Đình Tân Thới Nhì trong văn hóa tín ngưỡng ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Một vài nét về đình Tân Thới Nhì

Đình Tân Thới Nhì tọa lạc tại số 2, đường Lý Nam Đế, khu phố 5, thị trấn Hóc Môn, xưa kia vốn thuộc về làng Tân Thới Nhì, do dân cư nơi đây đóng góp xây dựng. Xét về mặt dân cư “thuộc về” đình Tân Thới Nhì hiện nay, nghĩa là những người có thể tham dự trực tiếp lễ cúng đình Tân Thới Nhì, có dân cư của xã Tân Thới Nhì hiện nay và các ấp của xã Tân Thới Nhì được cắt ra để thành lập thị trấn Hóc Môn năm 1977 (ấp Dân Thắng, Nhất Trí, Dân Tiến). Tương tự, người dân của ấp Nam Thạnh (cũ) và ấp Thới Tam (cũ) được cắt từ xã Thới Tam Thôn để thành lập thị trấn Hóc Môn có thể thuộc vào một trong ba ngôi đình là đình Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ và Tam Đông trong hệ thống các thôn gốc “Tân Thới” của khu vực mười tám thôn vườn trầu xưa. Như vậy, xét về mặt dân cư “trực thuộc” đình Tân Thới Nhì bao gồm dân cư hiện sinh sống tại xã Tân Thới Nhì và một phần của thị trấn Hóc Môn. Cư dân xã Tân Thới Nhì thuộc khu vực nông thôn và cư dân thuộc thị trấn Hóc Môn thuộc khu vực thành thị.

Tại thị trấn Hóc Môn, ngoài đình Tân Thới Nhì còn có chùa Vạn Đức, Từ Quang, Giác Huệ, Từ Đức, Linh Quang Phật đường, Long Thái Hội quán, miếu Quan Công, miếu Bà Mỹ Duyên hội, miếu Tiên Sư, Thới Hưng, Thạnh Hòa, giáo xứ Hóc Môn và các di tích lịch sử Ngã ba Giồng, Vườn trầu Bà Điểm… Tại xã Tân Thới Nhì hiện nhân dân còn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại miếu Bà Nhị Tân. Đình Tân Thới Nhì là một trong những ngôi đình cổ của vùng đất Bà Điểm - Hóc Môn, nên vào các dịp lễ tại đình, không chỉ có người dân của xã Tân Thới Nhì và thị trấn Hóc Môn tham dự mà có nhiều người ở các xã khác cũng đến cúng lễ.

Đối tượng thờ của đình Tân Thới Nhì có nhiều nét tương đồng với các đình khu vực ngoại thành TP.HCM. Điều này có lẽ xuất phát từ tính tương đối đồng nhất của cư dân nơi đây vốn chuyên về nghề nông với phần lớn cư dân các làng chủ yếu là làm nông. Các thần được thờ trong đình Tân Thới Nhì gồm: tại chính điện là Thành hoàng, tức là thờ Nhiên thần. Cũng như hầu hết các đình ở TP.HCM, Thành hoàng không có tượng thờ và chỉ ghi đại tự “Thần” bằng chữ Nôm. Đình được Vua Tự Đức ban sắc phong và thần được phong là Thành hoàng Bổn Cảnh (năm Tự Đức thứ 5-1852). Bên phải khám thờ chính thờ Thành hoàng là bàn thờ hữu ban, bên trái là tả ban. Trên bàn thờ tả ban có bài vị bằng gỗ thờ ông Trịnh Thiêm, người có công hiến đất để xây dựng đình. Thờ Tiên hiền - Hậu hiền và Tiên sư; thờ Thần nông. Ngoài ra, đình còn thờ Thần Hổ ở giữa sân đình, tượng hổ có nhiệm vụ canh giữ đình làng. Bên phải là miếu Thanh Long, bên trái là miếu Bạch Hổ. Đối tượng thờ cúng ở đình Tân Thới Nhì hiện nay bao gồm các vị thần, tiền/ hậu hiền từ ngôi đình truyền thống đồng thời có sự bổ sung thêm những đối tượng khác theo sự vận động của lịch sử - xã hội. Gần đây người dân cũng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn thờ của Người đặt phía sau khám thờ tiền nghi.

