Các hoạt động nghệ thuật - "Liều vắc xin tinh thần" góp phần giúp Việt Nam vượt qua đại dịch

Nhìn lại hai năm qua, trên mặt trận chống dịch COVID-19, các văn nghệ sĩ đã thực sự trở thành chiến sĩ. Những hoạt động nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, đã có cách thức riêng để trở thành vũ khí cùng chung tay vào cuộc chiến chống đại dịch với các lực lượng khác. Tinh thần nhân văn, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau trong đại dịch đã được lan tỏa qua nhiều tác phẩm và trên mỗi hành trình chống dịch của rất nhiều nghệ sĩ khắp cả nước.

1. Hoạt động sáng tác âm nhạc

Thống kê sơ bộ cho thấy, có nhiều hoạt động lớn về sáng tác được phát động rộng rãi, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới văn nghệ sĩ, như:

Từ tháng 4-2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng chống COVID-19 và nhận được trên 200 tác phẩm. 100 ca khúc chất lượng trong số này đã được tuyển chọn và xuất bản thành một tập ca khúc với tiêu đề Niềm tin, sau đó xây dựng một chương trình nghệ thuật trực tuyến với tên gọi Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng. Chương trình nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng.

Tháng 11-2020, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức cuộc bình chọn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 với tên gọi Việt Nam những ngày không quên với nhiều tác phẩm của nhạc sĩ chuyên và không chuyên. Bài ca chống dịch COVID-19 gây tiếng vang với nhiều nước trên thế giới - Ghen Covy (Khắc Hưng) được trao giải Nhất, giải Nhì thuộc về ca khúc Việt Nam chiến thắng COVID, chấm dứt bệnh lao (PGS, TS, Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung), Tế COVID (Huy Sơn), Tự hào chiến sĩ ngành Y (TS Toán học Lê Thống Nhất).

Tháng 5-2021, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác thơ, nhạc tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, với hai chủ đề Vì lợi ích đất nước - Vì sức khỏe nhân dân - Vì sức khỏe của chính chúng taChung tay đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Sau một thời gian phát động, Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, với 230 tác phẩm gửi tham dự, trong đó có 165 sáng tác thơ và 65 ca khúc.

Từ tháng 4-2021, khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29-7-2021 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp cấp bách về phòng chống COVID-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được hơn 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước. Hội đồng Nghệ thuật đã chọn 20 ca khúc để dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, cùng các nghệ sĩ: NSND Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương… kịp thời gửi tới đồng bào, chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vào cuối tháng 8.

Không chỉ mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, mảng ca khúc về đề tài này còn có những bản tình ca da diết như ca khúc Người đi trong gió (Nguyễn An Hiếu). Ca từ giàu sức biểu cảm, giai điệu thiết tha, ca khúc là một bản tình ca đẹp giữa mùa dịch, da diết nhưng không bi lụy, vẫn ngời lên khát vọng cống hiến của những lực lượng tuyến đầu. Xúc động về tình người giữa tâm dịch, nhạc sĩ Sa Huỳnh đã viết ca khúc Đôi mắt nCOV. Mảng đề tài phòng, chống COVID-19 còn thu hút những tác giả không chuyên, thày giáo trẻ Nguyễn Thái Dương sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã cho ra đời một loạt ca khúc như Sài Gòn tôi sẽ, Thành phố gì kỳ, Sài Gòn thương... vẽ lên những bức tranh bằng âm nhạc về TP.HCM giữa mùa dịch bệnh, vừa mang màu sắc trầm buồn, vừa mang màu sắc tươi sáng của tương lai, hy vọng.

Cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng, chống dịch COVID-19 Giai điệu nơi tuyến đầu được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ ngày 17-8-2021 đến ngày 2-10-2021, đã nhận được gần 1.300 tác phẩm dự thi, khẳng định tiềm năng, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ làm công tác âm nhạc chuyên và không chuyên trong cả nước.

Tháng 10-2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, hướng tới kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch trên internet, các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm lan tỏa, kết nối tình cảm của các nghệ sĩ cùng chung tay vượt qua đại dịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, ban tổ chức đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của 9 đơn vị (nhóm) nghệ thuật và gần 100 cá nhân là các nghệ sĩ thuộc các Đoàn nghệ thuật, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa của gần 30 tỉnh thành, địa phương. Trong đó, có 51 bản chương trình nghệ thuật và 149 clip, video âm nhạc, ca nhạc của các tác giả thuộc nhiều thể loại như ca múa nhạc, tiểu phẩm sân khấu kịch, chèo, tuồng, cải lương, xiếc, múa rối, ca kịch… gửi tham gia. Đây là những bản ghi hình ca múa nhạc và chương trình nghệ thuật có sự đầu tư dàn dựng công phu, tâm huyết và sáng tạo của các nghệ sĩ. Đặc biệt có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi trên khắp mọi miền đất nước như NSND Thanh Tuấn, NSND Tự Long, NS Quốc Tín, Trọng Huỳnh, Lê Thu Huyền…

