Âm nhạc trong một số tác phẩm múa

Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận thích ví von hình tượng, đã gọi âm nhạc và múa là “một cặp song sinh”, hay đó là sự gắn bó mật thiết với nhau như “hình với bóng”, như “môi với răng”. Lãng mạn hơn, có người còn ví, hay “múa với nhạc là sự gắn bó hữu cơ, khăng khít như là phần hồn của nhau”. Đó cũng chính là lý do khiến cho các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhận định “âm nhạc là linh hồn của múa”.

Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm âm nhạc cho múa không những hay mà còn trở thành một tác phẩm âm nhạc độc lập như: Nhạc múa sạp (Nguyễn Văn Thương), Nhạc múa nón Mường Lai (Lê Lan), Rông Chiêng (Văn Thắng), Cánh chim và ánh sáng mặt trời (Xuân Hòa), Ka Tu (Đình Tích)… Âm nhạc và múa đều đề cập đến thế giới nội tâm, phản ảnh tâm tư nguyện vọng của con người bằng nghệ thuật. Ngay trong bản thân của nghệ thuật múa đã mang theo hai yếu tố nhận thức cơ bản là tri giác và trực giác. Cảm thụ múa và âm nhạc là sự cộng hưởng của thị giác và thính giác, tạo nên sự hoàn chỉnh trong thưởng thức. Âm nhạc dùng âm thanh tác động đến cảm xúc của con người, cảm xúc sản sinh ra động tác, mặt khác, động tác kích thích phát triển cảm xúc. Thế giới nội tâm của con người sẽ trở nên phong phú hơn, bộc lộ sự đồng cảm trước những thông điệp mà tác phẩm mang lại.

Một tác phẩm âm nhạc cho múa thành công hay thất bại phụ thuộc trước tiên vào giai điệu. Giai điệu là yếu tố hết sức cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và cấp độ của tác phẩm múa. Đó là tiếng nói chính thống của tác phẩm, khẳng định giá trị tác phẩm. Giai điệu âm nhạc trong tác phẩm múa luôn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần với sự tái hiện, màu sắc, biến dạng và phát triển khác nhau, để rồi trở về giai điệu chủ đạo của nó. Giai điệu không chỉ hay mà còn phải dễ nhớ, dễ nghe. Thậm chí, có những tác phẩm, người xem có thể hát lại được giai điệu sau khi xem vở diễn.

Đối với tác phẩm múa Cánh chim và ánh sáng mặt trời (âm nhạc Xuân Hòa, 1962), biên đạo Thái Ly đã dùng hình ảnh cánh chim với ánh sáng mặt trời để nói lên niềm khao khát cháy bỏng về tự do, về tình yêu, như cánh chim muốn thoát khỏi màn đêm đen tối của số phận với đôi cánh rộng mở, phóng khoáng, vùng vẫy trên bầu trời tràn đầy ánh nắng ấm áp… Giai điệu âm nhạc đã góp phần chuyển tải cảm xúc đầy tha thiết, u uất. Xuất hiện động tác tay và dáng đầu tạo đường nét gãy ở góc độ nghiêng. Tạo hình đan chéo của diễn viên ở độ nhún thấp, hai cánh tay thõng xuống theo tiết tấu âm nhạc, tạo nên cảm giác nặng nề của những cánh chim quằn quại muốn vươn dậy sau những đêm dài tăm tối. Ở phần hai của tác phẩm, tính chất âm nhạc bừng sáng đầy sức sống. Những cánh chim với sức mạnh bên trong như bật dậy, vươn tới ánh sáng mặt trời. Biên đạo múa Thái Ly sử dụng động tác múa của dân tộc Khmer, kết hợp với động tác múa cổ điển châu Âu, biểu hiện niềm hứng khởi của những cánh chim trong bầu trời rộng lớn của sự tự do và niềm khát khao hòa bình.

Âm nhạc trong tác phẩm Cánh chim và ánh sáng mặt trời (trích):

Bức tranh làng Hồ (âm nhạc Trọng Tĩnh, biên đạo NSND Trần Minh) là tác phẩm múa mang tính chất vui vẻ, hài hước, dí dỏm. Mở màn là cảnh múa sinh động và phong phú, miêu tả đám cưới chuột; tái hiện cho người xem một bức tranh với những nét đẹp của vùng Kinh Bắc. Tác phẩm đã sử dụng giai điệu của âm nhạc cung đình Huế - Lưu Thủy Kim Tiền để mở màn. Sau đó, xuất hiện giai điệu hài hước sợ sệt của chuột.