Chức năng của đình Tân Thới Nhì trong văn hóa tín ngưỡng ở TP.HCM hiện nay

Chức năng giáo dục

Như ở nhiều nơi của TP.HCM, địa danh Tân Thới Nhì không trùng khớp với địa giới của làng Tân Thới Nhì xưa do sự hình thành các đơn vị hành chính mới trong quá trình phát triển và trong quá trình đô thị hóa. Những thay đổi về hành chính và nhiều mặt khác khiến cho nhiều di tích lịch sử bị lãng quên hoặc không được hiểu đúng. Thông qua tên đình và những hiện vật thờ hay lưu giữ trong đình cũng như các “truyền thuyết” xung quanh ngôi đình cho những gợi ý có ý nghĩa trong việc tái hiện lịch sử của một vùng đất. Tên đình luôn theo tên làng xưa là một điểm mốc quan trọng làm liên kết và liên tục lịch sử của địa phương từ quá khứ đến hiện tại.

Đối với đình Tân Thới Nhì, tên đình nằm trong hệ thống các đình có tên bắt đầu bằng hai từ “Tân Thới” của khu vực mười tám thôn vườn trầu (vườn Phù Lâu) thuộc vùng Hóc Môn - Bà Điểm ngày nay. Xã Bà Điểm hiện nay thuộc về làng Tân Thới Nhất xưa, nơi có đình Tân Thới Nhất và đền thờ Phan Công Hớn (một anh hùng chống Pháp vùng Hóc Môn - Bà Điểm), có chợ Bà Điểm cũng là một xã thuộc huyện Hóc Môn. Chợ Bà Điểm cũng là bến xe thổ mộ - xe ngựa - chuyên chở hàng hóa và hành khách đi nhiều nơi đặc biệt là vào các chợ Bà Quẹo, Tân Định... là những vùng ven nội đô trước năm 1975. Các địa danh này có thể bị mất đi hoặc không xác định được địa giới kể cả nguồn gốc dân cư mà hầu như chỉ còn gắn kết qua ngôi đình. Mối quan hệ nguồn gốc giữa các làng mang tên bằng hai từ “Tân Thới” còn là một khoảng trống cần được nghiên cứu. Và, trong khi chờ đợi, để được làm rõ thì chính ngôi đình là nơi tập trung một cách tương đối đầy đủ hơn cả của quá trình khai phá và phát triển vùng đất này.

Nông nghiệp của các làng xã ở Hóc Môn, Bà Điểm thuộc khu vực vườn Phù Lâu - mười tám thôn vườn trầu đã rất phát triển. Ngoài trồng trầu cau, còn có thuốc lá, cư dân trong vùng còn trồng nhiều rau quả khác. Nông nghiệp phát triển tạo nông sản hàng hóa đã thúc đẩy các hoạt động thương mại trong vùng và đầu TK XIX đã có chợ Hóc Môn ở làng Tân Thới Nhì với vai trò là “chợ tổng” của tổng Dương Long, huyện Bình Dương, trấn Phiên An. Chợ Hóc Môn với vai trò là “chợ tổng” tồn tại cho đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa. Cư dân mười tám thôn vườn trầu cung cấp trầu cau cho giới thương buôn ở Chợ Lớn và Bến Nghé để từ đó được phân phối khắp nơi ở Đàng Trong. Các vườn trồng trầu cau là đặc trưng một thời của vùng Hóc Môn - Bà Điểm và trở thành biểu tượng văn hóa của vùng này.

Có một sự kiện không chỉ được lưu truyền mà còn được xác thực trong đình Tân Thới Nhì là việc đình có thờ một vị Bang trưởng người Hoa - ông Trịnh Thiêm (có bài vị). Ông là người đã mua và hiến tặng mặt bằng để xây dựng đình Tân Thới Nhì đến địa điểm thuận lợi hơn, rộng hơn cho người dân đến dự lễ đông đủ, thuận tiện. Cạnh đình còn có miếu thờ ông Bổn, thường được gọi là chùa Ông - một cơ sở tín ngưỡng dân gian phổ biến trong cộng đồng người Hoa. Xét về mặt dân cư, vào đầu TK XIX, ngoài người Việt ở Tân Thới Nhì thì có một bộ phận người Hoa sinh sống. Cụ thể là tại hai làng trung tâm của khu vực mười tám thôn vườn trầu là làng Tân Thới Nhất (xã Bà Điểm) và làng Tân Thới Nhì (nay là xã Tân Thới Nhì và một phần của thị trấn Hóc Môn). Chính hoạt động buôn bán của người Hoa thúc đẩy cho hoạt động sản xuất nông sản hàng hóa cũng đồng thời đưa vai trò của chợ Hóc Môn là chợ của cả tổng Dương Long. Chúng ta cũng biết là địa bàn cư trú tập trung của người Hoa vào đầu TK XIX là Chợ Lớn (thời đó gọi là Sài Côn hoặc Đề Ngạn), Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên. Những nơi này đều là các trung tâm thương mại của Gia Định (thời Gia Long) hay lục tỉnh Nam Kỳ (từ thời Minh Mạng) có giao thương mạnh mẽ với vùng Chợ Lớn, Sài Gòn (Bến Nghé) và Hóc Môn - Bà Điểm. Hiện nay, người Hoa ở Quận 12 và huyện Hóc Môn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong các quận huyện của TP.HCM. Tuy nhiên, ở Quận 12 và huyện Hóc Môn, người Hoa tập trung chủ yếu quanh chợ Hóc Môn và chợ Bà Điểm, tức là trên địa bàn hai làng xưa là Tân Thới Nhất và Tân Thới Nhì.

