Nhà đấu giá Millon Pháp ký kết hợp tác với đối tác Việt Nam

Ngày 19-4-2024, lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa nhà đấu giá Millon Pháp với các đối tác Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Sự hợp tác này mở ra nhiều tín hiệu tích cực, kỳ vọng góp phần tạo nên sự khởi sắc, chuyên nghiệp cho thị trường nghệ thuật Việt Nam và tăng cường giao lưu Việt-Pháp.

Toàn cảnh buổi lễ ký kết hợp tác

Tham dự lễ ký kết có: ông Franck Bolgiani – Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Giám đốc Viện Pháp Hà Nội; ông Alexandre Millon – Chủ tịch Nhà đấu giá Millon Pháp; cùng các đối tác Việt Nam: ông Hoàng Duy Cương – Giám đốc Công ty Cổ phần Blue Indochine; bà Đỗ Thị Hồng Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt; nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh – Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View, đại diện đơn vị tư vấn.

Sự kiện này là dấu mốc khởi đầu để văn phòng đại diện Millon Pháp tại Việt Nam hoạt động theo quy chuẩn của một nhà đấu giá quốc tế, tăng cường giao lưu văn hóa Việt – Pháp, tạo sự sôi động cho thị trường đấu giá nghệ thuật Việt, từ đó nâng tầm nghệ thuật, văn hóa Việt Nam.

Ông Alexandre Millon – Chủ tịch Nhà đấu giá Millon Pháp và các đối tác Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Bùi Hoàng Anh - Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết hơn 50 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, đã có rất nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ song phương và đa phương được thiết lập và phát triển như kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, tư pháp và quản trị, văn hóa và du lịch… Do nhiều yếu tố lịch sử, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bản địa của Việt Nam được người Pháp sưu tầm và lưu giữ.

Ngoài các tác phẩm nghệ thuật của nhiều danh họa tên tuổi thì còn có các cổ vật quý như tác phẩm nghệ thuật của Vua Hàm Nghi, các hiện vật nghệ thuật cũng như đồ ngự dụng của Vua Bảo Đại. Những tác phẩm này từng được các nhà đấu giá như Aguttes, Lynda Trouvé, Millon trưng bày, giới thiệu và bán đấu giá tại Pháp… Ngoài thế mạnh về cổ vật, đồ tạo tác quý hiếm, Millon cũng tìm kiếm, nghiên cứu đưa ra thị trường những tác phẩm quý của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và của những giáo sư người Pháp sáng tác chủ đề về Việt Nam từ năm 1925. Nhà đấu giá Millon đã bán đấu giá thành công nhiều hiện vật và tác phẩm quý của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến sự kiện Millon đã bán đấu giá thành công tác phẩm sơn mài Phong cảnh PhnomPenh Campuchia của họa sĩ Lê Quốc Lộc với giá hơn 1,2 triệu euro vào năm 2021.

Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm quý của các danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu… cũng đã được đấu giá thành công ở mức giá cao. Rất nhiều hiện vật quý đã được trở lại Việt Nam, đặc biệt nhất phải kể đến Ấn vàng "Hoàng Đế Chi Bảo" hồi hương trong sự hợp tác đầy thiện chí giữa Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam và đại diện bảo tàng tư nhân Nam Hồng cùng Nhà đấu giá Millon sau ba ngày thương thảo.

Ông Alexandre Millon – Chủ tịch Nhà đấu giá Millon Pháp cho biết, sau nhiều tìm hiểu, tiếp cận thực tế tại Việt Nam, ông nhận thấy tiềm năng, sự phát triển tại đây nên đã có những kế hoạch mở ra quan hệ đối tác địa phương để quảng bá các tác phẩm và đồ tạo tác nghệ thuật của Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa Pháp với Việt Nam và thúc đẩy thị trường nghệ thuật Việt Nam như một phần của mối quan hệ hợp tác này.

Ông Alexandre Millon phát biểu tại lễ ký kết

Ông Alexandre Millon cũng chia sẻ: “Việc tổ chức đấu giá cho hiện vật lịch sử - ấn vàng "Hoàng Đế Chi Bảo" và kết quả của nó đã thuyết phục tôi rằng, chúng tôi cần tiến xa hơn nữa đối với thị trường nghệ thuật Việt Nam và giao lưu Pháp - Việt. Từ sự hợp tác trao đổi giữa Millon với chính quyền Pháp, cùng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ VHTTDL Việt Nam đã giúp chúng tôi đưa về Việt Nam thành công báu vật quốc gia này. Qua thương vụ này và trước hiện thực 95% các cổ vật, tác phẩm của Việt Nam đấu giá tại các nhà đấu giá quốc tế đều do người Việt Nam mua về, Millon quyết định mở văn phòng đại diện tại Hà Nội để người Việt có thể dễ dàng tham gia trực tiếp các phiên đấu giá mà không cần phải qua Pháp.

