Độc đáo nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông

Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Năm 2017, nghệ thuật dân gian này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này rất cần được quan tâm hơn nữa để giữ gìn, phát huy tốt giá trị của nó trong đời sống cộng đồng hiện nay.

Hoa văn trên vải của người Mông là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước, mang tính nghệ thuật cao.

Không gian đồng bào Mông vẽ sáp ong lên vải tại chợ vùng cao phía Bắc 

Để tạo được những hoa văn trên tấm vải, người Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Các bước chuẩn bị cho vẽ sáp ong trên vải lanh cũng lắm công phu. Đầu tiên phải làm lanh, dệt vải. Một chiếc váy của người Mông được làm từ tấm vải lanh dài khoảng 6 - 7m. Lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp tràm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn.

Từng nét vẽ đều rất tỉ mỉ

Tiếp đó là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy thì nấu hai loại sáp này trộn cùng với nhau. Lúc đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70 - 80 độ, sáp mới không bị khô. Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ. Gọi là bút, nhưng đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp để nối tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn nghệ nhân bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, sẽ còn lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng.

Dụng cụ để vẽ sáp ong của đồng bào Mông

Quy trình vẽ hoa văn sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản, nhưng để làm được một chiếc váy hoàn chỉnh, phụ nữ Mông phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong ở bản Cổng Trời (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) được tiếp nối từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác theo đường mẹ truyền con nối. Các cháu ở đây khoảng từ 7 đến 8 tuổi đã được các bà, các mẹ cầm tay chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ. Đến khi trưởng thành, các em đã có đôi bàn tay khéo léo và thuần thục cách tạo hình, trang trí hoa văn, điêu luyện trong kỹ thuật chiết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt.

Đặc biệt, người Mông có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ. Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.

Từng tấm vải lanh của đồng bào Mông hoàn chỉnh với các họa tiết hoa văn độc đáo

Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hóa của đồng bào người Mông.

Phụ nữ Mông ở Cổng Trời hiện nay vẫn duy trì kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống, và được không ít du khách đến tham quan, mua làm quà lưu niệm sản phẩm này. Để bảo tồn, duy trì nghề thủ công truyền thống, bản thường xuyên vận động, tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình duy trì và phát triển sản phẩm vào lúc nông nhàn. Tri thức dân gian kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở bản Cổng Trời chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Dù đứng trước cuộc sống hiện đại thì người dân bản Cổng Trời vẫn cùng nhau bảo vệ và phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, sự tài hoa, tinh tế và khéo léo.

Bài, ảnh: TUẤN MINH

;