thì cốt lõi là những động tác múa dân gian do nhân dân sáng tạo và thực hành.

Ngoài phương diện về góc độ hình dáng đường nét, kỹ năng động tác (đứng, quỳ, đi, chạy, quay, nhảy), sự mô phỏng - biểu hiện của động tác, luật động động tác thì phương tiện biểu hiện của múa Cao Lan còn là đội hình múa, ví dụ trong điệu múa Tam Thanh (do các thày, đạo tràng trong đám nhà xe múa) thì phải tuân theo quy luật âm dương đối đãi sinh trí tượng. Trí tượng là Đông, Tây, Nam, Bắc và sự chuyển động sinh ra bát quái. Tám yếu tố đó lại đối đãi vận hành sinh ra muôn loài, muôn vật. Những người múa điệu múa này phải di chuyển theo đúng bước đi, từ một chỗ sau đó di chuyển theo đúng hướng đi của bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tiếp đó lại di chuyển theo những hình số tám, cuối cùng quay về nhảy theo bốn hướng như cũ. Ý nghĩa của điệu múa này là đưa đường cho vong hồn về cõi cực lạc.

Ngoài ra, các yếu tố như tuyến múa đóng vai trò làm thay đổi động tác, đội hình, hoặc hình tượng múa góp phần thể hiện nội dung, gợi cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Tuy nhiên, đối với múa dân gian nói chung và múa Cao Lan nói riêng, tính chất hoạt động của một bài múa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng tác, ứng diễn của người tham gia, tạo nên nét phong phú và độc đáo của bài múa, có khi nó còn thể hiện sự tài giỏi, sức khỏe của người múa, ví như trong đám ma ở xóm làng nên các thày chủ trì vừa hát, vừa cầu khấn, vừa nhảy múa theo từng lời hát. Do đó, họ phải là những người có sức khỏe để hoàn thành khóa lễ cúng tiễn ấy, chính họ cũng có sự ứng tác, linh hoạt tạo sự hài hòa, có khả năng khắc sâu ấn tượng cho người xem.

3. Giải pháp gìn giữ và phát huy giá trị của múa Cao Lan

Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hóa, số đông lớp trẻ ít quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, điều này dẫn đến nguy cơ các giá trị văn hóa dân gian dần bị thất truyền cho các thế hệ sau. Vì thế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của múa dân gian Cao Lan là một việc làm cần thiết, một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người.

Chủ trương tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chính là biện pháp hữu hiệu để tạo điều kiện cho quần chúng tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo, họ là người có tiềm năng vô tận trong việc kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống xã hội hôm nay. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Phú Lương cần quan tâm tới một số hoạt động cụ thể nhằm phổ biến rộng rãi giá trị múa dân gian Cao Lan cho các đối tượng đặc biệt là thanh niên, học sinh. Tại đây hiện nay, mặc dù đã xây dựng ở mỗi làng xã có đội văn nghệ nhưng mô hình còn nhỏ và hoạt động rời rạc. Tỉnh và huyện nên quan tâm tới hoạt động của các đội này không chỉ về múa dân gian mà còn ca hát Sình Ca.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cơ sở tức là khai thác những giá trị văn hóa múa nói riêng, giá trị văn hóa nói chung và sự phát triển các giá trị đó trong đời sống cộng đồng tộc người Cao Lan ở Phú Lương. Tạo điều kiện để giá trị văn hóa múa của người Cao Lan duy trì, phát triển trên những giá trị gốc. Được như vậy, hơn ai hết, quần chúng nhân dân lao động là người sáng tạo, nuôi dưỡng và ngày càng làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc.

Sử dụng các phương tiện công nghệ để tăng cường truyền bá, phổ biến giá trị văn hóa múa Cao Lan tới các đối tượng, các vùng miền khác nhau, chính là bước đầu thực hiện sự giao lưu văn hóa, hội nhập giữa các dân tộc. Kinh nghiệm cho thấy rằng, ở đâu có sự giao lưu văn hóa cởi mở, thì ở đó có sự phát triển. Có thể coi thông tin đại chúng như một sứ giả của nghệ thuật, là cầu nối nghệ thuật đến với con người. Thông tin đại chúng có khả năng giới thiệu, hướng dẫn, phổ biến và phân tích nâng cao giá trị giáo dục nhận thức, giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của múa Cao Lan ở Phú Lương - Thái Nguyên. Một số phương tiện thông tin đặc thù, hữu hiệu hiện nay có thể giúp cho việc tuyên truyền, phố biến như: đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang web... giới thiệu các lễ hội, tác phẩm múa đến được với nhiều người hơn, nhanh chóng hơn. Giải pháp khẳng định sự hữu hiệu vô cùng lớn khi cả thế giới đã và đang tìm mọi phương thức cho nghệ thuật sống lại sau đại dịch COVID-19.

Trên phạm vi rộng hơn, để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa múa của dân tộc Cao Lan, đã và đang khuyến khích huyện Phú Lương thành lập các câu lạc bộ múa dân gian Cao Lan, sinh hoạt đều đặn hằng tuần, từng bước đưa múa Cao Lan trở lại phục vụ cuộc sống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ cổ truyền của người Cao Lan nói riêng, những người yêu loại hình nghệ thuật độc đáo này nói chung trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Đoàn Nghệ thuật dân gian Việt Bắc và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cũng đã tích cực khai thác chất liệu múa Cao Lan để cải biên, dàn dựng thành các tiết mục biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh và tham gia tại các chương trình Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc.

Kết luận

Múa dân gian Cao Lan là một thành tố văn hóa dân gian tộc người, vừa chứa đựng những giá trị văn hóa tộc người, vừa mang những đặc trưng nghệ thuật biểu hiện của ý thức thẩm mỹ và giá trị nhân văn. Do điều kiện tự nhiên khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, làm cho một bộ phận, tầng lớp thanh niên xa rời với truyền thống, tệ nạn phát triển nhanh ở vùng dân tộc thiểu số... làm mất dần những giá trị vốn có của nó. Vậy nên, cần chú trọng hơn công tác nghiên cứu, sưu tầm, phát huy văn hóa truyền thống tộc người để người dân bản địa hay tộc người khác hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị văn hóa nghệ thuật múa Cao Lan bởi vì múa Cao Lan là bộ phận trong kho tàng di sản văn hóa của gia đình các dân tộc Việt Nam.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin, Chương trình hành động của Bộ VHTT thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội, 1998.

3. Mai Hương, Giáo trình múa dân gian Cao Lan, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, 2007.

4. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Múa dân gian tộc người Cao Lan, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2009.

5. Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, Dư địa chí tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên, 2009.

TS NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

 

;