Cảnh trong vở Rồng thần trở lại của Nhà hát Kịch Việt Nam
Không giống với những loại hình nghệ thuật khác, sân khấu đòi hỏi sự diễn xuất rất nhiều, từ cái cây, con vật đến trẻ em đều phải do diễn viên chuyên nghiệp đảm nhận. Không ngạc nhiên khi người ta thấy nhân vật đứa bé năm tuổi do diễn viên 30 tuổi thủ vai. Hiếm lắm mới có trường hợp diễn viên nhí đảm nhận vai diễn trẻ con. Tuy nhiên, đó là ở những vở diễn dành cho khán giả lớn tuổi, chỉ có 1 đến 2 nhân vật trẻ con. Còn với những tác phẩm được dàn dựng để phục vụ khán giả là thiếu nhi với rất nhiều nhân vật bé xíu thì sao? Câu trả lời có ngay khi đến rạp hát xem kịch dành cho thiếu nhi: hầu hết diễn viên chuyên nghiệp đảm nhận vai diễn trẻ con.
Trẻ con diễn xuất có hiệu ứng đặc biệt
Nhà báo, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cho biết, anh rất vui khi nhìn thấy các diễn viên nhí lên sân khấu đóng những vai trẻ con trong vở kịch dành cho thiếu niên - nhi đồng. Bóng dáng trẻ con xuất hiện trong những vai diễn trẻ con có một hiệu ứng đặc biệt. Nó khiến khán giả nhí bên dưới cảm thấy gần gũi, và vì thế tác phẩm cũng trở nên cuốn hút hơn. Nghệ thuật sân khấu có ưu điểm vượt trội hơn tất cả các loại hình giải trí khác, đó là sự tương tác giữa nhân vật trên sàn diễn và các khán giả ngồi dưới khán phòng. Đôi khi, trẻ em ngồi ở khán phòng cũng đóng vai trò là nhân vật trong vở diễn. Điều này khiến không khí thưởng thức nghệ thuật trở nên hào hứng bất ngờ. “Tôi rất thích xem những vở diễn về trẻ con mà trong đó trẻ con có tham gia diễn xuất. Tất nhiên, trẻ em thì khó có thể đảm đương được những vai chính nhưng chỉ cần các em xuất hiện trên sân khấu như những nhân vật phụ hoặc quần chúng cũng tạo được hiệu ứng đáng kể” - đạo diễn của nhiều chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi phát biểu quan điểm.
Cảnh trong vở Cây tre trăm đốt của Sân khấu Lệ Ngọc
Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng tiết lộ, anh từng được mời tham gia chấm một số cuộc thi, trong đó các bạn học sinh tham gia diễn xuất những nhân vật trong tác phẩm văn học in ở sách giáo khoa. Những vở diễn này có thể được sự trợ giúp từ các đạo diễn, diễn viên được đào tạo bài bản. Nhưng khi các em học sinh đóng những vai diễn trong vở kịch lại có hiệu quả đặc biệt, nó khiến cho chính các em hứng thú hơn với tác phẩm văn học và người xem cũng cảm nhận được điều mới lạ. Thậm chí, các em học sinh diễn kịch có nét gì đó đột phá hơn một vài vở kịch của diễn viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, ở đây sự so sánh là khập khiễng. Song cái độc đáo, ngây thơ, hồn nhiên của các diễn viên trẻ em thì rất khó thấy ở diễn viên chuyên nghiệp.
Người trong nghề đang nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư, dàn dựng những vở diễn dành cho thiếu nhi. Bởi các em chính là tương lai của đất nước, những nghệ sĩ tiềm năng của sân khấu hoặc những khán giả sẽ thường xuyên duy trì ánh đèn trên các sàn diễn. Nếu các đơn vị nghệ thuật thường xuyên chú ý đến việc dựng vở để phục vụ các thượng đế nhỏ tuổi, một lượng lớn những vở diễn dành cho thiếu nhi sẽ ra đời, vậy có nên giao các vai diễn trong đó cho các diễn viên trẻ em?
Nhiệm vụ vẫn thuộc về người lớn
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị nghệ thuật có 46 năm kinh nghiệm dàn dựng và biểu diễn phục vụ thiếu niên - nhi đồng cho rằng, thật khó để chọn một diễn viên nhí đúng lứa tuổi vào đúng nhân vật trong vở diễn trên sân khấu. Với đặc trưng và đòi hỏi khắt khe của bộ môn này, thì diễn viên tham gia diễn xuất một nhân vật nào đó trên sàn diễn không liên quan đến lứa tuổi mà liên quan đến tài năng, kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ đó. Người diễn viên ấy có phù hợp với vai diễn, tính cách của nhân vật trong vở kịch hay không, đó mới là vấn đề.
Cảnh trong vở Chú mèo dạy hải âu bay của Nhà hát Tuổi trẻ
Tuy nhiên, nam đạo diễn không phủ nhận những hiệu quả đặc biệt khi có diễn viên trẻ em đảm nhận vai trẻ em trong vở diễn dành cho thiếu nhi. “Nếu chúng ta có được một diễn viên nhỏ tuổi tham gia diễn xuất một vai diễn đúng tuổi của em ấy trong vở kịch thì sẽ rất tốt. Nhưng thực tế chúng ta không có sẵn những diễn viên như vậy. Dù sao, khi đã đứng trên sân khấu thì phải học diễn xuất. Mà tuổi các em đang phải đến trường nên không thể theo kịp guồng máy của một nhà hát chuyên nghiệp” - Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến nêu quan điểm.
Vì Nhà hát Tuổi trẻ chuyên dựng vở phục vụ thiếu niên - nhi đồng nên thi thoảng cũng mời một số học sinh tham gia vào các vai diễn phụ, hoặc một đoạn ngắn trong các vở kịch thiếu nhi. Các em này thường được đào tạo ngắn hạn dưới hình thức sinh hoạt tại các câu lạc bộ văn nghệ. Thực tế hiện nay, đào tạo một diễn viên từ khi còn bé là điều rất khó khăn. Ngoài chuyện các em phải đi học văn hóa, thì khi lớn lên, các em có thể gắn bó với nghề diễn được hay không hoàn toàn do duyên. Không thể nói trước được. Nghề diễn rất khắc nghiệt, không phải ai cũng có thể theo đến cùng. Do vậy, việc dàn dựng và biểu diễn những vở kịch dành cho thiếu nhi vẫn do các diễn viên người lớn đảm nhận.
“Đã là một nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu thì vai diễn không phụ thuộc vào lứa tuổi. Bạn được đào tạo để trở thành nghệ sĩ biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp thì bạn phải làm được tất cả các kỹ năng, kể cả việc bạn phải đóng vai trẻ em hay con vật. Nghề diễn đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ diễn mà còn phải biết hát, múa và nhiều tài lẻ khác. Nghệ sĩ phải có khả năng biểu diễn những bộ môn khác nhau và phải rèn luyện để biến khả năng thành tài năng. Diễn viên càng đóng được nhiều dạng vai thì càng giỏi” - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ giải thích.
THU HUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024