Người giữ gìn di sản Hát văn

Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật Hát văn, anh Lưu Đức Anh Tuấn (Ninh Giang, Hải Dương) đã và đang nỗ lực trao truyền lại vốn văn hóa quý giá của dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 Anh Lưu Đức Anh Tuấn (giữa) trong một buổi biểu diễn Hát văn 
 

Đam mê Hát văn

Lưu Đức Anh Tuấn sinh năm 1978 tại mảnh đất Ninh Giang, một miền quê giàu giá trị văn hóa truyền thống. Niềm đam mê Hát văn của anh Tuấn sớm được hình thành bởi quê hương có di tích Đền Tranh, nơi thờ quan lớn Tuần Tranh - một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thu hút nhiều thanh đồng đạo quan về trình diễn. Từ nhỏ, anh đã được đắm mình trong không gian linh thiêng của những chương trình diễn xướng hầu Thánh, trong vàng son rực rỡ của nội tự đền. Anh từng như say, như mê với những điệu múa điêu luyện của thanh đồng trên nền nhạc và lời Hát văn ngọt lịm của những nghệ sĩ thành danh như Khắc Tư, Xuân Hinh... Những khi đó, từ trong vô thức, anh lẩm nhẩm hát theo như người mộng du. Dần dần, niềm đam mê hát văn ngấm vào anh từ lúc nào không hay. Thế rồi anh lọt vào "mắt xanh" của thầy Đinh Văn Kền, người Thái Bình khi đang trình diễn Hát văn tại di tích. Năm 1998, ông quyết định chọn anh làm học trò để truyền dạy nghệ thuật Hát văn. Để anh có thể lĩnh hội được đầy đủ về nghệ thuật này, thầy Kền đã kết nạp anh vào tổ nhóm hát văn của mình, lúc đó có 3 thành viên (1 đàn, 1 phách, 1 trống) để anh có thể học hỏi được tất cả kiến thức từ các thành viên khác trong nhóm.

Không phụ công thầy, chỉ sau một năm, anh Tuấn đã nắm vững đầy đủ các niêm luật về nhịp trống, phách, cách chơi đàn, thuộc lời và có thể hát được các bản văn cổ để phục vụ các thanh đồng biểu diễn. Đây không phải là điều mà ai cũng dễ dàng làm được. Bởi những bản văn đều rất dài, mỗi bản văn chính tương ứng với một giá hầu, gắn liền với sự tích của một vị thánh, mỗi canh hầu thường có 20-36 giá hầu, bấy nhiêu giá hầu là từng đó bản văn khác nhau, cần phải rất tập trung và chịu khó mới có thể thuộc hết được. Như một giá hầu quan lớn Tuần Tranh bao gồm một bản văn chính dài 4-5 trang giấy, thêm 3-4 bản văn phụ. Bản văn chính lại có nhiều lề lối khác nhau như: kiều, sai, dọc, phú, thơ, kiều Dương..., mỗi lề lối ứng với từng động tác, cung bậc của người trình diễn hầu đồng. Người hát và người trình diễn phải có sự tương tác, cộng hưởng với nhau để tạo nên sự thăng hoa của buổi trình diễn, đây cũng là điểm độc đáo của loại hình nghệ thuật này.

Không chỉ tiếp thu những kiến thức từ người thầy của mình, anh Tuấn còn chịu khó học hỏi những lề lối Hát văn mới, biểu diễn bằng những nhạc cụ mới từ những nghệ nhân Hát văn khi đến biểu diễn tại di tích.

Với sự nỗ lực của bản thân và sự chỉ bảo của các thầy, anh Tuấn ngày càng hoàn thiện kỹ năng của mình. Năm 2010, anh cùng một số tổ nhóm Hát văn thành lập Câu lạc bộ Hát văn Đền Tranh, xã Đồng Tâm với 26 thành viên, đồng thời phát triển thêm các nhạc cụ để phục vụ biểu diễn như: sáo, đàn bầu, líu, đàn thập lục... Có thể coi câu lạc bộ là nơi Hát văn phát triển lớn mạnh nhất trên địa bàn tỉnh với số lượng và chất lượng các thành viên đều ở mức cao. Nhờ vậy, cũng trong năm 2010, khi được Trung tâm Văn hóa tỉnh mời đại diện tham gia trình diễn tại Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng tại tỉnh Vĩnh Phúc, CLB của anh giành được HCV cho giá hầu và HCB cho dàn nhạc. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Văn hóa tỉnh quyết định thành lập CLB Hát văn xứ Đông vào năm 2013 với trên 40 thành viên,  anh Tuấn giữ vai trò Chủ nhiệm CLB.