Trong các làng thuộc mười tám thôn vườn trầu có nhiều làng có tên bắt đầu bằng cùng hai từ “Tân Thới” cho thấy một mối quan hệ có tính “nguồn gốc” của quá trình hình thành của những làng trong khu vực. Khu vực này có một vị trí quan trọng nên được chọn làm nơi đặt huyện nha huyện Bình Dương, trấn Phiên An dưới thời Vua Gia Long. Theo Gia Định Thành thông chí, “Đến tháng 3 niên hiệu Gia Long 12 (1813) mới chia đặt huyện nha ở Tân Thới Nhị thôn, thuộc đạo Quang Uy, cách phía Tây trấn 25 dặm rưỡi, khi ấy dẹp bỏ phủ nha, chính quyền đều thuộc về Trấn quan cai quản. Ở trước huyện nha dựng Vọng cung để làm lễ Chính đán đoan dương và sóc vọng, kế làm một lãnh sự đường và một đông đường, một tây đường, đặt một Tri huyện, một đề lại, hai thông sự, sáu chánh sai, 50 lính tạo lệ” (1).

Có thể nói rằng, ngôi đình đã ghi lại không ít sự kiện lịch sử. Trong đó, không ít sự kiện thể hiện sự kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc; tưởng nhớ và ghi ơn một cách thiết thực các anh hùng dân tộc có công giữ nước, những bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất mới...; ghi nhớ người sáng tạo ra các nghề với truyền thống thờ Tổ nghề (thờ Thần nông, thờ Tổ hát bội...). Có thể đình đã đảm nhận một cách sống động và thiết thực chức năng giáo dục của truyền thống văn hóa dân tộc.

Chức năng cố kết cộng đồng

Trong lịch sử lâu dài của mình, đình đảm nhận nhiều chức năng khác nhau. Trong đó, chức năng cố kết cộng đồng cư dân trong làng có vai trò quan trọng và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tang ma và cưới xin xưa kia đều phải báo cho Thần và quan viên của làng. Vai trò của đình trong nghi lễ vòng đời mà biểu hiện rõ nhất là hôn lễ và tang lễ. Nhiều tài liệu cũng đã đề cập đến việc yết cáo thần Thành hoàng khi đỗ đạt, được tuyển dụng vào quan trường (hay công chức), khi “thăng quan tiến chức”... (ý nghĩa rất rõ nhìn từ góc độ nghi lễ chuyển đổi). Những thành đạt như thế của dân làng cũng là danh dự chung của làng. Những mối liên hệ đó xuất phát từ tính cộng đồng của làng mà đình là biểu trưng và ngược lại nghi lễ tại đình là hạt nhân cố kết cộng đồng dân cư trong làng.

Chức năng kiểm soát xã hội

Chức năng cố kết của đình có vai trò tạo mối đồng cảm sâu xa với mục đích cùng chung sống trong cộng đồng. “Cố kết” là ý thức của tập thể của cộng đồng cư trú thông qua phong tục tập quán, sự phê phán, đạo đức... buộc mỗi thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ, biểu hiện qua trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng. Nhu cầu tế lễ nhằm báo đáp sự phù hộ cũng như báo đáp công ơn của các thần được thờ trong đình, được cả cộng đồng gìn giữ như hơi thở cuộc sống của cả cộng đồng. Thờ thần và tế lễ ở đình thực hiện theo nếp xưa truyền lại cũng là đảm bảo cho sinh hoạt của cả cộng đồng cư dân. Đó vừa là nhu cầu tinh thần, vừa là thực hiện nghĩa vụ của mỗi người, mỗi hộ đối với tập thể và khu vực cư trú.

