Nhà rông - niềm tự hào của người Ba Na

“Nhà rông kiến trúc lạ thay/ Đặc trưng văn hóa xứ này đấy anh”. Câu thơ mộc mạc mà chứa chan niềm tự hào, kiêu hãnh của cả buôn làng về một nét đẹp riêng có của dân tộc mình. Đối với người Ba Na, nhà rông không đơn thuần chỉ là nơi để sinh sống, che nắng che mưa mà còn là biểu tượng, là công trình nghệ thuật độc đáo giúp phân biệt và nhận biết tộc người. Đồng thời, thể hiện niềm tin và kết nối sức mạnh cộng đồng rất sâu sắc.

Đến với buôn làng Ba Na, người ta dễ dàng bắt gặp những căn nhà rông to sừng sững, cao vút, trông bề thế, tạo ấn tượng về sự hoành tráng, thể hiện sức mạnh hiên ngang của con người trước thiên nhiên đất trời. Thường các căn nhà này được người dân xây cất ở nơi có thế đất cao, giúp cho việc phát hiện thú dữ hoặc những nguy hiểm rình rập một cách dễ dàng. Có thể nói, Nhà rông giống như “linh hồn” của cộng đồng dân tộc Ba Na, làng bản mà thiếu nhà rông thì không được được là làng, cũng giống như trong một gia đình vắng người đàn ông là thiếu đi sự an toàn, sức mạnh chống chọi với thú dữ, thiên tai.

Nhà rông của người Ba Na tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)

Tuy mang dáng dấp to lớn là vậy, nhưng nhà Rông của người Ba Na rất thanh thoát, độc đáo. Mỗi nhà rông có độ cao tầm 12-20m, tùy vào nhu cầu và sự giàu có của buôn làng. Kiến trúc hình chữ A, toàn bộ mái được lợp bằng lớp cỏ tranh rất dày (khoảng 20cm), trên nóc có dải hoa văn trang trí lạ mắt. Người Ba Na thiết kế nhà rông với phần hành lang rộng, sàn nhà cách mặt đất chừng 2 đến 3m hình oval cắt bỏ 2 đầu, có thể tận dụng khoảng trống đó để làm trang trại nuôi gia cầm, gia súc rất tiện lợi. Không gian trong nhà rông rất lớn, tổng diện tích lên đến 90m2, có thể chứa hết người dân trong buôn làng, khoảng 70 đến 100 người.

Nhà rông còn thể hiện trình độ và hiểu biết về kiến trúc xây dựng của người Ba Na. Đối với phần mái cao và nặng, họ thiết kế các cây gỗ được bào tròn và thẳng, dài hàng chục mét đan chéo nhau, tạo nên sự nâng đỡ chắc chắn và kiên cố, có thể chống chọi với mưa gió hiệu quả. Điểm độc đáo trong xây dựng của nhà rông còn thể hiện ở việc sắp xếp các lối cầu thang dành cho những đối tượng khác nhau. Cầu thang gồm 7 bậc bên trái dành cho nam, cầu thang 9 bậc bên phải dành cho phụ nữ và lối cầu thang chính giữa căn nhà dành cho các già làng trong những buổi lễ, sự kiện quan trọng, linh thiêng của buôn làng.

Trống pơ nưng không thể thiếu trong lễ hội của người Ba Na

Bởi nhà rông đóng một vị trí quan trọng bậc nhất trong đời sống của người dân nên họ cũng rất chú trọng đến chất liệu để xây dựng những căn nhà kiên cố, hoành tráng. Những nguyên liệu có sẵn và quý hiếm trong vùng như: gỗ lim, gụ… hoặc tre, nứa đều được chọn lựa kỹ càng.