Bằng hình thức bình chọn trực tuyến, khán giả trực tiếp đánh giá, bình xét và lựa chọn, cùng với sự thẩm định của Hội đồng Nghệ thuật đã chọn trao thưởng cho 14 bản ghi hình ca múa nhạc (gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Khuyến khích) và 9 chương trình nghệ thuật (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích). Trong đó, 2 giải Nhất bản ghi hình ca múa nhạc thuộc về Bài ca chiến thắng (tốp ca Công an tỉnh Cà Mau) và Hà Nội - Khúc đồng dao chống dịch (tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ); giải Nhất chương trình nghệ thuật thuộc về vở kịch rối Quê em chống dịch (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Nhân dịp này, ban tổ chức đã trao giải thưởng được khán giả bình chọn vào yêu thích nhất cho 2 thể loại bản ghi hình ca múa nhạc và chương trình nghệ thuật.

Đặc biệt, trong mảng ca khúc về đề tài này có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Họ đã thổi vào những ca khúc “tuyên truyền” sắc màu mới, đầy hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Từ những em nhỏ đến người già ở nhiều vùng miền trên đất nước cũng thuộc nằm lòng ca từ, giai điệu này. Đặc biệt ca khúc Ghen Covy do nhạc sĩ Khắc Hưng viết lời, ca sĩ Min và Erik thể hiện đã tạo thành cơn bão với truyền thông quốc tế và mạng xã hội. Hàng loạt tờ báo, đài truyền hình ở Mỹ, Hàn Quốc... gọi tác phẩm này là “hiện tượng”. Thực chất, Ghen Côvy là bản biến tấu về ca từ của Ghen - một bài hát do Min và Erik thể hiện rất thành công từ năm 2017. Nhạc sĩ Khắc Hưng đã viết lại phần lời, biến câu chuyện tình yêu trong Ghen thành thông điệp về cách phòng, chống COVID-19 ở Ghen Côvy. Với giai điệu bắt tai, ca từ hàm chứa thông tin cô đọng, dễ nhớ cùng những hình ảnh hoạt hình minh họa dễ thương, MV (Music Video) Ghen Côvy nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng.

MV Việt Nam ơi! Đánh bay COVID cũng là một sản phẩm rất độc đáo, lấy bối cảnh một khu dân cư trong cuộc “đại chiến”, “captain Minh Beta” và biệt đội giải cứu xuất hiện để “chiến đấu” với những thông tin và hành động sai lệch, đồng thời chấn chỉnh và đưa ra giải pháp phù hợp, tuyên truyền tới người dân trong khu dân cư cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Lời bài hát còn được truyền tải cho cộng đồng hơn 3 triệu người khiếm thính tại Việt Nam qua sự hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Hear, Us, Now; xuyên suốt MV có phần diễn đạt theo ngôn ngữ ký hiệu ở bên góc màn hình. Dù xuất hiện rất ngắn ở đoạn điệp khúc và được thể hiện bởi các “siêu anh hùng” cùng người dân, điệu nhảy Fight Fight Fight được coi là một trong những điểm sáng trong MV, gây ấn tượng bởi sự dễ thương, gần gũi với các hành động đời thường và rất phù hợp với tính chất của lời hát. Đặc biệt, phần kết thúc của MV có sự xuất hiện của các clip cover được chọn từ 20 video xuất sắc nhất trong thử thách Hát lên Việt Nam ơi!.

Ca khúc Ngủ một chút đi anh do ca sĩ Việt Tú thể hiện là một ca khúc cổ động gửi tới toàn thể những người anh hùng thầm lặng, xả thân vì đất nước, các ban ngành Chính phủ, Bộ Y tế, các y, bác sĩ đang gồng mình với dịch COVID-19. Ngủ một chút đi anh có lời ca giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc và cảm động: “Đêm còn dài ngủ một chút đi anh/ Chuyến tàu bình yên rồi sẽ về bờ/ Sức khỏe của dân là điều cấp thiết/ Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng…”.

Các tác phẩm được sáng tác có sự đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách và chất liệu âm nhạc. Âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, ghi nhận sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên tuyến đầu, san sẻ những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân vùng dịch, thắp sáng niềm tin vào công cuộc phòng, chống dịch, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung sức hành động có hiệu quả trước nguy cơ sinh tồn của dân tộc.

2. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Tháng 8-2021, Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19. Trong đó, có các chương trình nghệ thuật được ghi hình phát sóng trên kênh truyền hình phục vụ nhân dân và chương trình nghệ thuật trực tuyến trên nền tảng số. Theo kế hoạch, những chương trình, vở diễn phát sóng trên các đài truyền hình, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam quay các chương trình Sắc mầu thổ cẩm của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Những người khốn khổ - Những điều muốn nói, Hồ Thiên nga - Sau cánh màn nhung của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; các trích đoạn trong các vở kịch cổ điển Vũ Như Tô, Otenlo, Ê Dốp, Lôi Vũ, Mê đê của Nhà hát Kịch Việt Nam; Trung thần của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Dây tràng hạt diệu kỳ, Giai điệu Tổ quốc của Nhà hát Chèo Việt Nam; Great romantic night, The wonder of time của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Đài Truyền hình Nhân dân quay các chương trình Đêm huyền diệu của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Ngôi sao xiếc Việt, Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Giai điệu Việt Nam, Bài ca không quên của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Xin mặt trời ngủ yên, Dòng sông hoa đỏ của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Truyền hình VOV quay các chương trình: Võ Tam Tư của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Bão ngầm, Ni sư Hương Tràng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng sẽ quay các chương trình Cuộc chiến vô cực, Thanh xuân 21 của Nhà hát Tuổi trẻ; Múa rối nước truyền thống, Đồng vọng rối Việt của Nhà hát Múa rối Việt Nam… Bên cạnh đó, có khoảng 10 chương trình nghệ thuật trực tuyến được phát trực tiếp trên các nền tảng số phục vụ nhân dân.

Với truyền thống âm nhạc đồng hành cùng dân tộc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chuỗi chương trình với tiêu đề Tiếng hát át COVID. Chương trình số 1 diễn ra vào sáng ngày 27-8-2021 với hình thức trực tuyến, đã tạo được hiệu ứng đặc biệt, trong gần 120 phút phát sóng đã có hơn 7.000 lượt người xem và nhiều bình luận tích cực.

Tiếp nối sự thành công đó, chương trình số 2 ra mắt công chúng vào đúng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9), được phát trực tiếp trên fanpage cũng như đăng tải trên trang web của Hội Nhạc sĩ. Chương trình gồm 17 ca khúc mới được các nhạc sĩ sáng tác trong những ngày giãn cách xã hội, thay cho lời tri ân đến các lực lượng nơi tuyến đầu cũng như mong muốn dịch bệnh sẽ lùi xa để xã hội quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động biểu diễn của các nhóm nghệ sĩ. Có thể kể đến sự kiện tháng 7-2021, tham gia buổi biểu diễn của nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ Việt, Trần Mạnh Tuấn đã thổi saxophone phục vụ cán bộ y tế và 10.000 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3, số 6, biểu diễn các ca khúc Quê hương, Về quê, Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em. Ngoài nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, buổi diễn còn có sự xuất hiện của ca sĩ Phương Thanh, MC Quỳnh Hoa, Quốc Đại, Nam Cường, Đăng Nguyên, Dương Ngọc Hà... Buổi biểu diễn thực sự xúc động, nhận được sự hưởng ứng của những khán giả đặc biệt tại bệnh viện dã chiến.

Có thể nói, âm nhạc có khả năng xoa dịu nỗi đau của con người, làm vơi đi những vất vả, gian nan và góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Trong suốt hai năm chống dịch COVID-19, hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật thực sự đã là “liều vắc xin tinh thần” tuyệt vời để người dân, cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch vượt qua bao khó khăn, vất vả, mất mát, đau thương để Việt Nam có thể trở lại “cuộc sống bình thường mới”.

___________

Tài liệu tham khảo

1. Thanh Nhã, Kết quả cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng, chống dịch COVID-19: “Giai điệu nơi tuyến đầu”, hoinhacsi.vn, 1-11-2021.

2. Thu Hiền, Tổng kết Cuộc vận động sáng tác thơ, nhạc tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, sovhtt.hanoi.gov.vn, 15-12-2021.

3. Tuấn Phong, Mạnh mẽ tinh thần chống dịch trong ca khúc Việt, cand.com.vn, 9-9-2021.

4. Tuyết Loan, Âm nhạc đồng hành chống đại dịch, nhandan.vn, 3-9-2021.

5. Phương Thoa, Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng chống dịch COVID-19, vov.vn, 17-8-2021

VŨ HUY SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;