Đình với tư cách là cơ sở tín ngưỡng dân gian, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp cư dân địa phương trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa các yếu tố tín ngưỡng dân gian truyền thống của dân tộc, với quan niệm sống theo tinh thần của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Đó cũng là những chuẩn mực của xã hội tạo nên một hệ giá trị đặc thù của dân tộc Việt. Các chuẩn mực và giá trị đó trở thành những truyền thống có khả năng điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân sao cho phù hợp với toàn xã hội.

Trong nhiều định chế của xã hội hiện đại, bao gồm các định chế chính thức được quy định bởi luật pháp còn có những định chế “phi chính thức” tồn tại trong phong tục tập quán, trong hệ thống các chuẩn mực và giá trị trong truyền thống của văn hóa Việt Nam mà trong đó, đình là một trong những biểu hiện của một trong những định chế phi chính thức đó. Đình đảm nhận chức năng giáo dục, chức năng cố kết nên cũng đồng thời đảm nhận chức năng kiểm soát xã hội. Thông qua việc tế lễ, sự đóng góp vật lực, tài lực để bảo trì và duy trì nét sinh hoạt của đình tự nó đã quy định hành vi của cá nhân trong sinh hoạt chung của cộng đồng. Một người làm điều không tốt, làm cho dân làng “mang tiếng” xấu sẽ phải xấu hổ và hối cải khi thắp hương và chiêm bái thần hay diện kiến cộng đồng của mình. Trong một chừng mực nào đó ý thức tập thể đã điều chỉnh hành vi của mỗi người sao cho phù hợp.

Chức năng bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật

Đình Tân Thới Nhì được Sở VHTT TP.HCM công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Việc công nhận hai ngôi đình trên và nhiều ngôi đình khác trên địa bàn TP.HCM là di tích cấp thành phố cũng đồng thời thỏa mãn kỳ vọng của người dân tại địa phương nhất là các vị cao niên. Kỳ vọng đó, là mong muốn các thế hệ con cháu luôn ý thức gìn giữ và tôn tạo để đình được trường tồn. Việc tồn tại của đình và việc công nhận đình là di sản cấp thành phố đã giúp cho đình có tư cách pháp nhân để duy trì nếp sinh hoạt của đình hay nói khác đi là nếp sinh hoạt đa dạng của người dân địa phương. Sinh hoạt của đình, nhất là thông qua các lễ lớn hằng năm là sự duy trì và tái tạo một nếp sinh hoạt đã trở thành thuyền thống. Đó là sự duy trì hiệu quả, có tính giáo dục, sống động, hoàn chỉnh nhất đối với một nếp sinh hoạt cộng đồng mang tính truyền thống của văn hóa dân tộc.

Sự duy trì nét sinh hoạt cộng đồng sống động nhất thể hiện mối quan hệ giữa các thế hệ người dân tại địa phương, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với người dân, giữa cư dân trong một khu vực có nhiều đình, có quan hệ với nhau được phản ánh trong các lễ trong năm của đình. Qua các lễ, nghi thức tế lễ được lưu truyền không chỉ bằng ý thức truyền thụ của người lớn tuổi cho các thế hệ con cháu mà còn từ trải nghiệm thực tế vào mỗi lần tổ chức lễ cho tầng lớp thanh thiếu niên.

Sự sống động trong tế lễ còn thể hiện thêm sự sáng tạo của nhiều loại hình nghệ thuật như nghệ thuật chưng hoa quả, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn (nghệ thuật sân khấu cổ truyền), múa lân sư rồng... Cũng qua các lễ cúng đình, chúng ta thấy được lễ phục truyền thống của cả nam nữ giới.

Như chúng ta biết, cho tới khi thực dân chiếm nước ta, trong xây dựng chưa phổ biến kỹ thuật sử dụng bê tông cốt thép thì đình là công trình lớn nhất trong phạm vi làng. Đình có mô típ kiến trúc riêng mà nhà ở của dân không bao giờ được xây cất theo kiểu loại ấy. Bên cạnh nét độc đáo về kiến trúc đình còn được trang trí bằng nhiều hoành phi, câu đối và các tác phẩm điêu khắc như tượng thờ, các bao lam... Các đồ thờ cúng ngoài ý nghĩa biểu trưng cũng là những tác phẩm nghệ thuật riêng của đình. Các loại hình nghệ thuật này cũng mang tính dân gian và tác giả thường là khuyết danh. Sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật này trong lịch sử của đình cho tới hiện nay thấy sự giữ gìn chu đáo của người dân, đồng thời luôn có sự bổ sung, tái tạo hoặc thay thế.