Cái hay và ý nghĩa của việc xây dựng nhà rông đối với người Ba Na còn được thể hiện qua sự đồng lòng, đoàn kết của cả buôn làng. Theo phong tục cổ truyền của người Ba Na, các thành viên trong làng sẽ được già làng thông báo trước một năm về kế hoạch làm nhà rông để có thời gian chuẩn bị vật liệu tốt nhất, sau đó làm lễ cúng Yàng để được phép khởi công. Đây cũng là nghi lễ bắt buộc và hàm chứa nhiều yếu tố tâm linh linh thiêng. Nhất thiết phải có đủ huyết của ba loài vật: heo, gà, dê và được đựng trong ống lồ ô để cúng tế. Mỗi loại huyết đại diện cho một ý nghĩa khác nhau. Huyết dê để trừ tà; huyết gà thể hiện sự thành công trong mọi việc xây dựng; huyết heo cho thấy đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong buôn làng. Anh Y Hoát (dân tộc Ba Na) cho biết: “Ngày xưa, nhiều năm về trước, mỗi dịp làm nhà rông, các gia đình đều được già làng giao cho nhiệm vụ chuẩn bị tre nứa và gỗ để làm nhà, hầu như ai ai cũng đều tham gia công việc chung của buôn làng, mỗi người góp một chút sức, vừa nhanh hoàn thiện nhà vừa tăng thêm tình cảm, gắn kết giữa các thành viên trong làng. Tất cả đều là người một nhà”.

Bên trong nhà rông là nơi sinh hoạt văn hóa như: múa hát, biểu diễn cồng chiêng, uống rượu mừng các chuyện vui, ngày lễ...

Làm nhà rông là công việc cần nhiều nhân lực và thời gian, đòi hỏi sự hỗ trợ, luân phiên nhịp nhàng giữa những người tham gia làm nhà, vừa đảm bảo được việc lao động sản xuất riêng của mỗi gia đình, vừa dành thời gian góp sức với công trình chung của buôn làng. Thông thường, một căn nhà rông hoàn chỉnh được làm hoàn toàn bằng sức người kéo dài từ 5 đến 8 tháng, vì vậy mà lễ mừng nhà rông mới được tổ chức rất long trọng, linh đình, kéo dài liên tục 3 ngày.

Hầu hết các buổi sinh hoạt văn hóa, trao đổi công việc chung, cũng như đón tiếp đãi khách của cộng đồng dân tộc Ba Na đều diễn ra tại nhà rông và chỉ đàn ông mới được ngủ ở nhà rông. Những khi rảnh rỗi hoặc có chuyện vui, các nam thanh nữ tú Ba Na thường đến đây để tập cồng chiêng, múa hát. Đặc biệt, đây cũng là nơi lớp người già truyền dạy cho lớp trẻ những kinh nghiệm về cuộc sống, lao động, sản xuất và văn hóa truyền thống; nơi họp bàn, cất giữ vật thiêng, tổ chức nghi lễ cộng đồng.

Không gian Làng dân tộc Ba Na tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trong chuyến tham quan, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm nhà rông của đồng bào Ba Na tại không gian Làng dân tộc Ba Na tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hạnh, một du khách hồ hởi chia sẻ: “Nhà rông thì tôi đã được xem nhiều lần trên vô tuyến hay báo chí nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy căn nhà rông thật sự. Bên ngoài trông cao và lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Sao chỉ bằng sức người đơn thuần, không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại mà đồng bào lại có thể xây dựng được một công trình đồ sộ và độc đáo đến vậy. Tôi rất khâm phục và xúc động”.

Còn em Hoàng Thanh Huế (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Từ khi trường chuyển cơ sở xuống dưới Hòa Lạc, rất gần với Làng Văn hóa nên em cũng đến đây tham quan nhiều lần để tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh, nhưng vẫn chưa khám phá hết những nét đẹp văn hóa của các dân tộc nơi đây. Đây là lần thứ 2 em thăm nhà rông, lần đầu tiên chỉ mới nhìn từ bên ngoài, lần này em đã được vào bên trong và tham quan những vật dụng quý giá của đồng bào Ba Na, mọi thứ thật lạ lẫm và khơi dậy trong em rất nhiều sự tò mò muốn khám phá”.

Có thời gian, ở một số nơi, nhà rông bị mai một và bị sửa chữa phần mái bằng bê tông và kim loại, làm mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa nguyên vẹn của nhà rông truyền thống. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà rông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam làm điểm thu hút khách du lịch đến khám phá và tìm hiểu văn hóa, con người Ba Na là một giải pháp hữu hiệu , không chỉ góp phần  bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp du khách thuận lợi trải nghiệm nét văn hóa truyền thống.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

;