Hội nhập toàn cầu hóa qua công nghiệp văn hóa - bài học từ Hàn Quốc

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc là quốc gia đạt được nhiều thành công lớn trong tiến trình thực hiện chính sách toàn cầu hóa qua việc vận dụng tốt loại công cụ quyền lực mềm từ văn hóa. Tiến trình này được bắt đầu từ việc áp dụng chính sách toàn cầu hóa (segyehwa) đến chiến lược vận dụng sản phẩm văn hóa từ Hallyu trong mục tiêu đưa Hàn Quốc ra thế giới. Bài viết tập trung vào phân tích các chiến lược hội nhập quan hệ toàn cầu hóa đến chiến lược sử dụng sản phẩm Hallyu ở các quốc gia mà Hàn Quốc đã thành công; từ đó nhận định một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong lộ trình xây dựng chiến lược hội nhập toàn cầu hóa qua sản phẩm công nghiệp văn hóa.

 1. Quan niệm của người Hàn Quốc về toàn cầu hóa (segyehwa)

Ngày 17-11-1994, sau cuộc gặp tại Hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam, đã tuyên bố hướng tới chính sách toàn cầu hóa (1) với mục đích làm cho đất nước trở thành một quốc gia có lợi thế về quan hệ ngoại giao và thương mại thông qua toàn cầu hóa để phá vỡ thế thống trị của mối quan hệ song phương Hoa Kỳ - ROK (Hàn Quốc - Republic of Korea). Về tầm nhìn của chiến lược thế giới mới, thuật ngữ segyehwa, được xuất bản dưới hình thức định nghĩa từ tiếng Anh quốc tế là nhằm nhấn mạnh, toàn cầu hóa ở đây theo cách thức và đặc điểm tính cách Hàn Quốc, chứ không phải như cách hiểu thông thường về toàn cầu hóa là hội nhập kinh tế quốc tế của các nhà kinh tế và kinh doanh. Toàn cầu hóa trong bối cảnh của Hàn Quốc có hai ý nghĩa: một là tiến trình dài hạn từng bước bắt kịp phương Tây đã bắt đầu từ cuối TK XIX, thường được gọi là kaehwa và sau đó là kundaehwa; hai là segyehwa, một chính sách toàn diện trên mọi mặt của một quốc gia gồm các vấn đề như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đối với Hàn Quốc, khái niệm về mối quan hệ toàn cầu hóa là rất rộng và dường như không có điểm dừng, trong đó là sự tổng hòa bao gồm các mối quan hệ của Hàn Quốc với các nước về mọi khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao… tất cả đều nằm trong chính sách toàn cầu hóa của Hàn Quốc. Vì vậy, tại Hàn Quốc, người ta hiểu khái niệm toàn cầu hóa như một chiến lược phát triển thích hợp cho dân tộc trong khả năng thích ứng với sự biến đổi của thời đại trong sự tương tác và trao đổi quốc tế đang tăng lên. Theo đó, toàn cầu hóa được người Hàn định nghĩa trên 5 nội dung: toàn cầu hóa phải được thể hiện trong các lĩnh vực; hợp lý hóa mọi phương tiện của cuộc sống quốc gia; kiên quyết bãi bỏ các yếu tố lỗi thời, không hợp lý trong xã hội và trong phát triển kinh tế; thực hiện cải tạo xã hội một cách triệt để, không khoan nhượng, không thỏa hiệp; phải có sự nhận thức thống nhất về chính sách toàn cầu hóa; toàn cầu hóa phải được củng cố bằng Hàn Quốc hóa; xác định rõ mối quan hệ giữa dân tộc Hàn Quốc với các nước trên thế giới.