Đình là nơi lưu giữ một trong những văn bản có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là bằng chứng về vị trí của làng trong mối quan hệ với các làng khác là sắc phong được vua ban. Đình Tân Thới Nhì có sắc phong và là niềm tự hào của người dân địa phương. Sắc phong của vua được Ban Quản lý gìn giữ như báu vật của đình.

Về mặt văn học, tại đình Tân Thới Nhì có nhiều câu đối bằng chữ Hán Nôm, những câu đối ấy ca ngợi công đức của thần, mặt khác cũng cho thấy sự đề cao vai trò của các sĩ phu qua tài văn chương.

Đình Tân Thới Nhì cũng như nhiều ngôi đình cổ ở TP.HCM còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ (trang thờ, lao lam, tượng gỗ, bộ lỗ bộ, tượng ngựa...), các tượng gốm sứ (tượng lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu, tượng quy đội hạt bằng sứ...), các phù điêu bằng gốm sứ, các loại đồ đồng như chiêng, lư đồng, chân đèn trên các bàn thờ... Các phướn, rèm khánh, tàn lộng, sắc kỳ, cờ quạt... thêu nhiều hoa văn khác nhau cũng là những tác phẩm mỹ thuật thủ công góp phần tạo nên nét cổ kính của không gian bên trong đình. Các tác phẩm thủ công mỹ nghệ trên được gìn giữ một cách hoàn chỉnh trong công trình kiến trúc đình phản ánh sự sắc sảo của nghề thủ công mỹ nghệ của cư dân Sài Gòn - Gia Định.

Vào dịp lễ lớn như lễ Kỳ Yên, ngoài các nghi thức lễ, người dân cũng được thưởng thức các bài nhạc lễ của các ban nhạc lễ với các nhạc cụ truyền thống. Nghi thức dâng lễ của các “học trò lễ” trong những bộ lễ phục tiến thoái quy củ theo lời của người xướng lễ càng làm cho quang cảnh cuộc lễ thêm phần sống động và cổ kính. Lễ phục của học trò lễ có lẽ ít nhiều tái tạo “cổ trang” của cung đình Việt. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa, các loại hình nghệ thuật của nhiều nền văn hóa trên thế giới xâm nhập vào nước ta, thì việc biểu diễn các tiết mục tuồng, hát bội đã làm sống lại sân khấu dân gian xưa. Quang cảnh đó cũng tạo nên sự gần gũi, đồng cảm giữa người biểu diễn và người xem chứ không ngăn cách như trong các sân khấu hiện đại.

Kết luận

Có thể thấy rằng, chức năng của đình Tân Thới Nhì đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.HCM có ý nghĩa lớn trong giai đoạn hiện nay. Với những chức năng giáo dục, gắn kết cộng đồng, kiểm soát xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa, đình Tân Thới Nhì đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được phong phú, tốt đẹp hơn, đóng góp rất lớn vào hoạt động văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

___________________

1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, 3 tập (Thượng Trung, Hạ), Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nxb Nha văn hóa phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1972, tr.83-84.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Ngọc Diệp, Một ngôi đình miền Nam Việt Nam, Tập san Khảo cổ, số 5, 1985, tr.112-122.

2. Hồ Sơn Diệp, Nguyễn Văn Hiệp (chủ biên), Đình chùa lăng miếu - Di sản văn hóa vật thể của người Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2014.

3. Kim Định, Triết lý cái đình, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1971.

4. Nguyễn Văn Đường, Lược khảo phong tục miền Nam, Tiểu luận Cao học, bản in ronéo, Thư viện Đại học Văn khoa Sài Gòn, 1971.

5. Mạc Đường (chủ biên), Làng xã ở châu Á và ở Việt Nam, Nxb TP.HCM, TP.HCM, 1995.

6. Lưu Song Hà, Tín ngưỡng Thành Hoàng và lễ hội, Tư liệu Trung tâm Tâm lý xã hội, Hà Nội.

7. Lê Văn Hảo, Một số tài liệu về đình, Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, số 3, 1966, tr.51-76.

8. Trần Ngọc Khánh, Đề cao giá trị tinh thần trong bảo tồn di sản các di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam (Những vấn đề Khoa học xã hội và Nhân văn, chuyên đề Văn hóa học), Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016.

9. Nguyễn Bá Lăng, Đình Làng, Tạp chí Phương Đông, số 5, 1971, tr.353-360.

Ths LÊ THỊ HỒNG NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;