"CLB được thành lập không chỉ giúp các nghệ nhân trong tỉnh gắn kết mà còn tạo điều kiện để có thể giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức về Hát văn của các vùng miền trên cả nước. Từ đó, vừa làm phong phú thêm nghệ thuật Hát văn của tỉnh nhà, vừa tạo động lực để nhiều người đến với môn nghệ thuật này, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả nhất"- anh Tuấn chia sẻ.

Theo sát những bước đi thăng trầm của nghệ thuật Hát văn, anh Tuấn đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài Hát văn với nhiều làn điệu khác nhau. Anh cũng là người vừa biết đàn, hát, gõ phách và nắm được đầy đủ niêm luật, tinh túy và lề lối của các bậc nghệ nhân Hát văn xưa, đồng thời là người trung thành và chú trọng giữ gìn vốn cổ. Với nỗ lực của bản thân cùng các thành viên, từ khi thành lập đến nay, hằng năm CLB đều tham gia các Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn khắp mọi miền trên cả nước và đều giành giải cao. Bản thân anh Tuấn cũng giành được nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương sau nhiều năm tham gia cống hiến cho môn nghệ thuật này.

Ngoài Hát văn, anh Tuấn còn là thanh đồng thường xuyên tham gia diễn xướng hầu Thánh

Có tâm thì mới thành tài

Nếu chỉ theo nghề này vì kiếm tiền thì chưa chắc đã trụ được, bởi theo nghề này thật sự cần cái tâm: tâm học hành và tâm hy sinh, cống hiến. Cũng chính vì vậy mà anh Tuấn sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho bất kỳ ai có mong muốn gắn bó với môn nghệ thuật này một cách nghiêm túc. Bởi không nghiêm túc, không có ý chí quyết tâm thì sẽ rất khó để học.

Theo anh Tuấn, cái khó của Hát văn không chỉ dừng lại ở việc học, mà người theo nghề này còn phải hy sinh khá nhiều về sức khỏe. Để giữ giọng trong qua các canh hầu, những người hát văn thường phải ăn trầu, uống nước chè đặc, thậm chí phải hút thuốc  để dây thanh quản co lại sau thời gian dài biểu diễn. Thường thì mỗi canh hầu kéo dài khoảng 4-5 tiếng, dài nhất có thể lên tới 8 tiếng đồng hồ. Trong những dịp lễ trọng phải phục vụ các đoàn diễn hầu liên tục, có ngày lên tới 5 đoàn nên thời gian ăn, nghỉ rất ít, phải tranh thủ rất nhanh để tiếp tục biểu diễn. Vậy nên người nào không đảm bảo được sức khoẻ thì rất khó trụ được với nghề và cũng theo anh Tuấn, người Hát văn có tâm không phân biệt "đồng sang", "đồng hèn" và cải lời làm mất đi sự sang trọng của lời hát.

Vượt qua rào cản của những khó khăn đó, anh Tuấn truyền dạy được cho hơn 10 học trò. Một số học trò đã trưởng thành, có thể chơi được nhiều nhạc cụ và biểu diễn Hát văn thuần thục, được các cơ cánh hầu đồng đánh giá cao, trở thành niềm tự hào của anh sau nhiều năm cống hiến, truyền thụ. Không chỉ truyền thụ về làn điệu, nhịp phách, anh còn giúp họ hiểu được ý nghĩa của môn nghệ thuật này.

"Hát văn không chỉ bó hẹp trong nghi lễ hầu đồng, mà còn được coi loại hình âm nhạc dân gian độc đáo. Hát văn có thể thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong một bài, có hùng tráng, có bi oan theo giai thoại lịch sử của các vị thánh, đặc biệt là có thêm dấu ấn đặc trưng của văn hoá vùng miền. Âm nhạc và người diễn không có sự tập dượt, "ráp" từ trước, cái tinh tế của cung văn là lựa theo diễn xướng của thanh đồng để tạo ra sự cộng hưởng, và "bốc đồng" theo từng giá hầu. Do vậy, có thể xem hình thức diễn xướng dân gian này là một môn nghệ thuật tổng hợp, tinh tế, không thua kém những loại hình nghệ thuật khác"- anh Tuấn cho biết.

Năm 2016, khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Hát văn thật sự được quan tâm và có cơ hội để phát triển hơn. Có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát triển của loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này, cùng với mong muốn đưa nghệ thuật hát văn tới với đông đảo công chúng, anh Tuấn vẫn tiếp tục học hỏi và truyền thụ những kinh nghiệm quý giá của mình cho những người có cùng đam mê, đặc biệt là thế hệ trẻ. Anh mong muốn, qua quá trình giới thiệu, truyền dạy, giới trẻ có thể hiểu biết thêm về loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu, từ đó góp phần tôn vinh và giữ gìn nghệ thuật Hát văn nói riêng, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc nói chung.

Tác giả: Nguyễn Trường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

;