Phim Bản tình ca mùa đông thu hút khán giả nhiều nước

Người Hàn đã vận dụng tốt vị trí ngày càng lớn của văn hóa. Họ hiểu rằng, bản chất văn hóa ngày nay mang thuộc tính động, gắn liền với sự phát triển của trình độ giáo dục, mức sống, phương thức giao tiếp, du lịch. Mọi hoạt động xã hội đều được xem xét trong khuôn khổ của văn hóa. Do đó, ngay từ trong quan niệm về toàn cầu hóa, người Hàn cũng có sự nhận định khác biệt giữa hai quan niệm này. Theo họ, quốc tế hóa là sự mở rộng, trao đổi và tác động với các nước khác thông qua các chiến lược do Chính phủ phát động, chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế, thương mại. Còn toàn cầu hóa tập trung vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội; khả năng thích nghi với tốc độ phát triển của thời đại, đặc biệt trong lĩnh vực tin học. Tuy nhiên, người Hàn không đặt hai quan niệm này độc lập, tách biệt nhau mà họ đặt vào mối quan hệ biện chứng trên cơ sở tác động lẫn nhau. Mối quan hệ qua lại này không nằm trên tác động hai chiều cho nhận mà là mối quan hệ giữa ba trục: chính trị - văn hóa - kinh tế, nét đặc sắc trong vận dụng nền tảng vào thực tiễn đã đem lại thành công cho Hàn Quốc. Trong đó, văn hóa là trục chính được sử dụng như một dạng quyền lực mềm để mở đường cho chính trị, quan hệ ngoại giao và kết nối kinh tế.

2. Hallyu - sản phẩm chiến lược đưa văn hóa Hàn Quốc ra thế giới

Trong chiến lược đưa Hàn Quốc ra thế giới cũng như để thế giới nhận biết Hàn Quốc, văn hóa là sự lựa chọn duy nhất và là trục nối chính trong thực thi chính sách segyehwa của Hàn Quốc.

Giai đoạn cho chiến lược làn sóng Hàn lan tỏa được bắt đầu từ thập niên 90 TK XX khi các công ty phát thanh truyền hình triển khai mạng lưới phân phối các sản phẩm mang nội dung trên các phương tiện truyền thông của họ để đưa ra thị trường châu Á. Thông qua những hình ảnh trình chiếu qua phương tiện truyền thông, một Hàn Quốc mới với nhiều kiểu thời trang, kiểu tóc mới nhất, hình ảnh thành phố hiện đại, các sản phẩm công nghiệp… những yếu tố hội đủ tiêu chuẩn về một cuộc sống chất lượng cao (2). Đây có lẽ là lý do đầu tiên và quan trọng nhất trong sự cố gắng cải biến nhận thức của người dân Hàn Quốc từ âm sang dương, một trong những cố gắng nhằm xóa nhòa hình ảnh mang đậm tính âm của nền văn hóa cổ truyền. Cụ thể hơn, khán giả Châu Á khi đến với hình ảnh Hàn Quốc đều cảm thấy hài lòng với một Hàn Quốc hiện đại, năng động. Những quan điểm về một Hàn Quốc như thiếu cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, giờ đây đã được thay thế bằng hình ảnh của một đất nước xanh, sạch, hiện đại và thấm đẫm tình người.

Ngoài quá trình chuyển đổi về hình ảnh Hàn khi ra thế giới, các nhà làm phim người nước này còn chú trọng đến yếu tố riêng về quan niệm, bối cảnh xã hội của từng quốc gia cụ thể khi xuất khẩu sản phẩm văn hóa. Để bước vào Nhật Bản, người Hàn đã chọn bộ phim Bản tình ca mùa đông (2002). Đây là hiện tượng duy nhất trong lịch sử của mối quan hệ văn hóa giữa Nhật Bản với Hàn Quốc trong ba thập niên. Ở tác phẩm, người ta tìm thấy một cảm giác mới mà đời thường không có trong bối cảnh xã hội gia trưởng của Nhật Bản. Phim Hàn được người Nhật chấp nhận xem và thậm chí còn tạo nên hiện tượng yonsama tại Nhật Bản. Với thị trường Trung Quốc, Hallyu có Báu vật hoàng cung. Bộ phim đã đem về cho Hàn Quốc doanh thu lên tới 40 triệu USD khi xuất khẩu ra toàn thế giới kể từ khi nó phát sóng lần đầu tiên vào năm 2003. Trong đó, chỉ tính riêng truyền hình Hồ Nam đã trả tới 1,2 triệu USD để mua bản quyền phân phối và phát sóng tại Trung Quốc (3). Ở Trung Quốc, bộ phim hướng tới một ý nghĩa khác khi chinh phục khán giả. Nội dung chính xoay quanh chủ đề về ẩm thực và y lý - một trong những lĩnh vực là niềm tự hào của văn hóa Trung Hoa từ hơn 5.000 năm nay. Yếu tố hiện đại và truyền thống đã cho phép bộ phim thu hút được một lượng khán giả lớn tuổi hơn ở Trung Quốc...