Âm nhạc trong tác phẩm Bức tranh làng Hồ (trích):

Tác phẩm Đôi bờ (âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích, biên đạo múa Thái Ly) được viết năm 1961 cho Đoàn Ca Múa Trung ương. Có thể coi đây là tác phẩm điển hình của thể loại múa đôi, thể hiện ước mơ về ngày thống nhất đất nước. Trong không gian yên tĩnh ở giữa sân khấu, từ từ nổi lên bức màn mỏng biểu tượng của sự chia cắt hai miền đất nước. Giai điệu vang lên sắc thái trầm lặng, xa xăm, mờ ảo trong âm thanh của bè violon anto diễn tấu. Nét giai điệu này như phần mở đầu dẫn dắt vào chủ đề chính.

Âm nhạc trong tác phẩm Đôi bờ (trích):

Chủ đề chính là sự khắc họa hình tượng múa đơn (solo) của hai nhân vật: nam bên bờ Bắc, nữ bên bờ Nam, được thể hiện qua âm thanh nhẹ nhàng, đượm buồn của cây kèn oboe, nét giai điệu trữ tình mượt mà của tình yêu chia ly đầy xúc động, lo âu với sự nhớ mong da diết. Sân khấu hiện lên hình tượng người con gái xứ dừa mờ ảo thướt tha, chờ đợi khắc khoải sau tấm màn ngăn cách.

Chủ đề chính trong tác phẩm Đôi bờ (trích):

Để thể hiện sự giằng xé căng thẳng cho phần biểu cảm của hai nhân vật, nhạc sĩ đã sử dụng thủ pháp điệp nốt và chủ yếu trên âm hình của tiết tấu múa đôi để phụ họa cho diễn viên múa.

Vũ điệu Hương Giang (âm nhạc Đỗ Bảo, biên đạo NSƯT Kiều Lê) là tác phẩm diễn tả hình ảnh dòng sông Hương thơ mộng nơi xứ Huế. Để điệu múa trở nên mềm mại, uyển chuyển, nhạc sĩ đã sử dụng nét giai điệu của bè violon tạo âm hưởng mênh mang, bồng bềnh, trữ tình với tiếng đàn harp nhẹ nhàng. Sau đó là nét chủ đề trữ tình, da diết mang âm hưởng của làn điệu Lý mười thương (dân ca Trung Bộ) được diễn tấu ở bè viola và cello.

Âm nhạc trong tác phẩm Vũ điệu Hương Giang (trích):

Tác phẩm Những cô gái Chăm (biên đạo Nguyễn Thị Hiển, âm nhạc Văn Kha) ra đời năm 1978, bao gồm những điệu múa miêu tả vẻ đẹp sâu lắng, độc đáo của văn hóa Chăm bằng hình tượng những cô gái xinh đẹp, duyên dáng, kín đáo, nhưng cũng rất rực rỡ với các động tác múa dân gian và đường nét tạo hình của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Tác giả sử dụng chiếc quạt làm đạo cụ, xử lý tinh tế với thể múa phức điệu đan xen, tạo nên những đường nét uyển chuyển, mềm mại, miêu tả tình cảm và tâm hồn của các thiếu nữ. Tác phẩm gồm bốn phần: Phần một, trên nền âm nhạc trữ tình mênh mang, các thiếu nữ Chăm duyên dáng trong hình tượng tháp Chăm như đang lộng lẫy trước gió, những chiếc quạt rung nhẹ đổ dài, lúc thu vào, lúc xòe ra; Phần hai, tiết tấu âm nhạc thay đổi đột ngột, những động tác múa bật quạt, nhích vai, nhấn cổ tay, được phát triển với tiết tấu nhanh sôi động, người con gái Chăm xinh đẹp xuất hiện trong bước múa…; Phần ba, nét nhạc dân gian trữ tình ngân nga trong không gian, kết hợp với sắc màu sân khấu tím biếc, vang ra không gian sâu thẳm, khúc múa solo của cô gái Chăm kết hợp với tạo hình điêu khắc đặc trưng; Phần bốn, âm nhạc thay đổi với tính chất rộn rã, động tác múa nhún cổ tay được phát triển trên tuyến vòng tròn, những chiếc quạt màu vàng rực rỡ, đan xen trên đội hình chuyển động, tạo thành hình tượng những khóm hoa lung linh khoe sắc thắm.

Không chỉ ở Việt Nam, mà những tác phẩm múa kinh điển trên thế giới cũng thể hiện rõ sự hòa quyện giữa âm nhạc và múa. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như Cái chết con thiên nga, Romeo và Juliet, Hồ thiên nga… Tác phẩm múa ngắn Cái chết con thiên nga (âm nhạc Xen Xan, biên đạo múa kiêm diễn viên nổi tiếng M.Forkin) ra đời năm 1907, được viết cho thể loại múa đơn nhận được sự yêu thích, ủng hộ của đông đảo khán giả.