Trong gần 10 năm  qua, Millon đã tổ chức nhiều phiên đấu giá dành riêng cho nghệ thuật Việt Nam tại Paris, khoảng 80% người mua là nhà sưu tập Việt Nam, trong khi đa phần người bán là người châu Âu. Hầu hết đồ vật và tác phẩm đã quay trở lại làm phong phú thêm các bộ sưu tập của Việt Nam, đặc biệt nhờ các cuộc đấu giá công khai. Millon Việt Nam được lập ra với mục tiêu tạo điều kiện cho người bán các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam tin tưởng ủy thác các hiện vật quý; người mua có cơ sở pháp lý để thực hiện sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật với các giá trị nguồn gốc công khai, minh bạch; giảm bớt rủi ro hay chi phí mua bảo hiểm đắt đỏ khi phải di chuyển giữa các quốc gia”.  

Tại buổi lễ, thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Nhà đấu giá Millon – Pháp và Công ty Cổ phần Blue Indochine, Công ty Lạc Việt và Công ty Viet Art View đã được ký kết.  

Tác phẩm "Hoa cúc vàng" của họa sĩ Lương Xuân Nhị tham gia phiên đấu giá ngày 20-4 của Nhà đấu giá Millon

Chiều ngày 20-4-2024 theo giờ Việt Nam, phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam” do nhà đấu giá Milon điều hành được tổ chức tại Pháp với hình thức phối hợp trực tuyến “duplex” song song tại Việt Nam và Pháp. Phiên đấu giá bao gồm 100% các tác phẩm Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm quý của các danh họa Vũ Cao Đàm, Lương Xuân Nhị, Lê Phổ… Các nhà đầu tư, nhà sưu tập Việt Nam có thể tham dự phiên đấu giá này từ Việt Nam qua điện thoại hoặc trực tuyến trong một phòng trưng bày tại Hà Nội để thưởng lãm nghệ thuật và giao lưu.

Việc thực hiện phiên đấu giá này dựa trên thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa nhà đấu giá Millon Pháp và Công ty Blue Indochine (sau này sẽ trở thành Millon Vietnam). Theo đó, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt sẽ tư vấn, cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản và tất cả những vấn đề pháp lý cho hoạt động đấu giá của Millon Vietnam và Công ty Viet Art View sẽ hợp tác các vấn đề liên quan đến tư vấn giám tuyển tác phẩm nghệ thuật, truyền thông và nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động nghệ thuật khác. 

Một vài tác phẩm của các danh họa Việt Nam trong phiên đấu giá ngày 20-4

Ông Hoàng Duy Cương - Giám đốc của Công ty Cổ phần Blue Indochine cho biết, trong quá trình làm việc tại Pháp, ông nhận thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và cổ vật của Việt Nam đã được đấu giá tại đây. Có nhiều bất cập khi các hiện vật phải di chuyển cẩn trọng từ Pháp hoặc một số quốc gia khác về Việt Nam cũng như ngược lại, bởi tất cả đều là những hiện vật và tác phẩm quý, có giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật cũng như giá trị vật chất lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, quy chuẩn cho một nhà đấu giá tầm quốc tế vẫn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, ông Hoàng Duy Cương đã ấp ủ tạo mô hình để người Việt Nam tham gia mua tác phẩm nghệ thuật dễ dàng hơn. Thông qua một nhà đấu giá uy tín chuẩn quốc tế của châu Âu để thực hiện các phiên đấu giá (bằng việc trả giá trực tuyến) tác phẩm nghệ thuật và cổ vật của Việt Nam ngay tại Việt Nam, nhằm đưa cổ vật hồi hương và cùng các đối tác khác đưa ngành đấu giá hội nhập thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Các thủ tục pháp lý đang được hoàn thiện những bước cuối cùng để nhà đấu giá Millon của Pháp mở văn phòng đại diện ở Việt Nam với tên gọi Millon Việt Nam, cùng các phiên đấu giá tuân thủ luật pháp của cả hai nước.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;