Giá trị sức mạnh Hallyu của Hàn Quốc còn liên quan đến giá trị thị trường và tiềm năng phát triển thị trường của nó trong môi trường cạnh tranh xuyên quốc gia. Hallyu đã mang lại giá trị kinh tế to lớn cho Hàn Quốc. Về kinh tế, chỉ một bộ phim Hậu duệ mặt trời đã mang về cho Hàn Quốc hơn 261 triệu USD (4) (khoảng 5,8 nghìn tỷ VND), gấp 5 lần tổng giá trị mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của toàn TP.HCM năm 2018 là 1.050.093 tỷ đồng (5). Tuy nhiên, trên cả doanh thu, hiệu quả của bộ phim này còn mang lại những lợi ích vượt biên giới, cụ thể: bộ phim được xuất khẩu đến hơn 27 quốc gia, trong đó có những thị trường lớn và khó thâm nhập như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức,… Vậy Hallyu chính là phương tiện của ngoại giao văn hóa công cộng và là sản phẩm thương hiệu quốc gia (tài sản vô hình). Tuy nhiên, không chỉ dừng ở phim, nhạc và các sản phẩm văn hóa, phạm vi của Hallyu đã mở rộng thành 10 đến 14 lĩnh vực chính kể từ năm 2001. Định nghĩa ban đầu của Hallyu là “sự phổ biến của văn hóa đại chúng của Hàn Quốc ở Châu Á” và nó cũng được gọi là “các sản phẩm phân biệt Hàn Quốc trong lĩnh vực cụ thể”, tuy nhiên, những lập luận gần đây cho rằng cần có sự điều chỉnh lại sự định vị các dòng sản phẩm văn hóa này, bởi để giữ vững là một sản phẩm mang tính quốc tế thì thương hiệu văn hóa phải không mang màu sắc của riêng quốc gia nào, phải là nơi bất cứ ai, chỉ cần người yêu thích trải nghiệm văn hóa, không riêng gì K - Culture, cũng có thể tìm đến (6).

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, sự lựa chọn lấy văn hóa làm tiền đề cho các lĩnh vực khác xuất khẩu, kế đến mô hình đúng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hướng tới xuất khẩu. Sự sáng tạo trong mô hình này là kết hợp được những thành công trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (điện tử, công nghệ) sang với công nghệ sản xuất sản phẩm văn hóa mang nội dung. Mở đầu là những thiết chế về quản lý phương tiện truyền thông được sửa đổi và mở rộng ra các thành phần tư nhân và các tổ chức kinh tế khác. Điều này có sự tương đồng trong lộ trình phát triển tại Việt Nam. Nếu như ở Hàn Quốc là luật về cáp truyền hình được ban hành vào năm 1993, tại Việt Nam là Quyết định số 38/2002 của Bộ VHTTDL và Nghị định 26/2000/ NĐ-CP của Chính phủ về việc mở rộng chủ thể hoạt động nhập khẩu phim ra ngoài phạm vi Nhà nước.