Không gian sân khấu tạo cho người xem sự mờ ảo, diễn viên sử dụng động tác kỹ thuật múa cổ điển châu Âu, với cánh tay uốn lượn mềm mại, lăn qua bờ vai miêu tả dòng nước gợn sóng. Diễn viên múa solo đã gợi cho người xem về một cánh chim thiên nga nhỏ bé đang trôi bồng bềnh trên mặt hồ. Từ quan sát thực tế, M.Forkin đã khai thác và phát triển những động tác múa cổ điển châu Âu, kết hợp với sự biểu hiện tâm trạng, để xây dựng hình tượng con thiên nga trắng đang đối diện với sự cô đơn, đau đớn, khắc khoải trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Biểu hiện rất rõ ở những động tác chân run rẩy, từ từ khuỵu xuống, đôi cánh tay cố vươn lên chới với như muốn níu kéo lấy cuộc sống. Đôi cánh thiên nga rũ xuống rồi gục ngã. Nhạc sĩ sử dụng tiếng đàn harp miêu tả sự phẳng lặng, lấp lánh của mặt nước. Tiếng cello trải dài mượt mà uyển chuyển chứa đựng cảm xúc nội tâm khi thể hiện phút cô đơn của thiên nga cũng như thể hiện sự uyển chuyển và kiều diễm của thiên nga trên mặt nước. Sự sáng tạo của nhạc sĩ đã giúp cho diễn viên thể hiện được tâm trạng và kỹ thuật múa, mang đến cho người xem những cảm xúc chân thực, làm rung động những cảm xúc mãnh liệt trước cái đẹp và khát vọng sống của con người. Có thể nói, Cái chết của con thiên nga đã đi vào lịch sử nghệ thuật múa thế giới, lưu truyền qua nhiều thế hệ diễn viên trong gần một thế kỷ qua. Tác phẩm đã được các diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Học viện Múa Việt Nam biểu diễn thành công.

Âm nhạc trong tác phẩm Cái chết con thiên nga (trích):

Dựa theo tác phẩm văn học - kịch cùng tên của đại văn hào W.Shakespeare, các tác giả L.Lavrovsky và Raslov đã viết kịch bản cho tác phẩm múa Romeo và Juliet. Cảnh kịch dưới đây được trích từ cảnh 2, hồi II của vở kịch cùng tên, là phân đoạn đối thoại rất hay về tình yêu của hai nhân vật chính. L.Lavrovsky đã xây dựng hình tượng ngôn ngữ múa đầy chất thơ với những tạo hình tuyệt mỹ, thể hiện tâm trạng và các cung bậc tình cảm của hai tâm hồn thơ ngây trong sáng. Bằng những tạo hình động tác, tạo hình đôi trai gái quấn quýt không muốn rời nhau, kỹ thuật bê đỡ mang tính biểu hiện, biên đạo đã thành công trong việc diễn tả mối tình trong trắng, nồng thắm. Phần âm nhạc, nhạc sĩ lựa chọn giai điệu đầy chất trữ tình qua âm sắc của dàn dây để diễn giải cho cá tính của hai nhân vật.

Âm nhạc trong kịch múa Romeo và Juliet (trích):

Tác phẩm nhạc vũ kịch Hồ thiên nga ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 1877, gắn với tên tuổi của nhà soạn nhà Tchaikosky và các biên đạo múa như: PeTi, Ivanov, Grigorov. Trong tác phẩm, có đoạn trích diễn tả cảnh công chúa Odetta bị phù thủy Rotbart bắt, trước sự chứng kiến và bàng hoàng của hoàng tử. Chàng đã đấu tranh với lão phù thủy, giữ công chúa ở lại bên mình, nhưng cuối cùng đã thất bại dưới tay của lão phù thủy Rotbart, chàng bị phù thủy đánh gục. Âm nhạc mang tính chất khỏe khoắn, dứt khoát, thể hiện tính đấu tranh mạnh mẽ. Âm hưởng của bộ kèn đồng vang lên với sắc thái mạnh, diễn tả phút giằng co của hoàng tử và lão phù thủy. Tương phản với chủ đề của bộ kèn đồng, xuất hiện giai điệu bè của dàn dây, biểu hiện sự dứt khoát của hoàng tử và công chúa khi đối mặt với phù thủy. Cuối màn múa, âm nhạc đã sử dụng bộ dây chơi kỹ thuật tremolo, biểu hiện sự đau khổ đầy nội tâm của công chúa khi phải rời xa hoàng tử.

Âm nhạc trong kịch múa Hồ thiên nga (trích):

Có thể nói, tác phẩm múa là sự sáng tạo đồng nhất của nhạc sĩ và biên đạo. Âm nhạc và múa được đặt trong một tổng thể không tách rời, khi thưởng thức một tác phẩm múa, khán giả có thể vừa cảm nhận bằng thị giác, vừa cảm nhận bằng thính giác, hòa nhịp cùng âm thanh và những động tác đầy hình tượng.

BÙI PHƯƠNG HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

 

;