Thứ hai, cách xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của mối quan hệ hữu cơ giữa trục chính trị - văn hóa - kinh tế, trong đó văn hóa đối với cuộc cách mạng toàn cầu hóa là yếu tố mềm duy nhất tạo nên một quốc gia rộng lớn hơn. Bởi văn hóa là cái mà người ta có thể cảm nhận qua không gian và thời gian. Và kinh tế cũng phải chọn lọc hình ảnh đã được văn hóa định hình để tiếp cận khách hàng.

Thứ ba, phân loại nguồn tin bằng cách sử dụng văn hóa như lưới lọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, phương pháp chính để hiện tượng Hallyu được mở rộng là do sự kết hợp từ các tổ chức truyền thông lớn, Chính phủ và những nhà hoạch định chính sách.

Thứ tư, sử dụng truyền thông phục vụ cho văn hóa. Thủ tướng Lee Hae-chan cũng nhấn mạnh quan điểm: cần có sự tăng trưởng và quản lý sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài để củng cố hình ảnh của dân tộc có một sức mạnh về công nghệ thông tin. Đây là chiến lược sử dụng chủ nghĩa văn hóa dân tộc trong định hướng của các nhà lãnh đạo cùng với ý kiến ​​các học giả khi đề cập đến hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp sản xuất văn hóa thông qua các báo cáo, phân tích văn hóa, và bài xã luận báo chí… Bài học này cho thấy, Hàn Quốc chỉ đơn giản là đặt những luồng thông tin đại chúng đang tản mát trên khắp các phương tiện vào trong một hệ thống có chủ đề với sự tham dự nhiệt tình của những người có khả năng tạo dựng uy tín trong xã hội. Tuy vai trò của sản phẩm Hallyu có xu hướng cường điệu hóa như một niềm tự hào quốc gia và biểu tượng cho hình ảnh về người Hàn, nhưng ở một phương diện nào đó, những sản phẩm văn hóa từ Hallyu còn là một phương tiện mới của ngoại giao văn hóa.

Sự thành công của Hallyu còn là kết quả của quá trình phát triển đồng bộ giữa nội dung văn hóa và công nghệ. Sự tương tác giữa các sản phẩm văn hóa và thiết bị đã cho phép người Hàn tự do hơn trong lĩnh vực của mình. Bởi, nội dung sản phẩm văn hóa cũng do họ sản xuất và thiết bị để chuyển tải cũng do họ cung cấp. Vì vậy, không khó để hiểu vì sao giới trẻ ngày càng say đắm với các ứng dụng trên thiết bị di động và say mê với các thần tượng được tạo hình từ công nghệ Hallyu.

Tầm ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc ở châu Á những năm 90 đến nay đã lan sang các nước Châu Âu và Trung Đông cho thấy sự thành công sâu rộng của Hallyu đem lại cho người Hàn. Có thể nói, chiến dịch hình ảnh vạn hoa với những dấu hiệu dường như có mặt khắp nơi được tái lập liên tục, tạo sự gợi nhớ cho người xem bằng các chiến dịch truyền thông theo từng chu kỳ. Điều này chứng minh thông điệp: Toàn cầu hóa phải được củng cố bằng Hàn Quốc hóa. Người Hàn Quốc phải tiến ra thế giới dựa trên sức mạnh của kinh tế và văn hóa; đồng thời, phải lôi kéo được thế giới đến với Hàn Quốc.

______________

1. Kim Young-sam, Kim Young-Sam and the New Korea, Chicago, Bonus Books, 1992, pp.361-365.

1. Hochang Shin and Hyungshin Roh, Foreign Media Coverageof Hally and Suggestions for public Relations Strategies” in Hallyu - Influence of Korean Popular Culture in Asia and Beyond, Seoul National University Press, 2008, pp.399.

3. Ji-Eun Kim, Korea wave in China: Its impact on the South Korea-Chines relations, University of British Colombia, pp.31.

4. kenh14.vn.

5. Báo cáo Cục thống kê TP.HCM tháng 12 - 2018.

6. Seong Yeon, “CJ E&M: Creating a K-Culture in the US” trong Hành trình sáng tạo của CJ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.

Tác giả: Tạ Thị Lan Khanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

 

;